What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh

thinktank.vn

Administrator
Trung Quốc sẽ xây sàn chứng khoán nuôi dưỡng hãng công nghệ nhỏ và vừa trong nước

Trung Quốc sẽ hình thành thị trường chứng khoán mới nhằm giúp các công ty nhỏ và vừa (SME) theo đuổi các ngành công nghệ mới. Kế hoạch này được công bố vào thời điểm chính phủ đang gia tăng trấn áp, thu hẹp sức ảnh hưởng của đại gia công nghệ. Chỉ riêng hai đại gia Alibaba và Tencent đã mất 330 tỉ đô la giá trị vốn hóa kể từ cuối năm 2020 – tức tương đương 13 lần quy mô GDP của Campuchia cùng năm. Các hãng này buộc phải xông pha đất khách để sống còn

Nuôi dưỡng “tiểu công nghệ”

“Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ việc sáng tạo và phát triển SME, tăng cường đổi mới, tạo ra một sàn giao dịch mới là Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh”, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua một video nhân Hội chợ thương mại quốc tế Trung Quốc về dịch vụ đang diễn ra ở thủ đô trong ngày hôm qua


Baidu@HKEX-e1630637421996.jpg

Lễ khai trương sự kiện niêm yết lần đầu (IPO) của công ty Baidu trên sàn chứng khoán Hồng Kông năm 2019

Ông Tập đã không nói rõ các chi tiết hoặc khung thời gian cho thị trường trong tương lai này. Nếu được thành lập, đây sẽ là thị trường chứng khoán thứ ba tại đất nước khổng lồ này, sau hai sàn ở Thượng Hải và Thâm Quyến

Ông cũng cam kết sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với các nước đang tham gia sáng kiến “nhất đới nhất lộ” nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước với vốn từ Trung Quốc. Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ các cơ hội phát triển của ngành dịch vụ mới với tất cả các nước nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu hồi phục và tăng trưởng

Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã đạt quy mô lớn hơn và thăng hạng trong các bảng tổng sắp toàn cầu cả về số công ty niêm yết lẫn vốn hóa kể từ khi hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến hình thành năm 1990. Sự phát triển của hai thị trường này đi song song với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong ba thập niên qua

Sàn Thượng Hải hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới, với mức vốn hóa 7.620 tỉ đô la tính đến cuối tháng 6 vừa rồi, theo thống kê của trang Statista. Với vốn hóa 5.760 tỉ đô la, sàn Thâm Quyến đứng thứ tư sau vị trí số 3 của Hồng Kông với vốn hóa 6.810 tỉ đô la

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng các quy định theo chuẩn Nasdaq ở cả hai sàn chứng khoán dành cho các hãng công nghệ là STAR Market ở Thượng Hải và ChiNext ở Thâm Quyến. Các cố gắng này nhằm giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể gọi vốn. Các sàn này cũng thu hút các công ty công nghệ lớn nhất đất nước niêm yết sau khi chính phủ Mỹ siết chặt quy định đối với hãng từ đại lục. Những cái tên lớn gần đây là hãng chất bán dẫn SMIC và hãng viễn thông China Telecom

Dù lĩnh vực dịch vụ ở Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong trao đổi hàng hóa, nhưng thị trường đang phát triển nhanh, với động cơ tăng trưởng là du lịch và các dịch vụ có hàm lượng chất xám cao

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng giá trị của các dịch vụ liên quan đến du lịch đạt 5,410 tỉ nhân dân tệ (838 tỉ đô la) trong năm 2019, tăng 23% so với tổng giá trị 4.390 tỉ nhân dân tệ của năm 2016. Nhưng các dịch vụ này đã lao dốc trong sáu tháng đầu 2020 xuống còn 4.560 tỉ nhân dân tệ, giảm 16%. Tổng giá trị thương mại của hàng hóa vật lý giảm 14%, mức độ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ

Sự lao dốc của các dịch vụ liên quan đến du lịch được bù đắp bởi tăng trưởng của các dịch vụ thâm dụng công nghệ, chiếm 45% tổng giá trị. Các dịch vụ này gồm viễn thông, công nghệ thông tin và quyền sở hữu trí tuệ, với các tập đoàn như Alibaba Group Holding hay Huawei Technologies đứng sau

Các thông điệp mâu thuẫn

Trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng các khu vực mẫu (demo) để thúc đẩy phát triển sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và lập danh sách các dịch vụ xuyên biên giới trên cả nước. Hồi tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc đã công bố danh sách dự án cảng tự do thương mại Hải Nam, nhằm biến nơi này thành thị trường có tầm cỡ khu vực về dịch vụ tài chính và các dịch vụ xuyên biên giới khác

Thông điệp từ bài phát biểu mới của ông Tập đang phủ mây mù lên nền kinh tế công nghệ ở Trung Quốc. Bởi nó trái ngược hoàn toàn với tình hình nhà nước đang ra sức “tảo thanh” hay “dọn cỏ” trong lĩnh vực công nghệ và giải trí

Chỉ một ngày trước đó, hôm 1-9 nhà chức trách Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp với 11 ứng dụng gọi xe ở nước này để buộc các hãng phải cải thiện điều kiện làm việc và thù lao của tài xế và đối tác bán hàng trên các nền tảng này

Trước đó nữa, hôm 31-8 cơ quan quản lý đã ra lệnh cấm người dưới 18 tuổi chơi game trực tuyến quá ba giờ mỗi tuần với giải thích rằng “ngăn chứng nghiện game và biến đổi tâm lý ở trẻ” – theo Caixin. Quyết định này khiến các công ty game trực tuyến lớn nhất nước thất vọng. Hồi đầu tháng 8 rồi, trước áp lực của chính phủ, Tencent tuyên bố sẽ hạn chế trẻ dưới 12 tuổi mua hàng trong kho ứng dụng game. Tencent cũng giới hạn thời gian cho những người chơi dưới 18 tuổi với tựa game hàng đầu Honor of Kings

Cũng đầu tháng 8, Trung Quốc cũng cấm cửa ngành công nghệ dạy kèm trực tuyến của nước này có giá trị đến 70,25 tỉ đô la trong năm 2020 – theo dữ liệu iiMedia Research

Đại gia công nghệ bỏ chạy

Những động thái trừng phạt đối với tỷ phú Jack Ma và đế chế Alibaba, cùng các tập đoàn công nghệ lớn khiến các hãng này đem vốn ra nước ngoài. Dù rằng đã tuyên bố dành 50 tỉ nhân dân tệ, khoảng 7,7 tỉ đô la, cho chương trình “thịnh vượng chung” của chính phủ, Tencent cũng đang tìm cách tìm kiếm những chân trời phát triển mới

Tencent tăng vốn đầu tư vào startup nước ngoài trong năm nay lên gấp 7 lần so với năm trước. Tập đoàn đa ngành về mạng xã hội, trò chơi và công nghệ tài chính đã ký kỷ lục 16 hợp đồng đầu tư mới ở châu Âu trong sáu tháng đầu năm 2021, nâng tổng số dự án quốc tế của tập đoàn lên 34 – theo dữ liệu của Refinitiv. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020 họ chỉ có 4 dự án và cùng kỳ năm 2019 chỉ 3 dự án

“Các quy định siết chặt hơn và tỷ lệ tăng trưởng nội địa giảm đã buộc các hãng tìm kiếm thị trường nước ngoài”, nhà phân tích về game Daniel Ahmad thuộc hãng Niko Partners nói với Nikkei Asia

Phần lớn các hợp đồng của Tencent ở châu Âu là trong lĩnh vực game. Hãng con ở Anh của Miniclip thuộc Tencent đã mua công ty thiết kế Gamebacis ở Hà Lan vào tháng 1-2021. Miniclip cũng mua phần lớn cổ phần trong hãng thiết kể Green Horse Games ở Romania hồi tháng 2. Ngoài ra, Tencent cũng rải tiền ở nhiều series gọi vốn của các startup ở Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong nửa đầu năm 2021

“Lợi nhuận trong mảng game quốc tế của Tencent tăng nhanh hơn mảng ở nội địa và giờ đây đóng góp 25% doanh số trò chơi trực tuyến của tập đoàn. Chúng ta sẽ thấy nhiều dự án đầu tư hơn trong thời gian tới”, nhà phân tích Wium Malan thuộc hãng Propitious phát biểu

Phần lớn các hợp đồng thu mua hay sáp nhập ở châu Âu được Tencent thực hiện khá kín đáo, thông qua các công ty con ở nước ngoài để tránh bị săm soi. Chẳng hạn như mua nhà phát triển game Crytek ở Đức vào mùa hè này

“Mối lo ngại về công nghệ của Trung Quốc đang làm các nước lo lắng và gây khó cho hoạt động của Tencent ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Úc. Sáp nhập các công ty qua nhiều tầng nấc khác nhau sẽ ít bị chú ý hơn và được tiến hành rất thận trọng”, theo lời Mark Natkin, nhà sáng lập hãng tư vấn Marbridge đặt trụ sở ở Bắc Kinh

Các động thái thầm lặng đó sẽ giúp Tencent không cần phải tốn tiền để gầy dựng thương hiệu mới, đồng thời giúp cho các công ty sáp nhập đạt được sự hoàn hảo vốn có, luôn hấp dẫn Tencent – nhà phân tích Daniel Ahmad ghi nhận

Chủ tịch Martin Lau của Tencent đã cảnh báo tại cuộc họp các nhà đầu tư vào tháng 8 vừa rồi rằng nhà chức trách sẽ gia tăng áp lực với các công ty công nghệ ở Trung Quốc. “Môi trường quản lý chặt hơn ở Trung Quốc có khi là tác nhân thúc đẩy Tencent ký kết các hợp đồng quốc tế nhiều hơn”, giám đốc Kevin Ho thuộc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings nhận định
 
Last edited:
Trung Quốc sẽ thành lập Sở giao dịch chứng khoán tại Bắc Kinh

chu-tich-tap.jpg

Việc thành lập sàn giao dịch chứng khoán mới sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng hơn trên thị trường tài chính

Trong bài phát biểu qua video gửi tới Hội nghị Thương mại dịch vụ toàn cầu 2021, ông Tập Cận Bình tuyên bố:“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển theo định hướng đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách thành lập Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh, làm địa điểm chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng đổi mới”

Ông Tập không cho biết cụ thể khi nào sàn giao dịch sẽ được thành lập

Việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán mới ở Bắc Kinh sẽ mang lại cho trung tâm chính trị của quốc gia này nhiều ảnh hưởng hơn trên thị trường tài chính

Hiện tại, Trung Quốc đại lục đã có hai sở giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến, cách xa Bắc Kinh

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, được thành lập vào năm 1990, là nơi tập trung hầu hết các công ty có vốn hóa lớn, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các công ty năng lượng. Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến là nơi tập trung nhiều hơn của các công ty công nghệ, các công ty có quy mô nhỏ và vừa

Ngoài ra còn có Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, nhưng cơ chế hoạt động không giống như các Sở giao dịch ở Trung Quốc đại lục. Sàn này tuân theo các hệ thống luật pháp và quy định riêng mà không chịu sự kiểm soát vốn của Bắc Kinh

Ngoài việc niêm yết trên các sàn chứng khoán trong nước, các công ty Trung Quốc cũng tích cực huy động vốn thông qua các đợt IPO (lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng) ở nước ngoài

Chính sách kinh tế hướng đến các công ty vừa và nhỏ

Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tăng cường áp lực với các công ty tư nhân lớn để kiềm chế quyền lực và ảnh hưởng của họ, dẫn đến xung đột với Mỹ. Cụ thể là khiến các công ty lớn phải đối mặt với nhiều rào cản về quy định khi họ cố gắng huy động vốn từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đã tăng cường giám sát các đợt IPO của Trung Quốc và yêu cầu phân tích kỹ lưỡng hơn về các rủi ro tiềm ẩn

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tập đích thân tuyên bố sáng kiến về thị trường chứng khoán. Trước đó, vào năm 2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng, ông đã tuyên bố thành lập một ban tập trung vào công nghệ và khoa học cho các công ty khởi nghiệp trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Việc thành lập Thị trường STAR của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, chính thức được gọi là Ban Đổi mới Khoa học và Công nghệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, vào ngày 22/9/2019 nhằm mục đích thu hút đầu tư vào các công ty công nghệ cao và giúp nước này có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh với phương Tây về công nghệ. Kể từ đó, hơn 300 công ty công nghệ đã niêm yết trên sàn, với tổng vốn hóa thị trường hơn 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (728 tỷ USD)

Chính phủ cũng từng thiết lập một hệ thống Thị trường giao dịch qua quầy Bắc Kinh vào năm 2013 để giao dịch cổ phiếu của các công ty không được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Đó là Sàn giao dịch và định giá cổ phần quốc gia (NEEQ), và được biết đến rộng rãi với cái tên "Sàn thứ ba mới" ở Trung Quốc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, NEEQ phát triển tụt hậu so với thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến, quy mô đối diện với nguy cơ bị thu hẹp lại và tính thanh khoản thấp

Nền tảng xây dựng Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh

Vào hôm thứ Năm 2/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ cải tổ hệ thống Sàn giao dịch và định giá cổ phần quốc gia (NEEQ) ở Bắc Kinh. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cơ quan quản lý chứng khoán quốc gia hàng đầu, sau đó đã giải thích rằng sàn giao dịch chứng khoán mới sẽ được xây dựng trên nền tảng của NEEQ. Các công ty được chọn từ NEEQ nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch Bắc Kinh

CSRC cũng cho biết sàn giao dịch Bắc Kinh sẽ bổ sung cho các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, tập trung vào việc phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hệ thống IPO dựa trên đăng ký mà Trung Quốc đã thí điểm ở Thượng Hải hai năm trước sẽ được áp dụng cho các công ty muốn niêm yết trên sàn giao dịch mới. Hệ thống này đòi hỏi các công ty phải công bố nhiều hơn nữa về hoạt động tài chính và đảm bảo an toàn cá nhân. Nó nhằm mục đích cải thiện tính minh bạch của thị trường và giảm bớt sự kéo tài trong quá trình xem xét quy định đối với các đợt IPO
 
Trung Quốc đưa vào hoạt động sàn giao dịch chứng khoán dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

yahoonews_161249.jpg

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh được đưa vào hoạt động ngày 15/11

Thị trường chứng khoán mới của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhỏ được thiết lập để thúc đẩy sự đổi mới

Sở giao dịch chứng khoán Bắc Kinh đã bắt đầu giao dịch vào ngày 15/11, một bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải tạo thị trường vốn của Trung Quốc vì thị trường chứng khoán mới sẽ phục vụ vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)

Việc ra mắt diễn ra hai tháng sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch mới, một động thái được thị trường hoan nghênh rộng rãi vì nhằm giải quyết vấn đề hóc búa về tài chính lâu nay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thông báo này đã gây được sự quan tâm và háo hức lớn trên thị trường. Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư và các công ty đã theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của sàn giao dịch, cạnh tranh với nhau để có đủ điều kiện giao dịch

ck_16125240.jpeg

Hơn 2 triệu nhà đầu tư đã tham gia giao dịch

Tính đến ngày 12/11, hơn 2,1 triệu nhà đầu tư mới đã đăng ký để trở thành nhà đầu tư đủ điều kiện. Sàn giao dịch cho biết thêm rằng, tổng số nhà đầu tư đủ điều kiện sẽ vượt quá 4 triệu sau khi thị trường bắt đầu giao dịch. Tổng số 112 công ty chứng khoán đã được cấp tư cách thành viên cho đến nay

Nhận xét về những công ty niêm yết đầu tiên, ông Li Xudong, Giám đốc Điều hành của China Securities, cho biết các công ty này là "hiện thân đầy đủ cho vai trò của sàn chứng khoán như một nền tảng chính phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo. Tất cả 81 công ty, với tư cách là những công ty hoạt động hàng đầu trong các lĩnh vực tương ứng của họ, tự hào về hoạt động kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng lớn” ông Li nói

giaodich_16126556.jpg

Trong hai tháng qua, các nhà đầu tư và các công ty đã theo dõi sát sao những diễn biến mới nhất của sàn giao dịch, cạnh tranh với nhau để có đủ điều kiện giao dịch

Các công ty này chủ yếu đến từ các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ công nghệ cao và các ngành chiến lược mới nổi. Chi tiêu trung bình cho nghiên cứu và phát triển của họ là 25,36 triệu Nhân dân tệ (khoảng 4 triệu USD)

Trong khi một loạt các công ty đang xếp hàng để niêm yết, sàn giao dịch cho biết họ sẽ tăng cường giám sát và đẩy mạnh nỗ lực cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết, thực hiện các biện pháp tăng cường rà soát trước khi niêm yết, làm rõ trách nhiệm của các trung gian và các công ty niêm yết, và tạo ra các kênh thông suốt để hủy niêm yết

Các nhà theo dõi thị trường cho biết, việc ra mắt giao dịch đánh dấu sự khởi đầu của hành trình thăm dò đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh, khuyến khích tất cả các bên liên quan trở nên thích nghi và hòa nhập hơn, đồng thời làm việc cùng nhau để thúc đẩy một môi trường thị trường lành mạnh nhằm tạo điều kiện cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững của sàn giao dịch mới
 
Top