What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Điện Biên Phủ Kinh Tế

thinktank.vn

Administrator
Tâm sự khi tiễn Ông đi
Kính tặng Đại Tướng của Nhân dân - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi biết Ông từ đâu về đây
Nhiệm vụ phải làm: Thắng Mỹ, thắng Tây.
Xong việc ấy, ông xoa tay bình thản
Việc dân số, ông đâu có nản
Cháu con mình cần được thương yêu
Lo cho dân không chỉ sớm chiều
Đêm còn nghĩ trăm điều vì nước

*
Thân già yếu, muốn đi không được !
Tâm huyết của mình ông gửi qua thư
Với Tây Nguyên, tư duy Tướng có dư
Để hiểu rõ từng vùng chiến thuật
Lúc hòa bình nếu chủ quan khinh giặc !
Khi chúng đánh vào, ai đỡ sau lưng ?

*
Về kinh tế: Vì sao cứ dẫm chân ?
Bị tụt hậu với bạn bè nhiều quá !
Nhân dân mình anh hùng là thế
Mấy chục năm rồi... Vị thế ra sao ?
Chăm chỉ, cần cù sao vẫn đói nghèo ?
Nếu biết cách làm “Điện Biên Kinh tế”
Như đã làm “Điện Biên thắng Mỹ”
Và đã làm “Điện Biên Phủ thắng Tây”
Nếu biết cách làm… liệu có như hôm nay ?

*
Vì sự nghiệp mười năm ta phải trồng cây
Còn sự nghiệp trồng Người phải tính sao đây ?
Đã cải cách nhiều năm nhưng vẫn thế !
Đau lòng lắm khi nhìn đàn cháu bé
Định hướng thế này nguyên khí ở đâu ra ?
Nhân tài là nguyên khí của Quốc gia
Thắng giặc nhờ nguyên khí của Ông Cha
Về kinh tế nguyên khí nào dẫn dắt ?

*
Đạo đức làm người thì đang xuống cấp
Không chặn lại ngay, “thối nát sẽ lan tràn” !
Những ai thề, trung hiếu với dân ?
Những ai thề quên mình vì nước ?
Hãy tự ngắm mình, nhìn sau, nhìn trước
Trong lòng dân còn được mấy phần ?
Sóng đẩy thuyền lên nhờ ở sức dân
Lật thuyền úp vì lòng dân bão tố !

*
Ông ra đi còn những gì trăn trở,
Tâm huyết bao điều biết tỏ cùng ai ?
Đã từ lâu, mọi việc của tương lai
Ta hy vọng trông chờ nơi các cháu
Ông đã sống một cuộc đời chiến đấu
Tại chiến trường để gìn giữ nước non
Niềm tin này ông gửi trọn cháu con
Phải chiến đấu trên thương trường quyết liệt
Để xây dựng non sông Đại Việt
Để dân giàu, nước mạnh, sống văn minh
Để các ông và Bác Hồ Chí Minh
Vui vì thấy cháu con không phụ bạc

*
Tôi tin Ông vãng sinh nơi Cực lạc
Vẫn dõi theo con cháu Lạc Hồng
Luôn độ trì để thỏa nỗi chờ mong
Được chứng kiến một Việt Nam hùng mạnh

Huệ Tâm
PleiKu 15/10/2013
 
Giáo sư Việt hiến kế '9 năm làm một Điện Biên'
Điện Biên Phủ Kinh Tế

Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện cho kiều bào và giới trí thức tại Singapore, GS - TS Vũ Minh Khương hiến kế để xây dựng nên các trận đánh Điện Biên Phủ thành công trên mặt trận kinh tế - xã hội, để 2045 Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại

Chiều tối 8.2, ngay sau khi tới Singapore trong chuyến thăm chính thức từ 8 - 10.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại Singapore


Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân gặp gỡ kiều bào tại Singapore chiều 8.2

GS - TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đánh giá 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, 30 năm khởi đầu kinh tế và 10 năm hợp tác chiến lược. Đây cũng là năm bước ngoặt, tạo ra nền tảng quan trọng để nâng tầm quan hệ mới giữa hai nước Việt Nam và Singapore

Theo ông, trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ ký với Singapore các hiệp định hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số, đây là các lĩnh vực mà Singapore chọn lọc ký hợp tác với rất ít nước. Vì thế, mong muốn Việt Nam sẽ thực hiện được vượt kỳ vọng của bạn

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra mục tiêu 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp. Thủ tướng bắt đầu nhiệm kỳ năm 2021, tới năm 2030 là 9 năm, chúng ta có làm được "9 năm làm một Điện Biên" hay không? Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu. Tới năm 2045 là kỷ niệm 100 năm độc lập, chúng ta có rất nhiều 9 năm nữa, phải làm nhiều Điện Biên Phủ hơn nữa", GS Vũ Minh Khương nói

Theo ông, trận Điện Biên Phủ quan trọng nhất là phải xây dựng "bộ máy công quyền ưu tú". Singapore là một bài học hay, chúng ta nên tham khảo, xây dựng động lực làm sao để mọi người toàn tâm toàn lý làm việc

Ngoài ra, xây dựng cấu trúc không bị chồng chéo và rõ ràng trách nhiệm giữa các tổ chức. Làm sao để có báo cáo khoa học hàng năm giải trình chúng ta đã làm được gì để người dân nắm bắt rõ ràng. "Bộ máy của chúng ta đã tốt, chỉ cần cơ chế rõ ràng, minh bạch hơn chúng ta sẽ thực hiện được", GS Vũ Minh Khương chia sẻ


Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với bà con kiều bào, giới trí thức người Việt tại Singapore

Trận Điện Biên Phủ thứ 2 là cải cách doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn đây là khu vực tiềm ẩn những giá trị rất lớn. Khối này đang nắm giữ 450 tỉ USD vốn kinh doanh, 750 tỉ USD vốn cố định. Tuy nhiên lại quản trị yếu, lợi nhuận thấp, công nghệ kém... Vì thế, cần có các chính sách cải tổ, có sự trỗi dậy để khối doanh nghiệp nhà nước dẫn đường. Trung Quốc đã thực hiện điều này rất tốt với các kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước 5 năm, 10 năm

Trận Điện Biên Phủ thứ 3 chính là xử lý tình trạng ùn tắc khủng khiếp của Hà Nội và TP.HCM. Hai thành phố đều tắc đường rất khủng khiếp, có nhiều kế hoạch làm đường trên cao..., nhưng tới nay cả hai đều chưa có tàu điện ngầm. Trong khi các nước đều đã có tàu điện ngầm, ngay cả Bangladesh cũng đã có kế hoạch xây dựng

"Hà Nội và TP.HCM đến nay chưa có 20 km, làm sao để năm 2030 chúng ta ít nhất được như Bangladesh có được khoảng 130 - 150 km tàu điện ngầm. Theo tính toán mỗi năm một thành phố mất cả tỉ USD vì tắc đường. Nếu Thủ tướng giải quyết được bài toán tắc đường này sẽ là một thành tựu lớn. Người dân hoàn toàn có thể đóng góp ủng hộ, bán bớt tài sản quốc doanh để hỗ trợ 2 thành phố xây dựng hệ thống tàu điện ngầm. Nếu chỉ lo xây dựng cao tốc và các khu vực khác mà không lo làm tàu điện ngầm thì sẽ rất khó phát triển", GS Vũ Minh Khương nhìn nhận

Thứ 4 là hợp tác kinh tế xanh và kinh tế số với Singapore. Nhắc lại kỳ vọng rất cao với Việt Nam, theo ông, việc hợp tác không chỉ là chia sẻ công nghệ, kiến thức, tạo ra những hành lang thúc đẩy hợp tác

Bên cạnh đó còn thúc đẩy tạo ra sự cộng hưởng Việt Nam - Singapore. Hai ngành này là có tiềm năng 25 năm tới, cần xây dựng hệ thống điện đẳng cấp quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam như EVN, PVN có những người làm được nhưng chưa có cơ chế

GS Vũ Minh Khương cũng kiến nghị lập ủy ban đặc biệt thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore về hợp tác kinh tế xanh và kinh tế số. Mẫu hình hợp tác Việt Nam -Singapore sẽ tạo ra hình mẫu với thế giới. Chứng minh hình ảnh Việt Nam không chỉ quả cảm trong chiến tranh mà đầu óc sáng lạng, có thể làm được những điều kỳ vĩ trong thời đại mới

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cộng đồng chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Singapore khá đông đảo, gồm du học sinh, sinh viên, trí thức, nghiên cứu sinh. Thời gian qua, cộng đồng tri thức tiếp tục khẳng định được vị trí tại nước sở tại, đồng thời có nhiều sáng kiến và tham gia hoạt động thiết thực trong việc gắn kết, hỗ trợ và phát triển cộng đồng, nổi bật là nhóm Hành trình Việt (do PGS - TS Vũ Minh Khương làm đại diện) với tập hợp các trí thức, giáo sư giảng dạy tại một số trường đại học có tiếng tại Singapore

Mai Hà
 
Làm gì để có những "Điện Biên Phủ" về kinh tế?

Phải xem đặc khu như những địa bàn quyết chiến chiến lược để xoay chuyển cục diện phát triển của đất nước, giống như một Điện Biên Phủ về kinh tế

Đặc khu kinh tế không phải miếng bánh để tranh giành

Nhà báo Việt Lâm: Ông đã nhiều lần nhấn mạnh các giải pháp cải cách phải được thử nghiệm trước. Chúng ta phải dám chấp nhận thử nghiệm, thử nghiệm xong phải có tổng kết. Ở đây, tôi muốn bàn thêm về đề xuất của nhiều chuyên gia, và Chính phủ cũng đang nghiên cứu áp dụng thí điểm, đó là thành lập một số đặc khu kinh tế. Tôi nhớ là ông cũng đã từng kiến nghị về mô hình này trong các bài viết của mình. Trên thực tế, các nước ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc đã triển khai rất thành công mô hình đặc khu kinh tế, biến những nơi này thành đầu kéo cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về mô hình đang được áp dụng ở VN hiện nay?

Ts. Vũ Minh Khương: Thực ra VN chưa có đặc khu kinh tế nào cả, nếu so sánh với đặc khu kinh tế ở Singapore, nơi cả quốc đảo này là một đặc khu kinh tế, hay những đặc khu ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở mình, đặc khu vẫn được hiểu theo dạng được miễn thuế, hoặc cho phép triển khai một số hoạt động rất đặc thù chưa được luật pháp cho phép như mở casino, hay là được nhà nước trợ cấp về cơ sở, hạ tầng. Dĩ nhiên, đây là những yếu tố mang tính nền tảng nhưng nhìn chung chưa phải là đặc trưng của đặc khu kinh tế thời đại toàn cầu hóa này

Vấn đề đặt ra đối với VN hiện nay là phải xây dựng được những đặc khu như những đơn vị kinh tế tương đối độc lập, có thể lên tới một vài triệu dân với bộ máy ưu tú đạt tiêu chuẩn toàn cầu, tức là có thể chinh phục được tất cả tập đoàn kinh tế quốc tế để họ yên tâm đến đó lập đại bản doanh. Khi ấy, chúng ta không còn phải lo ngại vấn đề chuyển giá nữa. Thay vì họ chuyển sang nước khác, họ có thể làm tại VN, mà VN có cơ hội để trở thành tụ điểm toàn cầu và châu Á, thuận lợi hơn cả ở những nước khác do VN có lực lượng lao động đông đảo với chi phí thấp. Nhiều nước cũng muốn có mặt ở địa bàn chiến lược này

Bản chất đặc trưng cao nhất của đặc khu kinh tế không phải là chuyện miễn thuế, mà là có một bộ máy ưu tú và có thể cạnh tranh với tất cả bộ máy trên thế giới. Đấy cũng là tụ điểm để quy tụ nhân tài, xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.Các địa phương phải coi trọng đặc khu này là một điểm quyết chiến chiến lược để xoay chuyển cục diện phát triển cho cả nước chứ không phải tỉnh nào cũng xin một đặc khu mang tính chất ưu đãi.Phải xem các đặc khu như một Điện Biên Phủ để đưa đất nước cất cánh. Tư duy như thế thì cái gì hay nhất của VN phải kéo ra đấy. Đặc khu khi đó sẽ giống như một trường đào tạo lớn về mặt chiến lược và cán bộ

Việc chọn địa bàn nào, ví dụ như Khánh Hòa hay ở đâu đó là điều chúng ta phải bàn tiếp. Vấn đề là giao trách nhiệm cho địa bàn này có thể tăng trưởng nhanh chóng 15%-20%/năm, đặt mục tiêu đuổi kịp Singapore trong vòng ba mươi năm.Đến năm 2045 Vietnam phải có một nơi ít nhất ngang được Singapore

PViệt Lâm:Tôi nghĩ việc lựa chọn đặc khu kinh tế như thế nào phải dựa trên hệ tiêu chí rõ ràng. Bởi nếu không, sẽ có những va vấp về lợi ích, rồi rào cản từ chủ nghĩa địa phương. Các địa phương sẽ than phiền tại sao tỉnh này được chọn làm đặc khu mà không phải tỉnh tôi, rồi họ tìm cách gây áp lực với trung ương. Chúng ta đã từng chứng kiến những câu chuyện tương tự như thế rồi. Thành ra mới có chuyện nhiều khi các quyết định đầu tư không hoàn toàn dựa trên các nguyên lý và tính hiệu quả về kinh tế, mà bị chi phối bởi các nhân tố chính trị.Ví dụ nhãn tiền là tỉnh nào cũng đòi xây cảng, xây sân bay, dẫn đến tình trạng lãng phí lớn.Theo ông, hệ tiêu chí như thế nào để thuyết phục mọi người?

Ts. Vũ Minh Khương: Cái này tôi không trách địa phương mà trách ở TƯ. Phải nói một cách nghiêm khắc như vậy.Vì tôi đã từng làm ở UBND Hải Phòng nên tôi biết, địa phương nào cũng sợ nếu mình không tranh cái này thì người khác tranh mất.Bởi vì họ xem đó là những ưu đãi, giống như miếng bánh vậy, nên phải tranh giành.Ở đây có sự thiếu vắng cả xúc cảm, khai sáng và phối thuộc

Nếu coi trọng đặc khu kinh tế như một địa bàn mà thành công sẽ đem lại lợi ích cho cả nước một cách nhanh chóng, thì câu chuyện sẽ khác đi. Chính vì cơ chế ưu đãi theo kiểu bao cấp nên mới đưa ra thông điệp sai lầm khiến cho các tỉnh, các doanh nghiệp chạy đua làm ra những hành động rất vô công. Từng là người trong cuộc, tôi rất thấm thía điều này

Thay vì vậy, chúng ta có thể thảo luận công khai về việc lựa chọn địa bàn chiến lược. Chẳng hạn chúng ta đưa ra một danh sách dự kiến điểm A,B,C nào đó. Ai đưa ra ý tưởng hay thì được làm.Đồng thời địa bàn đó phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng cơ sở xây dựng. Chính phủ sẽ không phải rót tiền vào, mà áp dụng nguyên tắc thuế thu được ngoài nộp ngân sách một phần nhỏ thôi, địa phương được phép giữ lại để đầu tư phát triển. Chẳng hạn như nếu để bình thường thì sẽ được lãi x đồng, vẫn để lại cho chính phủ x đồng nhưng đột phá nó lên 100x thì 99x đó để lại cho vùng đó để phát triển nhanh chóng trở thành một Singapore.Singapore chỉ trong vòng mấy chục năm đã tạo ra giá trị thặng dư là 400-500 tỉ USD để dành cho các khu vực khác

Như thế, đặc khu sẽ giống như con gà đẻ trứng vàng cho cả nước, chứ không phải là tôi giành miếng bánh của một đất nước nghèo như thế này cho mình. Hiện giờ vẫn đang tồn tại tư duy giành giật ưu đãi, do vậy Chính phủ cần xem lại cách thức bàn thảo, xây dựng chiến lược và đặc khu kinh tế


20140910163620-vmk-4-2.jpg

TS Vũ Minh Khương

Việt Lâm: Điều đó có nghĩa là phải truyền thông rõ ràng đến các lãnh đạo địa phương cũng như trong cả nước hiểu được.Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là chính sách điều tiết lợi ích của chính quyền trung ương.Cách làm của Trung Quốc có thể gợi mở đôi điều về chính sách này chẳng hạn. Trước kia, họ tập trung phát triển các đặc khu kinh tế ở vùng duyên hải phía đông. Hiện nay, sau khi những con gà đẻ trứng vàng này đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thì họ điều tiết nguồn doanh thu từ đó sang phát triển vùng nội địa phía Tây lạc hậu hơn. Nhờ vậy, vùng phía Tây này đang có những bước phát triển mạnh mẽ

Ts. Vũ Minh Khương: Phát triển đặc khu kinh tế đúng là liên quan đến vấn đề phân phối lợi ích. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là hỗ trợ phải mang tính chất, điều kiện là anh phải có tài đặc biệt. Giống như các trường đại học muốn tự chủ cũng phải đạt được đẳng cấp nào đó mới tự chủ được chứ

Tự chủ phải đi kèm với cơ chế và năng lực để mang lại những hành vi hữu công, hành vi tốt. Cởi trói là tốt nhưng nếu cởi trói mà thiếu một cơ chế để có hành vi lành mạnh thì có khi lại lợi bất cập hại. Điều đó đòi hỏi phải có cơ chế giám sát về hệ thống chấm điểm chặt chẽ

Đối với đặc khu kinh tế cũng tương tự như vậy, phải có những điều kiện rất ngặt nghèo. Chẳng hạn bộ máy của anh có thu hút được người tài hay không? Nếu anh tạo ra được một bộ máy một trăm người mà thông thạo thế giới, giải quyết được các vấn đề đấy, đặt ra thì chúng tôi sẵn sàng cho anh mở đặc khu, sẵn sàng cho anh các ưu đãi

Ngày trước khi tôi đã làm ở Hải Phòng, nhiều người lầm tưởng là cứ xin được cơ chế ưu đãi của Chính phủ sẽ hút được nhiều người về. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Chính phủ phải mở ra điều kiện nếu địa phương nào có thể quy tụ được người giỏi, đủ khả năng xây dựng một đặc khu kinh tế có đẳng cấp và có lịch trình để tạo ra thịnh vượng trước thì cho phép được hưởng những cơ chế đặc biệt

Việt Lâm: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng phát biểu rằng muốn làm đặc khu kinh tế thì phải có đột phá về thể chế. Những cơ chế dành cho đặc khu rất đặc biệt nêu muốn làm phải được bật đèn xanh từ Trung Ương?

Ts. Vũ Minh Khương: Đúng vậy. Tôi nghĩ phải có nghị quyết lớn mang tính chất trọng đại về công cuộc phát triển của VN tiến tới 100 năm độc lập. Tôi hi vọng trong thời gian tới người đứng đầu Chính phủ sẽ có một thông điệp như thế cùng một chương trình hành động cụ thể đề xuất lên Trung ương. Trung ương họp và thông qua để cả nước có sự thống nhất về ý chí. Ý tưởng thì có rất nhiều, mỗi người có thể khác nhau nhưng nếu tất cả cùng chung chí hướng thì sẽ tìm ra được nhiều giải pháp đa dạng và sáng tạo để đất nước đi lên

Việt Lâm: Tức là mấu chốt câu chuyện quay trở về khả năng phối thuộc hành động?

Ts. Vũ Minh Khương: Khả năng phối thuộc hành động là điều mà VN khó vượt qua hiện nay. Xúc cảm và khai sáng có thể đạt được ở mức nào đó, kể cả ở cương vị Chính phủ, Đảng và Nhà nước. Nhưng khả năng phối thuộc đang là bài toán tôi chưa nhìn thấy lời giải

Các sáng kiến vẫn làm theo kiểu cho vui

Việt Lâm: Thời gian qua, dường như Chính phủ cũng nhìn thấy sự yếu kém trong khả năng phối thuộc đang là điểm nghẽn lớn. Một số cơ quan Chính phủ đã đề xuất những cải cách để cải thiện khả năng phối thuộc. Chẳng hạn, mới đây Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đang kiến nghị xây dựng Ủy ban quản lý vốn của DNNN, hay trước đó là sáng kiến thành lập Ủy ban về Phát triển Kinh tế như một dạng siêu bộ. Tôi được biết là chính ông cũng tham gia vào việc xây dựng ủy ban năng lực cạnh tranh quốc gia, do một phó thủ tướng phụ trách. Vấn đề là, làm thế nào để những cơ cấu này có được thực quyền, vì chỉ như vậy chúng mới có hiệu quả? Nếu không, đây đều là những sáng kiến hay nhưng khó đi vào hiện thực

Ts. Vũ Minh Khương: Thẳng thắn mà nói thì những đề xuất vừa rồi, ví dụ như sáng kiến xây dựng báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia chủ yếu khởi phát từ những gợi ý, của nước ngoài chứ chưa phải là những sáng kiến thực sự từ trong nước, toát ra ý chí, dân chủ từ trong Đảng, trong đất nước mà ra. Người Việt mình rất nhanh nhạy, giỏi nắm bắt những gợi ý của quốc tế. Nhưng tiếc là nắm bắt xong rồi để đấy chứ không xông xáo làm cho đến cùng. Nhiều khi chúng ta triển khai những ý tưởng do quốc tế gợi ý theo kiểu làm đẹp mặt cho vui thôi, chứ không làm với một ý chí sắt đá như Hàn Quốc

Cho nên quay trở lại bài học về EEC, quốc tế giúp chúng ta khai sáng rồi, nhưng nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt từ bên trong và một cơ chế phối thuộc hành động thì rất nhiều sáng kiến, đề xuất rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi"

Việt Lâm:Để tạo ra được cảm xúc từ bên trong thì áp lực từ bên ngoài cũng rất cần thiết?

Ts. Vũ Minh Khương: Chúng ta đang có cái áp lực đấy. Vấn đề là hiện giờ nó lại dịu xuống

Việt Lâm: Đúng là hiện thời có không ít quan ngại rằng mới đây chúng ta có đã có xúc cảm, khát khao thay đổi do áp lực bên ngoài rất mạnh. Bây giờ áp lực ấy dịu đi thì nhiều nguy cơ là ý chí thay đổi cũng nhạt đi hay không?

Ts. Vũ Minh Khương: Kinh nghiệm của những người lãnh đạo các nước thành công đặc sắc cũng như của những tập đoàn lớn cho thấy người lãnh đạo phải luôn tự cảm thấy mình đang đứng trước đòi hỏi thúc bách. Tức là họ phải thấy được trọng trách nặng nề lắm, riêng mình không thể gánh vác được. Giống như Quang Trung nói một cái cây không thể làm được nhà to, phải có nhiều người chung tay giúp sức. Hai là người lãnh đạo phải thấy rằng nếu có người tài đến giúp thì mang lại giá trị vô vàn hơn hàng nghìn người bình thường đến hầu hạ mình

Sẽ rất nguy hiểm nếu như bây giờ chúng ta thấy tình hình dịu đi, thấy không có chuyện gì nghiêm trọng nữa và lại quay về những lề thói cũ. Phải thấy rằng áp lực đó có thể tạm dịu đi trong tức thời, nhưng sẽ đẻ ra nhiều bức xúc hơn trong tương lai. Mà những bức xúc này không chỉ đến từ bên ngoài tác động mà xuất phát từ ngay nội tại, bởi vì chúng ta không xứng đáng với tiềm năng của dân tộc mình

Chúng ta phải nhìn thấy bệnh này có thể dẫn đến ung thư, như nhiều nhà lãnh đạo lão thành đã từng phát biểu. Phải thấy đáng sợ như thế mới có quyết tâm làm. Martin có nói "sợ nhất những gì chết mà không làm mình chết", vẫn thấy có thể chung sống dễ dàng. Phải thấy đây là cơ hội cuối cùng để có cải cách căn bản

Tôi rất mong những vấn đề băn khoăn hiện giờ sẽ được bàn luận thật thấu đáo, tìm giải pháp giải quyết triệt để trong những hội nghị sắp tới

Việt Lâm: Vâng, đó cũng là lời kết cho cuộc đối thoại hôm nay. Mong rằng cuộc đối thoại cởi mở này sẽ mở đầu cho nhiều cuộc trò chuyện tiếp sau với các nhà lãnh đạo, các trí thức, chuyên gia để bàn luận thấu đáo những giải pháp giúp đất nước cất cánh trong tương lai

Xin cảm ơn ông Vũ Minh Khương !
 
CẦN MỘT “ĐIỆN BIÊN PHỦ” TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần trở lại Điện Biên và nói rằng, trong chiến tranh, chúng ta có trận Điện Biên Phủ, thì trong thời bình “hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp rất tốt để chúng ta suy nghĩ về một “Điện Biên Phủ" trong lĩnh vực kinh tế. Đây là một trận đánh đòi hỏi quyết tâm hết sức lớn lao. Phải vượt lên mọi hy sinh, gian khổ mới, động viên mọi lực lượng đóng góp trí tuệ, tài năng, sáng tạo mới có thể giành chiến thắng

Trên thực tế, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có một số doanh nghiệp quân đội vận dụng thành công trong sản xuất kinh doanh. Năm 2004, mạng di động Viettel chính thức được khai trương. Sau 10 năm, Viettel trở thành mạng thông tin di động lớn nhất Việt Nam và là một trong những mạng thông tin di động lớn của thế giới. Nguyên nhân thành công của Viettel có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chiến lược “không chỉ cho phép khách hàng "nói theo cách của bạn", mà còn buộc đối thủ phải "cạnh tranh theo cách của mình". Đó có thể coi là một ví dụ về vận dụng bài học Điện Biên Phủ trong chiến lược kinh doanh của Viettel. Nhiều tổ chức tín dụng ngạc nhiên vì năm qua lợi nhuận của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đứng đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần. Sự thành công có tính "tập thể" ấy của Viettel, MB…, chắc chắn không phải là những "cú ăn may", mà nó đến trước hết là từ tầm nhìn chiến lược, sự “đoàn kết hiệp đồng”, ý chí quyết tâm sẵn sàng vượt khó. Đó cũng là bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhớ lại thời điểm 60 năm về trước, tương quan lực lượng giữa ta và địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, rõ ràng lúc đầu ta hạn chế hơn địch rất nhiều về vũ khí, trang bị, công tác bảo đảm hậu cần. Thế nhưng, nhờ có chủ trương đúng đắn, cách đánh sáng tạo, huy động sức mạnh toàn dân, biết tận dụng thời cơ, chúng ta đã làm nên chiến thắng

Những thành tựu lớn của kinh tế Việt Nam trong mấy thập kỷ qua đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế và việc tận dụng thời cơ. Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu với Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Việc ban hành các Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao…

Năm 2014 này, chúng ta có nhiều thời cơ, cơ hội để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức. Từ 1-1, Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành. Từ 1-7, Luật Đất đai mới chính thức có hiệu lực. Cuối năm, dự kiến, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi với hy vọng sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề vướng mắc trong thực tiễn lâu nay. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội đó, cần phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Điều quan trọng là các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp hãy mang tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ vào lĩnh vực kinh tế, xóa đói, giảm nghèo với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Cả xã hội cùng đồng thuận, chúng ta sẽ có thêm những trận thắng Điện Biên Phủ trong lĩnh vực kinh tế

Đỗ Phú Quý
 
Top