What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cường quốc phần mềm

thinktank.vn

Administrator
VINASA kỳ vọng 10 năm tới doanh số phần mềm Việt tăng 10 lần, đạt 30 tỉ USD
Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam sẽ chớp cơ hội, đi nhanh vào chuyển đổi số, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cũng đặt mục tiêu doanh số ngành phần mềm Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng 10 lần, đạt khoảng 30 tỉ USD

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ với các doanh nghiệp và báo chí tại sự kiện công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018”
Chia sẻ tại sự kiện công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức ngày 17/9, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Chương trình nhận xét, với lợi thế nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của ngành CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ mới. “Quá trình thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và đánh giá của Hội đồng Chung tuyển cho thấy, các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào “cuộc chơi 4.0”, kiến tạo một hình ảnh mới cho nền CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới …”, TS. Mai Liêm Trực cho hay

Cũng trong chia sẻ tại sự kiện này, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cho biết, trong phát biểu tại FPT Techday 2018 mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra vấn đề FPT cần phải có những ước mơ lớn hơn nữa để có thể tái sinh, phụng sự Tổ quốc. “Tôi cho rằng vấn đề này được Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt ra rất đúng thời điểm và đúng với tất cả các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam”, ông Bình nói

Đặt ra câu hỏi “CNTT Việt Nam đang ở đâu, chúng ta từng có ước mơ gì và ước mơ mới của chúng ta sẽ lớn hơn thế nào?”, ông Bình tự lý giải: trong 20 năm qua, với nỗ lực của cộng đồng CNTT, của các công ty phần mềm và dịch vụ CNTT, chúng ta đã đạt được một ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ CNTT thế giới. Vị Chủ tịch VINASA nêu: “Nếu 20 năm trước không ai biết Việt Nam, đến nay CNTT Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến. Và nếu như các nước Âu Mỹ quan tâm nhiều đến Ấn Độ, thì hiện Nhật Bản quan tâm nhiều đến Trung Quốc và Việt Nam. Nhiều năm qua, Việt Nam đã được Nhật Bản chọn là điểm đến mong ước của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng ta cũng đã có được một tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng”

Đề cập đến ước mơ lớn hơn của ngành CNTT Việt Nam trong chặng đường tới, ông Bình nhấn mạnh: “Vào thời điểm này, cuộc CMCN 4.0 đang phát triển như vũ bão vừa là thách thức cũng là cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói đến Việt Nam là một cường quốc công nghệ. Trong các giai đoạn tiếp theo, tôi nghĩ rằng, chúng ta không phải chỉ dừng lại ở việc có tên trên bản đồ CNTT thế giới mà còn phải nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT”

Một lần nữa khẳng định CMCN 4.0 mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, ông Bình cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp CNTT Việt Nam thời gian tới phải thật nhanh chuyển sang lĩnh vực chuyển đổi số, phải làm sao đẩy mạnh hơn nữa doanh số về chuyển đổi số. “Chúng ta phải làm quen với những công nghệ mới. Thời gian gần đây, khi nói chuyện với các doanh nghiệp, tôi được nghe nhiều về dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, về học máy, học sâu, robotic… Điều đó cho thấy chúng ta đang có sự chuyển đổi rất quan trọng nhưng chúng ta cần phải làm nhanh hơn nữa”, ông Bình nhận định

Làm một so sánh nhỏ về doanh thu và nhân lực của công nghiệp CNTT Ấn Độ và Việt Nam, ông Bình thông tin: trong năm 2017, quy mô công nghiệp CNTT Ấn Độ khoảng 160 tỉ USD, trong khi Việt Nam là 3,2 tỉ USD. Còn về tốc độ tăng trưởng, theo thống kê của Bộ TT&TT, có những doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam tương đương với Ấn Độ là 15%. “Nghĩa là nếu chúng ta còn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì không đời nào đuổi kịp Ấn Độ”, ông Bình chỉ rõ

Về lực lượng lao động, theo ông Bình, ước tính Việt Nam có khoảng 350.000 nhân lực làm phần mềm trong tổng số khoảng 780.000 người làm trong lĩnh vực CNTT; trong khi đó, CNTT Ấn Độ có 2,8 triệu nhân lực và họ tạo ra công ăn việc làm cho 8,9 triệu người, đóng góp tới 7,7% vào GDP đất nước. “Chưa có tới 1 triệu nhân lực làm phần mềm thì chúng ta khó có thể nói mình là cường quốc về phần mềm”, Chủ tịch VINASA thẳng thắn

Cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cần phải làm mạnh hơn, nhanh hơn để vượt qua "ngưỡng" doanh thu và nhân lực hiện nay, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình kỳ vọng: “Các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam chớp lấy cơ hội này, đi nhanh vào chuyển đổi số, tạo vị thế cho Việt Nam trở thành một quốc gia thông thạo về chuyển đổi số, đẩy doanh số tăng trưởng tốc độ cao hơn nữa, sao cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong 10 năm tới phải tăng cỡ 10 lần, tức là lên thành 30 tỉ USD và vượt ngưỡng 1 triệu lập trình viên”
 
Last edited:
VINASA muốn Việt Nam thành cường quốc công nghệ thông tin
- Năm 2017 ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đạt 374.433 tỉ đồng doanh thu, tương đương 16,69 tỉ đô la. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đang muốn thúc đẩy doanh thu của ngành này lên gấp 10 lần trong 10 năm tới để Việt Nam có thể trở thành cường quốc về CNTT
71e7e_hop_bao_top_50_a1.jpg

VINASA họp báo công bố 50 doanh nghiệp CNTT tiêu biểu Việt Nam 2018

Tại lễ công bố danh sách 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam diễn ra vào chiều 17-9, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, sau nhiều cố gắng Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới. Giai đoạn tiếp theo, cả Chính phủ và VINASA đều muốn Việt Nam trở thành cường quốc về CNTT

Ông Bình cho biết hiện quốc gia phát triển mạnh về dịch vụ CNTT là Ấn Độ có doanh 2017 là 160 tỉ đô la. Trong khi đó ngành này của Việt Nam đạt doanh thu 16,69 tỉ đô la. Mặc dù doanh thu ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam còn kém Ấn Độ nhiều nhưng Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm bằng Ấn Độ (tăng 13% mỗi năm)

Ông Bình cho rằng nếu giữ tốc độ tăng trưởng này thì không bao giờ đuổi kịp được Ấn Độ, các doanh nghiệp cần phải phấn đấu để có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn. Ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cần phấn đấu có doanh thu tăng 10 lần trong 10 năm tới. Để đạt được điều này, ông Bình cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cung cấp những dịch vụ và giải pháp với công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số…

Được biết, chương trình bình chọn và công bố 50 doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng là một trong những nỗ lực của VINASA để tăng cường nhận biết của thế giới về ngành này của Việt Nam. Bởi ông Bình cho rằng muốn thu hút khách hàng nước ngoài thì không chỉ cần phát triển thương hiệu của một doanh nghiệp mà cần tạo hình ảnh Việt Nam là một địa chỉ cung cấp dịch vụ CNTT của thế giới như kiểu “buôn có bạn, bán có phường”

VINASA cho biết, năm 2017 ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đạt 374.433 tỉ đồng doanh thu, tương đương 16,69 tỉ đô la. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp được bình chọn đạt 71.857 tỉ đồng, tương đương 3,2 tỉ đô la, chiếm 35,5% doanh thu toàn ngành với tổng số nhân lực là 92.795 người, chiếm gần 23% tổng số nhân lực toàn ngành

Trong số này, có những đơn vị đang là doanh nghiệp trụ cột của nền công nghệ Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG…

Vân Ly
 
1 triệu nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Cùng xu hướng phát triển CNTT với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới cùng trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Đặc biệt, ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực CNTT lên tới hơn 1 triệu người vào năm 2020

“Thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI) đã trở nên trầm trọng ngay trên toàn châu Á – nguồn nhân lực hiện có đủ đáp ứng cho công việc trên AI trên toàn cầu cũng chỉ dừng lại ở mức 300.000 người, trong khi nhu cầu là hàng triệu chuyên gia. Điều này có nghĩa là nhân lực công nghệ cao trong AI sẽ vẫn còn thiếu hụt trên toàn cầu trong tương lai gần” - Tiến Sỹ Alan Sixsmith - Giảng viên cao cấp Tiến sĩ Alan Sixsmith đến từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) chia sẻ

Hiện nay, các nhà tuyển dụng trên toàn châu Á đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên CNTT đủ điều kiện để lấp đầy các vị trí tuyển dụng. Khoảng 18-22% các tổ chức thấy khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên CNTT cấp trung

photo-1-15377966292161617025310.jpg

Sinh viên ngành CNTT đang có nhiều cơ hội việc làm toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

“Với nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao trên toàn cầu, những cá nhân có các kĩ năng phát triển và quản lý CNTT sẽ có nhiều lợi thế hơn. Chọn được nguồn cung ứng nhân lực phù hợp để đáp ứng các cơ hội phía trước vẫn đang là vấn đề nan giải của nhiều doanh nghiệp”

Còn tại Việt Nam, báo cáo năm 2018 của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Khối thịnh vượng chung về Nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu tuyển dụng hơn một triệu nhân lực CNTT vào năm 2020, với nhu cầu về kỹ năng CNTT tăng 47% mỗi năm

Xu hướng nóng về CNTT ở Việt Nam bao gồm Trí tuệ nhân tạo, Lưu trữ đám mây, Thực tế ảo (VR), Thực tế tăng cường (AR) và công nghệ Blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm Internet vạn vật, Thương mại điện tử, Quy trình kinh doanh và Gia công phần mềm CNTT

Về vai trò của công nghệ thông tin tại Việt Nam, tiến sĩ Sixsmith cho biết “Cơ sở hạ tầng CNTT và công nghệ kỹ thuật số vững chắc sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất”

Với bản kế hoạch tổng thể phát triển ngành Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin của Chính phủ Việt Nam, dự đoán các ngành này sẽ đóng góp 8-10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vào năm 2020

Tiến sĩ Sixsmith cho hay “các nhà tuyển dụng Việt Nam cần nhân viên có kỹ năng CNTT và trình độ kỹ thuật số xuất sắc, nhưng những nhân viên này cũng cần có kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội tốt để xây dựng các nhóm làm việc và giao tiếp hiệu quả với khách hàng quốc tế”

“Nguồn nhân lực hiện nay cần có các kỹ năng và kinh nghiệm đa lĩnh vực cũng như tính sáng tạo, hợp tác, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tế”, Tiến sỹ Sixsmith cho biết thêm

Duy Anh
 
Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cường quốc an ninh mạng cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng thì không ai đánh mình, vì thế có hoà bình và con cháu chúng ta sẽ không phải chết trên sa trường

nguyen-manh-hung.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cường quốc an ninh mạng cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực

Trong Ngày ATTT Việt Nam 2018 với chủ đề “ATTT trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh” diễn ra ngày 30/11/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi thông điệp đến các bạn trẻ làm trong lĩnh vực an ninh mạng. Trong thông điệp của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khơi gợi trong mỗi bạn trẻ làm an ninh mạng một làn gió mới, khát vọng mới để thay đổi số phận dân tộc trước một cơ hội mới

Mở đầu phần thông điệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, với gần 10.000 cuộc tấn công mạng trong một phút trên toàn cầu thì thực ra chúng ta đang sống trong chiến tranh. Một cuộc chiến toàn cầu, không ai sống trong môi trường mạng mà không có rủi ro bị tấn công

Bộ trưởng cho rằng, người giỏi nhất mọi thời đại đều là các chiến binh. Nếu chúng ta sống trong thời chiến, với tinh thần chiến đấu thì chúng ta sẽ giỏi lên. Những người làm an ninh mạng phải là những chiến binh an ninh mạng, những chiến binh bảo vệ hoà bình. Các bạn có cơ hội là những người giỏi nhất

Hầu như không có ngành nào tổ chức được các chiến binh toàn cầu, bảo vệ hoà bình thế giới. Đội ngũ chiến binh toàn cầu này, nếu sát cánh bên nhau thì sẽ là giỏi nhất thế giới, sẽ là người chiến thắng

hacker-mu-coi-.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao lưu với các bạn trẻ làm về lĩnh vực an ninh mạng

"Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn tức là làm cho thế giới thịnh vượng hơn. Đội ngũ an ninh mạng đang làm cho quốc gia mình, làm cho thế giới thịnh vượng hơn. Các bạn đang thúc đẩy sự thịnh vượng của nhân loại. Chúng ta sống trong thế giới ảo mới chục năm, còn rất sơ khai, rất ít kinh nghiệm, rất ít hệ thống luật điều chỉnh, rất ít hệ thống chính quyền, khác với thế giới thực đã có cả ngàn năm kinh nghiệm. Những chiến binh an ninh mạng chính là người sẽ tạo ra thế giới ảo an toàn như thế giới thật. Đây là sứ mạng lịch sử trao cho các bạn", Bộ trưởng nhấn mạnh

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ TT&TT, thế giới thực khoảng 5.000 tuổi, thế giới ảo mới 10 tuổi. Chúng ta hãy tưởng tượng 4.990 năm trước đây thì xã hội của chúng ta thô sơ như thế nào! Thế giới ảo bây giờ cũng thô sơ như thế, như con người cách đây 4.990 năm. Và đây là cơ hội của các bạn

Bộ trưởng cho rằng, cuộc sống thực đang được ánh xạ vào thế giới ảo, vào không gian mạng. Khá nhiều logic của cuộc sống thực có thể áp dụng vào thế giới ảo. Do vậy, đội ngũ an ninh mạng hoạt động trong không gian ảo rất cần hiểu cuộc sống thực, logic cuộc sống thực. Các bạn cần sống trong đời thực nhiều hơn để làm tốt hơn trong thế giới ảo

Bộ trưởng cũng đặt niềm tin và hy vọng các bạn trẻ làm an ninh mạng sẽ gánh vác thành công sứ mệnh lịch sử của dân tộc: "Các em đang sống trong một môi trường thay đổi rất nhanh, thì càng phải giữ một cái đứng yên, bất biến. Muốn đi nhanh thì phải dựa vào một cái ổn định, giống như bánh xe quay nhanh thì trục xe phải ổn định, phải đứng im. Càng nhanh phải càng ổn định. Vậy cái bất biến ổn định đó là gì ? Đó là khát vọng vì một thế giới tốt đẹp hơn, khát vọng về dân tộc mình hùng cường và hoà bình

nguyen-manh-hung-.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời nhiều câu hỏi của các bạn trẻ về vấn đề an ninh mạng

Việt Nam chúng ta có cơ hội thành cường quốc về an ninh mạng. Chúng ta đã bị bỏ lỡ cơ hội để trở thành cường quốc công nghiệp, cường quốc quân sự. Không gian mạng là tương lai của loài người. Cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Việt Nam phải là cường quốc thì mới hoà bình lâu dài, không ai đánh được mình. Các em có thể thay đổi số phận dân tộc này, trở thành cường quốc về an ninh mạng, vì mạnh nên không ai đánh mình, không có chiến tranh, vì thế có hoà bình, con cháu chúng ta sẽ không phải chết trên sa trường"

Kết thúc thông điệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một lần nữa khát vọng về một dân tộc hùng cường mà ở đó những người trẻ làm trong lĩnh vực an ninh mạng đang và sẽ phải thực hiện: "Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước, với khát vọng dân tộc hùng cường, với một giấc mơ lớn, tài nguyên vô tận trong não người Việt Nam sẽ được khai thác, các em có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hoà bình thế giới"

ICT
 
Top