What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

QUANG TRUNG NETWORK

thinktank.vn

Administrator
Hoàng đế Quang Trung điều hành phát triển kinh tế Đại Việt

Trong thời gian trị vì (từ cuối năm 1788 đến tháng 9.1792), Hoàng đế Quang Trung đã ban hành và thực thi nhiều chính sách quản lý kinh tế tiến bộ, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng sau một thời gian dài nội chiến và đem đến cuộc sống ấm no, ổn định cho nhân dân

Cải cách, mở cửa, khoan thư sức dân

Ngay sau khi đại phá quân Thanh, Hoàng đế Quang Trung đã bắt tay vào thực thi các chính sách về kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao... với tư tưởng đổi mới, tinh thần kiên quyết và mạnh mẽ. Trong đó, chính sách quản lý kinh tế được ông ưu tiên thực thi như một biện pháp cấp bách hàng đầu

Để nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, năm 1789, Hoàng đế Quang Trung ban bố “Chiếu khuyến nông”, trong đó quy định dân lưu tán phải trở về quê quán để sinh sống; làng xã phải cung cấp ruộng đất công cho họ cày cấy; đảm bảo chia ruộng đất một cách công bằng

viewimage.aspx

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung

Hoàng đế Quang Trung khuyến khích phục hồi và mở rộng các làng thủ công, ban hành sắc lệnh “Khoan thư sức dân”, bãi bỏ thuế điệu (thuế thủ công) cho nhân dân từ sông Gianh trở ra. Ông thể hiện rõ quan điểm nền kinh tế đất nước phải xây dựng trên nền tảng độc lập, tự cường để có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa nhằm không ngừng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phát triển kinh tế quốc gia

Hoàng đế Quang Trung cương quyết xóa bỏ chính sách “ức thương - bế quan tỏa cảng” đã tồn tại ở Đại Việt trước đó hàng 3 - 4 thế kỷ. Tư tưởng thông thương tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, tạo thế ba chân của ba ngành kinh tế nông - công - thương rất vững chắc. Sự phát triển đó đã đưa nền kinh tế nước ta ngang bằng với Nhật Bản đương thời

Hoàng đế Quang Trung cũng chủ động viết thư cho Tổng đốc vùng Lưỡng Quảng (nhà Thanh) đề nghị “khai quan, thông thị sử bách hóa vô ủng, dĩ lợi dân dụng”. Nghĩa là “mở cửa ải, thông chợ búa khiến hàng hóa không ngưng đọng để làm lợi dân dùng”. Trên cơ sở yêu cầu đó, nhà Thanh đã cho mở cửa ải cho thương nhân người Hoa sang buôn bán; lập ra nhiều phố xá như Kì Lừa, Mục Mã, Hoa Sơn… và lập ra hai cửa hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh để buôn bán. Nhờ chính sách mở cửa của Quang Trung, nhân dân hai nước tự do đi lại trao đổi buôn bán và nhiều thuyền buôn Trung Quốc đã đến Phú Xuân để giao thương

Theo tinh thần bớt thuế, thương dân, Hoàng đế Quang Trung đã cho thi hành một chế độ thuế khóa đơn giản, bãi bỏ và giảm nhẹ nhiều thứ thuế phức tạp trước đó. Các loại thuế đinh, thổ sản, công thương đều được giảm nhẹ hoặc bãi bỏ. Việc thông thương với Trung Quốc vùng biên giới được miễn thuế hoàn toàn. Thuế ruộng đất công, tư đều được triều đình xem xét phân hạng theo mức sản xuất hằng năm và chia hạng nộp thuế bằng lúa, hoặc có thể bằng tiền, tính theo thời giá. Hoàng đế Quang Trung còn có quy định thập vật tiền (tiền trả cho người đứng thu thuế), khoán khố tiền (tiền tồn kho) và mức thuế cụ thể. Ai thu vượt quá quy định sẽ bị xử vào tội tham nhũng. Ông còn cho đúc tiền mới để tiêu dùng...

Những bài học kinh nghiệm cho ngày nay

Các chính sách về kinh tế của Hoàng đế Quang Trung không chỉ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng sau một thời gian dài nội chiến, đem đến cuộc sống ấm no, ổn định cho nhân dân, đặt nền móng cho một chế độ, một vương triều được dân chúng ủng hộ và hướng đến nhất mà còn góp phần nâng cao địa vị và uy tín của Đại Việt trong mối quan hệ với các nước trong khu vực đương thời. Đó là những bài học mà ngày nay chúng ta cần học hỏi

Thứ nhất, Hoàng đế Quang Trung rất coi trọng phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp. Ông ban “Chiếu khuyến nông” và giao trách nhiệm cho quan địa phương chia ruộng đất cho người dân phiêu tán trở về quê cũ làm ăn, nếu không làm được sẽ bị phạt tội, giáng chức. Ngày nay, chính sách nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng ban hành và đổi mới kịp thời với yêu cầu xã hội. Trong đó, tư tưởng quản lý của Quang Trung sẽ là những gợi ý quý báu cho lãnh đạo các địa phương trong giải quyết công ăn việc làm, cấp ruộng cho người dân từ thành phố trở về quê trong đại dịch Covid-19. Và nên chăng, chúng ta cũng cần đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương về việc giải quyết vấn đề này như thế nào

Thứ hai, trong công nghiệp, chủ trương của Hoàng đế Quang Trung thể hiện ở sắc lệnh “Khoan thư sức dân” - bãi hoàn toàn thuế điệu cho nhân dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế công nghiệp. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với sản xuất công nghiệp, miễn giảm thuế cho DN. Tuy nhiên, hiện tượng thuế chồng thuế, phí chồng thuế vẫn còn diễn ra. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích DN mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Việc thu đúng, thu đủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách luôn phải được tuân thủ, nhưng cũng cần căn cứ vào từng thời điểm, từng ngành nghề để đưa ra mức thuế hoặc điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp

Thứ ba, trong thương nghiệp, Hoàng đế Quang Trung thực hiện chính sách “mở cửa ải thông chợ búa” khiến hàng hóa không bị ngưng đọng, có lợi cho tiêu dùng của người dân, đẩy mạnh việc tiếp xúc với nền kinh tế tư bản phương Tây. Bài học “thông chợ búa” giúp nhân dân trong nước trao đổi mua bán sản phẩm của mình làm ra đã được áp dụng ở Việt Nam ngay giai đoạn sau năm 1986. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển...

Tuy nhiên, trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu cũng như thị trường của họ. Do đó, Việt Nam rất cần có biện pháp hữu hiệu để nâng cao sức mạnh kinh tế trong nước; cần xây dựng một “tư thế làm chủ” trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc theo quan điểm của Hoàng đế Quang Trung: “Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng phải mua của nước Tàu”

Riêng trong quan hệ giao thương với các nước phương Tây, Việt Nam đã và đang gặt hái nhiều thành công. Nếu thời Hoàng đế Quang Trung, mối quan hệ ấy chủ yếu chỉ với Hà Lan, Bồ Đào Nha thì đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký nhiều hiệp định hợp tác đa phương và song phương với nhiều quốc gia trên thế giới. Đảng và Nhà nước không những thực hiện được “hoài bão lớn lao” của Hoàng đế Quang Trung là “đẩy mạnh việc tiếp xúc với nền kinh tế tư bản phương Tây” mà còn đang đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để có thể hội nhập và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách cho phù hợp với xu thế chung, vừa phát huy hơn nữa “vị thế tự cường” như Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện

Hoàng đế Quang Trung đã tạo được thế ba chân của ba ngành kinh tế nông - công - thương rất vững chắc. Ngày nay, Việt Nam cần tập trung thực hiện quyết liệt, sâu sắc hơn tái cấu trúc kinh tế theo ba trục là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - thương mại. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn; ưu tiên các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng hóa chủ lực quy mô lớn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, phát triển DN. Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, tăng cường phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nâng cao hiệu lực, siết chặt kỷ cương công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực

TS NGUYỄN THỊ THU HÒA (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)
 
Vua Quang Trung với tư tưởng "Dựng nước lấy học làm đầu"

"Dựng nước lấy học làm đầu". Đó là ý tưởng nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung nói riêng và của triều đại Tây Sơn nói chung khi được thành lập trên cơ sở một phong trào nông dân rộng rãi chưa từng có trong lịch sử dân tộc

Công cuộc xây dựng đất nước sau chiến thắng giặc Mãn Thanh đặt lên vai người lãnh đạo đất nước. Vua Quang Trung đã chứng tỏ mình chẳng những là nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào Tây Sơn mà còn tỏ ra có bản lĩnh lẫn tầm chiến lược trong việc xây dựng đất nước văn hiến sau chiến thắng

Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước xiết bao công trình


Ngọc Hân công chúa đã khóc chồng bi thiết trong Ai tư vãn như vậy. Trong Ai tư Vãn, ngọc Hân công chúa so sánh công đức của vua Quang Trung với các vua Thang Võ, Nghiêu Thuấn - Là sự đánh giá rất cao về người anh hùng áo vải. Nhưng như thế chỉ với Nho giáo không thôi, Quang Trung không đủ sức để kiến tạo lại đất nước sau chiến thắng. Quang Trung đã tự trang bị cho mình một vốn tri thức, văn hóa mang ý nghĩa thiết thực

Khắc họa hình ảnh vua Quang Trung Nguyễn Huệ như là một thiên tài không ngừng tiến thủ, Ngô Thì Nhậm trong Bang giao hải thoại đã viết: " Quang Trung là người vốn tính ham học, dẫu trong can qua bận rộn cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận ý tứ rành mạch, khơi mở nhiều điều mà sách vở ngày xưa chưa từng biết". Ở đây chúng ta chú ý đến tinh thần ham học hỏi và biết vận dụng tri thức sách vở vào thực tiễn của vua Quang Trung. Điều đó thật khác xa với nhiều kẻ sĩ được đào luyện dưới cửa Khổng, sân Trình. Bản thân Quang Trung cũng phải học văn hóa và lịch sử Việt Nam do một quan bí thư riêng "mỗi tháng sáu lần chầu để giảng giải kinh sách" nên ông khá am hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam

Hơn ai hết, Quang Trung nhận thức rất rõ vai trò của tri thức trong công cuộc xây dựng đất nước. Sau chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã dần dần để các văn thần nắm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Điều đó được nêu rõ trong Chiếu lập học và chiếu cầu hiền của nhà vua trong mục đích "văn trị" của công cuộc trị quốc. Chiếu cầu hiền nói rõ: "Dựng nước lấy học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc... Trẫm buổi đầu dựng nghiệp, tôn trọng việc học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài ra sức giúp nước"

Việc làm cấp thiết của vua Quang Trung là tổ chức kỳ thi hương đầu tiên ở Nghệ An để tuyển chọn nhân tài do Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo. Chiếu lên ngôi đã quy định: "Nho sinh và sinh đồ cứ đợi đến kỳ thi vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém thì bãi về trường xã học...". Như vậy, Quang Trung rất chú trọng đến chất lượng và tính thực tiễn của việc học "Học cho rộng, rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm". Đó là một thế hệ nhân tài, quan lại không chỉ có hiểu biết mà còn có khả năng làm việc thực sự để phục vụ vương triều, đất nước

Do yêu cầu như thế nên người dạy học phải đạt 2 tiêu chuẩn: Kiến thức và đức hạnh. Chiếu lập học nêu: "Chọn nho sĩ trong xã có đạo đức, hạnh kiểm, đặt làm thầy dạy, giảng tập cho học trò xã hội"

Thời vua Quang Trung, xã thôn đều có học xã chăm lo việc học. Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử chế độ phong kiến, xã thôn có trường công lập. Còn ở kinh đô, văn miếu là học đường chính ở Bắc thành thường xuyên hoạt động đào tạo. Quang Trung giao cho Nguyễn Thiếp đảm đương chức vụ Viện trưởng viện sùng chính

Hàng loạt chính sách cải cách giáo dục đã được đưa ra cho phù hợp với xã hội mới như đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên địa vị chính thức của dân tộc. Trong thi cử, Quang Trung bắt giám khảo ra đề bằng chữ Nôm, thí sinh làm bài bằng chữ Nôm. đây là lần đầu tiên nhà nước phong kiến đưa chữ Nôm vào thi cử. Đó là lòng tự tôn dân tộc trong văn hóa. Quang Trung thuận theo ý Nguyễn Thiếp để cải cách giáo dục về phương pháp: "Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày đã mất đi. Người ta chỉ tranh đua tập việc học từ chương cầu lợi... Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong, những tệ kia ở đó mà ra", cho nên việc học "phải tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm nghĩ cho tinh, học cho rộng rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm họa may nhân tài mới có thể thành tựu, nước nhà nhờ đó mà vững yên"

Chính vì coi trọng việc học như vậy cho nên, một mặt chế độ giáo dục ấy ắt sẽ sản sinh ra những nhân tài biết đem công sức mình xây dựng đất nước (tiếc rằng nhà Tây Sơn tồn tại quá ngắn, chỉ 4 năm), mặt khác tập hợp được quanh mình những bậc hiền tài lỗi lạc đương thời như: Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở... Họ là những văn thần, võ tướng của cựu trào, thấm nhuần tư tưởng: "Trung thần bất sự nhị quân", nhưng họ thấy ở Quang Trung một tấm lòng thành chiêu hiền đãi sĩ, thật lòng muốn xây dựng đất nước, chăm lo cho trăm họ, chứ không thuộc loại vua chỉ biết vun vén, củng cố cho ngai vàng của mình

Thái độ tôn trọng việc học và nhân tài đất nước thể hiện từ trong bản chất, có ngay từ những ngày đầu, khi Quang Trung vào thành Thăng Long, và sau đó trong lời phê vào đơn của dân làng Văn Chương (Hà Nội) xin dựng lại những hàng bia đá ở Văn Miếu đã bị đổ vì chiến cuộc

Nay mai dọn lại nước nhà

Bia nghè lại dựng trên tòa nhân gian
 
Chiếu Cầu Hiền của Hoàng Đế QUANG TRUNG

Mùa xuân năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung. Điều đầu tiên ông quan tâm chính là xây dựng một nguồn nhân lực cho mình và cho sự tồn tại của đế chế còn non trẻ của mình. Trong “Chiếu lập học” ông viết rằng: “Xây dựng đất nước phải lấy việc dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc ...”

CHIẾN LƯỢC CON NGƯỜI
35e.jpg


Có thể thấy rằng, nét nổi bật trong toàn bộ đường lối kinh tế - xã hội của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ chính là xây dựng một “chiến lược con người”. Nói cách khác, Nguyễn Huệ đã chuẩn bị ngay lập tức cho đế chế của mình một nguồn nhân lực có sẵn và đào tạo một nguồn nhân lực mới khác dành cho lâu dài nhằm để an dân, trị quốc và bình thiên hạ

Chiến lược và sách lược “dụng nhân” được vua Quang Trung thực hiện thông qua việc cải tổ hệ thống giáo dục, đồng thời xây dựng một chính sách rõ ràng, minh bạch đối với các tầng lớp trí thức trong xã hội thời bấy giờ. Ông rất quan tâm đến việc khai thác các tiềm năng trí tuệ để phục vụ đế chế - một chính quyền đang non trẻ trong một đất nước tồn tại nhiều phe phái, nhiều âm mưu tranh giành quyền lực giữa Đàng trong và Đàng ngoài. Chính quyền nhà Tây Sơn mới hình thành nhưng trong nước chưa có hòa bình thực sự, luôn phải cảnh giác đối phó với thù trong giặc ngoài

NỘI LỰC TỪ TẦNG LỚP TRÍ THỨC

Tuy vậy, khát vọng xây dựng một nhà nước hùng mạnh về mọi mặt đã thôi thúc vị lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn chú ý đến vai trò quan trọng của giới nho sĩ, trí thức trong nước. Vì vậy vua Quang Trung cho triển khai nhanh hệ thống giáo dục đến tận làng xã. Nếu như hiện nay chúng ta mới chỉ có Phòng giáo dục cấp huyện thì thời Tây Sơn cấp xã đã có một loại hình cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục gọi là “Nhà xã học”. Đây chính là mô hình rất mới của vua Quang Trung trong chiến lược nâng cao dân trí và chuẩn bị nguồn lực lâu dài để đào tạo, phát triển nhân tài, trí thức cho đất nước. Mặt khác, trước sự hùng mạnh, bách chiến bách thắng của nghĩa quân Tây Sơn, nhiều trí thức ở Đàng trong lo sợ bỏ chạy theo chúa Nguyễn Ánh. Còn ở Đàng ngoài, khi Quang Trung kéo quân ra Bắc lần thứ nhất cũng đã vấp phải sự chống đối kịch liệt của tầng lớp nho sĩ, trí thức chính thống. Bởi lẽ lúc đó quyền lợi của tầng lớp nho sĩ, trí thức ở Bắc Hà đang gắn liền với triều đình nhà Lê - Trịnh. Rất nhiều bậc nho sĩ tên tuổi thời ấy đã thà chết chứ không chịu đầu hàng, theo giúp Nguyễn Huệ. Chính điều này đã đặt ông vào hoàn cảnh rất khó khăn. Thế nhưng Nguyễn Huệ đã có quyết sách kịp thời. Đó chính là một nét độc đáo ngoài tài năng quân sự vô song của vị vua áo vải đất Tây Sơn - Bình Định

SỨC MẠNH HÒA HỢP

Trước tiên, Nguyễn Huệ xây dựng một chính sách không phân biệt đối xử với tất cả trí thức quan lại của triều đình cũ và mới. Ông khẳng định chủ trương đúng đắn của mình bằng một văn bản có tên là: “Chiếu dụ các quan văn võ triều cũ”. Trong đó có đoạn viết: “Trẫm một lòng yêu quý nhân tài không lúc nào quên ... Phàm những kẻ đang bị giam giữ trẫm đều tha ra hết, những người chạy trốn trẫm không truy nã nữa để làm rõ đức khoan dung …”. Có lẽ trước đó lịch sử chưa từng ghi nhận một cách làm chính trị nào hay hơn đối với giới trí thức nho sĩ thời ấy bằng chính sách khoan hồng đầy sức thuyết phục như vua Quang Trung đã từng làm

Trong thực tế đương thời, vị vua bình dân này đã thực sự làm phân hóa dần giới trí thức triều đình cũ. Tuy vậy, ông cũng hiểu thêm đặc điểm chung của họ là không chỉ cần sự ưu ái, khoan dung mà điều quan trọng đối với họ chính là được trọng dụng

Nguyễn Huệ đã giải được bài toán khó này, đồng thời ông còn hứa hẹn sẽ đặt đúng từng vị trí, sở trường của người trí thức trong chế độ mới hình thành của mình: “Trẫm đang để ý lắng nghe, thức ngủ mong mỏi tại sao những người tài cao học rộng chưa thấy đến, hay là trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng ...?”; hoặc “Trẫm nơm nớp lo nghĩ, dù một ngày, hai ngày cũng có đến hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: Cái nhà to lớn, sức một cây cột không thể chống đỡ, sự nghiệp thái bình sức một người không thể đảm đang ...” (Chiếu cầu hiền)

TRỌNG DỤNG KẺ SĨ

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ không chỉ là một nhà quân sự tài hoa lỗi lạc, ông còn là một người giỏi hoạch định chiến lược thu phục nhân tài, nhân tâm, nhằm phục hưng xây dựng đất nước. Một quốc gia từng bị chia cắt, bị kiệt quệ sau hơn 200 năm phân tranh Trịnh - Nguyễn. Quang Trung - Nguyễn Huệ đã rất thành công trong việc chinh phục trái tim kẻ sĩ. Ông đã tập hợp được số đông các người tài văn, võ thời bấy giờ đi theo mình. Đó là những Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tần, Bùi Dương Lịch ... Họ thực sự đã trở thành những hiền tài đến đầu quân dưới trướng Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn

Tuy nhà Tây Sơn chỉ tồn tại không đến 15 năm nhưng những gì mà thiên tài Nguyễn Huệ để lại cho hậu thế vẫn là một nét son sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam

NGUYỄN TẤN TUẤN
 
Sứ mệnh dẫn dắt trong 'kỷ nguyên vươn mình'

Cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. Đảng phải phát triển mạnh mẽ, thổi được ý chí quyết tâm vào những người tài năng trong đội ngũ lãnh đạo

Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực

Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”

Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng

Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Trong nhiều bài phát biểu trong nước và ở quốc tế gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đây không chỉ là một thông điệp, mà còn là quyết tâm cao của Đảng được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 10

VietNamNet phỏng vấn GS.TS NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về nội dung này

ĐẢNG LĨNH NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ

Văn kiện Đại hội 13 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

“Vươn mình” là động thái vượt lên trên mức bình thường, khác với thong thả, tuần tự không phải gắng sức trong điều kiện bình thường. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhắc tới "Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là hàm ý đất nước đang bước vào giai đoạn bứt phá với tốc độ cao hơn, với một cường độ lớn hơn và đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức nhiều hơn

Theo tôi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân một khát vọng phát triển mạnh mẽ và hiệu triệu cả nước sẵn sàng đón nhận cả những khó khăn, thách thức trên bước đường đi tới

Một đất nước hùng cường, một xã hội phồn vinh là ước nguyện của toàn dân tộc từ bao đời nay. Ngay từ những ngày mới giành được độc lập, trong thư gửi thầy và trò nhân dịp khai giảng năm học mới 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Non sông Việt Nam có bước tới đài vinh quang được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”

Sau hơn 30 năm Đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, Đảng đã ra lời hiệu triệu khơi dậy khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia phồn vinh, trong nhân dân đã có một sự chuyển biến rất mạnh mẽ về tinh thần, tạo nên một khí thế hồ hởi, quyết tâm hướng tới một tương lai tươi sáng của dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, chúng ta đang chuyển mình sang giai đoạn mới. Nhìn lại tiến trình lịch sử thì đây là quy luật tất yếu

Bao giờ cũng vậy, để thực hiện một sự nghiệp lớn thì không thể tách rời vai trò của quần chúng nhân dân. Tất cả những gì là kỳ tích làm được trong lịch sử đều gắn chặt với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nhưng làm sao phát huy được sức mạnh đoàn kết đó và để sức mạnh đó trở thành hiện thực thì đấy chính là vai trò của lãnh đạo

Trong lịch sử chúng ta đã chứng kiến nhờ sức mạnh đoàn kết mà dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích, nhưng lịch sử cũng để lại những bài học xương máu khi dân tộc không kết thành một khối. Vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Hồ, quân đội đông, vũ khí hiện đại lại có thành lũy kiên cố vậy mà chỉ cầm cự được chưa đầy 6 tháng là mất nước. Nguyên nhân sâu xa chỉ là vì “lòng dân oán phản” (Bình Ngô đại cáo)

Sang đến nửa sau thế kỷ 19, một quốc gia hùng cường nhưng chỉ vì triều đình coi thường dân, “sợ dân hơn sợ giặc” như nhận định của nhà sử học Trần Huy Liệu, nên cũng không giữ được nước

Nhìn lại lịch sử để thấy được vai trò của người lãnh đạo, của những người lĩnh nhận sứ mệnh dẫn dắt quốc gia, lãnh đạo toàn dân

Ngày nay, người vạch đường chỉ hướng cho đất nước đi lên và gắn kết toàn dân thành khối đại đoàn kết chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là lực lượng chính trị lĩnh nhận sứ mệnh lịch sử dẫn dắt cả dân tộc vươn mình hướng tới những mục đích cao đẹp

Để hoàn thành sứ mệnh cao cả này, đáp ứng những mong mỏi của toàn dân thì điều tiên quyết là Đảng phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trong sạch và quyết tâm thực hiện khát vọng đó. Đảng ta đang tích cực và quyết liệt làm công việc này

Tiếp đến là cần phải nêu ra những tiêu chí cụ thể cho một đất nước phồn vinh, một dân tộc hùng cường mà chúng ta đang hướng tới. Trước đây khi đề ra mục tiêu phát triển quốc gia, Hàn Quốc từng nhắm tới tiêu chuẩn của những nước phát triển (nhóm OECD) và sau hơn 20 năm họ đã đạt được mục tiêu ấy

Một tín hiệu rất tích cực là trong những năm gần đây, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước, Đảng chủ trương đẩy mạnh đổi mới quản trị quốc gia

Trên tinh thần được nêu trong văn kiện Đại hội 13, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội". Đó chính là tư duy quản trị quốc gia

Trong quản lý chữ “làm đúng” được coi là thước đo của công việc nên người làm quản lý luôn lấy những quy định của pháp luật hay văn bản pháp quy làm “khuôn vàng thước ngọc”. Tuy nhiên trong thực tiễn, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ thì những quy định trong luật hay văn bản pháp quy không bao giờ có thể phủ kín được

Do vậy rất cần sự sáng tạo của người quản lý. Làm đúng nhưng phải hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả và phát huy tối ưu các nguồn lực. Đó chính là tư duy quản trị quốc gia mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu

Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của nhân dân và nêu cao vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo, quản lý trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công mục tiêu “vươn mình trong kỷ nguyên mới”

TÌM RA NHỮNG MŨI ĐỘT PHÁ

Mục tiêu to lớn của Đảng ta cũng chính là nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Đại hội 14 tới đây, theo ông cần đưa những quyết sách gì để thực hiện các mục tiêu này?

Đảng đang chuẩn bị rất tích cực cho Đại hội 14 - một đại hội lịch sử. Về công tác nhân sự tôi đã có may mắn được tiếp xúc với những cán bộ được quy hoạch vào đội ngũ cán bộ cao cấp. Tôi nhận thấy đây đều là những người được tuyển chọn kỹ càng, có năng lực, có quyết tâm, có hoài bão và khát vọng. Điều này làm tôi rất tin tưởng

Nước ta đang hội nhập rất nhanh với thế giới, vì vậy phải nâng cao những giải pháp kỹ thuật trong quản lý, quản trị; cần có quá trình chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống từ chính trị đến xã hội, kinh tế. Đây chính là tăng cường sức mạnh thông qua công nghệ và chúng ta đang tích cực làm

Một điều có ý nghĩa rất quan trọng là phải tìm ra những mũi đột phá. Muốn phát triển nhanh thì không thể dàn trải mà phải tìm ra những mũi nhọn. Chắc chắn Đại hội 14 của Đảng sẽ xác định những mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư trong thời gian tới

Đại hội lần này sẽ vạch ra một kế hoạch phát triển toàn diện cho đất nước trong 5 năm tới, nhưng theo tôi then chốt vẫn là vấn đề con người mà trọng tâm phải là chiến lược nhân tài. Nhìn vào kinh nghiệm những nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, có thể thấy chiến lược nhân tài đã giúp họ bứt phá thành công

Cha ông ta đã từng coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung, Bia Văn miếu)

Đại Việt sử ký có nêu khi vua Lê Thánh Tông sử dụng nhân tài thì “người tài lũ lượt ra giúp nước”, tức là khi nhìn thấy được trọng dụng thì ở đâu người ta cũng ra

Cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. Đây chính là trách nhiệm của Đảng. Đảng phải phát triển mạnh mẽ, thổi được ý chí quyết tâm vào những người tài năng trong đội ngũ lãnh đạo

Tổng Bí thư có nhấn mạnh đến việc phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Theo tôi người Việt Nam hiện nay cần nhất là hai chữ "tự tin". Tự hào thì chúng ta có rồi nhưng tự hào quá thì dễ thỏa mãn với những điều đã có. Tự hào của ta đang dựa trên quá khứ của cha ông

Tự tin là dám làm, quyết tâm thực hiện những mong muốn. Tự kiêu không phải là tự tin, đấy là sự ngộ nhận khi chưa đánh giá đúng mình. Đó chỉ là mặt ngược lại của thái độ tự ti. Chỉ có tự tin mới giúp ta hiểu đúng mình, từ đó mới có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế

Sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia hùng cường nếu chỉ bắt chước rập khuôn người khác. Dù học khắp thiên hạ nhưng cuối cùng phải làm theo cách của mình, đi trên đôi chân của mình, bay trên đôi cánh của mình

Khi chuẩn bị vươn mình, yêu cầu cao hơn nhiều, đòi hỏi mọi công đoạn phải được chuẩn bị rất tỉ mỉ, cẩn thận và không được phép sơ suất. Đây chính là lúc chúng ta hướng tới một mục tiêu cao hơn, lớn hơn là đất nước mình phải trở thành quốc gia hùng cường, phải sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Cố kết lòng dân, siết chặt đội ngũ chính là chuẩn bị cho việc thực hiện mục tiêu đó
 
Top