What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Thành phố công nghệ ThinkTank.vn

thinktank.vn

Administrator
Lingang 'Thung lũng Silicon' của Trung Quốc

Ngoại trừ Tesla, các hãng công nghệ lớn trên thế giới hoàn toàn vắng bóng tại Lingang, khu vực được quy hoạch để trở thành "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc

kho-khan-cua-thung-lung-silicon-trung-quoc-39884211762e453b945ba22ea2747abc.jpeg

Hồ nước nhân tạo Dishui, rộng hơn 780 sân bóng đá tại trung tâm Lingang

Lingang nằm tại phía đông nam thành phố Thượng Hải với diện tích 120 km vuông, bằng gần 1/6 so với Singapore. Năm 2018, Lingang được xem là khu vực thương mại tự do quan trọng của Trung Quốc, mô phỏng Singapore và Dubai (UAE). Đây cũng là trung tâm nuôi dưỡng các ngành công nghệ nội địa, giúp Trung Quốc thoát phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài

Sau 3 năm, giới chức Trung Quốc cho biết hàng tỷ USD được đầu tư vào Lingang. Tuy nhiên, tương lai "Thung lũng Silicon" tại đất nước tỷ dân vẫn khá mơ hồ, bất chấp kinh nghiệm của chính phủ nước này trong việc xây dựng các khu công nghệ, thương mại để thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế

Khó khăn của Lingang

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, căng thẳng địa chính trị tác động đến ngành công nghệ Trung Quốc, Lingang được dự báo gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư và chiêu mộ nhân tài

Cách Thượng Hải khoảng 90 phút di chuyển, Lingang đã thu hút tổng cộng 62 tỷ USD cho khoảng 300 dự án công nghiệp biên giới như sản xuất chip và xe điện, nhờ ưu đãi thuế và chính sách được nới lỏng. Vị trí gần cảng container lớn nhất thế giới cũng là lợi thế của Lingang

Thung lung Silicon Lingang anh 1

Nhà máy Tesla tại Lingang được xây dựng từ năm 2019

Tuy nhiên trừ nhà máy của hãng xe điện Tesla, các nhà đầu tư lớn nhất của Lingang đều đến từ trong nước, bao gồm hãng chip SMIC, AI SenseTime hay công ty pin Amperex. Theo Bloomberg, các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới không có mặt trong danh sách

"Chúng ta có thể thấy xu hướng phi toàn cầu hóa và tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch", Aoping Zhang, nhà nghiên cứu tại Viện Zengliang ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết

Vẫn là "thị trấn ma"

Phần lớn Lingang vẫn là "thị trấn ma", do các hãng công nghệ lớn đang đặt trụ sở bên ngoài khu vực. Cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà ở, trường học và giao thông chưa được đảm bảo, khiến việc chiêu mộ nhân tài gặp khó khăn. Đa số nhân sự tại Lingang là công nhân nhà máy và quản lý, sống gần đó hoặc các quận lân cận

Lingang vẫn giống một khu công nghiệp rộng lớn, đầy công trình và ít người. Trung tâm thị trấn có một hồ nước nhân tạo khổng lồ, rộng hơn 780 sân bóng đá, xung quanh rợp bóng cây cối, bãi cỏ và các khu phức hợp thương mại ốp kính, hầu như không có xe cộ qua lại

"Lợi thế lớn nhất của Lingang là mang đến cơ hội phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, lớp nhân sự tài năng đòi hỏi chất lượng cuộc sống và công việc cao, đó là điều Lingang còn thiếu", Li Jian, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết

Thung lung Silicon Lingang anh 2

Một cơ sở tân trang máy tính tại Lingang

Thượng Hải đã có kinh nghiệm biến những vùng đất hẻo lánh thành trung tâm kinh doanh sầm uất. Một trong số đó là Pudong tại phía đông thành phố, phát triển từ cánh đồng lúa trở thành trung tâm tài chính nổi tiếng sau 30 năm. Ngoài ra còn có Zhangjiang, một "công viên công nghệ", nơi đóng quân của các công ty đa quốc gia lớn

Tiềm năng của Lingang

Thượng Hải đặt mục tiêu đầy tham vọng cho Lingang. Đến năm 2025, đây sẽ là nơi đặt trụ sở của hơn 1.000 công ty công nghệ cao, 100 tổ chức R&D và 8 phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế. Giá trị ngành bán dẫn sẽ vượt qua 14 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2021

Thách thức của Lingang ngày càng lớn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Dù gặp khó khăn, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm xây dựng và phát triển Lingang

Trung Quốc đang ưu tiên xây dựng nhiều căn hộ, phục vụ khoảng 800.000 cư dân tại Lingang vào năm 2025. Gần 2 triệu m2 đất được dành để phát triển các khu đô thị trong năm nay, chiếm 1/3 tổng nguồn cung đất cho nhà ở tại Thượng Hải năm 2022

Để thu hút nhân tài, nhà chức trách cũng hạ ngưỡng mua bất động sản vào tháng trước, đồng thời cấp "hukou", giấy phép cư trú ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các trường đại học hàng đầu

Thung lung Silicon Lingang anh 3

Một khu nhà ở đang xây dựng tại Lingang

Chính quyền thành phố cũng cam kết mở rộng mạng lưới giao thông tại Lingang đến các vùng ngoại ô, bao gồm kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt 26 km đến sân bay quốc tế Phố Đông. Hiện nay, Lingang chỉ kết nối với Thượng Hải bằng một tuyến tàu điện ngầm

"Lingang có tiềm năng phát triển thành trung tâm công nghệ. Tuy nhiên, đây sẽ là nhiệm vụ xa vời và rất khó khăn", Pan Jiang, Giám đốc quỹ đầu cơ Kandao Asset Management tại Thượng Hải, thường xuyên đến Lingang để chơi golf, chia sẻ. Hiện nay, sân golf ấy đã được chính phủ tiếp quản để tái cơ cấu
 
'Công dân tech' của Thung lũng Silicon sẽ về đâu

Nhiều công ty ở Thung lũng Silicon đang đổ xô đến Austin, Seattle, New York để tiếp cận vốn đầu tư dồi dào và tạo nên trung tâm công nghệ mới

Là sinh viên khoa học máy tính, Alex Valaitis (28 tuổi) từng mơ ước một ngày nào đó sẽ được nhận vào Thung lũng Silicon. Không chỉ anh mà hầu hết bạn bè đều bị hấp dẫn bởi khu vực phía Nam của vùng vịnh San Francisco (bang California, Mỹ)

Nhưng sau 5 năm làm việc tại đây, Valaitis quyết định chuyển đến Austin vào tháng 6/2021 khi chứng kiến các cuộc di cư ồ ạt và tội phạm gia tăng trong thành phố

Valaitis, nhà điều hành một studio sản phẩm Web3 và bản tin về trí tuệ nhân tạo, cho biết: “Tôi thích đặt cược vào sự tăng trưởng và Austin có yếu tố đó. Ngày càng có nhiều người đổ về đây mỗi tháng"

Thung lũng Silicon đã ngự trị trong nhiều thập kỷ với tư cách là “cái nôi của công nghệ” ở xứ cờ hoa, ngôi nhà của những gã khổng lồ như Apple, Google và Facebook, theo Yahoo News

Tuy nhiên, hào quang đó đang dần suy giảm từ sau đại dịch, do các chính sách làm việc từ xa và hàng loạt vụ sa thải lớn. Điều này đã thúc đẩy quyết định ra đi của hàng trăm nghìn nhân viên và dọn đường cho việc đầu tư vào những trung tâm công nghệ khác trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là Austin và Miami

Các thành phố công nghệ mọc lên

Theo dữ liệu từ PitchBook, Thung lũng Silicon vẫn xếp hạng đầu tiên vào năm 2022 về đầu tư vốn mạo hiểm và số lượng giao dịch

Nhưng số tiền tài trợ cho các công ty ở Miami đã tăng gần gấp 4 lần trong 3 năm qua, đạt tổng cộng 5,39 tỷ USD

Các khoản “rót vốn” của Austin cũng nâng lên 77% (khoảng 4,95 tỷ USD) với số lượng giao dịch tăng 23%

Dữ liệu này cho thấy New York, Seattle, Philadelphia, Chicago, Denver và Houston cũng ghi nhận chiều hướng tương tự

Nhưng những khu vực này vẫn còn nhạt nhòa so với “vùng đất danh tiếng của giới công nghệ thông tin”, nơi đã thu hút 74,9 tỷ USD đầu tư và 3.206 giao dịch vào năm 2022

Thung lũng Silicon cũng là ngôi nhà của 86% startup, tăng từ 53% (năm 2022), được tài trợ bởi công ty tăng tốc khởi nghiệp nổi tiếng Y Combinator

Nhưng tỷ lệ trong tổng giá trị đầu tư vốn mạo hiểm đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Gần 250.000 người đã rời khỏi “thánh địa công nghệ” trong đại dịch, theo dữ liệu điều tra dân số từ đầu tháng 4/2020 đến đầu tháng 7/2022

“Không còn nghi ngờ gì nữa, vị thế trung tâm của Thung lũng Silicon đã bị lung lay khi hứng chịu một số đòn giáng mạnh”, Mark Muro, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói

Miami và Austin đều đang hưởng lợi từ những quy định ít hạn chế hơn trong đại dịch Covid-19

Tiền điện tử và Web3 - một thuật ngữ rộng cho thế hệ tiếp theo của Internet sẽ mang lại cho mọi người nhiều quyền kiểm soát và sở hữu hơn - là động lực chính cho sự phát triển của đô thị ở Florida

Ngoài ra, Kyle Stanford, nhà phân tích đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại PitchBook, nhận định Seattle ngày càng phất lên nhờ có Amazon và Microsoft ở sân sau, thu hút nhiều doanh nghiệp và cả công nghệ sinh học

“Việc phân phối lại nguồn tài trợ chắc chắn đã bắt đầu. Cuộc tháo chạy của các startup và sự xuất hiện của công việc từ xa là chất xúc tác cho tốc độ tăng trưởng ở những thị trường nhỏ hơn”, Stanford nhận xét

Cơ hội mới

Brianne Kimmel, người sáng lập công ty đầu tư Worklife Ventures, nhận thấy tình hình thay đổi ở Thung lũng Silicon khi nhiều nhân viên công nghệ rời khỏi San Francisco để đến Austin hoặc Seattle

“Điều đó thực sự đã tạo ra cơ hội cho hacker trẻ tuổi, có chuyên môn kỹ thuật đến từ San Francisco. Nó mang lại cho thành phố một cá tính đã mất đi trong nhiều năm trước”, Kimmel chia sẻ

Cô dẫn chứng về Cerebral Valley (tạm dịch: Thung lũng trí tuệ), nằm trong khu phố Hayes Valley, nơi thu hút cộng đồng khởi nghiệp với giấc mộng tạo nên một khu vực tập trung vào AI

Kimmel so sánh cảm giác này với Thung lũng Silicon trong những ngày đầu của Internet, khi mọi người tụm lại để làm việc trong nhà để xe. Cô hy vọng sự phát triển của AI sẽ không chỉ mang đến động lực thúc đẩy năng suất mà còn tạo ra các khu vực đổi mới trên khắp nước Mỹ

Tuy nhiên, các nhân viên công nghệ mong muốn trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp vẫn đổ xô đến Thung lũng Silicon

Nhưng không giống như trước đây, nhiều công ty mới thành lập đang mọc lên ở những nơi khác, chẳng hạn như Seattle (phía tây tiểu bang Washington), nơi sản sinh ra các doanh nghiệp chú trọng vào cơ sở hạ tầng đám mây và công cụ dành cho nhà phát triển

New York, nơi từng là mảnh đất màu mỡ cho AI, cũng được nhận được được sự quan tâm lớn

“5 năm trước, 90% công ty được mở ra ở San Francisco. Bây giờ nó dường như giảm xuống còn 70%”, Bryan Offutt, đối tác tại Index Ventures, cho hay

Atli Thorkelsson, phó chủ tịch mạng lưới tài năng tại Redpoint Ventures, cho rằng Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas, đã phát triển như một trung tâm tiếp thị, bán hàng và xây dựng nhóm khách cho các doanh nghiệp

Còn “quả táo lớn” thì tận dụng nguồn lực hỗn hợp từ những người trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ y tế và kỹ thuật bảo hiểm

Nhiều người thuộc thế hệ “công dân tech” tiếp theo vẫn muốn đến Thung lũng Silicon để tìm cách xây dựng công ty và tiếp cận nguồn tài trợ. Điều đó phụ thuộc vào tham vọng của từng cá nhân

Đối với Kai Koerber, sinh viên năm cuối chuyên ngành khoa học dữ liệu tại Đại học California (Berkeley) và là nhà sáng lập startup Koer AI, Thung lũng Silicon vẫn là nơi anh muốn xây dựng công ty của mình

Tuy nhiên, trong vài năm sau khi hoàn thành một số công việc cơ bản, chàng trai 22 tuổi hy vọng cùng các đồng nghiệp Gen Z chuyển đến New York
 
Last edited:
Infineon Technologies mở trung tâm nghiên cứu ở Vietnam

Infineon Technologies AG đang tiếp bước những doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn hàng đầu mở các cơ sở R&D tại Việt Nam

Ngày 31/5, Infineon Technologies AG, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức đã thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội. Dự buổi khai trương trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam của Infineon có sự hiện diện của Phó Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, ông Simon Kreye và Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng nhiều lãnh đạo khác của Infineon

"Chúng tôi đã thành lập một trung tâm phát triển chip mới tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Với việc Việt Nam đang trở thành một nhân tố chủ chốt mới nổi trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu, trung tâm nghiên cứu mới sẽ đóng góp quan trọng cho các kế hoạch tăng trưởng năng lực đầy tham vọng của Dự án Dịch vụ Thiết kế & Hỗ trợ (DES) của Infineon", Infineon Technologies cho biết


3474277484837476405816868618426560546799739n-edit-20230601163437979.jpg

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng (trái) và ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm CEO Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương


Theo tìm hiểu, trong suốt một tháng qua, Infineon Technologies đã tuyển dụng hàng loạt nhân sự ở các vị trí như Thiết kế vi mạch (Analog Layout), Xác minh số (Digital Verification) làm việc tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nhà sản xuất chip bán dẫn của Đức cũng đang tuyển dụng nhân sự cho phục vụ việc nghiên cứu trạm sạc công suất cao cho xe điện tại TP HCM

Phía Infineon Technologies cho biết trung tâm nghiên cứu mới tại Hà Nội sẽ tập trung vào nhu cầu xác minh, nhận diện ngày càng tăng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô. Trung tâm cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng liên quan đến kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip (SoC) của công ty

"Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ đông đảo, có nhiều cơ hội để khai thác tài năng kỹ sư cho các tập đoàn đa quốc gia (MNC), bên cạnh việc tăng cường hợp tác với các trường đại học và đối tác. Cùng nhau, chúng tôi tạo ra các giải pháp thay đổi cuộc chơi trong thế giới hệ thống điện và IoT", thông báo của Infineon Technologies cho biết

Theo đó, các trung tâm R&D thường được mở ra ở những nơi mà các công ty có thể tiếp cận tốt nhất nguồn nhân tài. Hà Nội có nhiều học viện, trường đại học và cơ sở đào tạo mạnh về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm người Việt từng có cơ hội tiếp xúc, làm việc ở môi trường quốc tế đang tìm cách trở về làm việc tại quê hương. Xét ở khía cạnh vĩ mô, Việt Nam là một đất nước khá ổn định, nhiều chính sách kinh tế, môi trường đầu tư thuận lợi và tiềm năng

Infineon cho biết trung tâm phát triển của công ty tại Singapore được thành lập năm 1991-1992 với quy mô ban đầu chỉ 10 người nhưng hiện lớn mạnh với 300 nhân sự. Việt Nam khởi đầu muộn với 25 người, nhưng sẽ nhận được sự đào tạo và hỗ trợ tối đa từ các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm ở Singapore

Những nhân sự tài năng sẽ góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm R&D tiêu chuẩn quốc tế, tương tự các trung tâm khác của Infineon tại Munich (Đức), Villach (Áo), Bangalore (Ấn Độ) và Singapore

Infineon Technologies AG là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức, một trong những công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT. Với hơn 56.000 nhân viên toàn cầu, Infineon đạt 14,2 tỷ Euro doanh thu trong năm tài chính 2022. Công ty hiện có 56 trung tâm R&D trên toàn cầu cùng 20 nhà máy sản xuất
 
Cơ hội cho công nghệ bán dẫn

Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế trước những động thái mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, Mỹ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ VN nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn

Sẽ có dự án tỉ USD trong thời gian tới ?

Trong chuyến thăm, làm việc tuần qua tại VN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với VN; có kế hoạch tăng cường hợp tác với VN về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy. Đặc biệt, Mỹ muốn hỗ trợ VN nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề nghị của phía Mỹ và nhấn mạnh việc mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của VN. Thủ tướng thông tin VN đang thúc đẩy xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị hiện đại và đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực này

Trong thực tế, VN từ lâu đã được "xướng tên" trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lĩnh vực công nghệ, bao gồm công nghiệp bán dẫn. Từ 10 năm trước, Intel bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại VN với quy mô 1 tỉ USD và sau tăng lên 1,5 tỉ USD. Thế nhưng, kỳ vọng VN sẽ sớm trở thành "bến đỗ" mới của ngành công nghiệp bán dẫn bắt đầu được nói đến nhiều sau đại dịch Covid-19, chính sách đóng cửa chống dịch kéo dài của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Đặc biệt, từ sau khi nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN là Samsung, xác nhận sẽ sản xuất các linh kiện bán dẫn tại VN vào tháng 8 năm ngoái, VN càng có nhiều cơ hội để phát triển, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ hơn

Đến nay, với số vốn đầu tư hơn 2,6 tỉ USD, nhiều khả năng dự án sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics VN (tại Thái Nguyên) sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. Một dự án khác trong lĩnh vực bán dẫn đang được triển khai đáng quan tâm là dự án 1,6 tỉ USD của Công ty Amkor Technology Việt Nam (Hàn Quốc) cũng đang triển khai đúng tiến độ tại Bắc Ninh. Dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới và đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay sau đó

Ngoài những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới nói trên, gần đây, VN ghi nhận nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục tìm đến. Đầu tháng 6 vừa qua, công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT là Infineon Technologies AG cũng đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động, thành lập một đội ngũ phát triển chip điện tử làm việc tại Hà Nội

Chiến lược này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kiểm thử chức năng và thiết kế mạch tùy chỉnh cho các giải pháp về hệ thống trên chip (SoC) hàng đầu của Infineon. Mục tiêu của Infineon là đưa trung tâm tại Hà Nội thành một trung tâm R&D theo chuẩn quốc tế, như các trung tâm của tập đoàn này đặt tại Ấn Độ, Singapore, Đức…

Ngoài ra, Tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ là Synopsys cũng đang mở rộng hoạt động tại VN với hành động chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang VN; hay USI Electronics của Đài Loan, Renesas Electronics của Nhật Bản cũng đã có nhà máy tại VN

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét những động thái trên cho thấy, cơ hội cho VN phát triển mạnh công nghệ bán dẫn đang đến rất gần. Ông nhấn mạnh: "Sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí dự án tỉ USD trong thời gian tới, đặc biệt, sau những cam kết giữa các nhà lãnh đạo cấp cao 2 nước…"

Không thể chậm trễ hơn nữa...

Quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỉ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỉ USD. Cơ hội dành cho VN trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn

GS-TSKH Nguyễn Mại nhận xét không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo cấp cao từ ngoại giao, tài chính và các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ lần lượt đến VN trong thời gian ngắn vừa qua. Rõ ràng mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa 2 quốc gia đang rất tốt. Theo TSKH Nguyễn Mại, công nghệ bán dẫn là "câu chuyện của cả thế giới", chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch chương trình hỗ trợ 55 - 56 tỉ USD cho các nhà sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Các nước châu Âu cũng tăng hỗ trợ các nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu và xuất khẩu; nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng đẩy mạnh chính sách ưu đãi tài chính, hỗ trợ các công ty bán dẫn phát triển… VN không có nhiều tiền để đầu tư, nên phải dựa vào thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này

Đến nay, GS Nguyễn Mại thông tin các nước đã hứa đầu tư vào VN khoảng 5 tỉ USD cho công nghệ bán dẫn. Trong đó có Samsung làm chip lưới, Intel đầu tư chip nguồn tại TP.HCM và nhiều nhà đầu tư mới khác

Ông Vũ Quốc Chinh, chuyên gia marketing, bình luận: Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ cao nói chung và vi mạch bán dẫn nói riêng. Trong đó xác định rõ vi mạch điện tử là một trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên đến nay, công nghiệp bán dẫn tại VN vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, dư địa phát triển còn rất lớn, cần những quyết sách táo bạo và "nóng" hơn nữa

Theo ông Mại, quan trọng hơn lúc này là phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi. VN và nhiều nước đang phát triển lâu nay cứ chọn ưu đãi về thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu…) để thu hút vốn. Nay với quy định thuế tối thiểu toàn cầu mà VN dự kiến tháng 10 tới trình Quốc hội để chính thức từ đầu năm 2024 thì thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung ưu đãi về chi phí, tiêu hao trong đầu tư cho doanh nghiệp bằng tài chính

"Cụ thể, không chờ nhà đầu tư có lãi mới nộp thuế, mà ưu đãi ngay từ đầu. Nước Anh đang áp dụng trợ cấp khoảng 15% trên vốn đầu tư cho doanh nghiệp làm nghiên cứu. VN chắc chắn trong thời gian tới sẽ áp dụng chính sách này, nhưng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì còn tính sau. Thay đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư sớm sẽ khiến VN có nhiều cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng và quan trọng là tạo ra sự lan tỏa, không chỉ trong thu hút vốn ngoại mà nguồn vốn nội địa tham gia vào chuỗi giá trị này", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Pháp) nói từ năm 2022, giữa nỗi lo toàn cầu về đứt gãy cung ứng, Hàn Quốc đã kịp hợp tác với Mỹ mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ với số tiền tại một nhà máy ở Texas đã 17 tỉ USD, kế hoạch sẽ đầu tư 11 nhà máy như vậy cũng tại bang này, tổng số tiền ước 200 tỉ USD

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã ký kết với Ấn Độ để lập chuỗi cung ứng chip bán dẫn, với chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. "VN là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư chip hàng đầu thế giới, nhưng để khiến VN sớm trở thành bến đỗ cho các dự án tỉ USD này, cần đẩy nhanh và rõ ràng chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi hơn nữa. Chậm ngày nào, mất cơ hội ngày đó", ông Chinh nhấn mạnh
 
CMC của ông Nguyễn Trung Chính muốn làm tổ hợp công nghệ 20ha tại Bắc Ninh

Dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh (CCS Bắc Ninh) sẽ bao gồm các phân khu chức năng về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; R&D, AI; hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây; đô thị thông minh...

Thông tin này được ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG) cho biết tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn mới đây

IMG_8850.webp

Buổi làm việc giữa CMC và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh

Theo giới thiệu, Tập đoàn Công nghệ CMC thành lập năm 1993 và hiện có hơn 4.200 nhân viên. Hoạt động kinh doanh chủ lực của CMC tập trung ở 3 khối, gồm: công nghệ và giải pháp (Technology & Solution); kinh doanh quốc tế (Global Business); dịch vụ viễn thông (Telecommunications) với 8 công ty thành viên, liên doanh, viện nghiên cứu

Giai đoạn 2021 - 2025, CMC đặt mục tiêu trở thành công ty số toàn cầu với doanh thu 1 tỷ USD và quy mô hơn 10.000 nhân viên

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Chính mong muốn lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh quan tâm, tạo điều kiện để triển khai đầu tư dự án tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh (CCS Bắc Ninh) với quy mô từ 20ha trở lên

Tổ hợp này sẽ bao gồm các phân khu chức năng như phân khu về công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; phân khu R&D, IC design, AI, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phân khu hạ tầng dữ liệu, điện toán đám mây, AI factory; phân khu giáo dục đào tạo; phân khu đô thị thông minh, nhà ở cho cán bộ nhân viên và chuyên gia…

Sau khi nghe đề xuất từ phía CMC,Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đồng ý hướng tiếp cận phân khu giáo dục đào tạo là phân khu chính trong tổ hợp không gian sáng tạo CMC tại Bắc Ninh

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng rà soát lại các quỹ đất giáo dục có quy mô diện tích từ 20ha trở lên để giới thiệu cho CMC lựa chọn đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối làm việc cụ thể với CMC về lĩnh vực chuyển đổi số trên mọi phương diện của tỉnh để phục vụ xây dựng chính quyền số

CMC làm ăn ra sao?

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 11 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Trung Chính

z5226241124268_14f1555e960c667d9a992add467ab392.webp

Chủ tịch HĐQT CMC Nguyễn Trung Chính

CMC tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc Gia. Công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin - viễn thông bao gồm các lĩnh vực IT, Telecom và E-Business

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 7 năm ngoái, CMC đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 với mức 10.200 tỷ đồng, tăng 22% so với 2022; thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 (năm niên độ 2023 - 2024, bắt đầu từ 1/4/2023 đến 31/3/2024), CMC đạt doanh thu thuần là 2.116,7 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 153 tỷ trong quý III/2023

Luỹ kế 9 tháng (từ 1/4/2023 đến 31/12/2023), doanh thu của CMC đạt 5.673 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 330,4 tỷ đồng, tăng 8%

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CMC đạt 7.279 tỷ đồng. Nợ phải trả của CMC là 4.005 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn và khoản phải trả người bán ngắn hạn

Năm tài chính 2022, tổng doanh thu thuần hợp nhất của CMC đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8% so với cùng kì và đạt 96,5% kế hoạch năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 402 tỷ đồng; tăng trưởng 9% so với cùng kỳ và đạt 109% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về CMC đạt trên 355 tỷ đồng, tương đương 111% kế hoạch năm và tăng trưởng 12% so với năm 2021
 
Top