What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Google Thinktank

thinktank.vn

Administrator
Năm 2028 thế giới sẽ có 2 mạng Internet
Phát biểu trong một sự kiện được tổ chức ở San Francisco, ông Eric Schmidt, cựu CEO của Google tin rằng trong một thập kỷ tới thế giới sẽ có 2 mạng Internet có quy mô gần như ngang nhau


Ông Eric Schmidt là cựu CEO của Google

Ông Eric Schmidt nói rằng năm 2028 thế giới sẽ có một mạng Internet do Trung Quốc dẫn đầu và một mạng Internet không phải của Trung Quốc. Cựu CEO Google tin rằng Trung Quốc sẽ tách ra một cách hiệu quả và tạo ra Internet của riêng mình

“Tôi tin rằng một kịch bản có khả năng nhất hiện nay không phải là một một sự vỡ vụn, mà đúng hơn là một phân nhánh thành một mạng Internet do Trung Quốc dẫn đầu và một mạng Internet do Mỹ dẫn đầu”

“Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, nhìn vào quy mô của các công ty đang phát triển, nhìn vào các dịch vụ, vào sự giàu có đang được tạo ra, điều này thật phi thường. Internet Trung Quốc có tỷ lệ phần trăm lớn hơn GDP Trung Quốc, và cũng lớn ngang ngửa với Hoa Kỳ”

“Nếu bạn chỉ nhìn vào Trung Quốc và nghĩ: Ồ, mạng Internet của họ cũng lớn đấy – bạn đã bỏ sót một điều căn bản. Toàn cầu hóa có nghĩa là Trung Quốc cũng có thể chơi một cách bình đẳng. Bạn sẽ thấy tài nghệ của họ trong các sản phẩm và dịch vụ. Nhưng nó cũng tạo ra một mối nguy hiểm thực sự khi mà họ có một chế độ lãnh đạo khác với Mỹ, với sự kiểm duyệt, kiểm soát gắt gao...”

Trước đây, ông Schmidt đã từng ca ngợi sự tiến bộ của Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, ông từng cảnh báo chính phủ Mỹ rằng họ phải đẩy mạnh vai trò dẫn dắt cuộc chơi nếu không muốn bị Trung Quốc đánh bại bằng trí thông minh nhân tạo. Ông dự báo rằng Trung Quốc sẽ trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI vào năm 2030


Ông Schmidt dẫn chứng thêm rằng nhiều quốc gia có thể sớm hội nhập vào mạng Internet của Trung Quốc: “Hãy xem sáng kiến Vành đai và Con đường của họ, với 60 quốc gia liên quan. Các quốc gia này hoàn toàn có thể sớm gia nhập vào hạ tầng Internet của Trung Quốc”

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” là dự án liên kết cơ sở hạ tầng của Trung Quốc với 70 quốc gia trải khắp châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Đại dương thông qua các tuyến đường sắt và đường biển

Google gần đây đã bị chỉ trích rất nhiều vì Giám đốc điều hành của hãng là Sundar Pichai đã thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc để phát hành một phiên bản Google Search dành riêng cho thị trường này với mức độ kiểm duyệt rất cao. Các báo cáo đã làm dấy lên sự phẫn nộ cả trong và ngoài nước Mỹ. Một số cựu nhân viên của Google và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi ông Sundar Pichai đảo ngược quyết định

 
Google sẽ ra sao sau 20 năm nữa
- Với doanh thu trong năm 2017 cao gần gấp 5 lần tổng sản phẩm nội địa GDP của cả nước Campuchia, Google gần như chiếm thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực công nghệ số. Để bước lên đỉnh cao, công ty do Larry Page và Sergey Brin sáng lập đã khai mở nhiều con đường mới cho thế giới tin học

000_wfdg.jpg

Google ngày nay là một công ty sử dụng 89 ngàn nhân viên trên thế giới, có doanh thu trên 110 tỷ đô la (năm 2017), lãi 12,5 tỷ

"Trong 20 năm, Google trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Theo các thống kê chính thức, cứ mỗi giây, có 69.623 người sử dụng công cụ tìm kiếm này. Như vậy là mỗi ngày có sáu tỷ rưỡi lượt truy cập. Với khối lượng ấy, doanh thu của Google đương nhiên là một con số khổng lồ: 110,85 tỷ đô la. Con số này khiến ta phải chóng mặt nhất là khi biết rằng Google là một tập đoàn còn non trẻ, mới hoạt động được 20 năm

Cần nói thêm là cổng tìm kiếm Google gần như chiếm thế độc quyền. Hơn 90% các đợt truy cập tìm kiếm thông tin đều phải qua Google. Điều đó cho thấy Google đã len lỏi vào đời sống của mỗi người và hiện diện ở khá nhiều lĩnh vực: Google Maps chỉ đường cho người đi bộ, đi xe; Google còn là một thông dịch viên, là nguồn cung cấp thông tin đọc nhanh cho bạn

Với hệ thống Youtube, Google cung cấp luôn cả hình ảnh, âm thanh cho người sử dụng", chuyên gia Lise Barcellini giới thiệu về công ty đóng đô tại Mountain View, California, được thành lập cách đây 20 năm

Google ngày nay là một công ty sử dụng 89 ngàn nhân viên trên thế giới, có doanh thu trên 110 tỷ đô la (năm 2017), lãi 12,5 tỷ. Tập đoàn do Sergey Brin và Larry Page, hai cựu sinh viên đại học Stanford của Mỹ lập ra vào tháng 9/1998, là một công ty con của Alphabet, một "con bạch tuộc với 14 cái vòi" vươn vào 14 địa lĩnh vực khác nhau, từ trí thông minh nhân tạo đến xe hơi không người lái, từ y tế đến an ninh mạng...

Riêng Google chỉ tập trung vào một số lĩnh vực: Video mạng qua hệ thống Youtube, dịch vụ tìm kiếm thông tin, Google Chrome, hệ điều hành Android và Google Maps để chỉ đường...

16 năm, tiền quảng cáo cao gấp 1400 lần

Google đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của hầu hết những ai dùng internet trên thế giới. Để có được ngày nay, Google đã đem lại bốn cuộc cách mạng trong ngành tin học

Để lập ra một chương trình giúp người sử dụng tìm kiếm thông tin, Page và Brin đi từ nguyên tắc, trang nào càng nhiều người xem thì càng “có giá”. Chuyên gia Damien Leloup nhận định

"Page và Brin dùng algorithme để xắp xếp thứ tự ưu tiên các kết quả tìm kiếm. Phương pháp đó gọi là Pagerank. Nhờ công cụ này, khi gõ cửa Google, người ta ít khi nào thất vọng. Google đã tìm ra một phương pháp mới để sắp xếp lại thứ tự các trang tìm kiếm, đem lại những câu giải đáp cho người hỏi trong thời gian ngắn nhất và một cách hiệu quả nhất. Sức mạnh của công cụ tìm kiếm đó chính là những người sử dụng và số lượt trang được kết nối với nhau về cùng một chủ đề"

Cuộc cách mạng thứ nhì Google đã tiến hành là trong lĩnh vực quảng cáo. Marissa Mayer, cựu phó chủ tịch Google, giải thích: Ban đầu Google không có không gian giành cho các nhà quảng cáo nhưng một khi đã chen chân vào lĩnh vực này, thì Google đưa ra khái niệm "quảng cáo nhắm chung mục tiêu".

Tức là khi bạn cần tìm kiếm về một chủ đề gì, bên cạnh các kết quả tìm kiếm sẽ có những trang quảng cáo về mặt hàng hay dịch vụ mà bạn đang cần tìm. Ví dụ như nếu ta sử dụng Google để tìm một hãng sửa xe hơi gần nhà, thì lập tức bạn nhận được các chương trình quảng cáo xe hơi

Chuyên gia Lise Barcellini giải thích rõ hơn về bí quyết của Google trên thị trường quảng cáo: "Toàn bộ mô hình phát triển của Google ngay từ năm 2000 dựa trên một bí quyết. Đó là tạo ra một công cụ và không gian mới cho các nhà quảng cáo mà ở đó mỗi chiến dịch quảng cáo bám sát nhu cầu của đối tượng muốn nhắm tới. Không phải ai cũng nhận được những chương trình quảng cáo như nhau. Đó là một bước đột phá rất quan trọng, một con đường đã được Google khai mở, dựa trên sở thích hay nhu cầu của người sử dụng internet"

Sáng kiến theo sát chân người sử dụng để có những chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất ấy, cho phép Google thu vào 95 tỷ đô la tiền quảng cáo trong tài khóa 2017, cao gấp 1.400 lần so với hồi năm 2001

20 năm, mua lại 226 công ty "công nghệ tương lai"

Nhưng để hút được tới 95 tỷ đô la tiền quảng cáo một năm, Google đã không ngừng "đi tìm những công cụ mới". Đó chính là điều mà giới trong ngành gọi là "cuộc cách mạng thứ ba", do cặp bài trùng Brin và Page tiến hành

Larry Page giải thích: Một trong những vai trò của Google là sáng tạo, để tạo ra những công cụ mới, những nhu cầu mới... mà nếu như ban đầu Google không nghĩ ra những công cụ mới đó, thì phải đi tìm những công ty nào có những sáng kiến mới lạ, rồi mua lại những công ty đó. Trong số này phải kể tới số tiền 1,65 tỷ đô la để mua lại Youtube hồi năm 2016

Trong 20 năm Google đã mua lại 226 công ty thuộc lĩnh vực "công nghệ tương lai". Để so sánh thì một cây đại thụ khác là Microsoft được lập ra năm 1972 tới nay mới chỉ mua lại 209 hãng. Apple bị bỏ xa lại phía sau với 97 thương vụ

Bước đột phá thứ tư của Google là thế (gần như) độc quyền: 85% điện thoại di động lưu hành trên hành tinh sử dụng hệ Android của Google. Google chiếm 90% thị trường "tìm kiếm thông tin". Để có được thế áp đảo đó, tập đoàn có trụ sở ở Mountain View dựa trên hai nguyên tắc: Một là cải thiện các dịch vụ cung cấp sao cho hiệu quả nhất, để người sử dụng "quên luôn" những đối thủ của Goole. Hai là đầu tư vào những lĩnh vực còn "rất phiêu lưu" mà điển hình là phòng thí nghiệm Google X hay những sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm, như xe hơi không người lái ...

Chuyên gia Lise Barcellini trình bày: "Năm 2004, tức chỉ sáu năm sau khi được hình thành, Google đã tham gia sàn chứng khoán và gây nhiều tiếng vang trong số các tập đoàn có chỉ số Nasdaq ở Mỹ. Giờ đây trên thị trường này, Google đứng hàng thứ ba, chỉ thua có Apple và Amazon. Nói chính xác hơn là Google Alphabet đứng thứ ba trong số các tập đoàn tham gia chỉ số Nasdaq, bởi vì từ 2015, các nhà sáng lập ra Google đã tìm cho Google một công ty mẹ, mang tên là Alphabet

Trong đại gia đình này, Google chỉ là một con gà đẻ trứng vàng, đem tiền về nuôi tất cả các thành viên khác. Cũng cần biết rằng, Google Alphabet tựa như một con bạch tuộc, đã vươn vòi đến rất nhiều các lĩnh vực kinh tế, từ các dụng cụ kết nối đến y tế và kể cả những hoạt động mang tính phiêu lưu nhất"

Mô hình "cá mập"

Với mô hình phát triển hoàn toàn mới lại đó, kể từ khi vào cuộc, Google đã hạ gục khá nhiều tên tuổi trong thế giới mạng. Chỉ riêng dịch vụ thư điện tử Gmail đã lấn át hết tất cả những đối thủ như Hotmail, Caramail và cả Yahoo...

Năm 1997, Internet Explorer thống lĩnh thị trường phần mềm. Vào thời điểm 2002-2013, khi kiểm soát gần 95% thị phần, Internet Explorer không thể nào nghĩ rằng sẽ bị khai tử vì Google vào năm 2015. Ngoài Internet Explorer, Kelkoo của châu Âu chuyên về các dịch vụ mua bán trên mạng từ 2002 đã bị Google Shopping dồn vào chân tường, để rồi giờ đây người sử dụng internet không còn mấy ai biết tới Kelkoo

Thêm một dự án của châu Âu để cạnh tranh Google bị chết yểu là Quaero. Đây là một chương tình hợp tác giữa Pháp và Đức, được khởi động năm 2005. Quaero có tham vọng trở thành một cổng vào tìm kiếm để phục vụ đại chúng và các doanh nghiệp. Nhưng đến năm 2013 sau khi đã chi ra 198 triệu euro thì Berlin và Paris đồng ý dừng lại các phí tổn vô ích này

Bên cạnh những thành công rực rỡ đó, Google cũng đã trải qua nhiều thất bại. Nhiều dự án tốn kém nhưng không đem lại những kết quả mong đợi. Mạng xã hội Google + không thể đọ sức với những Facebook hay Twitter. Google đã chậm chân, để Facebook phỗng tay trên những công cụ quý giá như Instagram hay Whatsapp

Thế gần như độc quyền của Google liên tục bị công kích. Châu Âu đã hai lần phạt nặng Google "bóp ngạt" các đối thủ, gây trở ngại cho cạnh tranh. Google cũng bị tai tiếng trốn thuế, như vụ chuyển 16 tỷ đô la sang các thiên đường thuế khóa bị phanh phui hồi năm 2016

Nhưng câu hỏi quan trọng có lẽ là sau hai thập niên không ngừng cải tiến và làm đổi mới toàn cảnh trong ngôi làng công nghệ số, trong 20 năm nữa Google và công ty mẹ Alphabet sẽ ra sao ?

Vào lúc hội chợ xe hơi Paris 2018 vừa mở ra, với một vị trí quan trọng dành cho xe không người lái, thì nhiều nhà quan sát quả quyết rằng với Waymo, Google sẽ tiên phong trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, với tất cả những thiết bị kết nối được trang bị trong nhà, nơi công sở …. Google sẽ càng len lỏi sâu hơn vào đời sống của mỗi chúng ta

Google càng nâng cao các chức năng để giảm bớt gánh nặng cho mỗi con người trong cuộc sống hàng ngày, thì càng nắm giữ nhiều dữ liệu và thông tin về người sử dụng. Hiềm nỗi, những dữ liệu ấy được cất giấu trong một không gian ảo mà không ai biết rõ chúng được bảo mật tới mức độ nào, được khai thác tới đâu

Ngọc An
 
Last edited:
Vì sao Google chật vật để trở thành công ty nghìn tỉ như Apple và Amazon
- Sau Apple, Amazon cũng đã đạt được danh hiệu công ty nghìn tỉ, nhưng cùng được xem là những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, lý do gì khiến Google đang phải hít khói hai đối thủ kia ?

Theo IBM Times, hệ thống làm việc trong Google được phân quyền rõ ràng, với các đội nhóm sản phẩm, từ dịch vụ tìm kiếm cho đến smartphone Android, đều hoạt động độc lập, mang về nhiều kết quả đáng kinh ngạc

"Quy định 20%" nổi tiếng của Google cho phép nhân viên làm các dự án riêng bên ngoài công việc chính với thời gian lên đến 24 giờ mỗi tuần. Điều này đẩy mạnh khả năng sáng tạo sản phẩm và dịch vụ của nhân viên tốt hơn 10 lần so với các công ty đối thủ



Một số sản phẩm thành công của Gogole

Sự thành công của Gmail, Google Maps, Google Docs, Chrome, Google Drive, Google Translate… là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, có một thứ vẫn chưa bao giờ thay đổi: kể từ khi thành lập, doanh thu chủ yếu của họ đến từ quảng cáo

Không quảng cáo, không ổn ?

Trong tổng doanh thu 60 tỉ USD vào năm 2015 của Google, chỉ 8 tỉ đến từ những dịch vụ không áp dụng quảng cáo. Con số này tăng lên 13 tỉ vào năm ngoái, nhưng vẫn ít hơn 14% so với tổng doanh thu. Từ đó dễ dàng suy luận rằng những dịch vụ, sản phẩm này chưa đem lại giá trị đáng kể cho Google

Vấn đề không nằm ở sự đa dạng sản phẩm và cũng không phải do Google chỉ tập trung vào quảng cáo


Nhận được nhiều kỳ vọng, Google Glass cuối cùng lại thất bại

Họ đã mua Motorola trong năm 2012 bằng 12,5 tỉ USD với kế hoạch tham gia thị trường phần cứng. Nhưng Google đã nhanh chóng bán lại Motorala cho Levono chỉ sau 2 năm với giá 2,9 tỉ USD. Máy tính bảng Nexus của Google gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ khác, và kính Google Glass hóa ra lại thất bại nặng nề

Dường như một bàn tay vô hình nào đó tại Googleplex (trụ sở Google tại Mỹ) khiến những sáng kiến không chung đường với mô hình quảng cáo bị "gặp vận xui" ?

Vấn đề nhân sự ?

Rắc rối ở chỗ, bàn tay vô hình đó cũng đe dọa trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển dưới cái bóng của Google. DeepMind, một trung tâm thí nghiệm AI trụ sở tại London, đã được Google mua lại trong 2014 với giá khoảng 500 triệu USD


DeepMind hiện đang bị ghẻ lạnh tại Google

Dù đạt được một số thành tựu vượt trội, DeepMind hiện đang bị Google ghẻ lạnh, không phải vì những bận tâm liên quan đến kỹ thuật, mà dường như vì yếu tố con người

Thật ra Google đã có trong tay Google Brain trước khi mua về DeepMind. Google Brain là một dự án về nghiên cứu AI, tập trung vào máy học (machine learning), ngôn ngữ tự nhiên và nhiều công nghệ khác, với mục đích tạo ra một hệ thống máy tính có khả năng tìm kiếm và học hỏi từ những thứ có sẵn

Lúc DeepMind về với Google, nhiều nhân viên đã tự hỏi đâu là vị trí của DeepMind tại công ty? Và khi DeepMind được giao nhiệm vụ kết hợp với bộ phận YouTube để mang về nhiều thành công hơn thì xảy ra vấn đề. Chẳng phải vì yếu tố kỹ thuật, mà là yếu tố con người - sự khác biệt về múi giờ và những bất đồng về hạn mức dữ liệu mà hai bên phải chia sẻ

Là một công ty mang giá trị cao thứ ba thế giới, sở hữu danh sách các nhà khoa học máy tính giỏi nhất, đã tạo ra những bộ máy thông minh có thể học, hiểu, thực hiện tác vụ phức tạp, nhưng họ lại gặp rắc rối trong việc phối hợp ăn ý chỉ vì múi giờ và chia sẻ dữ liệu nội bộ. Tin được không? Vấn đề thiếu hợp tác có thể phá hỏng cả một chiến lược lâu dài của Google. Rõ ràng, câu chuyện của DeepMind và YouTube không chỉ là trường hợp duy nhất tại Google

Vậy tại sao nhà đồng sáng lập Larry Page hay CEO Sundar Pichai không can thiệp cứng rắn hơn trong vấn đề này? Có lẽ sự can thiệp trực tiếp từ trên cao có khả năng đi ngược lại "bánh răng" văn hóa làm việc của Google, vốn dĩ mang tính đổi mới, cách tân từ dưới lên


CEO Sunder Pichai

Google vừa qua đã kỷ niệm 20 năm thành lập công ty, nhưng nếu các quản lý cao cấp vẫn không thể can thiệp vào bên dưới để giải quyết những bất cập trên, họ vẫn sẽ chưa thể vượt qua Apple hay Amazon trong 20 năm sắp tới

Đình Hải
 
Last edited:
Google chiếm lĩnh thị trường giáo dục
- Có lẽ ở Việt Nam thì chưa nhưng ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, các phần mềm miễn phí của Google đang thâm nhập lĩnh vực giáo dục với tốc độ chưa từng có. Hơn 80 triệu thầy giáo và học sinh trên toàn thế giới đang sử dụng bộ ứng dụng G Suite for Education, cho phép cả lớp dễ dàng sử dụng e-mail, lịch học, thu phát video, soạn văn bản, bài thuyết trình, tạo trang web, và khả năng lưu trữ không giới hạn

6cce2_google_giaoduc_copy.jpg

Trường học vẫn phải dựa vào Google và các sản phẩm của nó để “số hóa” chuyện dạy và học một cách hiệu quả nhất

Riêng phần mềm Google Classroom cho phép thầy cô đưa trước bài tập lên mạng, vào giờ học, học sinh cứ đăng nhập rồi làm bài và tải lên cho thầy cô nhận xét, chấm điểm. Trên toàn thế giới hiện cũng đang có 30 triệu chiếc máy tính Chromebook dành cho trường học. Riêng ở Mỹ, 58% máy tính xách tay trang bị cho trường vào năm ngoái là máy Chromebook, được Google trợ giá, khởi điểm chỉ từ 149 đô la mỗi máy. Tỷ lệ này vào năm 2012 chỉ mới là 5% !

Các hãng khác cũng làm phần mềm giáo dục nhưng giá sử dụng chừng 5-8 đô la Mỹ cho một học sinh mỗi năm. Nghe thì thấp nhưng một học khu có hơn 113.000 học sinh như Baltimore, chi phí cũng lên đến cả triệu đô la nên ít học khu nào kham nổi. Vì thế chẳng lạ gì Google Classroom và G Suite for Education chiếm lĩnh vì hoàn toàn miễn phí

Thế nhưng theo tường thuật của Business Insider, các thầy cô được phỏng vấn dù rất thích sử dụng phần mềm miễn phí của Google vẫn bày tỏ sự hoài nghi. Có người lập luận Google cho trẻ làm quen với sản phẩm của Google từ nhỏ nên sau này khi lớn lên đương nhiên trở thành khách hàng trung thành với Google

Hiện nay ngành giáo dục ở Mỹ đang chuyển nhanh từ các phương tiện giảng dạy, học tập truyền thống sang ứng dụng công nghệ ở mọi phương diện. Các chiến dịch tìm nguồn kinh phí hay tài trợ để đưa máy tính xách tay vào trường học đã thực hiện được phương châm mỗi học sinh một máy máy tính xách tay tại 20-30% học khu. Sách giáo khoa điện tử không còn chỉ là các file PDF nặng nề khó sử dụng nữa. Các ứng dụng đã có thể giúp giáo viên theo dõi sự tiến bộ của từng em theo thời gian thật, biết em nào cần hỗ trợ mặt gì. Sách giáo khoa đã được cá nhân hóa đến từng em. Sự chuyển dịch đó làm thị trường công nghệ giáo dục tăng trưởng mạnh, có thể đạt mốc 43 tỉ đô la vào năm 2019 lôi kéo sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ

Thế nhưng từ khi Google xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục, các phần mềm miễn phí của Google lan rộng như một vết dầu trên biển. Và dĩ nhiên thị phần của các hãng khác co cụm lại, như thị phần của Apple trong giáo dục giảm 33% từ năm 2012 đến 2017, còn Microsoft giảm 21%. Ứng dụng của Google không chỉ miễn phí mà còn dễ dùng, dễ truy cập ở bất cứ nơi đâu, dùng bất kỳ thiết bị nào

Một thầy giáo kết luận: Động cơ của Google khá rõ. Họ không tìm cách bán sản phẩm đâu. Cái họ muốn bán là một hệ sinh thái Google, một môi trường làm việc dùng toàn ứng dụng Google. Sau khi đã quen trong trường học, người ta sẽ dễ dàng dùng sản phẩm khác của Google ngoài đời. Hoài nghi thì hoài nghi, trường học vẫn phải dựa vào Google và các sản phẩm của nó để “số hóa” chuyện dạy và học một cách hiệu quả nhất

Nguyễn Phan
 
Top