What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Xinomics

thinktank.vn

Administrator
Xinomics
Trung Quốc đang tái tạo lại mô hình phát triển kinh tế


The Economist: Trung Quốc đang tái tạo lại mô hình phát triển kinh tế và đừng coi thường Xinomics

Chủ tịch Tập Cận Bình đang định nghĩa lại khái niệm chủ nghĩa tư bản nhà nước cho những năm còn lại của thập kỷ 2020

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên khốc liệt. Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm 2 ứng dụng của Trung Quốc là TikTok và WeChat, trừng phạt một số nhà lãnh đạo Hồng Kông và 1 thành viên nội các vừa có chuyến thăm tới đảo Đài Loan

Điều này không có gì khó hiểu khi cứng rắn với Trung Quốc là một trong những nội dung chủ chốt trong chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Trump. Đồng thời những sự kiện gần đây cũng phản ánh quan điểm tạo nên thái độ mà chính quyền Trump thể hiện đối với vấn đề Trung Quốc suốt từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại đến nay: rằng cách tiếp cận này chắc chắn sẽ có hiệu quả, bởi vì chủ nghĩa tư bản nhà nước mà Trung Quốc đang theo đuổi không mạnh như vẻ bề ngoài

Logic đằng sau nhận định này khá đơn giản. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng như vũ bão, nhưng chỉ bằng cách phụ thuộc vào công thức không bền vững bao gồm nợ, trợ cấp, chủ nghĩa thân hữu và ăn cắp tài sản trí tuệ. Nếu chịu áp lực quá lớn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bị lung lay, buộc các nhà lãnh đạo nước này phải nhượng bộ và cải cách theo ý muốn của phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói "các quốc gia yêu tự do trên thế giới cần phải hành động để buộc Trung Quốc phải thay đổi"

Tuy nhiên đến thời điểm này có thể nhận thấy đó là đánh giá sai lầm. Cuộc chiến thuế quan không làm tổn hại kinh tế Trung Quốc nhiều như dự đoán. Trung Quốc cũng tỏ ra khá kiên cường trước đại dịch Covid-19. IMF dự báo tăng trưởng GDP của nước này là 1% trong năm 2020, so với mức suy giảm 8% của kinh tế Mỹ. TTCK Thâm Quyến là một trong những TTCK lớn tăng điểm mạnh nhất từ đầu năm đến nay – chứ không phải New York

Và tạp chí The Economist cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang định nghĩa lại khái niệm chủ nghĩa tư bản nhà nước cho những năm còn lại của thập kỷ 2020. Hãy quên đi những nhà máy thép nhả khói lên bầu trời và hạn ngạch. Chương trình nghị sự mới của ông Tập theo đuổi mục tiêu làm cho thị trường và các cải tiến sáng tạo hoạt động hiệu quả hơn nhưng là trong khuôn khổ những giới hạn được định nghĩa rất rõ ràng và nằm dưới sự giám sát của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó không phải là mô hình kinh tế như Milton Friedman miêu tả mà là sự kết hợp giữa mô hình quyền lực tập trung, công nghệ và nền kinh tế năng động sẽ có thể tạo ra tăng trưởng trong nhiều năm

Đánh giá thấp nền kinh tế Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong GDP toàn cầu đã tăng từ mức 2% trong năm 1995 lên 16% ở thời điểm hiện tại bất chấp sự hoài nghi của phương Tây. Các lãnh đạo doanh nghiệp ở thung lũng Silicon gọi các công ty công nghệ Trung Quốc là kẻ đạo nhái; giới bán khống ở phố Wall quả quyết những thị trấn ma sẽ khiến hệ thống ngân hàng Trung Quốc sụp đổ; các nhà nghiên cứu thống kê cho rằng Trung Quốc làm giả số liệu GDP và giới đầu cơ cảnh báo dòng vốn tháo chạy sẽ khiến Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên, những dự báo này vẫn chưa trở thành sự thật

Có lẽ bởi vì mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Ví dụ, 20 năm trước kinh tế Trung Quốc chú trọng vào thương mại nhưng giờ xuất khẩu chỉ đóng góp khoảng 17% GDP. Trong suốt những năm 2010, các lãnh đạo Trung Quốc đã đem lại cho những công ty công nghệ như Alibaba và Tencent đủ không gian để lớn mạnh thành những gã khổng lồ

Có thể gọi giai đoạn tiếp theo của mô hình phát triển mà Trung Quốc đang đi theo là Xinomics. Kể từ khi nắm quyền năm 2012, ông Tập đã làm nhiều thứ để tăng cường sức mạnh của kinh tế Trung Quốc trước những mối đe dọa như nợ tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ và những rào cản đối với khu vực tư nhân

Xinomics có 3 trụ cột chính. Đầu tiên là thắt chặt kiểm soát chu kỳ kinh tế và nợ. Các gói kích thích tài khóa khổng lồ và những "đại tiệc nợ" giờ đã là câu chuyện rất xa xưa. Các ngân hàng buộc phải thể hiện rõ những hoạt động ngoại bảng và tăng vốn. Các công ty phát hành nợ trên thị trường trái phiếu, tăng tính minh bạch và theo cơ chế thị trường nhiều hơn. Không giống như cách phản ứng với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09, phản ứng của Trung Quốc với Covid-19 dè dặt thận trọng hơn. Gói giải cứu của Trung Quốc chỉ tương đương khoảng 5% GDP và chưa bằng một nửa so với những gì Mỹ đã tung ra

Trụ cột thứ hai là cải thiện hệ thống hành chính công. Đại lục đã xây dựng được 1 hệ thống pháp luật thương mại phản ứng nhanh nhạy hơn với các hoạt động kinh doanh. Số vụ việc liên quan đến phá sản và bằng sáng chế - vốn rất hiếm – đã tăng gấp 5 lần kể từ khi ông Tập nắm quyền năm 2012. Trung bình chỉ cần 9 ngày để thành lập 1 doanh nghiệp ở Trung Quốc

Yếu tố cuối cùng là nỗ lực xóa nhòa ranh giới giữa các tập đoàn nhà nước và công ty tư nhân. Các công ty quốc doanh đang được cải tổ để nâng cao sức khỏe tài chính và thu hút nhà đầu tư tư nhân. Trong khi đó chính phủ tăng cường kiểm soát công ty tư nhân thông qua các tổ chức đảng nằm trong chính các công ty đó. Hệ thống chấm điểm tín dụng trừng phạt các công ty hành động sai trái

Thay vì những chiến dịch mang tính bề nổi nhiều hơn như "Made in China 2025" được triển khai từ 2015, ông Tập đang chuyển hướng tập trung sang giải quyết những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, nơi Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những sự kiện từ bên ngoài hoặc đó cũng là những điểm mà Trung Quốc có thể tận dụng để tăng cường tầm ảnh hưởng ở nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với xây dựng nội lực trong những ngành công nghệ chủ chốt như pin và chip bán dẫn

Ít nhất thì trong ngắn hạn Xinomíc đang tỏ ra hiệu quả. Trước khi Covid-19 ập đến, Trung Quốc đang có những tiến bộ trong việc giảm nợ và sau đó cú sốc kép gồm chiến tranh thương mại và đại dịch đã không thể dẫn đến khủng hoảng tài chính. Sản lượng của nhóm doanh nghiệp nhà nước đang tăng lên và các nhà đầu tư nước ngoài đổ nhiều tiền của vào thế hệ các doanh nghiệp công nghệ mới của Trung Quốc

Tuy nhiên, bài kiểm tra thật sự vẫn còn chưa đến. Trung Quốc đang hi vọng rằng chiến lược kế hoạch tập trung lấy công nghệ làm trung tâm sẽ có thể giúp duy trì đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên lịch sử cho thấy những yếu tố mang đậm tính phương Tây như mở cửa hoàn toàn, tự do ngôn luận ở mức độ cao hơn và hoạch định chính sách phi tập trung sẽ là những điều thần kỳ dẫn đến thành công

Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng là Mỹ đã sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng đầu hàng. Mỹ và các đồng minh nên chuẩn bị cho 1 cuộc chiến dài hơn hơn rất nhiều giữa phương Đông và phương Tây. Không giống như Liên Xô trước đây, nền kinh tế khổng lồ quy mô 14.000 tỷ USD của Trung Quốc rất phức tạp và kết nối cao với phần còn lại của thế giới. Phương Tây vẫn nên tìm ra những cách mới và bền vững để hợp tác với Trung Quốc trên một số lĩnh vực, ví dụ như chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Nền kinh tế tư bản nhà nước của Trung Quốc không thể bị phủ nhận sạch trơn. Giờ là lúc để xóa bỏ ảo tưởng đó
 
Trung Quốc đặt công nghệ cao lên hàng đầu trong tất cả các chính sách kinh tế

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra các mục tiêu phát triển tổng thể của Trung Quốc cho năm 2035 trong bài phát biểu của mình vào Chủ nhật trong lễ khai mạc Đại hội đảng lần thứ 20

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đã xây dựng các mục tiêu phát triển của mình cho năm 2035, chú trọng nhiều hơn đến sự tự cường về công nghệ, an ninh quốc gia và phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang đặt “ưu tiên công nghệ cao lên hàng đầu trong tất cả các chính sách kinh tế”

Được biết, mục tiêu này được công bố tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào thời điểm Trung Quốc bị Hoa Kỳ kìm chân trong lĩnh vực công nghệ và các xung đột địa chính trị như Nga với Ukraine

Bài phát biểu của ông Tập tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc sẽ “tăng cường đáng kể sức mạnh kinh tế, khả năng khoa học và công nghệ, và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; tăng trưởng cơ bản [tổng sản phẩm quốc nội] bình quân đầu người ngang bằng với một quốc gia đã phát triển”

Báo cáo nói thêm rằng Trung Quốc cũng sẽ tìm cách “gia nhập hàng ngũ các quốc gia đổi mới nhất thế giới, với khả năng tự lực cùng sức mạnh to lớn về khoa học và công nghệ”

Các mục tiêu phát triển năm 2035 là một trong hai bước để Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại

“Trung Quốc đang ưu tiên công nghệ cao lên hàng đầu trong tất cả các chính sách kinh tế, đáp trả lại cuộc chiến công nghệ do Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ áp đặt”, nhà kinh tế trưởng ING, Greater China, Iris Pang, cho biết

Ông Tập nói rằng Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ những "nhà sáng tạo của thế giới" khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của quốc gia này tăng gần gấp ba lần trong thập kỷ qua, lên 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (390 tỉ USD) vào năm ngoái. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Mỹ đã chi 708 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2020

Trung Quốc đã tăng một bậc lên vị trí thứ 11 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu trong năm nay, do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tổng hợp vào tháng trước

Ông Tập cũng đề cập đến những đột phá trong một số công nghệ cốt lõi của thập kỷ qua, đặc biệt nêu bật những tiến bộ trong các hoạt động khám phá vũ trụ, thám hiểm không gian, siêu máy tính, định vị vệ tinh, thông tin lượng tử và chế tạo máy bay cỡ lớn

Bắc Kinh đưa ra chiến lược lưu thông kép, cam kết đạt được sự cân bằng giữa phát triển và an ninh trong bối cảnh quan hệ với các nước phương Tây ngày càng xấu đi, nền kinh tế toàn cầu phục hồi yếu ớt và tác động tiêu cực từ các hạn chế của Hoa Kỳ

Chính quyền Tổng thống Biden mô tả Trung Quốc là "thách thức địa chính trị để lại hậu quả lớn nhất" trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ để kiềm chế quá trình tiến bộ công nghệ Trung Quốc

Theo SCMP, Bắc Kinh có thể sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế đối với các tập đoàn và công ty được nhà nước hậu thuẫn để khuyến khích nghiên cứu công nghệ cao

Bắc Kinh cũng tuyên bố “củng cố toàn diện hệ thống an ninh quốc gia và năng lực an ninh quốc gia” nhằm hoàn thành quá trình hiện đại hóa cơ bản của quốc phòng và lực lượng vũ trang

Bắc Kinh có kế hoạch tăng chất lượng sống của người dân ở các vùng nông thôn vào năm 2035

Báo cáo từ Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Việc tập trung nhiều hơn vào khoa học và giáo dục cho thấy ông Tập đang đặt cược vào sự đổi mới như một giải pháp cho triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của Trung Quốc và sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây”

"Việc nhấn mạnh vào an ninh quốc gia phản ánh việc ông Tập nâng cao an ninh như một bổ sung cần thiết cho sự phát triển trải dài trên nhiều lĩnh vực chính sách, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường"
 
Top