What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Nobel Kinh tế

thinktank.vn

Administrator
Nobel Kinh tế cho khí hậu và công nghệ
- Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho hai nhà kinh tế người Mỹ, William Nordhaus và Paul Romer nhờ những công trình nghiên cứu của họ về tác động của biến đổi khí hậu và cải tiến công nghệ lên tăng trưởng kinh tế dài hạn
51259_anhbainobelkinhte_copy.jpg

GS. Romer (trái) và GS. Nordhaus (phải)

Điểm chung giữa hai nhà kinh tế này nằm ở chỗ các thành tựu của họ tạo ra các công cụ kinh tế để giải quyết bài toán phát triển kinh tế bền vững. Các công cụ này đã có những tác động to lớn lên việc soạn thảo chính sách tại nhiều nước

Một trùng hợp ngẫu nhiên, chỉ mấy giờ trước khi giải được công bố, Liên hiệp quốc cũng công bố một báo cáo bi quan về hậu quả của biến đổi khí hậu với những viễn cảnh đáng sợ hơn những báo cáo khác nhiều: tình trạng thiếu lương thực ngày càng tệ hại, nạn cháy rừng diễn ra khắp nơi, hạn hán ngày càng gay gắt, nước biển dâng nhanh hơn. Đó là bởi báo cáo cho biết nếu thế giới vẫn phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, nhiệt độ bầu khí quyển sẽ tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2040

Giáo sư William Nordhaus, Đại học Yale, đã xây dựng những mô hình tích hợp biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô, đo lường sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và khí hậu. Mô hình tìm cách miêu tả các chính sách khí hậu khác nhau - chẳng hạn, đánh thuế carbon - ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế và lượng CO2 phát ra. Nghiên cứu của Nordhaus chỉ ra rằng giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết hậu quả của việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính là đánh thuế carbon toàn cầu, nước nào cũng phải chịu, không có ngoại lệ. Thay cho thuế, một hệ thống mua bán quyền phát thải cũng có tác dụng tương tự miễn sao giới hạn phát thải đặt ở mức thấp để giá phát thải phải cao

Báo cáo mà Liên hiệp quốc đặt 91 nhà khoa học từ 40 quốc gia tổng hợp từ hơn 6.000 nghiên cứu cho rằng, về mặt kỹ thuật có thể có biện pháp ngăn chận viễn cảnh đáng sợ nói trên với điều kiện các nước phải giải quyết các áp lực về mặt chính trị. Chẳng hạn, báo cáo cho biết cần đánh thuế thật cao làm cho giá phát thải một tấn khí CO2 lên đến 27.000 đô la Mỹ vào năm 2100 nhưng điều này là bất khả thi, ít ra là ở nước Mỹ nơi Tổng thống Trump cười nhạo chuyện biến đổi khí hậu, cho là không có thật và từng đòi rút ra khỏi hiệp định Paris. Nhiều nước khác cũng phản đối các ràng buộc của hiệp định Paris

Giáo sư Paul Romer, Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học NYU, qua các công trình nghiên cứu của mình đã chứng minh cải tiến công nghệ là một động lực cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và làm cách nào để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đẻ ra ý tưởng và cải tiến mới. Trong các mô hình tăng trưởng kinh tế trước đó, người ta tập trung vào các yếu tố như tích lũy tư bản tuy nhiên tăng trưởng nhờ vào vốn, máy móc, hạ tầng về lâu về dài sẽ hết tác dụng. Để duy trì tăng trưởng dài hạn, phải giả định lao động sẽ liên tục tăng năng suất nhờ tiến bộ công nghệ

Đó là bởi vốn và lao động thuộc loại hàng hóa có tính loại trừ - sử dụng chiếc máy hay một kỹ sư ở nhà máy này thì chiếc máy đó, ông kỹ sư đó không thể cùng được sử dụng ở một nhà máy khác. Trong khi đó, ý tưởng hay nói cách khác, cải tiến công nghệ có thể được chia sẻ rộng rãi, người này dùng không loại trừ người khác cũng áp dụng. Vì thế Romer cho rằng cần cho phép doanh nghiệp độc quyền thu lợi nhuận từ ý tưởng trong một thời gian để họ có thể thu hồi vốn bỏ ra cho việc khai sinh ý tưởng, tức làm sao trao tính loại trừ cho các cải tiến công nghệ

Đó là lý do vì sao khi khuyến khích doanh nghiệp rót vốn vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cần có những luật lệ chặt chẽ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như khả năng chính phủ phải hỗ trợ cho công tác R&D. Mô hình nghiên cứu của Romer giúp thiết kế chính sách cân bằng: trao quyền khai thác độc quyền, tạo động lực cho các phát minh mới nhưng cũng tạo điều kiện để xã hội sử dụng được những phát minh này bằng cách giới hạn quyền khai thác theo thời gian hay không gian

Vào đầu năm nay giáo sư Paul Romer gây xôn xao dư luận khi từ chức kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới chỉ sau 15 tháng đảm nhiệm vì bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, nhất là trong vụ biên soạn tài liệu “Doing Business”

Giải năm nay trị giá 9 triệu kroner Thụy Điển (gần một triệu đô la Mỹ) chia đều giữa hai người. Giải năm ngoái được trao cho giáo sư Richard Thaler, Đại học Chicago về những đóng góp của ông trong kinh tế học hành vi

Nguyễn Vũ
 
Công nghệ là “con dao hai lưỡi” các quốc gia đang phát triển
- Các công nghệ tiên tiến từ trí tuệ nhân tạo cho tới công nghệ chỉnh sửa gen đã góp phần trong việc nâng cao đời sống con người, nhưng đồng thời lại tạo ra sự thiếu công bằng và phân chia trong xã hội, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc

lhq_mqgt.jpg

Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (ở giữa) phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội

Cụ thể, trong điều tra Kinh tế Xã hội thế giới tập trung vào việc liệu các công nghệ tiên phong có thể đáp ứng mục tiêu đề ra cho năm 2030, bao gồm chấm dứt nạn nghèo đói, bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết: “Các công nghệ tiên phong - từ giải mã ADN cho tới kỹ thuật in 3D, từ công nghệ năng lượng tái tạo cho tới nhựa phân hủy sinh học, hay lĩnh vực khoa học máy (machine learning) cho tới trí tuệ nhân tạo - đều tạo ra tiềm năng chắc chắn để hoàn thành mục tiêu của năm 2030”

“Sức khỏe và tuổi thọ con người, sự thịnh vượng của người dân và sự bền vững của môi trường nằm trong trong tầm với nếu chúng ta biết khai thác tốt toàn bộ năng lực từ những cải tiến này. Tuy nhiên, những công nghệ này cũng gây ra những mối lo toàn cầu” - ông Guterres nói trong buổi công bố bài báo cáo

Ông Guterres cho rằng chính phủ các nước nên thông qua những chính sách đảm bảo các công nghệ tiên phong này “không chỉ tồn tại trên phương diện thương mại mà còn phải công bằng và hợp đạo lý. Trong khi các nước phát triển giàu có cơ hội tiếp xúc công nghệ mới, giúp đẩy lùi bệnh tật hay tự động hóa sản xuất, còn những nước đang phát triển chưa thể hưởng hết các lợi ích từ công nghệ sẵn có”

Bài báo cáo dài 175 trang cho biết hàng triệu người vẫn phụ thuộc vào sức lực của con người và động vật để canh tác đất trồng cũng như cho những công việc sản xuất. Trong khi công nghệ đang phát triển nhưng chưa phục vụ được những nhu cầu cấp bách nhất của nhân loại như xóa bỏ nạn nghèo đói, giảm bất bình đẳng, tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người dân và xây dựng các biện pháp chống biến đổi khí hậu

Những sự cải tiến trong công nghệ đang biến đổi thị trường lao động và gây ra thất nghiệp tại các nước phát triển, như robot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo giúp đẩy mạnh năng suất nhưng lại gây ra nạn thất nghiệp và ảnh hưởng mục tiêu đẩy mạnh sự công bằng bình đẳng trong xã hội

Trung Văn
 
Top