What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

India ThinkTank

thinktank.vn

Administrator
Nền kinh tế số của Ấn Độ sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2022


Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, hãng tư vấn tài chính và quản trị hàng đầu KPMG dự báo nền kinh tế số của nước này có thể vượt 1.000 tỷ USD vào năm tài chính 2022

Báo cáo trên được đưa ra ngày 25/10 tại Hội chợ triển lãm India Mobile Congress 2018, trong đó cũng dự báo lưu lượng dữ liệu di động ở quốc gia Nam Á này sẽ tăng 5 lần vào năm 2023

Báo cáo có đoạn: "Trong một dấu hiệu cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ và minh chứng về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của ngành viễn thông, Ấn Độ đã trở thành thị trường viễn thông lớn thứ 2 thế giới vào năm 2018 với hơn 1 tỷ thuê bao. Với xu thế này, nền kinh tế số dự kiến sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào tài khóa 2022"

Cũng theo báo cáo, tổng số thuê bao di động ở Ấn Độ sẽ đạt 1,28 tỷ vào tài khóa 2022 và lưu lượng dữ liệu đạt 7GB/thuê bao/tháng

Lượng người xem trực tuyến sẽ tăng gấp đôi từ 225 triệu trong tài khóa 2018 lên 550 triệu vào tài khóa 2023

Bình luận về báo cáo trên, ông Purushothaman KG, đối tác của KPMG tại Ấn Độ, nói: "Nghiên cứu của chúng tôi mang tính toàn cầu, được tiến hành ở 15 quốc gia trong đó có Ấn Độ, và xếp Ấn Độ ở tốp 3 nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, cũng như cho thấy triển vọng sáng nhất của nước này về những công nghệ có tính đột phá sẽ tạo ra những tác động mang tính toàn cầu"

Huy Lê
 
Ấn Độ - tương lai của ngành internet
Cho đến tận năm ngoái, Jamma Devi mới có cơ hội sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên trong đời. Đó là một chiếc điện thoại với màn hình nhỏ, bàn phím cơ, tương tự những mẫu điện thoại trong quá khứ mà giờ đây rất khó bắt gặp

Ngôi làng Rajasthan của Devi dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới hiện đại. Nó chỉ bao gồm vài nóc nhà và nằm sâu giữa lòng sa mạc. Hàng ngày, chỉ có 1 chuyến xe buýt duy nhất đi qua ngôi làng và thành phố gần nhất cũng cách khu vực này hơn 80 km

Cô thường phải trèo lên mái nhà để cố gắng bắt được một hai vạch sóng, khi đó, mới liên lạc được với những đứa con hay họ hàng. “Từ mái nhà, tôi mới có thể nói chuyện được. Thỉnh thoảng mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ còn không thì có điện thoại cũng chẳng để làm gì”, cô nói

Cũng giống như 900 triệu người dân tại Ấn Độ, Devi chưa bao giờ sử dụng một chiếc điện thoại thông minh và truy cập internet. Sứ mệnh giúp kết nối bộ phận những người dân đó với hệ thống mạng toàn cầu, bổ sung thêm vào con số 500 triệu người đã tiếp xúc với internet, đang là cuộc chạy đua của hàng loạt những cái tên nổi tiếng trong làng công nghệ. Cùng với nhau, họ đang dần hình thành lên tương lai của internet

“Hơn một nửa dân số trên thế giới đã tiếp cận internet, điều đó cũng có nghĩa là vẫn còn đến 3,5 tỷ người chưa được kết nối”, Rajan Anandan, giám đốc điều hành Google Ấn Độ, chia sẻ với CNN Business

Vậy làm thế nào để có thể giúp bộ phận dân cư đó kết nối và sử dụng internet một cách hiệu quả ? “Câu trả lời nằm ở cách các ông lớn công nghệ hành động nhằm kết nối hơn 900 triệu người dân Ấn Độ với hệ thống mạng toàn cầu này”, Anandan nói

Kết nối những ai chưa kết nối

Ấn Độ là quốc gia sở hữu tốc độ gia tăng người dùng internet rất lớn nhờ sự giúp sức đắc lực từ nguồn vốn chảy về từ Thung lũng Silicon cũng như những khoản đầu tư của chính phủ nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của quốc gia này

Google đã chung tay xây dựng hệ thống cung cấp wifi miễn phí tại hơn 400 nhà ga đường sắt trên khắp Ấn Độ. Công ty này cũng đang thực hiện một chương trình phổ cập giáo dục kỹ thuật số để hướng dẫn phụ nữ ở khu vực nông thôn sử dụng internet

Facebook cũng bày tỏ tham vọng thiết lập hơn 20.000 điểm truy cập mạng thông qua dự án Express Wifi nhằm giúp người dùng có thể truy cập internet với giá chỉ 10 rupee (0,14 USD)/ngày. Chính phủ Ấn Độ cũng lên kế hoạch xây dựng hơn 250.000 điểm truy cập internet tại hàng loạt các làng mạc trên toàn quốc

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số còn cấp thiết hơn việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân dụng”, Amitabh Kant, một nhà hoạch định chính sách kỳ cựu của chính phủ Ấn Độ, cho biết

Tuy nhiên, người đi đầu giúp mang lại thành tựu internet ở Ấn Độ lại là tỷ phú giàu nhất quốc gia Mukesh Ambani khi ông đã “đặt cược” vào chiến lược cung cấp dịch vụ internet miễn phí cho người sử dụng. Ông là người đã xây dựng mạng di dộng hoàn toàn mới lấy tên là Reliance Jio với nguồn tiền đầu tư lên đến 20 tỷ USD vào tháng 9/2016, ngay sau đó tung ra một gói cước ưu đãi cực kỳ hấp dẫn. Mỗi thuê bao mới sẽ được miễn phí 6 tháng sử dụng 4G tốc độ cao. Chính điều đó đã châm ngòi cho một cuộc chiến về giá giữa công ty của tỷ phú này với hàng loạt các nhà cung cấp dịch vụ mạng khác khiến cho giá dịch vụ di dộng sụt giảm nhanh chóng

Sau 2 năm kể từ khi Reliance Jio ra đời, nhà mạng đã sở hữu một nền tảng thuê bao lên đến hơn 250 triệu. Ambani kỳ vọng rằng Ấn Độ sẽ được phủ sóng 4G trên toàn quốc vào năm 2020

“Tất cả điện thoại ở Ấn Độ sẽ đều sử dụng được sóng 4G. Tất cả khách hàng sẽ thỏai mái sử dụng dịch vụ này”, ông nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 10. “Chúng tôi cam kết sẽ kết nối mọi người, mọi thứ và ở mọi nơi”

Đối với Gorakh Dan, Reliance Jio đã mở ra một chân trời mới. Chàng thanh niên năm nay 26 tuổi, hiện là nhân viên của một công ty cung cấp đá xây dựng tại thành phố Jaisalmer, cách ngôi làng của Devi khoảng hơn 60 km. Anh mua một chiếc Sim của Jio 5 tháng trước và ngay sau đó anh cũng sắm thêm một chiếc điện thoại thông minh Nokia với giá khoảng 5.000 rupee (68 USD). Dan rất thường xuyên sử dụng các ứng dụng như WhatsApp (Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ứng dụng này) và YouTube

Dan sử dụng những ngôn từ rất đặc trưng của người Ấn Độ khi nói về những thành tựu mà công ty của Ambani mang lại. “Tất cả chúng tôi coi Jio như người cha thứ hai vậy”

2 chiếc điện thoại/giây

Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, với hơn 400 triệu người dùng. Nhưng con số đó mới chỉ chiếm 1/3 tổng dân số của quốc gia này, và hàng loạt các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang chạy đua để có thể tiếp cận số lượng người dùng tiềm năng còn lại

Samsung và hãng điện thoại đến từ Trung Quốc Xiaomi là hai cái tên áp đảo trên thị trường và cả hai công ty này đang không ngừng lớn mạnh. Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại ngoại ô thành phố New Delhi vào đầu năm nay, trong khi Xiaomi đã tăng gấp 3 lần khả năng sản xuất và hiện tại có thể sản xuất 2 chiếc điện thoại/giây

“Không giống như các nước phương Tây và Trung Quốc, khi người sử dụng internet trải qua các giai đoạn từ chưa được tiếp cận internet đến sử dụng máy tính để bàn, sau đó là máy tính xách tay và điện thoại,… thì ở Ấn Độ, người dùng đã ‘nhảy cóc’ qua các bước trên, đi từ trạng thái chưa được tiếp cận đến sử dụng internet thông qua điện thoại thông minh”, Manu Jain, trưởng đại diện Xiaomi tại thị trường Ấn Độ, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 5

Trở ngại lớn nhất cản trở người dân tiếp cận internet đó chính là giá điện thoại thông minh. Ngay cả khi một mẫu điện thoại có giá cả rẻ nhất cũng khó có thể đáp ứng bởi một bộ phận người dân Ấn Độ, bởi thu nhập bình quân của họ chưa đến 2.000 USD một năm. Xiaomi cũng vừa phải tăng giá sản phẩm với lý do rupee rớt giá

Với mức giá đắt đỏ hơn, Apple đang khá “chật vật” để khẳng định vị thế ở thị trường này. Hãng cũng chỉ đang sở hữu chưa đến 2% thị phần. Các công ty Trung Quốc như Vivo, Oppo thì ngược lại khi họ đã có những bước tăng trưởng đáng kể cho dù giá của chiếc điện thoại rẻ nhất của các hãng này cũng rơi vào khoảng 10.000 rupee (tương đương 137 USD)

Anandan cũng chỉ ra nguyên nhân người dân Ấn Độ chưa sử dụng nhiều điện thoại thông minh là ngay những chiếc điện thoại cơ bản nhất cũng có giá hơn 60 USD trong khi những chiếc điện thoại bàn phím thông thường mà phần lớn người Ấn Độ đang sử dụng lại có giá rẻ hơn gấp nhiều lần, chỉ khoảng 12 USD

“Nếu sáng mai tôi thức dậy và được ban tặng một điều ước dành cho thị trường internet tại Ấn Độ, tôi sẽ ước rằng giá điện thoại thông minh ở đất nước này sẽ trở nên ‘dễ chịu’ hơn. Nếu điều đó trở thành hiện thực, thì chỉ qua một đêm thôi, lượng người dùng internet ở đây sẽ tăng lên gấp đôi”, Anandan chia sẻ

‘Miếng bánh’ được phân chia như thế nào ?

Hàng trăm triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh tại Ấn Độ phải đứng giữa quá nhiều sự lựa chọn khi các ông lớn ngành công nghệ như Amazon, Uber và Netflix đang cạnh tranh khốc liệt với các công ty đối thủ nội địa như Flipkart, Ola và Hotstar

Amazon dự tính dành ít nhất 5 tỷ USD để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, trong khi Uber cũng đang muốn củng cố vị thế ở châu Á bằng quyết định đầu tư vào quốc gia này sau khi đã rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Netflix cho ra mắt một chuỗi chương trình truyền hình dành riêng cho thị trường Ấn Độ với tên gọi “trò chơi ám ảnh” vào đầu năm nay, và dự định sản xuất một loạt các chương trình giải trí khác

“Ấn Độ là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi”, Jessica Lee- phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Netflix tại khu vực châu Á chia sẻ. “Bạn hãy nhìn vào quy mô dân số, tốc độ phát triển của internet cũng như các cơ hội kinh doanh ở quốc gia này mà xem, thách thức ở đây là làm thế nào để giành được ‘miếng bánh’ to nhất có thể”

Sự bùng nổ internet cũng là tiền đề cho sự ra đời của một số công ty start-up tại Ấn Độ với giá trị ước tính lên đến nhiều tỷ USD. Ola đang cung cấp dịch vụ gọi xe trên khoảng 110 thành phố, nhiều hơn 80 thành phố so với địa bàn hoạt động của Uber. Flipkart cũng đang kiểm soát 40% thị phần thương mại điện tử tại quốc gia này trong khi Amazon mới chiếm 32%. Và Paytm, công ty dẫn đầu về thanh toán trực tuyến tại Ấn Độ, đã vượt mốc 300 triệu người dùng chỉ trong vòng 8 năm

“Chúng tôi là những công ty ra đời trong thời đại internet”, Vijay Shekhar- CEO của Paytm, nói. “Theo tôi, internet sẽ trở thành chiếc chìa khóa để chúng tôi thâm nhập vào xã hội cũng như giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước”

Nhiều công ty toàn cầu cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ khi đổ tiền vào nền kinh tế số ở quốc gia này

Công ty Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet mua lại cổ phần của Paytm vào năm nay. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của công ty vào một doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh các ông lớn như Alibaba và ngân hàng Softbank Nhật Bản cũng đã sở hữu cổ phần của Ola. Flipkart hiện nằm dưới quyền kiểm soát của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Mỹ Walmart sau khi công ty này đã bỏ ra số tiền lên đến 16 tỷ USD để mua lại 77% cổ phần của Flipkart vào đầu năm nay

Một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc là Tencent cũng nắm cổ phần ở cả Ola lẫn Flipkart. Disney cũng đang trong quá trình hợp tác với công ty cung cấp nền tảng chia sẻ video lớn nhất tại Ấn Độ là Hotstar cũng như dành ra khoảng 75 triệu người đăng ký tích cực hàng tháng như là một phần của thỏa thuận mua lại hãng giải trí 21st Century Fox

Ấn Độ là số một, thế giới chỉ là số hai

Sự kết hợp giữa những khoản đầu tư khổng lồ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đã góp phần biến Ấn Độ thành “phòng thí nghiệm” của thế giới, nơi cho ra đời các ý tưởng cũng như các sản phẩm giúp định hình đường đi nước bước của nền kinh tế internet bên ngoài biên giới quốc gia này

“Tương lai sẽ hiện diện ở đây cho đến khi nào thị trường Ấn Độ không còn hấp dẫn nữa”, Ankhi Das, quản lý khối chính sách công tại Nam Á của Facebook, cho biết

Hiện có rất nhiều sản phẩm ưu tiên cho thị trường Ấn Độ sau đó mới được giới thiệu với thị trường toàn cầu

Uber đã cho ra mắt “lite”, một phiên bản thu gọn từ ứng dụng của hãng tại Ấn Độ vào đầu năm nay, trong khi ứng dụng hẹn hò Tinder cũng công bố thêm một tính năng mà qua đó cung cấp cho khách hàng nữ nhiều quyền kiểm soát hơn khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Cả hai công ty đều có ý định đưa những tính năng mới này ra thị trường các quốc gia khác

Trong nhiều năm, Facebook đã chọn thị trường Ấn Độ như là địa điểm thử nghiệm các sản phẩm mới trong đó vào năm 2011, hãng đã giới thiệu phiên bản web dùng trên điện thoại di động cơ bản lần đầu tại đây. Công ty cũng đã tiến hành ra mắt một vài tính năng cũng như các phiên bản mới của các sản phẩm tại thị trường Ấn Độ nhưng không phải lúc nào họ cũng gặt hái được thành công

“Thị trường Ấn Độ là một trong những ưu tiên lớn nhất của chúng tôi. Quốc gia này luôn đóng vai trò cốt lõi trong mọi ‘đường đi nước bước của công ty’”, Das chia sẻ

Ấn Độ cũng có những tác động lớn lên những công ty theo nhiều cách khác nhau. Amazon gần đây đã ra mắt phiên bản ứng dụng mới của hãng sẻ dụng Hindi, ngôn ngữ phổ biến nhất tại quốc gia này, thêm vào đó, công ty cũng đang lên kế hoạch cho ra mắt các phiên bản sử dụng thêm những ngôn ngữ khác tại Ấn Độ trong tương lai không xa

Netflix lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ vào tháng 1/2016 trong kế hoạch mở rộng thị trường đến 130 quốc gia. Chỉ chưa đầy 1 năm sau thời điểm đó, công ty đã cho phép người dùng trên toàn cầu có thể tải về máy các chương trình để họ có thể xem chúng mọi lúc mọi nơi ngay cả khi không có kết nối internet.
Tính năng tải video trên tất nhiên không thể loại trừ tại thị trường Ấn Độ, Lee cho biết quốc gia này đóng vai trò quan trọng giúp Netflix có thể hòa nhập nhanh tại các thị trường mới nổi. “Những tính năng như việc đăng tải video, phần mềm thích hợp với thiết bị điện thoại và nén dung lượng tệp tin để có thể trình chiếu mượt mà hơn, giới hạn thời gian chờ đợi,…đều xuất phát từ những thị trường như Ấn Độ”, bà chia sẻ thêm

Google cũng khá “nhanh nhạy” khi giới thiệu phiên bản ngoại tuyến của YouTube và Google Maps, bên cạnh đó cải thiện Google Translate để cho ra những kết quả chính xác hơn với hàng loạt các ngôn ngữ đang được sử dụng tại Ấn Độ

“Với những sản phẩm, khi chúng tôi thiết kế chúng cho riêng thị trường Ấn Độ hoặc cố gắng khiến chúng phù hợp hơn với người dùng tại quốc gia này thì đều cho kết quả rất khả quan ở các thị trường khác”, Anandan chia sẻ

Internet sử dụng giọng nói lần đầu tiên

Người Ấn Độ thậm chí còn giúp định hình cách thức sử dụng internet, trong đó có mảng kinh doanh rất quan trọng của Google: Google Search

“Những người dùng mới có thiên hướng thích giao tiếp với internet hơn là việc gõ bàn phím, một ví dụ là số yêu cầu tìm kiếm bằng âm thanh đang gia tăng với tốc độ 270%/năm, một con số thực sự ấn tượng. Chúng tôi là nhà cung cấp video hàng đầu trên thế giới và chúng tôi cũng sẽ đi đầu trong dịch vụ cung cấp phương tiện giao tiếp với internet”, Anandan cho biết

Các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ cũng đang tìm kiếm những hướng đi trong dài hạn. Ola đã mở rộng kinh doanh sang thị trường Australia, New Zealand và Anh trong năm ngoái. “Thị trường Ấn Độ đã trở nên vô cùng khắc nghiệt”, Anand Shah- trưởng bộ phận chiến lược của Ola, nói hồi đầu tháng 11. “Nếu bạn có thể làm một điều gì đó ở Ấn Độ thì bạn có thể làm điều đó ở bất cứ nơi đâu”

Paytm đang hoạt động tại thị trường Canada. Công ty còn hợp tác với SoftBank để cho ra mắt hệ thống thanh toán điện tử tại Nhật Bản vào cuối năm nay. “Một khi chúng tôi mở rộng quy mô ra toàn cầu, chúng tôi luôn mong muốn một ngày có thể tiếp cận được thị trường Mỹ”, Sharma chia sẻ

Với tư cách là thị trường đứng thứ 2 thế giới về lượng người dùng internet, Ấn Độ đang cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của họ, Kant nói. Không giống như những người dùng tại Trung Quốc, người Ấn Độ đang được sử dụng một nền tảng mang tính toàn cầu

“Ấn Độ sẽ là nước có nhiều công dân sử dụng Twitter nhất, và điều đó tương tự với Facebook”, ông cho biết thêm

Một thương hiệu âm nhạc của Bollywood, T Series, khả năng sẽ trở thành kênh được nhiều người nhấn nút đăng kí nhất trên YouTube

Tuân thủ ‘luật chơi’

Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc đòi hỏi phải có những luật lệ cũng như những chế tài qua đó giúp người dùng sử dụng internet một cách đúng đắn, có hiệu quả trên phạm vi các quốc gia

WhatsApp là một ví dụ. WhatsApp đã phải chịu chỉ trích kịch liệt khi đã cung cấp những thông tin sai lệch về nền tảng công nghệ của công ty, hiện ứng dụng này được sử dụng bởi hơn 200 triệu người dùng tại Ấn Độ

Những trò chơi khăm thông qua hệ thống mạng là nguyên nhân của hàng loạt các hành động bạo lực diễn ra trên toàn Ấn Độ trong vài năm qua, trong khi những tin đồn sai sự thật về các vụ bắt cóc trẻ em dẫn đến hàng loạt các vụ án mạng. Ấn Độ đã liên tục yêu cầu Facebook làm rõ vai trò của họ khi những thông tin thiếu chính xác trên được phát tán rộng rãi trong cộng đồng và đòi hỏi phải có những biện pháp ngăn chặn và cải thiện tình hình

WhatsApp đã từ chối nhiều yêu cầu từ phía chính phủ trong đó bao gồm việc theo dõi các cuộc trò chuyện riêng tư của khách hàng. Nhưng công ty này cũng đã gắn “nhãn” cho biết những tin nhắn nào được chuyển tiếp thay vì được trực tiếp soạn thảo bởi người gửi tin và cũng hạn chế số lượng người nhận mà một tin nhắn có thể chuyển tiếp đến trong cùng một khoảng thời gian

Tất cả những tính năng trên được giới thiệu lần đầu tại Ấn Độ và không lâu sau đó được áp dụng với phần còn lại của thế giới. Chúng đã có những tác động tích cực nhằm hạn chế việc lan tràn những thông tin sai lệch trên hệ thống mạng. Das cũng cho biết thêm các tính năng trên cũng đã giúp sức đắc lực cho những sự kiện mang tính chất toàn cầu, tiêu biểu là cuộc bầu cử tổng thống Brazil thời gian vừa qua

“Tôi cho rằng sự ổn định và phát triển của internet sẽ được đánh giá bởi trải nghiệm an toàn của người dùng trên môi trường mạng”, bà chia sẻ thêm.
Nhiều hơn những quy định được đưa ra có thể ảnh hưởng không tốt đến vị thế “tiên phong” của Ấn Độ trong thế giới internet

Việc thắt chặt thanh toán trực tuyến đã thực sự có những tác động lên WhatsApp và Google, và những quy định về thương mại điện tử có thể ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của Amazon tại quốc gia này. Những công ty công nghệ toàn cầu quan ngại rằng bản dự thảo luật quy định tất cả thông tin người dùng Ấn Độ phải được lưu trữ trong lãnh thổ Ấn Độ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng hiện tại của ngành

“Tôi thiết nghĩ việc lưu trữ dữ liệu trong phạm vi một quốc gia dù dưới bất kỳ hình thức nàò có thể kìm hãn nền sự phát triển của kinh tế số và hạn chế sự đổi mới tại những quốc gia đó. Chúng tôi hy vọng chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp thu ý kiến đó”, Anandan chia sẻ

‘Chúng ta vẫn đang thuở sơ khai’

Quá trình bàn bạc, trao đổi xung quanh vấn đề ban hành các quy định có vai trò quyết định đến tương lai nên kinh tế số tại Ấn Độ - quốc gia được hưởng lợi rất lớn từ quyết định không “chào đón” sự hiện diện của các ông lớn công nghệ toàn cầu trong phạm vi quốc gia của Trung Quốc

Lợi ích của Google và Facebook phần nào bị giảm đi vì không thể tiếp cận lượng khách hàng lên đến 800 triệu người tại thị trường Trung Quốc. Điều đó đã khiến họ đổ rất nhiều nguồn lực vào Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc cũng đã tận dụng được độ mở của nền kinh tế quốc gia đông dân thứ 2 thế giới khi xây dựng được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh cũng như thực hiện hàng loạt các thương vụ đầu tư vào những công ty khởi nghiệp nổi danh tại quốc gia này

“Tôi thực sự tin tưởng vào những cơ hội và sự đa dạng mà đất nước chúng tôi đã mang lại để bất kì nền tảng internet nào cũng có thể thành công”, Das cho biết

Sharma, CEO của Paytm, cho rằng những công ty công nghệ toàn cầu đã được hưởng quá nhiều những ưu đãi. Ông tin rằng những công ty đã và đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ internet phải có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu tại Ấn Độ. “Một khi dữ liệu của chúng tôi được bảo vệ trên phạm vi lãnh thổ, chúng tôi có thể biết rõ được ai là người đang sử dụng chúng và chúng được sử dụng cho mục đích gì”, ông chia sẻ. “Bạn kinh doanh ở đây, khách hàng của bạn ở đây, thị trường của bạn cũng là đây. Vậy cớ sao phải lưu trữ dữ liệu ở một nơi nào khác ?”

Cho dù quyết định của chính phủ là gì đi nữa thì thị trường vẫn sẽ ngày càng phình to với tốc độ rất nhanh. Anandan ước tính Ấn Độ sẽ đạt mức 800 triệu người sử dụng internet muộn nhất là năm 2022. “Về cơ bản thì chúng ta còn 3 đến 4 năm nữa để đạt đến mức người dùng hiện tại của thị trường Trung Quốc”, ông nói

Đối với ngành công nghiệp công nghệ cao, điều đó có nghĩa rằng thị trường Ấn Độ vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng của thế giới

“Thực tế là chỉ mới 30% dân số Ấn Độ sử dụng internet tính đến nay. Phần lớn người dân Ấn Độ thực sự cần internet và thu được những lợi ích từ internet thì thực tế chưa có cơ hội tiếp cận với loại hình dịch vụ này. Theo nhiều cách, chúng ta vẫn đang ở những ngày ‘sơ khai’ của thị trường”, Anandan chia sẻ

Trọng Đại
 
Last edited:
Cú sốc Digital India

68_04_40_58_vodafone_fess_h@@ight_1000_w@@idth_1700_151739399.jpg

Thủ tướng Narenda Modi thường mơ về một “Digital India” nhưng giấc mơ này ngày càng xa vời...

Trong một thế giới đang chuyển biến rõ rệt nhờ công nghệ viễn thông, Ấn Độ là một ngôi sao nổi bật. Vào thập niên 1990, chỉ lắp đặt một đường dây điện thoại cố định là phải đặt cọc trước, sau đó chờ 6 tháng, thậm chí 6 năm, nhưng nay chỉ mất vài phút. Ấn Độ hiện có 1,2 tỉ tài khoản điện thoại, chỉ đứng sau Trung Quốc. Giá cũng vào hàng thấp nhất thế giới. Trong năm 2001, cứ 30 người Ấn Độ, chỉ có 1 người sở hữu 1 chiếc điện thoại. Nhưng hiện nay chỉ 2/30 người là không có. Ấn Độ có hơn 500 triệu người sử dụng internet, một thị trường màu mỡ cho các hãng công nghệ. Xét ở số người sử dụng, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp (400 triệu), Facebook (300 triệu) và YouTube (265 triệu)

hinh001_151736371.png

Nhưng nhìn cận cảnh, nền tảng của thị trường kỹ thuật số đang nóng sốt này rất dễ lung lay. Nhiều công ty mà đã góp phần gầy dựng nên cơ sở hạ tầng viễn thông của Ấn Độ lại đang gặp rắc rối lớn: làm ăn không có lãi, đã vậy còn nặng nợ, bị đánh thuế cao và được giới chính trị săm soi. Tháng 11 vừa qua, Vodafone Idea (do Vodafone Group của Anh sở hữu 45%) và Bharti Airtel - 2 trong số 3 nhà cung cấp lớn nhất Ấn Độ và RCom (đệ đơn xin phá sản vào tháng 2 năm ngoái) đã lần lượt công bố các khoản thua lỗ hằng quý lớn nhất, lớn thứ 2 và lớn thứ 4 ở Ấn Độ, tổng cộng lên tới 14,5 tỉ USD. Đầu tháng 12, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kumar Mangalam Birla của Vodafone Idea đã nói trong một cuộc họp rằng nếu không được chính phủ giải cứu, “chúng tôi sẽ phải đóng cửa”

Nguyên nhân dẫn đến tình cảnh của các hãng viễn thông Ấn Độ, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc số hóa của nước này, cũng không có gì bí ẩn. Năm 2016, Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ, đã ra mắt Jio để đối đầu với Vodafone Idea, Bharti và RCom. Mục đích của ông là tạo ra một mạng di động và một nền tảng kỹ thuật số rộng khắp, cung cấp các dịch vụ từ thương mại điện tử đến streaming video. Để đạt đến mục đích đó, công ty mẹ của Jio là Reliance Industries đã nâng tổng nợ lên tới 42 tỉ USD. Các tổ chức tín dụng rất vui vẻ cho vay dự án của Ambani, vì tin vào mảng kinh doanh hóa dầu sinh lợi của Tập đoàn

Trong những tháng đầu tiên, Jio hoàn toàn miễn phí cho khách hàng và sau đó tính với mức giá gần như cho không. Các đối thủ không còn lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm mạnh mức phí. Trong 3 năm qua, doanh thu mỗi người sử dụng trung bình hằng tháng đã giảm tới 1/3, còn 102 rupee (1,4USD). Dù như vậy, Vodafone Idea đã mất 100 triệu khách hàng trong năm vừa qua, trong khi Jio đã nắm giữ 1/3 thị trường, lên tới 334 triệu khách hàng

hinh002_151737932.png

Số hóa Ấn Độ (Digital India) là giấc mơ mà Thủ tướng Narenda Modi đã ấp ủ nhiều năm nay và vì sứ mệnh này mà cả 3 hãng viễn thông lớn của Ấn Độ đến nay đã chi ra tới 128 tỉ USD. Thế nhưng, chính cuộc chiến giá không ngừng nghỉ cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã kiềm hãm tiến trình số hóa. Các cuộc gọi thường xuyên bị rớt và đường truyền tải dữ liệu thì lúc được lúc không. Khi các vấn đề viễn thông gia tăng, chất lượng mạng cũng ngày càng sa sút. Morgan Stanley dự kiến Vodafone Idea, Bharti và Jio sẽ chi ra chỉ 7 tỉ USD vào đầu tư cơ bản và băng tần trong năm tài chính này, giảm từ mức 15,6 tỉ USD trong năm tài chính trước đó

Sống sót qua cuộc cạnh tranh khốc liệt này không hề dễ dàng, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, huống hồ đây lại đang là thời điểm cực kỳ bất lợi cho các hãng viễn thông Ấn Độ. Vào tháng 10, Tòa án tối cao Ấn Độ ra phán quyết Bharti và Vodafone Idea phải trả hơn 10 tỉ USD tiền phí phát sóng và xin giấy phép bị nợ từ năm 2003. Chính phủ cũng yêu cầu các công ty phải thanh toán tiền lãi, tiền phạt và cả lãi trên mức phạt được cộng dồn qua nhiều năm trong quá trình diễn ra tranh chấp pháp lý. Hàng chục công ty khác cũng dính vào vụ việc, nhiều trong số đó đã rời khỏi thị trường viễn thông vì cho rằng không sinh lời

Trong số 15 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động năm 2010, chỉ 4% vẫn còn vận hành độc lập cho đến thời điểm này. Tata, tập đoàn đa ngành lớn nhất Ấn Độ, đã không còn kiên nhẫn với bộ phận viễn thông liên tục thua lỗ và đã sang tay cho Bharti vào năm 2017

Reliance đã cải thiện bảng cân đối kế toán bằng cách bán 20% cổ phần trong chi nhánh hóa dầu cho Aramco với giá 15 tỉ USD. Nhưng 2 hãng viễn thông còn lại không hề “dễ thở”. Chi phí pháp lý đã đẩy tổng nợ của Bharti lên tới 16,7 tỉ USD, theo Morgan Stanley, gấp 4,3 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao). Đầu tháng 12, Công ty cho biết có thể phải huy động 3 tỉ USD qua một đợt phát hành mới để trang trải chi phí thanh toán nghĩa vụ thuế. Vodafone Idea cũng có tổng nợ tới 19,5 tỉ USD, gấp 33 lần EBITDA nhưng lại cạn kiệt tiền mặt.

hinh003_151738645.png

Nếu một trong những công ty trên sụp đổ, hệ thống ngân hàng “mỏng manh” của Ấn Độ sẽ bị mắc kẹt với các món nợ khó đòi khổng lồ. Và Chính phủ cũng sẽ bị vạ lây. Chính quyền ông Modi hy vọng cải thiện tình hình tài chính công đang ảm đạm (do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại) bằng số tiền thu được từ vụ đấu giá băng tần 5G sắp tới. Khi không còn ai để tham gia đấu giá ngoài Jio, một công ty còn non trẻ, chắc chắn số tiền thu được sẽ rất ít ỏi. Và các khoản đầu tư lớn mà ông Modi trông đợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ càng trở nên xa vời

Vì thế, Chính phủ Ấn Độ đang ra sức vực dậy ngành viễn thông sau những loạng choạng, khi công bố một gói giải cứu đắt đỏ đối với 2 công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước ở quy mô trung bình. Và nhờ Chính phủ mở đường, Vodafone Idea, Bharti và Jio gần đây đều đã công bố bảng giá tăng lên tới 50%. Phí băng tần cũng phần nào được miễn giảm

Tất cả những điều này đã tăng giá cổ phiếu Vodafone Idea và Bharti. Morgan Stanley ước tính mức giá tăng sẽ đẩy doanh thu mỗi người sử dụng tăng 24-37%. Tuy nhiên, Jefferies thì cho rằng con số này chỉ xấp xỉ 11-23%, do một số người tiêu dùng quay lưng

Mức tăng này có thể đủ để cứu Bharti nhưng khó cứu được Vodafone Idea, vốn cần giá phải tăng thêm 1/3 nữa, phí giấy phép cũng phải giảm mạnh và nghĩa vụ thuế được miễn. Tình hình của Vodafone Idea ngày càng sa sút, buộc các nhà điều hành phải sớm đưa ra giải pháp. Và đồng hồ đang điểm bởi tòa đã đưa ra ngày 24.1.2020 là hạn chót các công ty phải thanh toán nghĩa vụ thuế

Cú sốc viễn thông đang diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm cho Thủ tướng Narenda Modi. Ông đang lên kế hoạch tư nhân hóa các công ty quốc doanh như Air India và Bharat Petroleum trong năm nay. Hàng không và năng lượng, cũng giống như viễn thông, đều là những ngành cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng lần này, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải theo dõi kỹ diễn biến câu chuyện viễn thông trước khi quyết định rót vốn. Và những người đã đặt cược lớn vào cuộc chuyển đổi số của Ấn Độ cũng đang hồi hộp chờ xem
 
Xây dựng đế chế công nghệ toàn cầu tiếp theo tại châu Á

mukesh-ambani-giau-top-10-the-gioi-1847_16186340.png

Nhận thêm vốn đầu tư 10 tỉ USD, ông trùm Ấn Độ trở thành tỉ phú giàu nhất châu Á, nắm trong tay đế chế 100 tỉ USD​

Chân dung tỉ phú vượt Jack Ma thành người giàu nhất châu Á, nắm trong tay đế chế 100 tỉ USD

Tên tuổi của tỉ phú Mukesh Ambani đã tạo sức nóng trong thời gian gần đây với khối tài sản ước tính 47,7 tỉ USD. Ông là chủ sở hữu của tập đoàn dệt may Reliance Industries và câu lạc bộ cricket Premier League Mumbai Indians

Xây dựng đế chế công nghệ toàn cầu tiếp theo tại châu Á

Ông Ambani chứng kiến tài sản và danh tiếng phát triển mạnh khi công việc kinh doanh phất lên như diều gặp gió. Sau khi gây bất ngờ khi nhận được khoản vốn đầu tư từ Facebook là 5,7 tỉ USD vào Jio Platforms thuộc sở hữu của Reliance Industries. Ngày hôm qua, phía Jio lại thông báo họ tiếp tục nhận được thêm 4,5 tỉ USD đầu tư từ Google

Việc cả 2 gã khổng lồ công nghệ lớn bậc nhất thế giới cùng rót một số tiền khổng lồ vào Jio cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh cực lớn của công ty này. Jio được biết đến là cú đặt cược của tỉ phú Ambani nhằm hướng tới các dịch vụ dữ liệu và kỹ thuật số để có được sự tăng trưởng trong tương lai, khi xây dựng một nền tảng trực tuyến để đấu với các dịch vụ trực tuyến Flipkart của Walmart và Amazon ở Ấn Độ, thị trường 1,3 tỉ dân.
Ông Mukesh Ambani luôn mong muốn xây dựng nên một đế chế công nghệ toàn cầu tiếp theo, sánh vai với những ông lớn ở thời điểm hiện tại. Và nếu như "canh bạc" của ông thành công, JioPlatforms sẽ sớm đứng ngang hàng với các ông lớn trong ngành công nghệ thế giới như Google, Amazon, Alibaba và Tencent

Jio Platforms, trên thực tế đã là một hệ sinh thái các ứng dụng, phục vụ người dùng từ việc mua sắm hàng hóa online cho đến phát video trực tuyến, hiện có khoảng 388 triệu người đăng ký thông qua mạng viễn thông di động Reliance Jio tại Ấn Độ

Ảnh:bloombergquint.com

Tuy nhiên, tỉ phú giàu nhất châu Á còn tham vọng hơn thế. Ông Ambani "chắc chắn muốn Jio Platforms phát triển xa hơn, thoát khỏi cái bóng của một công ty viễn thông đơn thuần. Họ muốn trở thành một Google hoặc Tencent tiếp theo của Ấn Độ", theo Wylie Fernyhough, một nhà phân tích đến từ PitchBook

"Mục tiêu cuối cùng", theo Tarun Pathak, chuyên gia phân tích đến từ Counterpoint Research, là xây dựng nên một nền tảng không thể thiếu đối với hàng triệu người dùng internet tại Ấn Độ, phục vụ mọi nhu cầu mà một người dân cần

Hàng tạp hóa chiếm 70% thị trường bán lẻ của Ấn Độ, theo Bernstein, và hơn 90% thị trường này hoạt động dưới các hình thức không được tổ chức chuyên nghiệp, phần lớn trong số đó là những cửa hàng nhỏ trong các khu dân cư, điều hành bởi các bà nội trợ, hay còn được gọi với cái tên kirana tại Ấn Độ. Thị trường bán lẻ nói chung được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp đôi, từ 676 tỉ USD trong năm 2018 lên gần 1,3 tỉ USD trong năm 2025, theo Bernstein

Dinh thự xa hoa bậc nhất châu Á

Thị trường mua bán hàng hóa trực tuyến của Ấn Độ chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, với giá trị chỉ 3 tỉ USD trong năm 2020, theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester. Nhưng công ty này cho biết rằng, con số trên đang có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, khi mà đại dịch COVID-19 đã góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân

Khi JioMart ra đời vào năm ngoái, công ty này đặt ra mục tiêu thuyết phục khoảng 30 triệu cửa hàng nhỏ chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh trực tuyến trên nền tảng của họ

Chính vì tất cả những tiềm năng đó, không ngạc nhiên khi những gã khổng lồ ở thung lũng Silicon như Google và Facebook đều liên tiếp đầu tư vào Jio

Tỉ phú Ambani là ông trùm khét tiếng ở Ấn Độ. Đế chế Reliance Industries của ông hiện trị giá hơn 100 tỉ USD, là 1 trong 50 công ty giá trị nhất thế giới. Hiện ông Mukesh Ambani, 62 tuổi, sở hữu khối tài sản trị giá 72,4 tỉ USD, giữ vị trí Chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất tại Reliance Industries. Và ông Mukesh Ambani đã vượt mặt Jack Ma, nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba để trở thành tỉ phú giàu nhất châu Á

Ảnh:
Nhà Ambani ở Ấn Độ đứng đầu trong danh sách những gia tộc giàu nhất châu Á. Thủ lĩnh của gia tộc là ông Mukesh Ambani, người sở hữu tài sản 51,4 tỉ USD

Nơi gia tộc Ambani sống là một tòa nhà cao 27 tầng, trị giá khoảng 1 tỉ USD và thường được gọi là Antilia. Nơi đây bao gồm bể bơi, phòng khiêu vũ, một vườn trải rộng 3 tầng, 6 tầng đậu xe, 3 sân bay và có thể chịu được động đất mạnh 8 độ Richter. Có đến 600 người giúp việc tại căn nhà. Căn nhà được xem là một trong những tài sản đắt nhất thế giới, chỉ đứng sau Cung điện Buckingham

Gia đình ông Ambani từ lâu đã thân thiết với những nhân vật cấp cao trên thế giới, như Hoàng tử Charles và Camilla, Công tước xứ Cornwall, cựu Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
 
Ấn Độ trở thành thỏi nam châm hút tiền của các 'ông lớn' công nghệ Mỹ

– Kể từ đầu năm đến nay, các tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ Mỹ đã đầu tư và cam kết đầu tư khoảng 17 tỉ đô la Mỹ vào Ấn Độ, tập trung vào các công ty con thuộc Tập đoàn Reliance Industries của tỉ phú giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani

Dồn dập rót tiền vào Ấn Độ

Hôm 23-7, kênh truyền hình ET Now (Ấn Độ) dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Amazon đang đàm phán để mua 9,9% của chuỗi bán bán lẻ lớn nhất Ấn Độ Reliance Retail của tỉ phú Mukesh Ambani

Reliance Retail, được thành lập năm 2006, là công ty con của Tập đoàn Reliance Industries. Chuỗi bán lẻ này đang phục vụ 3,5 triệu khách hàng mỗi tuần thông qua mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ ở 6.500 thành phố và thị trấn trên khắp Ấn Độ. Giới quan sát định giá Reliance Retail khoảng 35-40 tỉ đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu đàm phán thành công, Amazon có thể chi khoảng 3,5-4 tỉ đô la Mỹ để nắm giữa gần 10% cổ phần của Reliance Retail

Hồi đầu năm nay, tỉ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, cho biết sẽ đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào các hoạt động tại Ấn Độ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này giúp họ tiếp cận khách hàng trực tuyến.
Động thái mới nhất của Amazon là một phần trong làn sóng đầu tư vào Ấn Độ của các ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ trong năm nay

Hôm 15-7, Mukesh Ambani, Chủ tịch Reliance Industries,cho biết Google đồng ý chi 4,5 tỉ đô la Mỹ để mua 7,73% cổ phần của Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms, một công ty con khác của Reliance Industries

Khoản đầu tư này của Google sẽ được thực hiện thông qua Quỹ Google vì số hóa Ấn Độ, chỉ vừa ra mắt hai ngày trước đó. Theo Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, quỹ này sẽ đầu tư 10 tỉ đô la Mỹ vào thị trường đông dân thứ hai thế giới trong 5-7 năm tới

Ông nói Google sẽ tập trung đầu tư vào bốn lĩnh vực: cải thiện sự tiếp cận các ứng dụng và dịch vụ của Google bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau ở Ấn Độ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ người dùng internet Ấn Độ; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương bước vào thế giới trực tuyến và sử dụng công nghệ để thúc đẩy các vấn đề xã hội bao gồm y tế và giáo dục ở Ấn Độ

Khoản đầu tư của Google vào Jio Platforms là một trong những trường hợp hiếm hoi ‘ông lớn’ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến này chung tay với đối thủ Facebook hỗ trợ một công ty. Hồi tháng 4, Facebook thông báo chi 5,7 tỉ đô la để nắm giữ 9,99% cổ phần của Jio Platforms. Hôm 22-5, Quỹ đầu tư toàn cầu KKR (Mỹ) cũng cho hay đã thương lượng thành công thương vụ mua 2,32% cổ phần của Jio Platforms với giá 1,5 tỉ đô la

Quy mô và các nguồn đầu tư trên có thể sẽ không xảy ra, nếu không muốn nói là không thể hình dung được cách đây vài tháng khi tất cả các công ty công nghệ đang xung đột với các cơ quan quản lý Ấn Độ và các lãnh đạo ngành công nghệ phương Tây bị đối xử lạnh nhạt trong các chuyến thăm New Delhi

Kể từ đó, đã có rất nhiều thay đổi. Đại dịch Covid-19 tác động đặc biệt nặng nề đến nền kinh tế Ấn Độ. Hục hặc ngoại giao giữa Ấn Độ với Trung Quốc lan sang lĩnh vực công nghệ, khiến New Delhi chuyển sang nghi kỵ các công ty công nghệ Trung Quốc

Làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ Mỹ vào Ấn Độ cũng làm nổi rõ những lợi thế rõ ràng của nước này từng được nói đến trong nhiều năm qua: Nền kinh tế số hóa Ấn Độ với 700 triệu người dùng internet và gần 500 triệu người khác vẫn chưa tiếp cận thế giới trực tuyến, là ‘phần thưởng’ quá lớn khiến các ‘ông lớn’ công nghệ không thể phớt lờ lâu hơn được

“Mọi người tin rằng trong dài hạn, Ấn Độ sẽ trở thành một thị trường tốt và các quy định quản lý của nước này sẽ khá công bằng và minh bạch”, Jay Gullish, Giám đốc chính sách công nghệ ở Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn, nói

Yếu tố Trung Quốc thúc đẩy hợp tác công nghệ Ấn-Mỹ

Phần lớn công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) bị Trung Quốc ‘cấm cửa’ trong nhiều năm qua, một phần là vì cơ chế kiểm duyệt khổng lồ của Bắc Kinh, hay còn gọi là “Vạn lý Tường lửa”

Một đạo luật an ninh quốc gia mới và gây nhiều tranh cãi vừa được Bắc Kinh ban hành và áp đặt ở Hồng Kông có thể khiến các công ty công nghệ Mỹ không còn mặn mà với thị trường này

Luật mới trao cho nhà chức trách Hồng Kông thẩm quyền rộng lớn để quản lý các nền tảng công nghệ, bao gồm hạn chế tiếp cận các dịch vụ của họ hoặc ra lệnh họ gỡ bỏ những bài viết đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc

Sau khi luật này có hiệu lực hồi đầu tháng 7, Facebook, Google và Twitter cho biết họ sẽ dừng chia sẻ dữ liệu với chính quyền Hồng Kông. “Ngày càng khó làm ăn với Trung Quốc. Cộng đồng công nghệ có một cảm nhận ngày gia tăng rằng làm ăn với Trung Quốc là phải chấp nhận thỏa hiệp về các chuẩn mực đạo đức”, Mark Lemley, Giám đốc chương trình luật pháp, khoa học và công nghệ ở Đại học Stanford (Mỹ), nói

Thái độ nghi kỵ của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp tục dâng cao. Gần đây, Tổng thống Donald Trump nói rằng chính quyền ông đang xem xét cấm ứng dụng tạo và chia sẻ video TikTok của Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) ở Mỹ. Các quan chức Mỹ lo ngại ứng dụng video TikTok có thể thu nhập dữ liệu cá nhân của người Mỹ hoặc kiểm duyệt các thông tin bị Bắc Kinh xem là nhạy cảm

Lệnh cấm đó, nếu được thực hiện, sẽ là một động thái càng khiến Mỹ xích lại gần hơn nữa với Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc hồi tháng trước sau vụ xung đột biên giới Ấn-Trung, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, dẫn đến làn sóng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc ở Ấn Độ

Dù các hãng smartphone Trung Quốc đang thống trị thị trường Ấn Độ và hầu hết các startup lớn nhất Ấn Độ đều nhận được các khoản vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, các căng thẳng gần đây giữa hai nước có thể củng cố mối quan hệ công nghệ lâu đời giữa Ấn Độ với Mỹ

Hàng ngàn kỹ sư công nghệ Ấn Độ đang làm việc ở Thung lũng Silicon và các nhân tài Ấn Độ đang nắm các chức vụ lãnh đạo cao nhất ở Google, Microsoft và nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ

Khi các công ty công nghệ Mỹ đang nhắm đến thị trường Ấn Độ, tỉ phú Mukesh Ambani, đang đóng vai trò ‘người gác cổng’ hiếu khách. Hầu hết các khoản đầu tư của các công ty công nghệ Mỹ vào Ấn Độ trong năm nay đều chảy vào các công ty thuôc quyền kiểm soát của tỉ phú Mukesh Ambani

Công ty viễn thông và dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms, đơn vị thành viên của Tập đoàn Reliance, đã huy động được hơn 20 tỉ đô Mỹ kể từ cuối tháng 4 từ các công ty, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư quốc gia đang tìm cách sử dụng Jio Platforms như là con đường nhanh nhất để tiến vào nền kinh tế số hóa khổng lồ của Ấn Độ

Công ty viễn thông Reliance Jio, đơn vị thành viên của Jio Platforms, ra mắt mạng di động vào năm 2016 và nhanh chóng thu hút gần 400 triệu thuê bao. Tỉ phú Ambani đang muốn biến Jio Platforms thành một hệ sinh thái công nghệ khổng lồ, hoạt động khắp các lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán số, dịch vụ phát sóng trực tiếp, thậm chí dịch vụ hội nghị video trực tuyến giống Zoom

“Giới doanh nghiệp công nghệ Mỹ không thể xâm nhập vào ‘Vạn lý Tường lửa’ của Trung Quốc nhưng dễ dàng tiến vào ‘bức tường phí’ khổng lồ tạo ra bởi Jio Platforms, và tất cả những gì họ làm là trả cho Reliance Industries ‘phí cầu đường’ để tiến vào’, Ravi Shankar Chaturvedi, Giám đốc nghiên cứu Viện Kinh doanh toàn cầu thuộc Đại học Tufts (Mỹ), nói

Khánh Lan
 
Last edited:
Sùng bái vàng là thế, người Ấn Độ giờ chuyển sang mua tiền ảo


Các hộ gia đình ở Ấn Độ đang tích trữ hơn 25.000 tấn vàng. Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo ở đất nước Nam Á này đã tăng lên con số gần 40 tỷ USD, từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD cùng kỳ trước đó...

dfd952d3-2c98-4593-9bad-ed4a1d9d2586.jpeg


Những người ủng hộ tiền ảo vẫn thường nói rằng Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số”. So sánh này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới

Theo dữ liệu từ Chainalysis được hãng tin Bloomberg trích dẫn, các hộ gia đình ở Ấn Độ đang tích trữ hơn 25.000 tấn vàng. Theo văn hoá Ấn Độ, vàng là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Mỗi mùa cưới và lễ hội hàng năm, người dân nước này tiêu thụ một khối lượng lớn vàng trang sức

Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo ở đất nước Nam Á này đã tăng lên con số gần 40 tỷ USD, từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD cùng kỳ trước đó. Sự tăng trưởng mạnh mẽ diễn ra bất chấp Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có chủ trương chống tiền ảo và Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất một lệnh cấm đối với kênh đầu tư này

Richi Sood là một trong những người chuyển từ vàng sang tiền ảo. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, nữ doanh nhân 32 tuổi này đã chi hơn 1 triệu Rupee, tương đương 13.400 USD, tiền vay từ bố để mua Bitcoin, Dogecoin và Ether. Sood đã mua và bán Bitcoin rất đúng thời điểm: cô bán ra khi giá Bitcoin vượt 50.000 USD vào tháng 2, rồi mua lại trong đợt sụt giá gần đây. Tiền lãi được Sood dùng để đầu tư cho việc mở rộng công ty khởi nghiệp (startup) về giáo dục có tên Study Mate India do cô sáng lập

“Tôi thà rót tiền vào tiền ảo còn hơn là vàng”, Sood nói. “Tiền ảo minh bạch hơn vàng hay bất động sản, và cũng có khả năng sinh lời tốt hơn trong thời gian ngắn hơn”

Sood là một trong số ngày càng đông người Ấn Độ - hiện có hơn 15 triệu người – mua và bán tiền ảo. Con số này đang gần đuổi kịp 23 triệu nhà giao dịch tiền ảo ở Mỹ và vượt xa con số chỉ 2,3 triệu ở Anh

Theo Sandeep Goenka - nhà đồng sáng lập sàn tiền ảo đầu tiên của Ấn Độ ZebPay – tăng trưởng của thị trường tiền ảo ở nước này hiện nay chủ yếu đến từ những người từ 18-35 tuổi. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy người Ấn Độ dưới 34 tuổi ngày càng thờ ơ với vàng so với các thế hệ trước


“Họ nhận thấy đầu tư tiền ảo dễ hơn nhiều so với đầu tư vàng, vì quy trình rất đơn giản”, Goenka nói. “Chỉ cần lên mạng là mua được tiền ảo, và cũng không phải thử như thử vàng”

Một trong những rào cản lớn nhất đối với tiền ảo ở Ấn Độ là sự bấp bênh liên quan đến quy chế giám sát

Năm ngoái, Toà án Tối cao Ấn Độ xoá quy định có từ năm 2018 cấm các ngân hàng giao dịch tiền ảo, dẫn tới khối lượng giao dịch tăng vọt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Ấn Độ đến nay vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy sự chào đón dành cho tiền ảo. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tuyên bố có “những mối quan ngại lớn” về kênh đầu tư này. Cách đây 6 tháng, Chính phủ Ấn Độ đề xuất một lệnh cấm giao dịch tiền ảo, nhưng từ đó đến nay giữ im lặng về chủ đề này

“Tôi giống như bị bịt mắt trong lúc đang bay. Tôi ham thích rủi ro, nên tôi sẵn sàng chấp nhận khả năng có một lệnh cấm được đưa ra”, Sood nói

Các nhà đầu tư tiền ảo lớn của Ấn Độ không dám tiết lộ giá trị danh mục vì lo ngại bị cơ quan thuế “hỏi thăm”. Trao đổi với Bloomberg, một nhà đầu tư giấu tên cho biết đã rót hơn 1 triệu USD mua tiền ảo và cảm thấy bất an vì các quy định về thuế thu nhập trong lĩnh vực này còn chưa rõ ràng. Nhà đầu tư này cho biết đã có sẵn kế hoạch dự phòng để chuyển giao dịch tiền ảo của mình sang một tài khoản ngân hàng ở Singapore nếu có lệnh cấm được đưa ra

Giá trị tiền ảo mà người Ấn Độ nắm giữ vẫn chỉ là một phần nhỏ so với giá trị vàng mà họ tích trữ. Tuy nhiên, giao dịch đang tăng trưởng mạnh: 4 sàn tiền ảo lớn nhất Ấn Độ hiện đạt tổng giá trị giao dịch hàng ngày 102 triệu USD, từ mức chỉ 10,6 triệu USD cách đây 1 năm – theo CoinGecko. Thị trường tiền ảo với quy mô 40 tỷ USD của Ấn Độ mới chỉ bằng 1/4 so với thị trường tiền ảo 161 tỷ USD của Trung Quốc, theo Chainalysis
 
Ấn Độ tăng tốc cuộc đua trong nền kinh tế không gian

Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang bị cô lập về chính trị do căng thẳng với phương Tây, Ấn Độ nổi lên như là một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tin đáng tin cậy đối với các khách hàng tiềm năng. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tập trung phát triển ngành công nghiệp không gian để giành “miếng bánh” lớn hơn trên một thị trường ước tính đạt giá trị 600 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025

An-Do-phong-36-ve-tinh-cua-OneWeb.jpg

Tên lửa của NewSpace India rời bệ phóng tại Trung tâm không gian Satish Dhawan ở Sriharikota, Ấn Độ để đưa 36 vệ tinh của hãng internet vệ tinh OneWeb (Anh) lên quỹ đạo Trái đất hôm 26-3

Tháng trước, Công ty NewSpace India, thuộc thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ, phóng thành công 36 vệ tinh liên lạc cho hãng internet vệ tinh OneWeb (Anh) từ một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này Vụ phóng không chỉ hỗ trợ nỗ lực của OneWeb nhằm xây dựng mạng internet băng thông rộng toàn cầu trên bầu trời mà còn báo hiệu tham vọng của Ấn Độ trong lĩnh vực này

Nhu cầu về internet tốc độ cao được truyền từ không gian đã khiến hoạt động phóng vệ tinh lên quỹ đạo trở thành ngành kinh doanh béo bở. Theo ước tính của Ernst & Young, đến năm 2025, quy mô của nền kinh tế không gian sẽ tăng lên 600 tỉ đô la từ 447 tỉ đô la vào năm 2020

Cùng với Công ty công nghệ không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk, Nga và Trung Quốc là những nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh chính hiện nay nhờ các chương trình không gian do nhà nước hậu thuẫn. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng giữa Bắc Kinh với Mỹ khiến nhiều khách hàng tiềm năng lánh xa họ. OneWeb đã sử dụng dịch vụ phóng vệ tinh của NewSpace India sau khi vào năm ngoái, Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) hủy vụ phóng vệ tinh cho công ty này. Lý do hủy là chính phủ Anh từ chối đòi hỏi của Roscosmos về việc bán cổ phần trong công ty này. Hiện Roscosmos đang tạm giữ 36 vệ tinh của OneWeb

Trong khi đó, Công ty phóng vệ tinh Arianespace của Pháp chưa sẵn sàng đưa tên lửa mới nhấ vào sử dụng. Hôm 4-4, Virgin Orbit Holdings, công ty phóng vệ tinh của tỉ phú người Anh Richard Branson, nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không huy động được vốn cần thiết để duy trì hoạt động sau vụ phóng tên thất bại hồi tháng 1

Dallas Kasaboski, nhà phân tích của hãng tư vấn không gian Northern Sky Research, cho biết: “Khi SpaceX đã kín đơn hàng phóng vệ tinh hoặc có mức phí đắt đỏ, bạn phải tìm nơi khác. Nhưng nếu bạn không thể làm việc với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là sự lựa chọn”

Nhiều nhà khai thác vệ tinh không muốn sử dụng dịch vụ phóng của Trung Quốc, một phần do mối lo ngại ngày càng tăng về việc Bắc Kinh tiếp cận công nghệ phương Tây. Ngược lại, Ấn Độ đang xích lại gần Mỹ và các cường quốc khu vực khác, bao gồm Úc và Nhật Bản. Các vụ phóng vệ tinh của NewSpace India cũng có chi phí thấp hơn so với các đối thủ khác

Phát triển lĩnh vực không gian là một kế hoạch quan trọng trong cuộc vận động “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) của Thủ tướng Narendra Modi. Cuộc vận động này nhằm định vị nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới là điểm đến hàng đầu cho đổi mới công nghệ

NewSpace India đang giúp Ấn Độ cạnh tranh trên trường không gian toàn cầu. Hồi tháng 10 năm ngoái, công ty này cũng đã phóng thành công 36 vệ tinh cho OneWeb. NewSpace đang đẩy mạnh sản xuất mẫu tên lửa phóng vệ tinh lớn nhất của Ấn Độ, LVM3

Neil Masterson, Giám đốc điều hành của OneWeb, đánh giá NewSpace India có cơ hội thực sự để trở thành nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại lớn trên toàn cầu. Trong năm tài chính vừa qua, NewSpace India đạt doanh thu 17 tỉ rupee (210 triệu đô la) và lợi nhuận 3 tỷ rupee (41 triệu đô la). Công ty đang cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh cho 52 khách hàng quốc tế

Nhìn rộng hơn, ngành công nghiệp không gian của Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2020, New Delhi đã nới lỏng các quy định quản lý đối với các công ty tên lửa và vệ tinh thuộc khu vực tư nhân, cho phép họ thực hiện các hoạt động không gian độc lập thay vì chỉ là nhà cung cấp cho Tổ chức Nghiên cứu không gian (ISRO), một cơ quan thuộc Bộ Không gian Ấn Độ. Các quy định mới cho phép các công ty khởi nghiệp tiếp cận các cơ sở của ISRO, chẳng hạn như bệ phóng và phòng thí nghiệm. Đến năm 2025, giá trị của các dịch vụ phóng vệ tinh của Ấn Độ có thể tăng gần gấp đôi lên con số 1 tỉ đô la

Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài trước khi đuổi kịp Trung Quốc. Tính đến tháng 3-2020, Trung Quốc sở hữu 13,6% tổng số vệ tinh quay quanh Trái đất, so với 2,3% của Ấn Độ, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington. Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành 64 vụ phóng vệ tính, theo tờ Global Times. Hầu hết các công ty tư nhân ở Trung Quốc vẫn đang phát triển tên lửa phóng vệ tinh. Tuy nhiên, một số công ty tư nhân đã bắt đầu tiến hành các vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Vào 3-2022, công ty khởi nghiệp GalaxySpace, có trụ sở tại Bắc Kinh, phóng sáu vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất và đối thủ trong nước Galactic Energy, phóng 5 vệ tinh vào tháng 1 vừa qua

Ấn Độ chỉ tiến hành 5 vụ phóng vệ tinh vào năm ngoái. Tất cả đều do ISRO hoặc NewSpace thực hiện. Trong quá khứ, tên lửa của Ấn Độ cũng gặp vấn đề về độ tin cậy. Theo Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn thuộc Harvard-Smithsonian (Mỹ), tỷ lệ phóng vệ tinh thành công của Ấn Độ trong những năm gần đây là khoảng 70%, thấp hơn mức trên 90% ở Mỹ, châu Âu, Nga hoặc Trung Quốc

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là một lựa chọn tốt cho các vụ phóng tiết kiệm chi phí. Năm 2013, Ấn Độ đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa với chi phí chỉ 73 triệu đô la, chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí phóng tàu thăm dò sao Hỏa Maven của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong cùng năm
 
Ấn Độ đầu tư 15 tỷ USD vào ngành công công nghiệp bán dẫn

107279657-1690869869403-gettyimages-987813668-afp_16v1hq_61427207.jpeg

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn trong nước

Trong nhiều năm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn

Ấn Độ đã thông qua đề án phân bổ 15,2 tỉ USD để xây dựng ba nhà máy bán dẫn mới, bao gồm cả việc thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn đầu tiên, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác trong cuộc đua chip

Chiến lược đầu tư

Điều đáng chú ý là mặc dù chip trí tuệ nhân tạo (A.I) hiện đang là chủ đề được nhiều sự quan tâm trong ngành công nghệ, nhưng không có nhà máy nào trong ba nhà máy này tập trung vào lĩnh vực đó của thị trường. Những nhà máy được xây dựng với mục tiêu tạo ra lực kéo mạnh mẽ trong các ứng dụng có mục đích chung


screenshot-2024-03-06-at-14.44.10_61445645.png

Nội các Ấn Độ đã thông qua việc thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn đầu tiên của đất nước do Tập đoàn Tata Group và Power Chip của Đài Loan thực hiện. Cơ sở sản xuất này sẽ được xây dựng tại vùng Dholera thuộc bang Gujarat. Cơ sở này dự kiến có khả năng sản xuất 50.000 tấm wafer mỗi tháng và mục tiêu sản xuất 3 tỉ chip mỗi năm cho nhiều phân khúc thị trường, bao gồm máy tính công suất cao, xe điện, viễn thông và điện tử công suất

Ông Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Ấn Độ, cho biết việc xây dựng nhà máy bán dẫn sẽ bắt đầu trong vòng 100 ngày tới. Thông thường, một nhà máy bán dẫn cần ba đến bốn năm để hoàn thành quá trình xây dựng. Ông Vaishnaw bày tỏ, Ấn Độ sẽ rút ngắn thời gian xây dựng một cách đáng kể

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng thông qua khoản đầu tư 3,2 tỉ USD vào một đơn vị lắp ráp, thử nghiệm, đánh dấu và đóng gói chất bán dẫn dự kiến được thành lập ở bang Assam phía Đông Bắc do Tata Semiconductor Assembly and Test điều hành. Đây sẽ là đơn vị bán dẫn thứ ba của quốc gia và có khả năng sản xuất 48 triệu con chip mỗi ngày. Nhà mày này sẽ phục vụ cho bảy phân khúc thị trường: ô tô, xe điện, điện tử tiêu dùng, viễn thông và điện thoại di động

Ông Vaishnaw cho biết, đơn vị Assam sẽ cung cấp chip cho nhiều công ty, bao gồm các công ty Ấn Độ, Mỹ, châu Âu và một số công ty Nhật Bản. “Sản phẩm này có tiềm năng xuất khẩu cũng như tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước”, ông nói

Bên cạnh hai nhà máy này, chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt khoản đầu tư 916 triệu USD từ Renesas Electronics của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan để hợp tác với công ty CG Power của Ấn Độ trong việc sản xuất chip chuyên dụng tại Sanand thuộc bang Gujarat. Nhà máy này sẽ sản xuất chip cho các lĩnh vực như quốc phòng, không gian, xe điện và tàu cao tốc. Cơ sở sản xuất chip chuyên dụng này sẽ có công suất sản xuất hàng ngày là 15 triệu chip

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn trong nước. Trong nhiều năm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong ngành công nghệ này, nhưng một số nỗ lực lớn hơn của nước này đã không nhận được nhiều sự quan tâm

Nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Vào năm 2021, chính phủ Ấn Độ đã công bố chương trình khuyến khích trị giá 10 tỉ USD để thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất màn hình. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải sửa đổi vào năm ngoái, sau khi các nhà đầu tư nước ngoài không mấy “mặn mà”

Các lý do khiến các công ty nước ngoài không ủng hộ từ quy trình đăng ký phức tạp cho đến thiếu hệ sinh thái sẵn có. Các công ty lớn trên thế giới không tin tưởng Ấn Độ có đủ lao động chất lượng cao và điều kiện thuận lợi để xây dựng và vận hành các doanh nghiệp

screenshot-2024-03-06-at-14.47.38_6144888.png

Theo nguồn thạo tin, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng thuyết phục TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, tham gia vào thị trường. Động thái này cũng khiến Qualcomm, MediaTek và Intel đưa ra nhiều kế hoạch hơn trong lĩnh vực bán dẫn trong nước

Chính phủ cũng cho biết các đơn vị mới này sẽ trực tiếp tạo ra 20.000 việc làm công nghệ tiên tiến và 60.000 việc làm gián tiếp

Khi xem xét đà phát triển dài hạn của hệ sinh thái sản xuất chip của Ấn Độ, điều cần lưu ý là A.I không thực sự nằm trong mục tiêu của nước này. Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang nỗ lực trong công cuộc phát triển các chất bán dẫn khác

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt gói ưu đãi trị giá 7 tỉ USD cho ba nhà máy bán dẫn mới được công bố và cơ sở Micron trị giá 2,75 tỉ USD , thông qua chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái. Công ty Mỹ đã cam kết đầu tư 825 triệu USD cho cơ sở này

Nhìn chung, Ấn Độ đang tìm cách thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nước ngoài bằng cách tạo điều kiện với những ưu đãi trị giá hàng tỉ USD. Foxconn và AMD là hai công ty đã công bố kế hoạch đầu tư để thành lập các cơ sở sản xuất tại nước này

Ông Vaishnaw cho biết Ấn Độ có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong vòng 20 năm. Quốc gia này hiện có khoảng 300.000 kỹ sư thiết kế đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip cho các công ty toàn cầu

“Chúng ta sẽ sớm chứng kiến nhiều sáng kiến bán dẫn khác từ chính phủ”, Bộ trưởng Vaishnaw nói
 
Top