What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

EU ThinkTank

thinktank.vn

Administrator
Châu Âu phải ứng dụng blockchain để tránh trở thành
"Thuộc địa không gian mạng - Cybercolonization”

AI hoạt động dựa trên dữ liệu nhưng thực tế là các công ty công nghệ của Hoa Kỳ kiểm soát và khai thác một lượng lớn dữ liệu châu Âu, lần lượt độc chiếm nền kinh tế kỹ thuật số của Châu Âu. Tuy nhiên, mọi vấn đề tồn tại với các thị trường và nền tảng đóng kín, độc quyền có thể được giải quyết dễ dàng với blockchain

Vào ngày 27 tháng 9, Hội đồng Cạnh tranh EU đã gặp gỡ tại Brussels để thảo luận cách hỗ trợ số hóa của châu Âu, đặc biệt liên quan đến trí tuệ nhân tạo - một khu vực có tiềm năng to lớn, nhưng cũng phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu. AI hoạt động dựa trên dữ liệu và thực tế đáng tiếc là các công ty công nghệ của Hoa Kỳ kiểm soát và khai thác một lượng lớn dữ liệu của Châu Âu, lần lượt độc chiếm nền kinh tế kỹ thuật số của Châu Âu

16 giám đốc điều hành các công ty trong lĩnh vực dữ liệu số đã ký một lá thư gửi tới các Bộ trưởng của Hội đồng - những người tham gia vào một cuộc tranh luận chính sách công và “kiểm tra năng lực cạnh tranh” tại cuộc họp hôm thứ Năm để kêu gọi tập trung vào những vấn đề độc quyền này, từ việc loại trừ các bên thứ ba đến những thay đổi tự phát đối với các điều khoản cam kết đối với sự can thiệp không được điều chỉnh. Có những lựa chọn thay thế để chuyển đi các dữ liệu và do đó ảnh hưởng đến chủ quyền, một chủ đề quan trọng của Hội đồng kỹ thuật số quốc gia ở Pháp đang dẫn dắt nhóm làm việc tập trung vào AI và sự riêng tư

Pháp đã nỗ lực cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài vào không gian này, đã mở các trung tâm AI trong khi dường như bỏ qua thực tế là Google, Apple, Facebook đã không đóng thuế trong nước. Điều này làm tổn thương sự đổi mới và nhiều công ty khởi nghiệp trong nước làm việc chăm chỉ để cải thiện cho khu vực này. London, Paris, Berlin và Zug là các điểm đến công nghệ phổ biến, nhưng các điểm đến này thường bị lu mờ hoặc bị đẩy ra khỏi thị trường vì những người chơi chiếm ưu thế ở Hoa Kỳ

Google, công ty thống trị thị trường tìm kiếm web, chiếm 77% của tất cả các tìm kiếm trên Internet và xử lý 400.000 tìm kiếm mỗi giây - thu thập một lượng đáng kể dữ liệu trong quá trình xử lý này. Sự thống trị như vậy như chuyên gia AI Cedric Villani đã nói một cách khéo léo rằng các công ty nước ngoài lớn đe dọa châu Âu trở thành “thuộc địa không gian mạng (cybercolonization)”


Các nền tảng trực tuyến trung gian hoạt động mua và bán chiếm tới 60% mức tiêu dùng cá nhân của hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số. Châu Âu không thể lỏng lẻo và mù quáng mở cửa thị trường của mình cho các nền tảng nước ngoài, những công ty chỉ tạo ra sự độc quyền. Mục tiêu của các công ty nền tảng là khóa cả người mua và người bán vào hệ sinh thái của họ - hệ sinh thái là trung tâm của phần lớn các giao dịch số. Mức độ tập trung này đã trở nên phụ thuộc vào độc quyền công nghệ và thiếu chủ quyền quốc gia. Ngay cả những công ty "địa phương" hoạt động trong AI ở Châu Âu cũng thường phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của Mỹ

Các vấn đề tồn tại đối với các thị trường và nền tảng đóng, độc quyền có thể được giải quyết dễ dàng với công nghệ blockchain. Thông qua GDPR, Châu Âu và Pháp là những nơi đầu tiên điều chỉnh quyền riêng tư về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền lợi cá nhân và chủ quyền kỹ thuật số từ các đại gia công nghệ nước ngoài. Thực tế thì công nghệ blockchain đã phát triển nhanh hơn ở Châu Âu so với ở Silicon Valley, tiến thêm một bước nữa thì có thể biến Châu Âu thành Thung lũng Crypto tiếp theo. Trí tuệ nhân tạo AI phi tập trung, khi đó các thuật toán chạy trực tiếp trên thiết bị người dùng cuối, ngăn chặn tất cả dữ liệu nhạy cảm được gửi tới các đám mây

Ngoài ra, thay vì có một trung gian giữa những người mua và bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ số, blockchain cho phép các thị trường ngang hàng. Các thị trường này thường không có phí trung gian, nghĩa là tất cả giá trị có thể được người mua và người bán nắm bắt. Mặt khác, khi các đại gia công nghệ Mỹ nắm giữ độc quyền, họ có thể tính phí, buộc một số loại hình thanh toán nhất định và ép buộc người dùng cuối theo vô số cách khác. Với cách tiếp cận phi tập trung, không có cá nhân hoặc công ty nào kiểm soát nội dung. Các nhà cung cấp và người mua quyết định cho mình những gì cần được đưa vào thị trường

Để làm cho châu Âu hấp dẫn đối với một số tên tuổi lớn nhất trong công nghệ và AI, một cách để tránh trở thành “thuộc địa không gian mạng” là nắm lấy các công nghệ phi tập trung. Đó chính là blockchain - chìa khóa cho cả sự đổi mới và chủ quyền


Đình Kiên
 
Last edited:
Châu Âu đặt cược 1 tỷ euro vào Sáng kiến lượng tử
Nghiên cứu và lắp đặt hai máy tính lượng tử có khả năng hoạt động ổn định – có thể là những máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới, nằm trong Sáng kiến nghiên cứu lượng tử do Ủy ban châu Âu tài trợ với tổng kinh phí 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD)

Được công bố lần đầu tiên vào năm 2016, đến ngày 29/10/2018, EU mới chính thức thông báo đợt tài trợ đầu tiên cho dự án Lượng tử này: mộttập đoàn nghiên cứu quốc tế gồm 20 thành viên, trong đó có các viện nghiên cứu công cũng như viện nghiên cứu tư, sẽ được cấp 132 triệu euro trong vòng 3 năm cho các dự án thành phần

Những nỗ lực này nhằm góp phần đưa châu Âuvào cuộc chạy đua toàn cầu nhằm đưa những nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm thành những ứng dụng thực tế như máy tính lượng tử hữu dụng, hứa hẹn khả năng thực hiện các nhiệm vụ như dự đoán phản ứng hóa học nhanh hơn máy tính thông thường theo cấp số nhân. Vào tháng 8/2018, chính phủ Đức mới công bố một sáng kiến nghiên cứu lượng tử trị giá 650 triệu euro

Là kế hoạch trọng điểm thứ 3 của Ủy ban châu Âu, sau Não người (Human Brain) và Graphene được khởi động từ năm 2013, sáng kiến nàyđược thiết lập để hưởng ứng “Bản tuyên ngôn Lượng tử” do một nhóm chuyên gia viết

Thông tin chi tiết và kêu gọi đề xuất công khai về sáng kiến này đã được nêu vào năm 2017. Kế hoạch tiên phong về lượng tử của châu Âu bao gồm 5 lĩnh vực: máy tính lượng tử; mô phỏng lượng tử; đo lường và cảm biến lượng tử; truyền thông lượng tử và khoa học lượng tử cơ bản. Phần lớn các nội dung này đều nằm trong đề xuất của tuyên ngôn lượng tử

Máy tính lượng tử

Các khoản tài trợ để nghiên cứu máy tính lượng tử đã được cấp cho khối nghiên cứu quốc tế với hai cách tiếp cận hàng đầu về công nghệ lượng tử: mạch siêu dẫn và những ion có khả năng bẫy điện từ trong môi trường chân không

Là đồng phụ trách dự án bẫy ion,Thomas Monz - nhà vật lý ở Đại học Innsbruck (Áo)cho rằng, mục tiêu của dự án là tạo ra một máy tính lượng tử bằngmột phương pháp tái lập – nếu chưa sản xuất đượchàng loạt – cách làm hiệu quả để tiến hành công việc mà không cần sự hỗ trợ thường xuyên của nhóm chuyên gia

“Cho tới nay, chúng tôi đã chứng minh được các nguyên lý cơ bản. Nếu các ion này chỉ hoạt động trong 1 ngày hoặc 1 giờ thì mọi việc tương đối ổn”, Monz cho biết. Họ dự định thiết kế và lắp đặt 1 máy tính lượng tử có kích thước bằng 2 chiếc tủ lạnh gia đình – nhỏ hơn đáng kể so với những thiết bị hiện tại vốn có kích thước bằng cả căn phòng

Trong lĩnh vực truyền thông lượng tử, khoản tài trợ được cấp cho Liên minh Internet lượng tử với 12 viện nghiên cứu và công ty trên khắp châu Âu nhằm phát triển một mạng lưới “viễn tải lượng tử” có khả năng truyền tin ở khoảng cách lục địa

Nhà vật lý Immanuel Bloch ở đại học Ludwig Maximilian, tại Munich, Đức, thuộc nhánh nghiên cứu phụ trách 3 dự án thành phần – ở Paris, Innbruck và Munich – để cải tiến sự mô phỏng lượng tử, mỗi loại trên một hệ thống khác nhau. Các thiết bị mô phỏng này sử dụng một hệ thống lượng tử để tái lập trạng thái lượng tử của một hệ thống khác

Các thiết bị này tương tự như máy tính lượng tử, nhưng đơn giản hơn – đặc biệt, chúng không nhạy cảm với sai số tính toán – do vậy có thể có những ứng dụng thực tế trong khoảng thời gian ngắn hơn. Trong các thiết bị này có cảmột “ưu thế lượng tử” – thực hiện các phép tính mà không máy tính thông thường nào có thể làm được. “Chúng tôi muốn sử dụng những nền tảng vô cùng tiên tiến này và chứng minh lợi thế của thiết bị lượng tử trong mô phỏng vật liệu và hóa học lượng tử”. Bloch cho biết

Những khoản tài trợ cho chuỗi dự án khác cũng được công bố, tên mỗi dự án đều chứa một chữ “Q”, từ PhoQuS tới UNIQORN. Một số công nghệ trong các dự án được đề xuất có tiềm năng thương mại hóa cao như các đồng hồ nguyên tử xách tay siêu chính xác, các thiết bị có kích cỡ bằng con chipcó thể tạo ra các số ngẫu nhiên và có tiềm năng sử dụng trong các mạng lưới bảo mật

Nhiều rủi ro

Khi tham gia Sáng kiến, phần lớn các phòng thí nghiệm sẽ khó có thể mua sắm được nhiều loại máy móc thiết bị hoặc tuyển dụng các nhà nghiên cứu: mặc dù 1 tỷ euro có vẻ nhiều nhưng lại được phân phối cho hàng chục phòng thí nghiệm trong suốt 10 năm. Thực tế EU chỉ cung cấp một nửa số tiền, phần còn lại thì các quốc gia thành viên đều phải tự chi trả

Nhà vật lý Lieven Vandersypen ở Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan cho rằng dự án tiên phongnày có thể đầy tham vọng nhưng mạo hiểm và rủi ro, trong khi “chỉ có 20 triệu euro được đầu tư cho máy tính” trong vòng tài trợ này. Ông đang chủ trì sự án xây dựng máy tính lượng tử trên một chip silicon, hợp tác với công ty bán dẫn khổng lồ Intel của Mỹ

Tuy nhiên, những người khác cho rằng lợi ích chính từ dự án này là buộc các tổ chức nghiên cứu hàn lâm và ngành công nghiệp phải đóng góp tri thức và nỗ lực của mình. “Đây sự khuyến khích chúng ta hợp tác trên quy mô toàn châu Âu”, Monz nhận xét

Thậm chí với những tập đoàn lớn muốn nhảy vào lĩnh vực này cũng cần tới những chương trình đầu tư công lớn để có thể duy trì đội ngũ chuyên gia, Rodney Van Meter, một kỹ sư ở Đại học Keio, Tokyo, từng làm việc trong lĩnh vực CNTT truyền thống và lượng tử, cho biết. “Cần lập các chương trình đào tạo nhân lực về lượng tử trong các trường đại học để chuẩn bị cho nhu cầu tuyển dụng của Google và Intel trong tương lai”

Cuộc chạy đua đến tương lai lượng tử

Các nước cấp vốn tài trợ, từ Canada cho tới Nhật Bản, cũng như các tập đoàn đang đặt cược vào những công nghệ lượng tử - một số công nghệ vẫn chưa được chứng minh về tính hữu dụng – có tiềm năng phát triển thành các thị trường trị giá hàng tỷ USD. Và châu Âu cũng muốn bảo đảm rằng sẽ thu được lợi nhuận trong tương lai, Tommaso Calarco, một trong số các tác giả của “Bản tuyên ngôn Lượng tử” và là một nhà vật lý lý thuyết ở Trung tâm Helmholt, Jülich, Đức, cho biết. Việc các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google và IBM tăng cường đầu tư vào lượng tử là “sự kích thích mạnh mẽ”khiến EUchọn vật lý lượng tử trở thành dự án tiên phong thứ ba

Anh cũng trở thành một trong những nước đi tiên phong trong lĩnh vực này khi khởi động Chương trình Công nghệ lượng tử quốc gia trị giá 270 triệu bảng. Trung Quốc là quốc gia vốn có nhiềuđầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm cả vệ tinh truyền thông lượng tử, cũng được đồn đại là đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu lượng tử trị giá hàng tỷ USD ở Hợp Phì

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Quốc hội đang xem xét một đề xuất đầu tư hơn 1,2 tỷ USD cho điện toán lượng tử

Đức cam kết tài trợ 650 triệu euro cho nghiên cứu lượng tử - mức cao nhất trong dự án Flagship của EU và sẽ kéo dài qua năm 2022 – có nghĩa là, tiền dự án phân bổ cho Đức mỗi năm sẽ nhiều hơn so với các nước châu Âu khác thuộc dự án – mặc dù chi tiết vẫn chưa được quyết định, Bloch, cố vấn chính phủ về chương trình này cho biết. Đặc biệt, hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu trong số tiền 650 triệu euro đã được bỏ vào quỹ tài trợ

Những dự án tiên phong trước đây của châu Âu – về vật liệu graphene và mô phỏng não bộ - đã bị chỉ trích, một phần vì họ đã cấp các khoản tài trợ không cạnh tranh. Các nhà tổ chức của dự án Flagship Lượng tử đã chủ ý đến điều này, Calarco cho biết. “Các khoản tài trợ được quyết định dựa trên những kêu gọi mở và được đánh giá bởi các cộng tác viên bên ngoài”


Thanh An
 
Last edited:
Eurocham khuyến nghị đẩy nhanh số hóa nền kinh tế
- Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hoá nền kinh tế, tiếp tục áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất cũng như trong các ngành công nghiệp khác

ab579_img_20190314_100012_1.jpg

Các đại biểu thảo luận về nên kinh tế số tại Việt Nam

Tại lễ ra mắt Sách Trắng 2019 "EVFTA - Đổi mới và số hoá công nghiệp vì một Việt Nam thịnh vượng" diễn ra ngày 14-3, ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, châu Âu là nhà xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chế tạo lớn nhất thế giới, và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của khoảng 80 quốc gia

“Chìa khoá thành công của chúng tôi là một khung pháp lý dựa trên tính minh bạch, thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, ông Bruno Angelet nói

Đối với Việt Nam, châu Âu tiếp tục là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất. Năm 2018, châu Âu mua tới 17% lượng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, thương mại hai chiều đã đạt 56,3 tỉ đô la, đưa thị trường này lên vị trí thứ 4 trong các đối tác thương mại lớn của nước ta
Việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) sắp tới sẽ là một bước quan trọng để tiếp tục kết nối các nền kinh tế của EU và Việt Nam

Cũng tại lễ công bố Sách Trắng, ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch Eurocham cho hay, kiến thức và mô hình đầu tư của châu Âu đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá trong ba thập kỷ qua. Thông qua những hình thức đóng góp này, các doanh nghiệp châu Âu muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tăng trưởng và cải cách trong tương lai

Chính phủ Việt Nam đang nắm bắt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các thành viên của Eurocham cam kết hỗ trợ Việt Nam tận dụng những lợi thế của mình, thúc đẩy tiến bộ của công nghệ số hoá và chuyển đổi thông qua sự đổi mới, sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin

“Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn khi tiếp tục bước sang một giai đoạn phát triển kinh tế xã hội cao hơn”, ông Nicolas Audier nói

Những mục tiêu này cũng chính là mục tiêu của Sách Trắng phiên bản lần thứ 11 này. Trong ấn bản, Eurocham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hoá nền kinh tế Việt Nam, tiếp tục áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất cũng như trong các ngành công nghiệp khác

Bên cạnh đó, chính phủ và các trường đại học nên hợp tác cùng nhau để nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động, đặc biệt tập trung vào giáo dục và đào tạo để trang bị cho sinh viên các công việc công nghệ cao trong nền kinh tế số sắp tới

Để bắt đầu thích ứng với công nghiệp 4.0, Eurocham cũng khuyến nghị Chính phủ hợp tác với các ngành để bắt đầu triển khai các giải pháp có thể mở rộng như quản lý vận hành, bảo trì tiên đoán, tối ưu hoá hàng tồn kho, tiết kiệm năng lượng và truy xuất nguồn gốc

Việt Nam cũng nên tiếp tục triển khai các sáng kiến tích cực như chính phủ điện tử, kinh tế số và xã hội số, hợp lý hoá và hiện đại hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân

Thùy Dung
 
EU trong cuộc đua “tiêu chuẩn hóa” với Trung Quốc

Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra chiến lược mới về tiêu chuẩn hóa nhằm ứng phó với sự thống lĩnh thị trường công nghệ của Mỹ và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc viết lại các quy định toàn cầu về công nghệ. Kế hoạch được công bố hôm 2-2-2022 trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp EU phàn nàn họ đang gặp bất lợi trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong các quy trình thiết lập tiêu chuẩn cho các lĩnh vực chiến lược

15.jpg

Phương Tây đang lo ngại về việc tham gia sâu rộng của Trung Quốc trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa toàn cầu

Chiến lược mới của EU sẽ mở rộng phạm vi của hệ tiêu chuẩn hóa của châu Âu, chuyển từ tập trung vào an toàn sản phẩm sang việc định hình các công nghệ của tương lai, với ưu tiên cho công nghệ xanh và công nghệ số. Ví dụ như tái chế các nguyên liệu thô quan trọng và phát triển hydro sạch, tỷ lệ phát thải thấp, chất bán dẫn và thu thập dữ liệu. Bên cạnh đó là vaccine và thuốc đặc trị Covid-19

“Cần xác định rằng chúng ta không phải là người tuân theo tiêu chuẩn, mà là người định ra tiêu chuẩn”, Ủy viên công nghiệp EU, Thierry Breton phát biểu

EC cũng sẽ tài trợ cho các dự án tiêu chuẩn hóa ở các nước EU thu nhập kém hơn và châu Phi, đồng thời ủy ban này sẽ theo đuổi kế hoạch phối hợp nhiều hơn giữa các thành viên EU và các đối tác, cụ thể là Trung Quốc

Bà Margrethe Vestager, Giám đốc EC phụ trách các vấn đề kỹ thuật số và cạnh tranh, nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cần các tiêu chuẩn để triển khai các dự án đầu tư quan trọng, như hydro hoặc pin và định giá đầu tư đổi mới bằng cách cung cấp cho các công ty EU lợi thế quan trọng của người đi tiên phong”

Yếu thế về công nghệ và tiêu chuẩn hóa

EC đang gặp áp lực trong việc đưa ra một chiến lược như thế trong nhiều năm qua, đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng sự có mặt của họ trong các cơ quan toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn

Chẳng hạn như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Từ năm 2011-2021, các vị trí thư ký có ảnh hưởng của Trung Quốc trong các ủy ban kỹ thuật và tiểu ban ISO đã tăng 58%, trong khi các vị trí như vậy do Mỹ, Đức và Nhật Bản nắm giữ vẫn không thay đổi nhiều – theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung (USCBC)

Theo Politico, ngay cả tại các tổ chức tiêu chuẩn hóa của châu Âu, đại diện từ các nước bên ngoài khối cũng đang chiếm số nhiều. Các hãng công nghệ Mỹ như Apple và Microsoft đã đầu tư rất lớn để có mặt tại các tổ chức định ra tiêu chuẩn ở EU. Huawei của Trung Quốc cũng làm điều tương tự trong nhiều năm qua. “Chúng tôi nhận được sự đóng góp từ các công ty bên ngoài châu Âu

Dĩ nhiên, công nghệ ở các nơi khác trên thế giới đã tiến triển, và điều này không thể tránh khỏi. Đây có thể là sai lầm chiến lược nếu không cân nhắc sự có mặt của doanh nghiệp EU tại chính các cơ quan tiêu chuẩn trong khối”, theo lời Luis Jorge Romero, Tổng giám đốc Tổ chức Tiêu chuẩn hóa châu Âu (ETSI) – một trong ba tổ chức được công nhận chính thức về tiêu chuẩn hóa ở châu Âu

Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói và vị thế lớn hơn trong việc định ra các tiêu chuẩn trong hơn hai thập niên qua

Cuối năm 2003, khi thế giới đang kết nối với WiFi, Trung Quốc đã đưa ra tiêu chuẩn riêng của mình – gọi là WAPI – và khẳng định rằng mạng này an toàn hơn WiFi. Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định các nhà sản xuất thiết bị sẽ phải tuân thủ nếu họ muốn bán sản phẩm của mình ở Trung Quốc. Điều này làm dấy lên tranh chấp thương mại với Mỹ, kết thúc bằng việc Trung Quốc tạm hoãn dự án vào năm 2004

Tháng 9-2019, tập đoàn Huawei và Chính phủ Trung Quốc đã đưa một nhóm các kỹ sư Huawei đến phòng hội nghị của Liên hiệp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. Trong vòng một tiếng đồng hồ, nhóm kỹ sư Huawei đã trình bày về tầm nhìn mới của họ về hạ tầng Internet trong tương lai với đại diện của hơn 40 nước dự hội nghị của Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU) – cơ quan định ra tiêu chuẩn toàn cầu về viễn thông của Liên hiệp quốc

Internet đã ra đời cách đây hơn 50 năm. Giao thức TCP/IP đã hoạt động rộng rãi trên toàn thế giới, sẽ không dễ dàng để thay thế. “Tuy nhiên, khi khoa học và công nghệ phát triển, các giao thức cũ có thể không còn đáp ứng yêu cầu về tính ổn định, hiệu quả trong việc truyền thông tin, ví dụ như truyền âm thanh, hình ảnh, xe tự lái, ứng dụng tài chính hoặc kinh doanh… Đã đến lúc chúng ta cần nền tảng công nghệ mới”, nhóm kỹ sư Huawei nhấn mạnh

Doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc đã không tiếc tiền cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 40% các bằng sáng chế công nghệ 5G trên thế giới. Tương tự như vậy là mảng công nghệ 6G dù đang trong giai đoạn phôi thai

Ở mức độ địa phương, một số chính quyền khu vực ở Trung Quốc cung cấp tiền trợ cấp hàng năm khoảng 155.000 đô la Mỹ cho các công ty dẫn đầu việc phát triển các tiêu chuẩn tại ISO và các cơ quan khác – theo Tim Ruehlig, nhà nghiên cứu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức và Viện các vấn đề quốc tế Thụy Điển (UI), Nhưng các quyết định bỏ phiếu của các công ty này vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước

Tháng 10-2021, Trung Quốc chính thức ban hành chính sách tiêu chuẩn hóa riêng. Nhà chức trách Trung Quốc cam kết hợp tác quốc tế bằng “thúc đẩy việc mở cửa các tiêu chuẩn và hệ thống, và đảm bảo rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với luật pháp”

Tìm kiếm đối sách riêng

Phòng Thương mại EU (EuroCham) tại Trung Quốc đã cáo buộc rằng Trung Quốc sử dụng các tiêu chuẩn nội địa để dựng lên các rào cản thị trường đối với các công ty nước ngoài. EuroCham nói rằng các thông số kỹ thuật chỉ được cung cấp cho một số ít các doanh nghiệp nước ngoài được chọn và các thông tin cập nhật được giữ bí mật

Các nhà phê bình cho rằng Trung Quốc đã sử dụng Vành đai và Con đường – sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài do Trung Quốc cấp vốn – để thiết lập các tiêu chuẩn ngay tại nước sở tại, giành lợi thế cho các công ty đại lục. Trong vài tháng qua, các công ty Đức đã phàn nàn rằng họ ngày càng gặp khó khăn khi cung cấp thiết bị công nghiệp cho Nga do nước này đang áp dụng các tiêu chuẩn Trung Quốc

Việc tuân thủ một hệ thống tiêu chuẩn khác sẽ làm phát sinh các chi phí vượt trội lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và giấy chứng nhận – cũng như mất rất nhiều thời gian

Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức, nói với Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi đang theo dõi sự phổ biến có chủ đích và ngày càng rộng hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia do nhà nước định hướng từ Trung Quốc là một vấn đề rất đáng lo ngại. Đây chính là nguy cơ vỡ vụn các yêu cầu tiếp cận thị trường kỹ thuật”

Russwurm cũng cho rằng EU cần nhanh chóng có các biện pháp cụ thể nhằm chống lại sự lan rộng các tiêu chuẩn Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường

Trong khi đó, Reinhard Buetikofer, Trưởng phái đoàn của Nghị viện châu Âu về quan hệ EU – Trung Quốc, nói rằng EU đã không giành được vị trí lãnh đạo hay đi đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như thực tế ảo tăng cường (AR), giao diện máy tính kết hợp não người, trí tuệ nhân tạo (AI) và đất hiếm

“Cần phải nhận thức rõ rằng tiêu chuẩn hóa có ý nghĩa địa chính trị tối quan trọng. EU phải hành động nhanh hơn và phối hợp hơn, đồng thời làm cho sự hợp tác giữa chính trị và các ngành hiệu quả hơn. Đây chính là những điều mà chiến lược mới về tiêu chuẩn hóa hướng tới”, ông Buetikofer nhận định

Đánh giá tiềm năng của chiến lược mới của châu Âu, chuyên gia chính sách công và quy định Julia Pfeil thuộc hãng luật đa quốc gia Dentons tại Frankfurt cho rằng EU sẽ khuyến khích các nước thành viên tham gia vào các ủy ban xây dựng tiêu chuẩn, bao gồm cả việc trợ cấp chi phí đi lại và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phái cử chuyên gia tham gia các tiểu ban này

“Nếu trước đây một ủy ban quốc tế có 200 người tham gia và bây giờ có thêm 20 người từ các nước EU, thì tỷ lệ tăng 10% này sẽ tạo ra sự khác biệt. Việc EC tài trợ cho các dự án tiêu chuẩn hóa ở các nước láng giềng và châu Phi cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự. Bởi các dự án này sau đó có khả năng hình thành các hệ tiêu chuẩn tương thích với các sản phẩm và quy trình của các doanh nghiệp EU

Một số nhà phân tích lại nói rằng châu Âu đang “chữa cháy” bằng cách từ bỏ dần cách tiếp cận trước đây vốn đẩy hầu hết trách nhiệm cho khu vực tư nhân

Sibylle Gabler, Giám đốc quan hệ chính phủ tại tổ chức quốc gia về tiêu chuẩn hóa DIN của Đức, cho biết EC buộc phải tìm cách ứng phó với kế hoạch tập trung, chỉ đạo từ trên xuống do Chính phủ Trung Quốc điều hành

“EU phải tìm ra câu trả lời của riêng mình, bằng cách kết hợp cách tiếp cận từ dưới lên với việc thiết lập ưu tiên chính trị. Chiến lược Trung Quốc công bố hồi tháng 10 năm ngoái kêu gọi sử dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn quốc tế ở Trung Quốc. Nhưng từ những gì chúng tôi nghe được từ các doanh nghiệp, điều này không xảy ra”
 
Intel đầu tư 33 tỉ euro vào Châu Âu


Cuộc đầu tư này sẽ hỗ trợ việc thành lập một trung tâm có quy mô lớn mới ở Đức, mở rộng nhà máy hiện tại ở Ireland, một trung tâm R&D và thiết kế ở Pháp và năng lực sản xuất, nghiên cứu ở Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan

intel-leixlip.fw_.png

Pat Gelsinger, CEO của Intel, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới mới tiết lộ kế hoạch đã được chờ đợi từ lâu vào ngày 15/3/2022, một phần trong chiến lược rộng hơn để đầu tư 80 tỉ euro trong thập kỷ đến, qua đo tăng cường chuỗi giá trị bán dẫn ở EU

Vào tháng 2, Ủy ban châu Âu đã trình bày Đạo luật Chip châu Âu, một đề xuất mang tính pháp lý để thúc đẩy năng lực bán dẫn của châu Âu nhằm làm giảm bớt sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các chính quyền trong việc thành lập những nhà máy chế tạo tiên tiến. “Đạo luật Chip châu Âu sẽ khuyến khích các công ty tư nhân và chính phủ hợp tác với nhau để thúc đẩy vị trí của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn”, Gelsinger nói. “Sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, R&D ở châu Âu và mang nền sản xuất lên vị trí dẫn đầu cùng với lợi ích cho các khách hàng, các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu”

Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ một công ty tư nhân ở châu Âu trong những năm gần đây. Nó ghi dấu ấn một chiến thắng đáng kể cho chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và ủy viên phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton, những người đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ Đạo luật Chips

Cũng có ý kiến chỉ tích chỉ ra sự thật là Đạo luật Chip mới chỉ có các quốc gia mạnh ở châu Âu có đủ nguồn lực để thu hút sự đầu tư của khối tư nhân. Kế hoạch của Intel chủ yếu hướng đến các quốc gia này nhưng đầu tư thì phân bổ cho nhiều quốc gia khác nhau

Vấn đề quan trọng nhất của cuộc đầu tư này là hai nhà máy hiện đại hàng đầu mà Intel sẽ xây ở Magdeburg, Đức. Trong Đạo luật Chip, các nhà máy hiện đại hàng đầu sẽ làm tăng cường vị trí công nghệ của châu Âu và do đó sẽ được hưởng sự hỗ trợ của chính quyền với một chính sách ưu tiên về quy định pháp lý

Trung tâm ở Đức được đặt tên là “Silicon Junction” vì sự kết nối của nó với những trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo khác nhau ở khắp châu Âu. Intel ước tính có khoảng 3.000 công việc công nghệ cao sẽ được tạo ra, không tính đến hiệu ứng mở rộng tương tự của các nhà cung cấp và đối tác

Các nhà máy sẽ đem đến cho Intel những con chip thế hệ mới và các dịch vụ và sản xuất bán dẫn và sản xuất cho các công ty khác, phù hợp với ý tưởng của Ủy ban châu Âu về “Những công xưởng mở”

Công trình xây dựng này được chờ đợi sẽ được khởi công vào năm 2023, và các nhà xưởng sẽ được vận hành vào năm 2027

“Việc đặt các nhà máy tiên tiến tại nhiều địa điểm ở châu Âu có thể giúp tái cân bằng năng lực silicon toàn cầu và tạo được một chuỗi cung cấp bền vững hơn”, thủ tướng Đức Olaf Scholz chi biết trong một thông cáo báo chí

Công ty Mỹ này sẽ mở rộng nhà máy ở Ireland với 12 tỉ euro đầu tư, nghĩa là tăng gấp đôi không gian sản xuất để làm ra những con chip tiên tiến và tăng cường các dịch vụ sản xuất ở châu Âu

Intel cũng đang đàm phán với chính phủ Ý để mở một nhà máy dạng này cho sản xuất đầu cuối, nghĩa là nơi các con chip cuối cùng sẽ được xuất xưởng qua các quá trình chính xác. Nhà máy này được chờ đợi sẽ tuyển dụng khoảng 1.500 người và tạo ra khoảng gấp đôi việc làm cho chuỗi cung cấp

Sự đầu tư vào Italy liên quan đến việc giành được Tower Semiconductors, một công ty sản xuất có quan hệ đối tác với STMicroelectronics, một nhà sản xuất bán dẫn Pháp – Ý với một nhà máy ở Agrate, gần Milan

Đầu tháng nay, Ngân hàng đầu tư châu Âu loan báo một khoản vay 600 triệu euro cho STMicroelectronics để đầu tư vào R&D ở ba nhà máy, bao gồm cả Agrate. Nhà đầu tư này chờ đợi thiết lập “những phạm vi thử nghiệm”, một khái niệm được giới thiệu trong Đạo luật Chip để tinh chỉnh các nhà máy theo hướng thử nghiệm các sản phẩm thử và mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm sáng tạo

Intel đã đàm phán để nhận được đầu tư công từ các chính phủ Đức và Ý nhưng trên thực tế không công khai lượng đầu tư nhận được. Đàm phán về ủng hộ tài chính là nguyên nhân chính cho Intel dành nhiều thời gian cho kế hoạch đầu tư này

Intel đang lập kế hoạch mở rộng trung tâm R&D ở bình nguyên de Saclay, Pháp với 1.000 công việc trong lĩnh vực công nghệ cao vào năm 2025. Thêm vào đó, nhà làm chip này sẽ mở trung tâm thiết kế châu Âu của mình ở Pháp

“Pháp sẽ trở thành một trong những đại bản doanh của Intel ở châu Âu về tính toán hiệu năng cao và thiết kế AI, đem lại một loạt lợi ích cho lĩnh vực công nghiệp”, Gelsinger cho biết thêm

Ở Ba Lan, kế hoạch này sẽ là mở rộng không gian phòng thí nghiệm tới 50% trong năm 2023 để phát triển các giải pháp bán dẫn cho các mạng thần kinh học sâu dựa trên AI, các trung tâm audio, đồ họa, dữ liệu và tính toán đám mây

Ở Tây Ban Nha, công ty lập kế hoạch mở rộng sự hợp tác với Trung tâm Siêu máy tính Barcelona để thiết lập các phòng thí nghiệm mới cho tính toán tiên tiến
 
Châu Âu ngày càng nghèo so với Mỹ

Quy mô nền kinh tế châu Âu và Mỹ ngày càng chênh lệch nhau khi lục địa già không có nhiều lợi thế về năng lượng và nguồn lực vốn

Từ năm 1960 đến 2008, GDP của Mỹ và châu Âu tương đối song hành với nhau, dù lục địa già có những giai đoạn gập ghềnh hơn so với đà đi lên thẳng tiến của Mỹ. Vào 2008, khoảng cách GDP của hai nền kinh tế đôi bờ Đại Tây Dương không đáng kể, với Mỹ và châu Âu lần lượt là 14.770 tỷ USD và 14.160 tỷ USD theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tính theo giá hiện hành

Tuy nhiên, 15 năm trôi qua, GDP của châu Âu vẫn không mấy thay đổi, đạt 14.040 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, nền kinh tế số một thế giới đã đạt đến quy mô 25.460 tỷ USD. Như vậy, nền kinh tế châu Âu hiện chỉ bằng hơn 55% của Mỹ

Châu Âu ngày càng nghèo so với Mỹ

Quy mô GDP của Mỹ (xanh dương) và châu Âu (xanh lá). Đơn vị: nghìn tỷ USD

Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu (ECIPE) - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, vào tháng 7 đã công bố bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người các bang Mỹ và các nước châu Âu

Kết quả, Italy cao hơn Mississippi, bang nghèo nhất của Mỹ. Pháp khá hơn một chút với GDP đầu người nằm giữa Idaho và Arkansas, hai bang xếp hạng 48 và 49 về chỉ số này. Trong khi, đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức nằm giữa Oklahoma và Maine, hai bang đứng thứ 38 và 39 của Mỹ

Trong một bài viết tiêu đề "Có phải nước Anh thực sự nghèo như Mississippi?" trên Financial Times vào tháng trước, kết quả các số liệu được lấy từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng, GDP bình quân đầu người của Anh cao hơn Mississippi 15% trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ số này cũng chỉ xếp trên khoảng 6 bang nghèo nhất của Mỹ

Nhưng việc tập trung vào so sánh cũng chưa phản ánh hết xu hướng bên dưới không kém phần rắc rối về cấu thành nền kinh tế ở một số nước châu Âu xét theo các đơn vị hành chính. Có một đặc điểm chung là sự phụ thuộc kinh tế vào số ít địa phương trong quốc gia ở vài nước châu Âu tương đối cao

Tại Anh, nếu loại bỏ đóng góp của London thì GDP đầu người nước này giảm đến 14%, đủ để thấp hơn bang nghèo nhất của Mỹ. Với Hà Lan, thiếu Amsterdam thì GDP đầu người toàn quốc giảm 5%. Kết quả tại Đức sẽ giảm 1% nếu thiếu thành phố năng suất nhất là Munich. Trong khi đó, nếu không tính khu vực vịnh San Francisco, từ cầu Golden Gate đến Cupertino thì GDP bình quân đầu người toàn liên bang Mỹ sẽ chỉ giảm 4%

Trường hợp của Anh, với quan điểm lấy London làm trung tâm hàng thập kỷ cho mọi thứ từ tài chính, văn hóa đến chính trị đã tạo ra sự miễn cưỡng trong việc cho phép bất kỳ khu vực nào khác vươn lên đủ mạnh và đặt ra vấn đề rằng nước này cần nhiều hơn một động cơ kinh tế là thủ đô

Ở cấp độ châu lục, giống như sau mỗi cuộc khủng hoảng trong lịch sử, châu Âu đã một lần nữa trì trệ kể từ Covid-19. Sức mạnh kinh tế của lục địa già "được tôn trọng" chừng nào Đức còn khỏe, theo Le Monde. Tuy nhiên, nền kinh tế Đức đang gặp nhiều thách thức từ khi Nga cắt khí đốt và lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu hàng đầu của Đức

Trong khi đó, người Mỹ không lo lắng đến những vấn đề này. Họ có nguồn năng lượng khổng lồ, là nhà sản xuất 20% lượng dầu thô của thế giới, so với 12% của Arabia Saudi và 11% của Nga

"Với họ, Trung Quốc là khu vực thầu phụ, không phải là lối thoát cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chiến thắng của Tesla đang khiến Mercedes và BMW trông lỗi thời", Arnaud Leparmentier, phóng viên thường trú của Le Monde tại New York (Mỹ) bình luận

Một nhân viên treo quốc kỳ Mỹ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến dự cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2022. Ảnh: Xinhua

Một nhân viên treo quốc kỳ Mỹ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến dự cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2022

Cuộc sống cổ điển ngọt ngào ở châu Âu từ lâu được người bên ngoài ghen tị dần mất đi vẻ hào nhoáng khi sức mua của khu vực này giảm dần, theo Wall Street Journal. Năm 2008, sức mua ở châu Âu và Mỹ ngang bằng nhau. Ngày nay, khoảng cách là 57%. Mức lương trung bình của người Mỹ hiện vào khoảng 77.500 USD, gần gấp 1,5 lần mức lương 52.800 USD của người Pháp

Tại Hội đồng châu Âu Lisbon năm 2000, khu vực này đặt tham vọng trở thành "nền kinh tế dựa trên tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới" vào năm 2010. Và thập kỷ 2000 thực sự là thập kỷ của tri thức, nhưng ở Mỹ

Với sự bùng nổ của Google, Apple, Facebook, Amazon và bây giờ là trí tuệ nhân tạo, sự thịnh vượng được phản ánh trên Phố Wall. Apple trị giá 2.800 tỷ USD, Microsoft 2.400 tỷ USD, Meta và Tesla trị giá 750 tỷ USD

Làm thế nào hãng xe Renault (Pháp) trị giá 12 tỷ USD có thể hy vọng cạnh tranh với Elon Musk, người đang xây các nhà máy trị giá 5-10 tỷ USD là một câu hỏi lớn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố khoản đầu tư 200 triệu euro cho vũ trụ ảo (metaverse) vào năm 2030, trong khi nhà sáng lập Meta đã đầu tư hơn 30 tỷ USD cho công nghệ này

Với trí tuệ nhân tạo, theo Đại học Stanford, đầu tư tư nhân ở Pháp ở mức 1,7 tỷ USD vào năm 2022 so với 47 tỷ USD ở Mỹ. "Người châu Âu nghèo hơn và thiếu nguồn lực tài chính nên có thể sớm bị loại khỏi cuộc chơi", Le Monde lo ngại

Năm 1990, châu Âu sản xuất 44% chất bán dẫn của thế giới. Con số đó hiện nay là 9%; so với 12% của Mỹ. Cả EU và Mỹ đều đang gấp rút tăng cường năng lực của mình. Nhưng trong khi Mỹ dự kiến có 14 nhà máy bán dẫn mới đi vào hoạt động vào 2025 thì châu Âu bổ sung chưa tới 10 nhà máy, so với 43 cơ sở mới ở Trung Quốc và Đài Loan

Vị thế của USD là đồng tiền dự trữ của thế giới mang lại cho Mỹ khả năng tài trợ vốn cho tham vọng phát triển. Như một nhà công nghiệp châu Âu đã nói: "Họ chỉ cần quẹt thẻ tín dụng". Ngược lại, EU có ngân sách nhỏ hơn nhiều và chỉ mới bắt đầu phát hành nợ chung

Vốn tư nhân cũng sẵn có hơn nhiều ở Mỹ. Paul Achleitner, Chủ tịch ban cố vấn toàn cầu của Deutsche Bank, nói rằng châu Âu hiện "gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường vốn của Mỹ". Châu Âu có rất ít quỹ hưu trí lớn mang lại chiều sâu cho thị trường vốn như Mỹ. Họ cũng bàn nhiều về việc thành lập một "liên minh thị trường vốn" nhưng còn ít tiến triển

Vậy châu Âu còn những gì đang dẫn đầu thế giới? Đầu tiên, nhờ quy mô của thị trường chung EU lớn nên các công ty trên toàn thế giới vẫn phải áp dụng các quy định của khối này, theo cái gọi là "hiệu ứng Brussels"

Châu Âu cũng giỏi trong các ngành công nghiệp "lối sống". Gần hai phần ba lượng khách du lịch trên thế giới đến từ châu Âu. Thị trường hàng xa xỉ bị chi phối bởi các công ty châu Âu. Bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, bị thống trị bởi các đội châu Âu - mặc dù nhiều câu lạc bộ lớn nhất hiện thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Đông, Mỹ hoặc châu Á

Sự thống trị của châu Âu trong các ngành công nghiệp lối sống cho thấy rằng cuộc sống ở lục địa già vẫn hấp dẫn nhiều người. Nhưng có lẽ đó là một phần của vấn đề. Nếu không có cảm giác bị đe dọa lớn hơn, châu Âu có thể không bao giờ có đủ ý chí để đảo ngược sự suy giảm không thể tránh khỏi về quyền lực, ảnh hưởng và sự giàu có của mình, theo
Financial Times
 
Top