What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cầu nối giữa “tri thức” và “quyền lực”

thinktank.vn

Administrator
ThinkTank là cầu nối giữa “tri thức” và “quyền lực”

- “Think tank” là những tổ chức nghiên cứu chính sách, có chức năng chính là nghiên cứu, tư vấn, phản biện, và xây dựng các đề xuất chính sách. Trong nền chính trị Hoa Kỳ hiện đại, think tank được ví như những “chiếc hộp tư duy”, thực hiện vai trò cầu nối giữa “tri thức” và “quyền lực”. Hoạt động của các think tank rất đa dạng: tiến hành các nghiên cứu, cung cấp các xuất bản phẩm, tổ chức các buổi thuyết trình hay tranh luận chính sách, tham gia vào vận động chính sách. Bài viết trình bày hoạt động của các think tank ở Hoa Kỳ, nhận diện những ảnh hưởng của các think tank trong đời sống chính trị và quy trình chính sách ở Hoa Kỳ

1. Khái lược think tank ở Hoa Kỳ hiện nay

Theo thống kê, Hoa Kỳ hiện có khoảng 1800 “think tank” - thường được hiểu là những tổ chức nghiên cứu chính sách, có chức năng nghiên cứu, tư vấn, phản biện, và xây dựng các đề xuất chính sách. Bởi vậy, “think tank” thường được ví như “những chiếc hộp tư duy” hay “những nhà máy sản xuất ý tưởng”. Trên thực tế, do sự đa dạng về loại hình tổ chức, hoạt động, ngân sách và nhân sự... cho nên rất khó đưa ra một định nghĩa phổ quát về think tank. Theo Rich và Weaver (2011), khái niệm “think tank” đề cập đến các tổ chức với ba đặc điểm chính

(i) cung cấp dịch vụ nghiên cứu và tư vấn chính sách

(ii) độc lập về mặt tổ chức, và đôi khi cả mặt tài chính, với chính quyền và các trường đại học

(iii) hoạt động dựa trên cơ sở phi lợi nhuận

Tuy nhiên, thực tế Hoa Kỳ cho thấy, rất khó phân biệt các think tank với các tổ chức vận động xã hội hay các tổ chức NGOs bởi ranh giới giữa chúng là rất khó phân định. Thực tế này dẫn đến những cách thức xác định và thống kê số lượng think tank khác nhau. Một cách nhận biết phổ biến là chia các think tank ở Hoa Kỳ thành bốn nhóm với những đặc trưng nổi bật

(i) Think tank nghiên cứu - tập trung vào các hoạt động nghiên cứu chính trị và phân tích chính sách

(ii) Think tank hợp đồng - hoạt động chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các đối tác

(iii) Think tank tư tưởng - hoạt động theo thiên hướng tư tưởng hoặc chính trị đảng phái, hướng đến các kết quả chính trị cụ thể

Để thực hiện được các mục đích trên, các think tank áp dụng nhiều chiến lược hoạt động khác nhau. Họ có thể tuyển dụng các học giả để triển khai các nghiên cứu tự do, phân công các học giả nghiên cứu những vấn đề mà tổ chức hoặc các nhà tài trợ yêu cầu, hoặc tham gia những nghiên cứu theo đơn đặt hàng của khách hàng. Các hoạt động và sản phẩm của think tank chính là nguồn tham khảo cho các ý tưởng chính sách của chính quyền Hoa Kỳ. Cụ thể hơn, think tank ở Hoa Kỳ tập trung vào một số hoạt động sau đây

- Tổ chức các diễn đàn hoặc hội thảo để thảo luận các vấn đề chính sách.

- Các nhà nghiên cứu thực hiện các bài phát biểu hoặc thuyết trình.

- Điều trần trước các ủy ban hoặc tiểu ban của Quốc hội khi được yêu cầu.

- Xuất bản sách, tạp chí, báo và các báo cáo chính sách.

- Sản xuất các video giành cho công chúng số đông về các vấn đề chính sách.

- Tạo ra các websites để công chúng có thể tiếp cận và thu thập xuất bản phẩm.

- Tổ chức gây quỹ hàng năm.

- Thu hút báo chí và truyền thông để hình ảnh tổ chức và các chuyên gia được xuất hiện và gây ảnh hưởng.

- Các chuyên gia đảm nhận các vị trí chính trị và chuyên môn trong chính quyền.

- Các chuyên gia tham gia các nhóm cố vấn tổng thống hoặc nhóm làm việc trong các giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ tổng thống.

- Duy trì văn phòng liên lạc với lưỡng viện Quốc hội.

- Mời các nhà hoạch định chính sách tham dự các hội thảo hoặc thảo luận chính sách có giới hạn người tham dự.

- Cho phép các quan chức chuyên môn làm việc ngắn hạn.

- Cung cấp vị trí và cơ hội làm việc dài hạn cho các cựu quan chức.

- Thực hiện nghiên cứu chính sách và soạn thảo báo cáo chính sách theo yêu cầu của các nhà hoạch định chính sách.

2. Ảnh hưởng của think tank trong nền chính trị Hoa Kỳ hiện đại

Ảnh hưởng tích cực:

Thứ nhất, cung cấp thông tin và kiến thức chuyên môn về chính sách cho chính quyền và xã hội nói chung. Think tank được coi là “nhà máy sản xuất ý tưởng hành động” phục vụ trước hết cho nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách. Những kiến giải, phân tích, bình luận của chuyên gia think tank có thể giúp định hình nhận thức chính sách của quan chức chính quyền, ảnh hưởng đến trật tự ưu tiên giữa các lựa chọn hành động, đề ra lộ trình hành động, gây dựng các liên minh hành động, cũng như góp phần tạo dựng thiết kế thể chế. Cùng với thời gian, các think tank có thêm chức năng vận động chính sách để có thể thực sự tạo được ảnh hưởng đến các quyết sách của chính quyền. Để đạt được những mục đích này, think tank chủ động tìm kiếm và gia tăng mức độ tương tác với chính quyền thông qua nhiều hình thức khác nhau. Do đó, các học giả và chuyên gia think tank đã tự ví họ như cây cầu nối giữa cộng đồng khoa học hàn lâm với chính quyền và công chúng. Họ là những người nắm bắt và tìm cách xử lý các vấn đề hiện đang diễn ra chứ không phải chỉ tìm cách lý giải những vấn đề lý thuyết quá hàn lâm, không thực sự đáp ứng nhu cầu của số đông công chúng

Thứ hai, cung cấp nhân sự chất lượng cao cho chính quyền và nền chính trị Hoa Kỳ. Một đặc điểm của đội ngũ nhân sự chính quyền Hoa Kỳ là luôn thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử. Chẳng hạn, với chính quyền liên bang, mỗi khi có một tổng thống mới thì sẽ xuất hiện nhu cầu nhân sự cho các vị trí lãnh đạo cấp cao bên nhánh hành pháp. Tổng số các vị trí cần bổ nhiệm mới, cả về chính trị và chuyên môn, là khoảng 3000 người. Về cả lý thuyết và thực tiễn, lực lượng này có thể được lựa chọn từ đội ngũ quan chức của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, do yếu tố chính trị, các nhà lãnh đạo mới thường thay thế một lượng lớn đội ngũ tiền nhiệm bằng các nhân sự đã từng phục vụ cho ê kíp tranh cử của mình hoặc thuộc về đảng chính trị mà họ đã từng dựa vào để thắng cử. Truyền thống này khiến cho các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính quyền luôn biến động. Cũng bởi vậy, các nhà lãnh đạo mới thường tìm đến các chuyên gia đang làm việc trong khu vực dân sự để lựa chọn nhân sự cho chính quyền của mình. Thực tế này diễn ra lặp đi lặp lại theo thời gian dẫn đến sự hình thành mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và các tổ chức think tank - nơi luôn sẵn sàng cung cấp các chuyên gia chính sách chất lượng để làm việc cho chính quyền. Cũng bởi đặc điểm truyền thống này cho nên các think tank ở Hoa Kỳ vẫn được ví như một “chính quyền dự bị” - nơi mà các vị trí việc làm trong chính quyền luôn là cơ hội khẳng định uy tín của cả cá nhân và tổ chức đối với đội ngũ chuyên gia think tank

Thứ ba, các think tank có thể trở thành nơi tập hợp các chuyên gia, học giả, và bổ sung cho vai trò của các trường đại học. Một thách thức lớn với hệ thống trường đại học ở Hoa Kỳ là các học giả thường rất mạnh về năng lực nghiên cứu hàn lâm, vốn ít khả năng ứng dụng chính sách. Sở dĩ có thực tế này là bởi nghiên cứu của các học giả ở trường đại học thường đi sâu vào một khía cạnh hoặc vấn đề nào đó, khiến họ xa rời khỏi đời sống thực tiễn. Các nghiên cứu cũng thiên về lý thuyết, hướng đến mục đích xây dựng các mô hình lý thuyết để giải thích đời sống xã hội. Thế nhưng, trên thực tế, các mô hình lý thuyết đó lại rất ít hoặc rất khó được sử dụng để giải quyết các vấn đề nảy sinh hàng ngày. Điển hình cho thực tế này là các mô hình lý thuyết về chính sách đối ngoại - dù có thể rất hay và giá trị về tri thức nhưng lại hầu như không được sử dụng bởi các think tank trong việc xây dựng các đề xuất chính sách. Chính bởi vậy, think tank đã trở thành một địa chỉ cho các diễn đàn chính sách - nơi các chuyên gia và học giả cũng như công chúng có thể đến để trình bày và thảo luận các vấn đề chính sách trước các tình huống thực tế đang đòi hỏi hành động kịp thời của chính quyền

Kết nối công chúng số đông với lĩnh vực chính sách công, giáo dục họ về các vấn đề chính sách, khơi gợi và thúc đẩy ý thức tích cực và chủ động trong việc tham gia giải quyết các vấn đề công là vai trò tích cực thứ tư mà các think tank đóng góp cho xã hội Hoa Kỳ. Thông qua nhiều hình thức hoạt động hướng đến số đông, think tank giúp những người dân Hoa Kỳ bình thường nhất có thể hiểu biết về tình hình thế giới và trong nước, nhận thức được những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận và chính quyền, đồng thời cũng có thể tham gia vào các thảo luận chính sách. Thông qua đó, think tank góp phần giúp người dân Hoa Kỳ nắm bắt được các chính sách mà chính phủ Hoa Kỳ đang theo đuổi, từ đó gây dựng sự ủng hộ chính trị của công chúng Hoa Kỳ, vốn rất đa dạng về mặt xã hội, cho các lựa chọn hành động và hình thức hành động của chính quyền, cả trong nước và quốc tế

Giảm bớt sự khác biệt về quan điểm chính sách giữa các quan chức chính quyền, giữa các học giả, giữa các đảng chính trị, thậm chí giữa các chính quyền của các quốc gia...là lợi ích thứ năm của các think tank. Để thực hiện được vai trò hóa giải sự khác biệt, xung đột về quan điểm, think tank có thể tổ chức các diễn đàn đối thoại hoặc trực tiếp tham gia các chương trình tập huấn quan chức hay nhân viên chính quyền. Chẳng hạn, tổ chức “The U.S. Institute of Peace” đã từng tham dự vào các cuộc thương lượng không chính thức cũng như tập huấn cho viên chức chính quyền Hoa Kỳ về các kỹ năng giải quyết xung đột kéo dài. Các think tank khác cũng tham vào các hình thức ngoại giao phòng ngừa, quản lý xung đột và tìm các giải pháp xử lý xung đột. Điển hình là từ cuối những năm 1980, Tổ chức “The Carnegie Endowment” đã tiến hành một chuỗi các cuộc gặp giữa các chính trị gia Nam Phi, doanh nhân, đại diện giới lao động, học giả, các nhà hoạt động xã hội, cũng như các nhà lập pháp. Các cuộc gặp này được tổ chức liên tục trong tám năm đã giúp tạo dựng sự hiểu biết và đồng thuận giữa các giới chức chính quyền và các lực lượng xã hội về tương lai của Nam Phi. Tương tự như vậy, CSIS đã triển khai nhiều dự án nhằm giúp giảm bớt sự khác biệt và chia rẽ giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo ở các quốc gia như Nam Tư hay Israel

Ảnh hưởng tiêu cực:

Thứ nhất là nguy cơ think tank bị chi phối bởi các nhà tài trợ. Hoa Kỳ đang chứng kiến mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt do sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các think tank. Hiện tại, Hoa Kỳ có gần 2000 think tank với quy mô tổ chức và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Bản thân các think tank không phải là các doanh nghiệp cho nên họ phải thường xuyên vận động để tìm ra các nguồn kinh phí hoạt động. Các hình thức gây dựng ngân sách phổ biến gồm: vận động tài trợ, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc gây quỹ. Để có thể giành được các khoản kinh phí dưới dạng quà tặng hoặc tài trợ, think tank buộc phải đề cao sự sáng tạo trong hoạt động và đẩy mạnh hơn nữa mức độ chuyên môn hóa. Thực tế này được thể hiện qua xu hướng thành lập các think tank gần đây nhưng chỉ tập trung hoạt động đối với một số lĩnh vực chính sách chuyên sâu nào đó thay vì quan tâm đến nhiều vấn đề như các think tank ra đời trước đây. Trước áp lực cạnh tranh, để có ngân sách hoạt động, các think tank buộc phải thỏa mãn các đơn hàng của nhà tài trợ cũng như phải cho họ thấy được những kết quả tác động trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đo lường và đánh giá được tác động và kết quả thực tế các hoạt động của think tank không phải là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh họ luôn bị áp lực về thời gian. Sự phụ thuộc vào kinh phí tài trợ cũng đặt các think tank trước nguy cơ lớn là họ sẽ bị giảm nguồn ngân sách mỗi khi các nhà tài trợ gặp khó khăn, không thể tiếp tục các cam kết tài trợ. Do đó, thách thức về ngân sách là yếu tố hàng đầu đe dọa khả năng độc lập và khách quan của các think tank. Không thể không tính đến nguy cơ think tank bị biến thành công cụ gây ảnh hưởng đến chính quyền của những cá nhân hoặc nhóm quyền lực trong xã hội. Khi đó, thay vì là những tổ chức nghiên cứu khách quan và độc lập, think tank có thể trở thành phương tiện mưu lợi của những cá nhân hoặc nhóm vị kỷ.

Thứ hai là nguy cơ think tank bị ảnh hưởng và chi phối bởi chính trị đảng phái. Chia rẽ sâu sắc về tư tưởng và quan điểm chính trị là một đặc trưng nổi bật của xã hội Hoa Kỳ. Điều này ngày càng thể hiện rõ hơn qua các xung đột giữa các đảng chính trị có vai trò chi phối quá trình lập pháp của Quốc hội; hoặc sự xung đột giữa Quốc hội với Tổng thống. Về bản chất, sự chia rẽ, xung đột về chính trị bên trong chính quyền phản ánh sự xung đột giữa các truyền thống tư tưởng chính trị vốn có trong xã hội Hoa Kỳ. Thực tế này không chỉ tác động đến các chiến lược và định hướng chính sách của các đảng chính trị mà tất yếu cũng sẽ có ảnh hưởng đến các think tank. Bởi vậy, giữ được sự trung lập về chính trị sẽ là thách thức lớn đối với các think tank. Trên thực tế, đã có những think tank, chẳng hạn như Heritage Foundation, công khai đứng hẳn về phía quan điểm chính trị bảo thủ. Cũng bởi vậy, chuyên gia think tank sẽ ngày càng phải đối diện với khuynh hướng chính trị mà tổ chức của họ can dự hay ủng hộ. Việc đưa ra được các giải pháp chính sách khách quan và trung lập hoặc dựa trên sự dung hòa các quan điểm chính trị sẽ ngày càng khó khăn. Khi bị chi phối bởi các xu hướng chính trị, các think tank không còn giữ được bản chất vốn có của nó. Think tank có thể bị biến thành một công cụ cạnh tranh chính trị và lợi ích giữa các lực lượng chính trị khác nhau trong xã hội

Thứ ba là nguy cơ các think tank chỉ tìm cách phục vụ lợi ích của chính họ chứ không phải lợi ích công và toàn xã hội. Để có thể nhanh chóng nhận được các khoản kinh phí và gia tăng ảnh hưởng, think tank có thể “xào nấu” các ý tưởng chính sách cũ hoặc rao bán các giải pháp chính sách mang đậm màu sắc chính trị đảng phái thay vì đầu tư nghiên cứu để đề xuất ra được những chính sách mới. Thách thức này là hệ quả từ môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các think tank cũng như xu hướng bị ảnh hưởng bởi chính trị đảng phái trong những năm gần đây. Khi không còn bảo đảm được chất lượng của các nghiên cứu và phân tích chính sách thì các think tank sẽ tự đánh đồng mình với các tổ chức vận động thuần túy (yếu về chuyên môn) vốn luôn đông đảo trong lĩnh vực chính sách công ở Hoa Kỳ. Họ giống như “những bộ não được đem rao bán”

Một nguy cơ nữa là một số cơ quan chính quyền Hoa Kỳ ngày càng có biểu hiện lệ thuộc vào các think tank. Thay vì tự đưa ra lựa chọn chính sách, cơ quan chính quyền có thể thuê lại các think tank để làm việc này cho họ. Chẳng hạn, CSIS chính là think tank đã chuẩn bị bài phát biểu cho bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La 2013. Người ta đặt dấu hỏi là với bài phát biểu đó, liệu CSIS sẽ chỉ thuần túy đứng trên lập trường lợi ích của Hoa Kỳ, hay họ cũng có thể lợi dụng nó để phục vụ cho lợi ích của các đối tác của họ tại châu Á? Và trách nhiệm của các quan chức chính quyền ở đâu khi họ được hưởng lương từ nguồn thuế của dân chúng nhưng lại thuê các think tank thực hiện công việc chuyên môn cho họ?

Tóm lại, với tư cách là những “nhà máy sản xuất ý tưởng chính sách”, think tank là một chủ thể không thể thiếu trong đời sống chính trị và quy trình chính sách của Hoa Kỳ. Sự gia tăng cả về số lượng và hình thức hoạt động của think tank không chỉ cho thấy quyền lực của tri thức, mà còn gợi ra những tiềm năng đóng góp to lớn của các chủ thể ngoài nhà nước vào việc giải quyết các vấn đề công. Nhờ hệ thống think tank đông đảo, chính quyền Hoa Kỳ đã tận dụng được nguồn nhân lực và tri thức trong xã hội vào quá trình quản trị quốc gia. Có thể thấy, không gian tự do học thuật và thể chế chính trị phân quyền là những yếu tố thuận lợi căn bản để các think tank phát huy được vai trò tích cực của mình


TS Đoàn Trường Thụ

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Last edited:
Top