What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

AirAsia

thinktank.vn

Administrator
Tony Fernandes và nỗ lực đi tiên phong trong công nghệ
- Gần hai thập kỷ trước, các hãng hàng không giá rẻ hầu như không tồn tại nhưng ngày nay chúng chiếm hơn một nửa tổng công suất ở Đông Nam Á. Sự bùng nổ này có thể được coi là đã bắt nguồn từ doanh nhân Anthony Fernandes, được biết đến với cái tên Tony, người hiện là chủ nhân và là Tổng giám đốc AirAsia

8fd02_tony_fernandes_02.jpg

Vào ngày 10-10-2018 tại sự kiện Google Next 18 ở London, Fernandes đã xuất hiện cùng với Phó giám đốc điều hành Aireen Omar để công bố một sự chuyển đổi quan trọng: Công ty hàng không giá rẻ AirAsia đang trở thành một công ty công nghệ du lịch đặt trên nền tảng trí khôn nhân tạo cung cấp bởi Google Cloud. Tan Sri Tony Fernandes nói: “đó là một nhiệm vụ to lớn, nhưng chúng tôi đã không bao giờ làm bất cứ điều gì dễ dàng”. Ông muốn nói đến việc đã mua lại công ty hàng không Malaysia trong năm 2001 với giá 1 đồng và một núi nợ cùng 250 công nhân phải trả lương, để rồi ngày nay AirAsia phát triển thành một tập đoàn hàng không lớn với nhiều công ty con đặt tại các nước

Giới hạn bầu trời là công nghệ đám mây

Thực ra, AirAsia được biết đến là hãng hàng không đầu tiên áp dụng các công nghệ kỹ thuật số kể từ khi thành lập năm 2001, nhưng những gì đang nằm phía trước có thể sẽ là hành trình tham vọng nhất. Với việc đưa trí khôn nhân tạo (artificial intelligence – AI) vào hoạt động trên nền tảng dữ liệu khổng lồ, Fernandes đang lột xác chính công ty hàng không của mình. Với ông, giới hạn bầu trời sẽ không còn là không gian vật lý mà là công nghệ đám mây. Và để thực hiện tham vọng, con đường mà AirAsia chọn là hợp tác với công ty công nghệ để tích hợp kỹ thuật học máy (machine learning - ML) và trí khôn nhân tạo vào mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh và văn hóa của mình. Phát biểu tại sự kiện Google Cloud Next London ’18, ông Fernandes cho biết công ty luôn nỗ lực để đi tiên phong trong trò chơi công nghệ. Ông nói: “Cái mà chúng tôi đang thấy là cơ hội để tái tạo chính mình”, và cơ hội đó chính là công nghệ đám mây đang cung cấp công cụ để thực hiện những sự thay đổi

Việc chuyển đổi một hãng hàng không thành công ty công nghệ du lịch có vẻ như một giấc mơ, nhưng với Fernandes lại là giấc mơ hiện thực. Cuộc cách mạng dữ liệu đã cho phép AirAsia suy nghĩ lại toàn bộ hoạt động của mình thay vì chỉ nhắm mắt phát triển thành công ty hàng không khổng lồ. Những con kỳ lân kỹ thuật số có giá trị gấp nhiều lần những gì mà các công ty truyền thống tạo ra được. Điều này khiến ông Fernandes suy nghĩ đến hàng núi dữ liệu AirAsia đã tích lũy trong 17 năm qua, với 30 triệu lượt khách truy cập vào trang web mỗi tháng. Google Cloud sẽ cho phép AirAsia khai thác khối lượng dữ liệu khổng lồ mà công ty sở hữu, từ đó mở ra những cơ hội kinh doanh mới

Giám đốc điều hành Google Cloud, Diane Greene, cho biết AirAsia đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ của Google với G Suite để thay đổi cách thức hoạt động của công ty. Bà Greene nói tiếp: “Ngay bây giờ, với nền tảng phân tích tiên tiến và dịch vụ học máy, AirAsia đã có thể số hóa mọi khía cạnh kinh doanh của mình để phục vụ khách hàng tốt hơn”

Về phần AirAsia, ông Fernandes tiết lộ AirAsia đang trong giai đoạn phát triển tiếp theo, đang mở rộng ra ngoài ngành vận tải hàng không và tiến hành số hóa các hoạt động cùng quy trình để trở nên hiệu quả hơn. Hiện nay, AirAsia đang xây dựng hai nền tảng lớn - airasia.com, nền tảng du lịch kỹ thuật số một cửa của mình để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng cho chuyến bay, chỗ ở, tour du lịch, vận tải mặt đất và giải trí; và BigLife tương tự như các nền tảng kết hợp của kay, Tripadvisor, Groupon hay eBay

Ông nói “100% BigLife sẽ kết hợp tất cả các khoản đầu tư dưới nhánh kỹ thuật số Redbeat Ventures của chúng tôi, chẳng hạn như ứng dụng tiền BigPay, nền tảng kết nối trên chuyến bay Rokki, thị trường trực tuyến Ourshop và các dịch vụ hậu cần RedBox và RedCargo”

Ông nói tiếp “Cả hai nền tảng với sự trợ giúp của dữ liệu sẽ giúp thúc đẩy thêm nhiều hoạt động kinh doanh hơn tại AirAsia”


42549_airasia.jpg

Với AirAsia, “mọi người đều có thể bay”
AirAsia vượt lên trước cuộc chơi công nghệ

AirAsia hy vọng vào việc sử dụng Google Cloud để tối đa hóa hiệu quả hoạt động và giảm rủi ro thông qua dự đoán, dự báo thời tiết theo thời gian thực và tối ưu hóa phi hành đoàn. Trên hết, nó nhằm mục đích cải thiện dự báo nhu cầu và tiếp thị mục tiêu và cung cấp nhiều trải nghiệm cá nhân hóa hơn để tăng lòng trung thành của khách hàng. AirAsia cũng sẽ có thể đăng ký các nhóm kỹ thuật của mình vào cùng một chương trình mà Google Cloud sử dụng để đào tạo các kỹ sư, cho phép hãng hàng không xây dựng hệ thống máy học nội bộ của riêng mình

Ông Fernandes nói G Suite của Google hỗ trợ họ tập trung vào công việc và tâm sự rằng việc kinh doanh hàng không thực sự rất khó khăn trong suốt 17 năm qua. “Dù bạn có làm tốt đến đâu bạn vẫn bị hạn chế bởi giá dầu và những gì đang diễn ra ở tầm vĩ mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp”, ông nói. Vì thế cuộc cách mạng dữ liệu của Google đã làm cho AirAsia suy nghĩ lại công việc của mình thay vì chỉ nhắm trở thành một hãng hàng không khổng lồ.
Ông Fernandes nói: “Trong khi các công ty khác đang xây dựng cơ sở dữ liệu của họ, thì chúng tôi thực sự có một cơ sở dữ liệu khổng lồ ngay tại đó. Làm thế nào để chúng tôi kiếm tiền từ đó?” Từ suy nghĩ này AirAsia đã hình thành một công ty kỹ thuật số hoàn toàn mới do Phó giám đốc điều hành của AirAsia là Aireen Omar lãnh đạo, gọi là RedBeat Ventures, nơi tất cả dữ liệu từ các hãng hàng không được sử dụng để xây dựng các doanh nghiệp kỹ thuật số mới

Fernandes nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng các nền tảng mới cho phép chúng tôi bán không chỉ vé máy bay, mà sử dụng dữ liệu, chúng tôi sẽ xây dựng nhiều doanh nghiệp con xung quanh nó để kiếm tiền từ cơ sở dữ liệu khổng lồ này, và như thế chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào kinh doanh hàng không”. Khi được hỏi về việc tại sao AirAsia chọn Google thay vì Microsoft cũng là một đại gia về dịch vụ đám mây và trí khôn nhân tạo, ông Fernandes trả lời: “chúng tôi hào hứng với cả hai nhóm và mối quan hệ của chúng tôi với họ như ruột thịt”. Nhưng ông nói thêm: “Chúng tôi cảm thấy Google đang thiết tha làm việc với chúng tôi hơn”

Trả lời câu hỏi về liệu giá vé của AirAsia sẽ thay đổi theo sau định hướng chuyển đổi từ công ty hàng không giá rẻ sang công ty công nghệ du lịch, ông Fernandes nói AirAsia là một công ty định hướng theo khối lượng. “Chúng tôi muốn giá vé vẫn ở mức thấp. Chúng tôi đang cố gắng tìm những cách khác để giảm chi phí bằng cách sử dụng nền tảng của chúng tôi để tăng nguồn thu nhập. Chúng tôi sẽ cố gắng và làm hết sức - chúng tôi không tăng giá vé, vì đó không phải là ý tưởng của chúng tôi”, ông cho biết

Ngược lại AirAsia sẽ sử dụng đám mây và Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT) cho tất cả mọi thứ từ phân tích tình cảm đến xác định nơi đỗ máy bay để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhưng nó cũng sẽ cho phép họ theo dõi các chi tiết ít được biết đến hàng ngày về việc duy trì hoạt động của một hãng hàng không thông suốt. Nhiều người có thể vẫn nghi ngại trong cuộc cạnh tranh trên các lĩnh vực khác nhau của AirAsia với Alipay, Traveloka hay Grab, nhưng ông Fernandes quả quyết: “Chúng tôi có lợi thế so với họ là chúng tôi có dữ liệu xuất hiện hàng ngày. Chúng tôi đang thừa hưởng những lợi thế cạnh tranh ở mọi nơi. Chìa khóa bây giờ nằm ở việc tổ chức thực hiện cho đúng đối tượng, đúng tầm nhìn”. Kết luận của ông có cơ sở, vì không gian du lịch không phải của riêng ai, và AirAsia đang chia phần thông qua công nghệ đám mây

Những bài học từ Fernandes

Ngày 6-12, trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 tại Hà Nội, CEO của AirAsia Tony Fernandes và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu Trần Trọng Kiên đã ký bản ghi nhớ để cùng xây dựng hãng hàng không giá rẻ mới tại Việt Nam. Theo đó, hai bên muốn hợp tác đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, đội tàu bay và đội ngũ nhân lực phục vụ việc xây dựng một hãng hàng không giá rẻ

Trong nhiều trường hợp thiên tài không phải tự nhiên mà có, không phải bẩm sinh, và Fernandes lại là một điển hình trong đó

Sinh trưởng tại Kuala Lumpur ở Malaysia, Fernandes, năm nay 54 tuổi, đã theo học tại trường nội trú Epsom College ở Anh và rồi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại Trường Kinh tế London (London School of Economics)

Bài học đầu tiên của Fernandes là nắm lấy cơ hội. Nói chuyện tại hội nghị Wild Digital 2017 diễn ra tại Kuala Lumpur vào tháng 5-2017, ông Fernandes cho biết ông đã trải qua nhiều lần thất bại trong ngành kế toán và rồi phải tìm đến làm việc trong lĩnh vực thu âm nhạc. Rồi một lần Fernandes tham gia cuộc phỏng vấn tại Virgin Group, ông cũng bị từ chối. Nhưng khi Fernandes bước ra thì ông trùm Richard Branson bước vào, và ông tự hỏi nên là người Malaysia nhút nhát bỏ đi, hay nên nắm lấy cơ hội? Fernandes đã nói chuyện với Branson và ông ta cho Fernandes công việc. Và, cơ hội lớn đã đến vì Virgin Group do ông chủ người Anh sở hữu lại là công ty mẹ của hãng hàng không Virgin Atlantic. Duyên nợ của Fernandes với ngành hàng không bắt đầu từ đây, và sự gắn kết của Branson với AirAsia cũng bắt đầu từ đó

Câu chuyện mạo hiểm diễn ra sau đó, khá ly kỳ khi vị cựu Giám đốc Warner Music, Fernandes mua lại AirAsia từ Chính phủ Malaysia với giá 1 đô la Úc vào năm 2001 và biến nó thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên ở châu Á

Từ một công ty chỉ có hai máy bay phản lực, 250 nhân viên và hàng triệu đô la nợ, Fernandes đã đưa AirAsia lên một tầm cao mới. Ngày nay, tập đoàn hàng không này có 220 máy bay, sử dụng 20.000 người và vận chuyển 65 triệu hành khách mỗi năm. AirAsia đã được vinh danh là hãng hàng không ngân sách hàng đầu thế giới trong tám năm liên tiếp, và năm 2017 đã trở thành hãng hàng không đầu tiên có được đèn xanh của Chính phủ Hoa Kỳ để bay đến các sân bay Mỹ. Nhưng đó là một hành trình không suôn sẻ. Khi mua AirAsia, Fernandes thừa nhận sợ mình thất bại: “Tôi rất sợ thất bại, tôi sợ làm mất 250 nhân viên. Nếu tôi thất bại thì họ mất việc”

Giống như bất kỳ công ty khởi nghiệp nào khác, AirAsia luôn thấy thiếu tiền mặt. Nhưng khi không thể tìm nguồn nào khác thì chính Internet trở thành vị cứu tinh. Nó cho AirAsia bán vé trước, cho nó tiền mặt để hoạt động cho đến khi đủ lớn để được chấp thuận cho vay. Nó cũng cho phép công ty bán vé trực tiếp cho khách hàng, bỏ qua các kênh phân phối truyền thống và cắt giảm chi phí

Ít ai biết rằng thương mại điện tử chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động kinh doanh của AirAsia, mang lại cho công ty doanh thu hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016. Thương mại điện tử đã được chứng minh là cứu cánh cho AirAsia trong những năm gần đây khi mà sự cạnh tranh trong ngành hàng không dẫn đến sụt giảm đáng kể giá vé máy bay

Một phần lớn kinh doanh của công ty đến từ hàng hóa và dịch vụ phụ trợ được bán trực tuyến. Đó là tất cả mọi thứ từ hành lý ký gửi, chỗ ngồi ưa thích, các bữa ăn trên máy bay, đặt phòng khách sạn và đặt thuê xe. Cuối cùng, bí quyết của Fernandes là nhìn vào chỗ người khác không nhìn. Trong khi mọi người tập trung vào thị trường lớn, Trung Quốc, Ấn Độ thì AirAsia lại nhắm vào Malaysia rồi vào vùng Đông Nam Á. AirAsia tìm lợi thế cho mình ở những nơi mà các hãng máy bay khác không phục vụ, như Bandung nơi mà không có hãng máy bay Indonesia nào bay tới, và nay thì AirAsia có đến 32 chuyến bay tới đó mỗi ngày. Từ ASEAN, AirAsia mở rộng sang Ấn Độ, rồi sang Trung Quốc, rồi triển khai các chuyến bay đường dài dưới thương hiệu AirAsia X đến những nơi như Trung Đông, Úc và châu Âu

Hoàng Xuân Phương
 
Top