What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

USA Thinktank Technology

thinktank.vn

Administrator
MIT "đổ" 1 tỷ đô la xây dựng trường Đại học chuyên biệt về Trí tuệ nhân tạo
- Mới đây, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - ngôi trường hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ vừa công bố một trường đại học trị giá 1 tỷ đô la được thiết kế để cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho các chuyên gia về máy học trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu trong tương lai. Đây là khoản đầu tư tài chính lớn nhất vào trí tuệ nhân tạo của một cơ sở giáo dục Mỹ từ trước đến nay

Tổng tiền mặt ấn tượng sẽ hướng tới việc tạo ra một trường đại học máy tính mới nhằm cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho các chuyên gia học máy trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo bùng nổ từ gần 10 năm trở lại đây, nhưng tới nay lĩnh vực này vẫn còn khan hiếm nhân tài, cả về lĩnh vực phát triển lẫn nghiên cứu. Để khắc phục vấn đề này, không cách nào tốt hơn là đào tạo kiến thức chuyên sâu cho các chuyên gia tương lai

Nhưng mục đích thành lập trường không chỉ dừng lại ở đó. Ông L. Rafael Reif - Hiệu trưởng MIT cho biết đơn vị mới còn tập trung vào việc đào tạo để sinh viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh học, hóa học, vật lý, chính trị, lịch sử, ngôn ngữ… có thể nắm được cách vận dụng máy học vào chuyên môn của mình

Cho đến nay, có khoảng 2/3 trong số vốn 1 tỉ USD được kêu gọi thành công từ các nhà đầu tư, trong đó CEO công ty cổ phần tư nhân Blackstone - ông Stephen A. Schwarzman góp tới 350 triệu USD. Trong gói đầu tư của ông còn có thêm 50 giảng viên mới cho trường, một nửa trong số họ sẽ chỉ tập trung vào khoa học máy tính. Những người còn lại sẽ do trường và các phòng, ban khác của MIT bổ nhiệm

Với khoản đầu tư tư nhân chiếm tới 35% tổng số vốn kêu gọi, tên của ông Schwarzman được lấy để đặt cho trường mới: Đại học Máy tính MIT Schwarzman

“Khi máy tính đang định hình lại thế giới của chúng ta, MIT muốn góp sức để đảm bảo tính toán mọi thứ sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người. Đại học Máy tính MIT Schwarzman sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và giáo dục máy tính toàn cầu, đồng thời là một công xưởng tạo ra những công cụ AI mới, mạnh mẽ hơn. Quan trọng không kém, trường sẽ trang bị cho các sinh viên, các nhà nghiên cứu trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cách sử dụng máy tính và AI để thúc đẩy ngành của họ và ngược lại, cũng như giúp con người suy nghĩ nghiêm túc về vai trò của mình trong công việc họ đang đảm nhận”, ông Reif chia sẻ

Dự kiến ngôi trường AI này sẽ khai giảng vào tháng 9.2019, trong khi tòa nhà mới để làm nơi dạy và học sẽ hoàn thành vào năm 2022

Lệ Thu
 
Boeing nghiên cứu công nghệ 'khoa học viễn tưởng'
Hai trong số các công nghệ 'khoa học viễn tưởng' tiêu biểu là máy tính siêu nhanh có thể bắt chước khớp thần kinh (synapse) của não người, và liên kết thông tin chống hack dựa trên vật lý tượng tử ứng dụng


Theo Bloomberg, truyền thông lượng tử và công nghệ được gọi là xử lý theo kiểu thần kinh là hai trong số nhiều công nghệ tương lai mà Boeing muốn khám phá

Hướng đi này có vẻ hơi lạ lẫm với nhà sản xuất tàu bay lớn nhất thế giới, song các khái niệm như trên ngày càng trở thành cốt lõi của sự đổi mới ngành hàng không vũ trụ, cũng như các mạng lưới một ngày nào đó có thể quản lý hàng triệu máy bay không người lái trên không trung, giám đốc công nghệ (CTO) Greg Hyslop của Boeing cho hay. Công nghệ được phát triển xung quanh máy tính và cảm biến tân tiến sẽ “tác động sâu sắc” đến Boeing

Tiến bộ nhanh chóng về máy tính và truyền thông đang được nhiều hãng công nghệ lớn khác nghiên cứu. Đơn cử, hãng Neuralink của tỉ phú Elon Musk đang phát triển “giao dịch máy não người để liên kết con người và máy tính”, theo trang web Neuralink. Nhà thầu quốc phòng Harris và L3 Technologies thì đang hình thành liên minh 33,5 tỉ USD tập trung vào hệ thống truyền thông ngày càng phức tạp được nhúng vào hệ thống quân sự

Boeing hiện cược rằng đơn vị mới của hãng, với tên gọi Disruptive Computing and Networks, sẽ giúp công ty có nhiều bước đột phá trong truyền thông an toàn và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tăng cường sản xuất đồng thời ''mài giũa'' sản phẩm cho thị trường thương mại. Boeing hậu thuẫn đơn vị bằng nguồn vốn nội bộ và các khoản đầu tư được thực hiện thông qua bộ phận đầu tư mạo hiểm của Boeing có tên Boeing HorizonX


Ông Hyslop dẫn một ví dụ về công nghệ của tương lai đang được chú ý phát triển: Chip thần kinh. Công nghệ này đang được trung tâm nghiên cứu HRL Laboratories ở Malibu, bang California phát triển. HRL (được quản lý bởi Boeing và General Motors) đang làm việc với Darpa, bộ phận nghiên cứu của Lầu Năm Góc và nhiều đơn vị khác để phát triển kiến trúc máy tính hoạt động như một phần não bộ

HRL đang tạo ra những con chip silicon “có dây giống như não người”, ông Hyslop cho hay. “Nó đang cố bắt chước cách các neuron của chúng ta kết nối và liên kết với nhau trong phần cứng silicon và giảm thiểu các mạch”, CTO Boeing nói

Thu Thảo
 
9 hãng Mỹ cạnh tranh giành hợp đồng 2,6 tỉ USD với NASA
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chọn 9 công ty vũ trụ để cạnh tranh giành nhiều hợp đồng phát triển công nghệ bay lên và khám phá Mặt trăng


Ảnh nghệ sĩ vẽ về môi trường sống của phi hành gia khi bay vòng quanh quỹ đạo Mặt trăng

Theo CNBC, 9 hãng này là Lockheed Martin, Astrobotic, Firefly Aerospace, Masten Space Systems, Moon Express, Draper, Intuitive Machines, Deep Space Systems và Orbit Beyond. NASA thu hẹp số doanh nghiệp hàng không, vũ trụ Mỹ được chọn thành những cái tên kể trên, dù trước đó nhận được sự quan tâm từ hơn 30 công ty lớn nhỏ, trong đó có SpaceX, Blue Origin và Sierra Nevada Corp

“Chúng tôi đang làm thứ trước đây chưa từng được thực hiện. Khi đến Mặt trăng, chúng tôi muốn trở thành một trong nhiều khách hàng của thị trường dịch chuyển giữa Trái đất và Mặt trăng”, nhà quản lý NASA Jim Bridenstine cho hay

Chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại (CLPS) xây dựng dựa trên Chỉ thị Chính sách Không gian 1 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào tháng 12.2017. Chỉ thị kêu gọi NASA quay lại Mặt trăng, chỉ đạo cơ quan này đưa người Mỹ lên bề mặt Mặt trăng để chuẩn bị cho các chuyến đi đến sao Hỏa

Theo CLPS, NASA sẽ trao nhiều hợp đồng cho nhiều sứ mệnh Mặt trăng trong 10 năm tới. Các doanh nghiệp chỉ được xem xét dự thầu nếu họ đồng ý cung cấp sứ mệnh đầu tiên trước cuối năm 2021

Thu Thảo
 
Last edited:
Mỹ sắp chi 1,2 tỉ USD phát triển công nghệ lượng tử
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước ký ban hành luật nhằm tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D) máy tính lượng tử ở Mỹ


Theo MIT Technology Review GeekWire, Đạo luật Sáng kiến Lượng tử Quốc gia (H.R. 6227) mà ông Trump mới ký cho phép Mỹ chi 1,2 tỉ USD trong 5 năm để thúc đầy đầu tư vào khoa học thông tin lượng tử (QIS) cũng như hỗ trợ lực lượng lao động có hiểu biết về công nghệ lượng tử. Luật cũng cho phép thành lập Văn phòng Điều phối Lượng tử Quốc gia, kêu gọi xây dựng kế hoạch chiến lược 5 năm và thành lập ủy ban tư vấn cho Nhà Trắng về các vấn đề liên quan đến máy tính lượng tử

“Cuộc cách mạng công nghệ lớn kế tiếp có ý nghĩa sâu rộng trong việc tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Chúng tôi mong muốn xây dựng nỗ lực để hỗ trợ lực lượng lao động có hiểu biết về lượng tử trong tương lai, những người sẽ tham gia cùng chính phủ, các nhà học thuật và lãnh đạo khu vực tư nhân để thúc đẩy QIS”, phó trợ lý cho Tổng thống Mỹ về chính sách công nghệ, ông Michael Kratsios, cho hay

Máy tính lượng tử sử dụng nhiều hiện tượng hạ nguyên tử lạ để có thể vượt ra ngoài phạm vi khả năng của máy tính cổ điển. Công nghệ máy tính cổ điển dùng bit điện tử thể hiện “tắt” hoặc “mở”, hay 1 hoặc 0. Ngược lại, máy tính lượng tử thao túng các “qubit” có thể đại diện đồng thời các chữ số 1 và 0

Cách tiếp cận lượng tử đặc biệt phù hợp với một số loại nhiệm vụ nhất định, bao gồm cả việc tìm thừa số nguyên tố của các con số lớn. Đây là điểm quan trọng vì kỹ thuật mã hóa hiện đại dựa trên việc tìm thừa số nguyên tố. Máy tính lượng tử đủ mạnh có thể phá code hiện bảo vệ thông tin liên lạc và giao dịch tài chính an toàn

Đầu tháng này, báo cáo từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho hay nhu cầu phát triển các giao thức mã hóa “hậu lượng tử” là cấp thiết để bảo vệ thương mại, an ninh quốc gia. Nghiên cứu về QIS cũng có thể cho ra loại bộ xử lý lượng tử, cảm biến, công cụ điều hướng và hệ thống an ninh mới

Giới nghiên cứu Mỹ và các nước đồng minh có nhiều bước tiến quan trọng trong công nghệ máy tính lượng tử vài thập niên qua. Đơn cử, D-Wave Systems của Canada mới đây cho hay máy tính lượng tử 2.048 qubit của họ có thể được dùng để mô phỏng các hiện tượng kỳ lạ liên quan đến hiện tượng siêu dẫn. D-Wave nhận đầu tư từ cả tỉ phú Mỹ Jeff Bezos, đã và đang làm việc về máy tính lượng tử với Google, Cợ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Lockheed Martin và nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác

Trong khi đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng “chạy đua”, đổ hàng tỉ USD cho R&D máy tính lượng tử. Đạo luật Sáng kiến Lượng tử Quốc gia vừa được phê duyệt là để giúp Mỹ luôn đi đầu trong cuộc đua công nghệ

Thu Thảo
 
Đầu tư bền bỉ của chính phủ
Dù vẫn bị coi là “thực dụng kiểu Mỹ” nhưng các chính sách đầu tư cho khoa học cơ bản thông qua các quỹ như National Science Foundation (NFS), National Institutes of Health (NIH)… cho thấy, điều làm nên sức mạnh của nền khoa học hàng đầu thế giới này là sự tài trợ bền bỉ và hào phóng của chính phủ

Dau%20tu%20ben%20bi%20A2%20%281%29.png

Ít ai biết rằng, xuất phát từ các nghiên cứu cơ bản đầu tiên với các nhà khoa học máy tính Terry Winograd và Hector Garcia-Molina ở Đại học Standford, Larry Page và Sergey Brin đã thành lập và phát triển Google

Trên thế giới, giữa các quỹ đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản, đều do chính phủ tài trợ như Norges forskningsråd (NFR) của Na Uy, Danmarks Frie Forskningsfond (DFF) của Đan Mạch, Fonds voor Wetenschappelijk Onderzoek - Vlaanderen (FWO) của Khối Flander - Bỉ, hay Czech Science Foundation (GACR) của Cộng hòa Séc, thì NSF là quỹ ở tầm quốc gia có tổng kinh phí đầu tư bậc nhất. Được thành lập năm 1950, một trong các tiêu chí chính của NSF là thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản để tạo ra các tri thức có thể thay đổi tương lai. Đây cũng là một tiêu chí cao nhất và giữ vững gần như xuyên suốt lịch sử của NSF. Mặc dù là một Quỹ nghiên cứu khoa học độc lập nhưng ngân sách của NSF đến từ Ngân sách Liên bang. Ngân sách hằng năm của NSF khoảng trên dưới 8 tỉ USD, chiếm tổng số khoảng 24% toàn bộ các nghiên cứu cơ bản do các Bang và Liên bang tài trợ. Chi phí quản lý của NSF rất ít, chỉ khoảng 6% tổng kinh phí, còn lại 94% số tiền trên sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nghiên cứu

Hằng năm, NSF tài trợ khoảng 10,000 hồ sơ, 30.000 giáo sư, nghiên cứu viên sau tiến sỹ (postdoc), nghiên cứu sinh, và sinh viên. 72,186 nghiên cứu do NSF tài trợ được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế năm 2018 (theo số liệu của Web of Science, tra cứu ngày 29/07/2019). 236 nhà khoa học nhận tài trợ của NSF đã được giải Nobel: vật lý 69, hóa học 61, y học 49, kinh tế 57 (xem thêm thông tin tại https://www.nsf.gov/news/news_summ.jsp?cntn_id=100683)

Mỗi năm NSF nhận khoảng 50,000 các hồ sơ xin đề tài (proposals). Toàn bộ các hồ sơ xin đề tài được nộp trực tuyến. Sau thời hạn nộp hồ sơ, chủ nhiệm từng chương trình nghiên cứu sẽ gửi hồ sơ đến các nhà khoa học để phản biện độc lập. Có 5 tiêu chí quan trọng nhất để xét chọn hồ sơ tài trợ là

1. Intellectual merit
2. Khả năng mở rộng kiến thức cho nhân loại
3. Mức độ ảnh hưởng rộng
4. Khả năng mang lại lợi ích cho xã hội
5. Có khả năng đạt được những thành quả cụ thể cho xã hội

NSF sẵn sàng hỗ trợ các nghiên cứu ở những lĩnh vực mới, những nghiên cứu có độ rủi ro cao và những nghiên cứu cần sự hợp tác đa ngành. Những nghiên cứu được NSF tài trợ không chỉ hướng đến mang lại những đột phá về tri thức và đóng góp cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới

Chính phủ Mỹ là nhà đầu tư bền bỉ của NSF bởi ở cả Mỹ và nhiều nước, rất khó huy động kinh phí cho nghiên cứu cơ bản từ các nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp bởi các nguồn đầu tư này thường đòi hỏi có sản phẩm đầu ra có khả năng ứng dụng càng nhanh càng tốt. Thậm chí ngay cả đầu tư cho khoa học ứng dụng, nhà nước vẫn phải tham gia tài trợ. Ví dụ, Na Uy có một quỹ tư nhân rất lớn đó là Fiskeri- og havbruksnæringens forskningsfinansiering (gọi tắt là FHF) tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhưng trên thực tế, FHF là một công ty TNHH nhà nước thuộc sở hữu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản, và được ngành công nghiệp tài trợ thông qua một khoản 0,3 % thuế xuất khẩu thủy sản Na Uy. Mục tiêu của FHF là tạo ra giá trị gia tăng cho ngành thủy sản thông qua nghiên cứu và phát triển (Research and Development). FHF thường “đặt hàng” và cấp kinh phí cho các nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp thủy sản của Na Uy


Dau%20tu%20ben%20bi%20A1%20%281%29.jpg

NSF tài trợ cho những nghiên cứu cơ bản mà các nhà đầu tư tư nhân thường hiếm khi bỏ tiền, bởi sẽ không nhìn thấy hiệu quả đầu tư hay ứng dụng ngay lập tức. Hình ảnh cho thấy sự thay đổi về tình hình lũ lụt ở Carolina, được trích rút từ một nghiên cứu của viện Hải dương học (Institute of Marine Sciences), do NSF tài trợ. Nghiên cứu này khảo sát dữ liệu lịch sử trong vòng 120 năm để chỉ ra tình trạng lũ lụt, ngày càng tồi tệ hơn do liên quan tới biến đổi khí hậu, được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports

Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản có nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách quốc gia và không có điều kiện đòi hỏi đầu tư ngược từ thành quả của các nghiên cứu. Tuy nhiên, sau gần 70 năm đầu tư cơ bản, NSF đã cho thấy sự đúng đắn trong chính sách của mình thông qua hiệu quả đầu tư khoa học mang lại tác động lâu dài cho xã hội (return on investments - return on investment - ROI). Một trong những ví dụ nổi tiếng liên quan đến hai nhà sáng lập của Google, Larry Page và Sergey Brin. Hai ông từng là sinh viên làm việc trong đề tài NSF tài trợ cho Đại học Stanford năm 1994 do hai giáo sư Terry Winograd và Hector Garcia-Molina là chủ trì. Tổng số tiền tài trợ cho đề tài khoa học này là 4.5 triệu USD (https://www.nsf.gov/discoveries/disc_summ.jsp?cntn_id=100660). Từ các nghiên cứu đầu tiên của Larry Page và Sergey Brin trong đề tài khoa học này, họ đã thành lập và phát triển Google. 25 năm tính từ thời điểm nghiên cứu đầu tiên được thực hiện, Google hiện nay có giá trị lên tới trên 1240 tỉ USD và tạo việc làm cho trên 100,000 người

NAFOSTED hiện đang được tổ chức và vận hành rất tương đồng với các quỹ khoa học quốc gia của các nước phát triển. Mô hình đúng đắn này cần được mở rộng cho các quỹ nghiên cứu khoa học của Việt Nam (mặc dù vẫn còn vài điểm cần cải thiện như quá trình quản lý tài chính của NAFOSTED có thể đơn giản hơn để giảm nhiều thời gian cho các nhà khoa học và tăng thời gian cho họ tập trung vào nghiên cứu)

Thực tế trên thế giới cho thấy, không quốc gia nào có một con đường phát triển nền công nghiệp vững chắc và sở hữu những công nghệ tiên tiến lại có nền khoa học cơ bản yếu kém. Quan điểm đầu tư trực tiếp vào các nghiên cứu ứng dụng có thể thu hồi nhanh vốn nghiên cứu khoa học và thành công tức thời không sai. Tuy nhiên, nếu đây là chiến lược chủ đạo trong nghiên cứu khoa học mà thiếu chiều sâu về các đầu tư nghiên cứu cơ bản thì giống như xây nhà từ nóc hoặc xây lâu đài trên nền móng bằng cát. Kỹ thuật và công nghệ hiện đại đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt, việc làm chủ một kỹ thuật hay công nghệ hiện đại chỉ có thể đảm bảo thành công tức thời nhưng sẽ trở nên lạc hậu sau năm, mười năm. Không có nền tảng khoa học cơ bản đủ tốt thì rất khó có khả năng thích ứng với sự thay đổi về công nghệ và kỹ thuật. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư cho tương lai, nó là sự nghiệp của 10 năm, 100 năm xây dựng nền khoa học của một đất nước

Đinh Văn Khương
 
Các “ông lớn” công nghệ Mỹ săn lùng nhân tài trí tuệ nhân tạo

- Các “ông lớn” công nghệ Mỹ như Intel, Apple, Facebook... đang quyết liệt chi đậm để thâu tóm các công ty khởi nghiệp (startup) hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), nơi có những ý tưởng kinh doanh và các tài năng đang được săn lùng nhiều nhất
0ebae_anh_bai_2.jpg


Hãng chip Intel vừa chi 2 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm Habana Labs, một startup phát triển chip AI ở Israel

Các thương vụ liên quan đến AI đạt mức kỷ lục

Hôm 27-12, hãng Intel thông báo đã chi 2 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm Habana Labs, một startup phát triển chip AI ở Israel. Đây là thương vụ có giá trị lớn nhất liên quan đến AI trong năm nay

Các công ty công nghệ khác của Mỹ bao gồm Amazon, Microsoft và Apple cũng đẩy mạnh các vụ thâu tóm startup AI trong những năm gần đây để cải thiện hiệu quả của nhiều sản phẩm từ robot giao hàng cho đến xe tự lái

Ngay trước khi thương vụ thâu tóm Habana Labs diễn ra, giá trị các thương vụ liên quan đến AI trên toàn cầu đã tăng vọt lên con số kỷ lục 35 tỉ đô la chỉ trong hơn 10 tháng đầu năm nay. Theo hãng nghiên cứu dữ liệu thị trường PitchBook, trong vòng 6 năm qua, Apple đã thâu tóm 17 startup AI

Oren Etzioni, Giám đốc Viện nghiên cứu Allen về AI, có trụ sở ở TP. Seattle, Mỹ, cho biết nhiều thương vụ thâu tóm được thúc đẩy bởi nhu cầu tiếp cận tài năng cũng như sở hữu một sản phẩm hứa hẹn liên quan đến AI

Etzioni cho biết trong khoảng một nửa số thương vụ thâu tóm, bên mua thâu tóm luôn cả đội ngũ nhân sự công nghệ của họ

Hồi tháng 6, khi Apple thông báo mua lại Drive.ai, một startup phát triển công nghệ xe tự lái đang gặp khó khăn với số tiền không tiết lộ, giới phân tích nhìn nhận mục đích chủ yếu của Apple là thu nạp kỹ sư của startup này. Các “ông lớn” công nghệ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các bộ não siêu việt

Mitch Steves, nhà phân tích ở Công ty RBC Capital Markets, cho biết đó cũng là lý do Intel trả giá cao để thâu tóm Habana Labs dù công ty này chỉ mới bán sản phẩm đầu tiên trong thời gian gần đây và chỉ đạt được doanh số rất hạn chế

Intel cho biết sau khi Habana Labs về chung một nhà, ông Avigdor Willenz, Chủ tịch Habana Labs sẽ tiếp tục gắn bó với startup này với vai trò cố vấn

Navin Shenoy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bộ phận các nền tảng dữ liệu của Intel, cho biết thâu tóm Habana Labs, một công ty chuyên phát triển chip cho các ứng dụng học máy, là một phần trong chiến lược đặt cược của Intel vào nhu cầu điện toán AI đang tăng nhang chóng. Intel dự báo doanh số chip sản xuất cho nhu cầu điện toán AI trên toàn cầu sẽ đạt 25 tỉ đô la trong vòng 5 năm tới

Năm 2016, hãng chip này chi 400 triệu đô la để mua lại Nervana, nhà sản xuất chip AI, có trụ sở ở TP. San Diego, bang California. Một năm sau đó, Intel vung thêm 15,3 tỉ đô để thâu tóm Mobileye, một startup về công nghệ xe tự lái, có trự sở ở Israel

Nhân tài AI được trả lương cao ngất ngưỡng

Các mức lương cao chót vót hiện nay dành cho các kỹ sư AI cho thấy nhu cầu nhân tài AI đang rất cao. Theo Quỹ đầu tư mạo hiểm MMC Ventures (Anh), mức lương của kỹ sư AI có kinh nghiệm đạt mức trung bình 224.000 đô la mỗi năm. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức lương trung bình của các kỹ sư phát triển phần mềm ở Mỹ

Từ lâu, các công ty công nghệ tìm cách lôi kéo các chuyên gia AI từ các trường đại học. Trong năm 2014, hãng gọi xe Uber đã chiêu mộ rất nhiều giáo sư tự động hóa ở Đại học Carnegie Mellon ở TP. Pittsburgh, bang Pennsylvania và xây dựng một trung tâm thử nghiệm xe tự lái gần trường đại học này để thúc đẩy các nỗ lực phát triển xe tự lái

Một báo cáo nghiên cứu của Đại học Rochester ở New York hồi tháng 8 cho thấy trong 15 năm qua, có 221 giáo sư chuyên về AI ở các trường đại học ở Bắc Mỹ đã chuyển sang đầu quân cho các công ty công nghệ. Họ đảm nhận các công việc toàn thời gian ở môi trường mới hoặc vừa đi dạy vừa làm việc cho các công ty công nghệ. 40 giáo sư AI đã chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân vào năm ngoái

Năm 2018, các doanh nghiệp tư nhân ở Mỹ đã thu hút 60% tiến sĩ AI mới tốt nghiệp so với mức 20% vào năm 2004

Trong những năm gần đây, Facebook cũng đã thực hiện nhiều vụ thâu tóm trong lĩnh vực AI đồng thời thành lập các phòng thí nghiệm AI gần các trường đại học để dễ dàng thu hút nhân tài. Năm ngoái, công ty mạng xã hội này đã tiếp cận nhiều giáo sư ở Đại học Washington để thuyết phục họ về làm việc

Facebook đã đề xuất mức lương bổng cao gấp hai lần so với mức lương mà họ đang nhận được ở các trường đại học nhưng cuối cùng chỉ có một giáo sư nhận làm việc bán thời gian cho Facebook

Jerome Pesenti, Phó Chủ tịch phụ trách mảng AI của Facebook cho biết các giáo sư, sau khi được Facebook tuyển về làm việc, vẫn được phép tiếp tục công việc giảng dạy để phát triển nhân tài. Ông nói: “Chúng tôi làm việc chặt chẽ với lãnh đạo các trường đại học để bảo đảm rằng chúng tôi không cản trở hoạt động nghiên cứu của họ”
 
Mỹ dự định đầu tư vào đối thủ của Huawei

Chính quyền Donald Trump đề nghị các công ty Mỹ đầu tư vào các hãng công ty viễn thông châu Âu để chống lại sự thống trị của Huawei

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr khuyến khích các công ty công nghệ và viễn thông của Mỹ đầu tư vào Ericsson và Nokia khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC ngày 6/2

Huawei bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia do nghi ngờ hãng có thể tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc trong việc gián điệp, dù Huawei luôn phủ nhận. Theo Barr, sự đe doạ này có thể được giải quyết nếu Mỹ liên kết với Nokia hay Ericsson. Ông cũng đề cập việc các công ty Bắc Âu đã có quan hệ kinh doanh với các công ty Mỹ, như Microsoft đã từng mua lại bộ phận điện thoại của Nokia

Huawei đang là hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới cũng như đang dẫn đầu về công nghệ 5G. Việc ngừng kinh doanh với Huawei có thể khiến Mỹ tụt hậu so với các nước châu Âu và châu Á về kết nối mạng 5G vì họ phải tìm cách tự xây dựng các giải pháp về phần cứng và phần mềm cho công nghệ này. Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei. Tuy nhiên, Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, vẫn cho phép cả bốn nhà mạng hợp tác với Huawei, khiến tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận khi gọi điện thoại cho thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước

Trước đó, Mỹ cũng tìm cách chặn đứng Huawei khi soạn thảo dự luật nhằm tài trợ cho các nhà mạng nếu sử dụng thiết bị không phải của Huawei. Nhà Trắng cũng thúc đẩy các công ty công nghệ và viễn thông trong nước phát triển chuẩn chung cho 5G nhưng kế hoạch này quá chậm và mất nhiều năm để hoàn thành

Do đó, ông Barr nhận định cách nhanh hơn là tài trợ hoặc hợp tác với Nokia hay Ericsson, hai đối thủ chính của Huawei trên thị trường toàn cầu. Bằng cách này, các công ty Mỹ và châu Âu có thể giảm phụ thuộc vào các thiết mạng được cho là tốt nhất trong phân khúc của Huawei. Theo WSJ, Nhà Trắng đang cân nhắc đưa ra ưu đãi cho các công ty Mỹ mua cổ phần Ericsson và Nokia

Huy Đức
 
Tổng thống Donald Trump đặt cược vào nền tảng internet lượng tử

Trong yêu cầu ngân sách năm 2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định dành 237 triệu USD kinh phí để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thông tin lượng tử

Trong những năm 1960, chính phủ Mỹ đã tài trợ cho một loạt thí nghiệm phát triển các kỹ thuật đưa thông tin từ máy tính này sang máy tính khác. Ban đầu, sự kết nối xuất hiện từ thiết bị trong các phòng thí nghiệm đơn lẻ, sau đó các phòng thí nghiệm lân cận đã hình thành nên những liên kết với nhau. Không bao lâu, mạng lưới kết nối này đã nở rộ giữa các tổ chức nghiên cứu khắp cả nước, thiết lập nguồn gốc của điều mà chúng ta gọi là internet và biến đổi mãi mãi cách mọi người sử dụng thông tin. Giờ đây, 60 năm sau, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đang đặt mục tiêu làm lại hành trình kỳ diệu này một lần nữa

Theo CNBC, trong yêu cầu ngân sách năm 2021 đang được Quốc hội Mỹ xem xét, chính quyền ông Trump đã đề xuất cắt giảm tổng chi phí nghiên cứu khoa học gần 10%, nhưng lại tăng chi tiêu cho khoa học thông tin lượng tử khoảng 20%, lên tới 237 triệu USD, trong đó, DOE đã yêu cầu 25 triệu USD để đẩy nhanh sự phát triển của internet lượng tử. Mạng lưới internet lượng tử được xây dựng sẽ thúc đẩy hành vi phản trực giác của các hạt tự nhiên để vận dụng và chia sẻ thông tin theo những cách hoàn toàn mới. Với đề xuất ngân sách năm 2021, chính quyền ông Trump đang cố gắng đẩy mạnh nỗ lực nghiên cứu lượng tử, vì không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác hiện cũng theo đuổi lĩnh vực này

Khoa học đằng sau mạng internet lượng tử

Trong khi lưu lượng truy cập internet hiện đại kết nối trực tiếp giữa các máy tính cổ điển, điện thoại thông minh, máy tính bảng, loa hoặc bộ điều nhiệt, internet lượng tử về cơ bản sẽ mang một đơn vị thông tin khác được gọi là bit lượng tử hoặc qubit. Qubit đại diện cho một ngôn ngữ khác hoàn toàn, một ngôn ngữ dựa trên hành vi của các nguyên tử, electron, các hạt tự nhiên khác và các vật thể bị chi phối bởi những quy tắc bất thường của cơ học lượng tử. Các đối tượng này luôn “trôi chảy” tự do và khó nắm bắt hơn nhiều so với đối tác của chúng trong điện toán cổ điển. Ví dụ, một nam châm ổ đĩa cứng luôn luôn hướng lên hoặc hướng xuống, nhưng không ai có thể biết được hướng đi của electron cho đến khi đo lường

Các hạt lượng tử cũng có thể được kéo lại với nhau trong một mối quan hệ gọi là rối lượng tử (entanglement). Các cặp hạt rối lượng tử chia sẻ liên kết mật thiết giống như mối quan hệ giữa hai mặt của một đồng xu, nhưng khác ở chỗ chúng có thể di chuyển ra xa nhau và vẫn duy trì kết nối

Các nhà khoa học phát triển internet lượng tử

Khoa học thông tin lượng tử hứa hẹn kết hợp các hiện tượng với nhau theo một cách mới, phong phú hơn trong xử lý thông tin, tương tự như việc chuyển từ đồ họa 2D sang 3D. Ví dụ, các thiết bị lượng tử thông thạo ngôn ngữ của tự nhiên có thể giúp các nhà khoa học thiết kế vật liệu và thuốc bằng cách mô phỏng cấu trúc nguyên tử mà không cần phải kiểm tra tính chất của chúng trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn cần đến hàng năm, thậm chí hàng thập niên để những điều kỳ diệu như vậy diễn ra

Song, giống như những năm 1960, Bộ Năng lượng Mỹ giờ đây lại gieo hạt giống mới cho mạng lưới internet tương lai tại các phòng thí nghiệm quốc gia. Ngầm trong lòng đất vùng ngoại ô phía tây bang Chicago là cáp quang dài 52 dặm (hơn 83 km) mở rộng ra hai phòng thí nghiệm bắt nguồn từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne. Đầu năm nay, David Awschalom, kỹ sư lượng tử tại Đại học Chicago, đã giám sát hệ thống thử nghiệm thành công đầu tiên. “Chúng tôi đã tạo ra những trạng thái rối lượng tử của ánh sáng và cố gắng dùng nó như phương tiện để kiểm tra cách rối lượng tử hoạt động trong thế giới thực, bên dưới các tuyến đường ở Illinois, chứ không phải chỉ ở trong phòng thí nghiệm”

Thí nghiệm tương tự cũng đang được tiến hành tại Bờ Đông nước Mỹ, nơi các nhà nghiên cứu đã gửi photon rối lượng tử trên cáp quang kết nối Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven ở New York với Đại học Stony Brook, một khoảng cách khoảng 11 dặm. Các nhà khoa học ở Brookhaven cũng đang thử nghiệm sự truyền không dây của các photon rối lượng tử với khoảng cách tương tự trong không khí

Việc gửi và nhận các photon rối lượng tử như vậy tương đương với các bộ định tuyến lượng tử, và bước tiếp theo các nhà nghiên cứu cần là một ổ cứng lượng tử để lưu giữ thông tin được trao đổi. Khi các photon mang thông tin từ mạng lưới kết nối, bộ nhớ lượng tử sẽ lưu trữ các qubit đó dưới dạng nguyên tử rối lượng tử, giống như cách ổ cứng hiện tại đang dùng nam châm lật để giữ bit. Ông Awschalom hy vọng Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne và Đại học Chicago sẽ cùng phát triển bộ nhớ lượng tử trong mùa hè này, đồng thời trong khoảng thời gian đó mở rộng mạng lưới sang một điểm nút khác, đưa Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia Fermi ở vùng lân cận vào thế giới lượng tử, kéo dài khoảng cách ra 100 dặm. Tuy nhiên, trước khi các nhà nghiên cứu mở rộng mạng lưới lớn hơn nữa, họ sẽ cần phát minh ra bộ lặp lượng tử, một loại thiết bị giúp tăng tín hiệu bị suy yếu cho hành trình dài 100 dặm. Và các nhà nghiên cứu hiện cũng đã có một số bộ lặp lượng tử nguyên mẫu đang chạy. “Tuy nó chưa đủ tốt, nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều”, kỹ sư Awschalom nói

Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn yêu cầu ngân sách dành cho khoa học thông tin lượng tử theo yêu cầu của chính quyền ông Trump, thì tương lai một ngày nào đó mạng lưới internet lượng tử đi từ các phòng thí nghiệm lan rộng khắp cả nước sẽ thành hiện thực
 
Bài học ‘đau đớn’ của Apple và Tesla khi Trung Quốc chọn 'cây nhà lá vườn'

Đã từng có thời các CEO Mỹ coi Trung Quốc là vùng đất đầy cơ hội. Tuy nhiên, thời kỳ đó dường như đã trở thành quá khứ xa xôi

Sau nhiều năm tăng trưởng thần tốc, một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất của Mỹ đã bắt đầu trượt dốc nhanh chóng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt là khi các công ty trong nước đã dần trở thành những lựa chọn thay thế khả thi. Và tất cả đã tạo nên một cuộc chạy đua xuống đáy đầy nguy hiểm để lấy lòng người tiêu dùng


apple.webp

Các công ty công nghệ Mỹ như Apple đang chịu áp lực ngày càng tăng ở Trung Quốc

Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Mỹ từng coi đây là “thế kỷ của Trung Quốc” lại phải học một bài học đau đớn về việc kinh doanh ở Trung Quốc

Apple đang phải vật lộn để đưa iPhone mới vào túi người tiêu dùng Trung Quốc, với dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy doanh số bán hàng đã giảm mạnh 24% trong sáu tuần đầu năm

Trong khi đó, Tesla đã phải chịu sự sụt giảm lớn về lượng xuất xưởng từ nhà máy ở Thượng Hải vào tháng trước, với 60.365 xe được xuất xưởng, theo Bloomberg. Con số này thấp hơn 16% so với lượng xuất xưởng trong tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc

Điều này có thể không gây ra sự hoảng loạn ngay lập tức. Doanh thu ròng của Apple tại Trung Quốc đại lục có thể đã giảm 13% trong ba tháng cuối năm 2023 so với năm trước, nhưng họ vẫn tạo ra doanh thu 20,8 tỷ USD. Và Tesla không phải là công ty xe điện duy nhất gặp phải tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm

Nhưng nó báo hiệu một sự trượt dốc thực sự đối với hai công ty lớn nhất của Mỹ ở Trung Quốc

iPhone lo lắng, Tesla ngậm ngủi

Trong trường hợp của Apple, ông Gene Munster, một đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, cho rằng sự sụt giảm này có liên quan đến việc “các sản phẩm của Mỹ không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc”

dien%20thoai%20Huawei.webp

Huawei khiến thế giới bất ngờ khi tung ra Mate 60 Pro

Năm ngoái, báo chí phương Tây cho hay chính phủ Trung Quốc đã cấm các quan chức sử dụng iPhone. Thông tin này đã “xóa sạch” 200 tỷ USD khỏi giá trị thị trường của Apple

Lệnh cấm đó trùng với thời điểm ra mắt sản phẩm Mate 60 Pro của Huawei, một điện thoại thông minh 5G sản xuất trong nước được nhiều người coi là một thiết bị đột phá sánh ngang với các tính năng của iPhone. Đặc biệt, chiếc điện thoại được ra mắt bất chấp lệnh cấm xuất khẩu ngăn cản việc sử dụng các linh kiện hàng đầu của Mỹ

Nghiên cứu của Counterpoint cho thấy doanh số bán điện thoại Huawei đã tăng 64% trong cùng thời gian doanh số bán iPhone giảm gần 1/4

“Cả Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng theo chủ nghĩa biệt lập hơn. Điều đó có lợi cho các thương hiệu nội địa. Với AI, động lực đó có thể sẽ tăng cường”, ông Muster cho hay

Trong trường hợp của Tesla, sự suy thoái rộng hơn của thị trường xe điện, hình thành vào năm ngoái, có thể được cảm nhận đặc biệt vào tháng 2, do doanh số bán hàng nhìn chung chậm hơn trong dịp Tết Nguyên đán trong tháng

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, sự trượt dốc của cả hai đều là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc với Mỹ để giành quyền thống trị công nghệ đang ngày càng nghiêm trọng hơn

Như Mate 60 Pro của Huawei cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc hiện đã có một chiếc điện thoại nội địa mang lại trải nghiệm giống iPhone

xe%20dien%20BYD.webp

Công ty xe điện BYD của Trung Quốc, hãng sản xuất Atto 3, là một trong những đối thủ lớn nhất của Tesla

Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện địa phương như BYD đang tận hưởng sự quan tâm đột biến khi họ cố gắng thu hút người tiêu dùng bằng những phương tiện rẻ hơn nhiều so với Tesla

Theo CarNewsChina, vào tháng 1, BYD báo cáo doanh số bán hàng tăng 43% nhưng đã mất vị trí dẫn đầu thị trường vào tay Volkswagen. Hãng cũng đã giảm giá các mẫu xe bán chạy nhất của mình trung bình 17%

Khi Thủ tướng Li Qiang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% hàng năm của Trung Quốc khi bắt đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc trong tháng này, mọi người đã thấy rõ công nghệ quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy mục tiêu đó thành hiện thực

Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh dự kiến sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong nước

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc vừa ban hành một chị thị yêu cầu các công ty nhà nước trong nhiều lĩnh vực như tài chính và năng lượng “thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống công nghệ thông tin của họ vào năm 2027”
 
Top