What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Siêu cường quốc công nghệ

thinktank.vn

Administrator
Cuộc đua trở thành siêu cường quốc công nghệ
28aae_china_technology.jpg

Bằng những khoản đầu tư khổng lồ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc đang trở thành một trong những siêu cường quốc về công nghệ của thế giới

- Bản báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) công bố hồi đầu tháng 12 này đã ghi nhận Trung Quốc là cường quốc công nghệ số với tiềm năng tăng trưởng khổng lồ. Cuộc đua tranh về việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến giữa các cường quốc kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản đang ngày càng trở nên quyết liệt
MGI cho biết giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn con số cộng gộp của năm nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Tổng giá trị thanh toán di động tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc trong năm 2016 đạt tới 790 tỉ đô la Mỹ, gấp 11 lần con số này tại thị trường Mỹ

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là một trong ba điểm đến hàng đầu của các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong những lĩnh vực như thực tế ảo, ô tô tự lái, in 3D, robot, thiết bị bay không người lái và trí thông minh nhân tạo

Sự trỗi dậy của thị trường đông dân nhất thế giới

Một phần ba trong 262 “kỳ lân” (unicorn – công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỉ đô la) trên thế giới hiện nay là của Trung Quốc, chiếm 43% tổng giá trị của các công ty kỳ lân trên toàn cầu

Theo MGI, ba trụ cột chính nâng đỡ sự phát triển hết sức nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ số là: một thị trường khổng lồ và trẻ trung, cho phép thương mại hóa nhanh chóng các mô hình kinh doanh số; một hệ sinh thái số phong phú đang mở rộng vượt trên tầm một số “người khổng lồ”; chính phủ tạo điều kiện và không gian để các doanh nghiệp số thử nghiệm, đồng thời vừa là nhà đầu tư vừa là người tiêu dùng các công nghệ số

Bản báo cáo của MGI dự báo công nghệ số có thể thay đổi và tạo ra khoảng từ 10% đến 45% doanh thu công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2030

Jeongmin Seong, nhà nghiên cứu cấp cao của MGI, cho rằng quá trình số hóa sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên năng động hơn, cho phép thêm nhiều doanh nghiệp của nước này tham gia cuộc cạnh tranh trên toàn cầu, và thậm chí xuất khẩu các mô hình kinh doanh số “Made in China”

Tạp chí Fortune trong số báo phát hành ngày 1-12 có bài viết “Innovation Takes Off in China” bắt đầu bằng câu “Một cuộc hỗn chiến trong thế giới thiết bị tự bay đang bắt đầu,” kể về câu chuyện đúng một năm trước đó tại sự kiện Da-Jiang Innovations Science and Technology (DJI), cho phóng một thiết bị không người lái chỉ nặng 1,6 kg và gọn gàng bằng một cuốn sách lên trời, mang theo camera để trình chiếu các đoạn video 4K từ độ cao hàng chục mét. Chiếc Mavic Pro này có độ ổn định, có khả năng phát hiện và tránh né các chướng ngại vật, và rồi tự động bay trở về điểm xuất phát trước khi hết năng lượng

DJI là một thương hiệu ít ai biết đến, kể cả ở Trung Quốc, và Mavic là dòng sản phẩm đầu tiên của công ty. Rõ ràng DJI chẳng sánh được với các đối thủ “to con” trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái như Parrot ở châu Âu hay như Lily Robotics tại Mỹ, nhưng chỉ ba ngày sau vụ bay thử, những hợp đồng nườm nượp đến với DJI

Sau hơn một năm,DJI đang sở hữu 70% thị phần thiết bị bay tự hành (drone) trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu Interact Analysis cho biết doanh số bán drone của DJI trong năm 2016 đã lên tới 1,3 tỉ đô la, và dự báo sẽ đạt đến 15 tỉ đô la vào năm 2022. Trong khi đó công ty 22 năm tuổi Parrot của Pháp đã bị bỏ lại rất xa, và Lily Roboyics cho dù đã thu được 34 triệu đô la tiền đặt trước vẫn phải đóng cửa

Các nhà phân tích thường ví DJI là “Apple của những người sử dụng thiết bị bay”. Trong khi sản phẩm của Apple được thiết kế ở California và sản xuất tại Trung Quốc thì sản phẩm của DJI được thiết kế đồng thời chế tạo tại thành phố công nghệ Thâm Quyến nơi miền nam Trung Quốc. Thành công của DJI làm nổi bật lên một trong những sự thay đổi quan trọng của nền kinh tế thế giới: Trung Quốc, theo tác giả bài báo, sau một thế kỷ phụ thuộc vào nước ngoài, ba thập kỷ bị cô lập dưới thời Mao Trạch Đông, và ba thập kỷ đổi mới đồng thời mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì nay đang tìm về với vai trò lịch sử là một trong những cái nôi của sự sáng tạo và phát triển của thế giới

Chỉ mới cách đây vài năm thôi, Trung Quốc vẫn còn là một nơi đầy rẫy những bản sao chép và ăn cắp công nghệ, và sự phát triển của nền kinh tế đã phải dựa vào lực lượng nhân công giá rẻ cùng với công nghệ nước ngoài. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác. Năm ngoái Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei Technologies, đã trở thành người đăng ký nhiều bằng sáng chế hơn ai hết trên thế giới. Nhóm chuyên viên phát triển mạng xã hội WeChat của Allen Zhang đã mang đến cho hơn 900 triệu người sử dụng những ứng dụng chat, shop, pay, play và làm bất cứ thứ gì trên mạng xã hội đó. Và Robin Li, chủ nhân của trang tìm kiếm Baidu thống trị địa bàn Trung Quốc, cho biết những chiếc xe tự lái của họ sẵn sàng để bán ra thị trường trong năm 2018

Những sự thành công của các công ty công nghệ nói trên lại thúc đẩy một vòng sáng tạo mới. Hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent đang dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử, thanh toán di động, truyền thông xã hội và trò chơi điện tử. Họ và những công ty lớn khác tại Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp, và điều này biến Trung Quốc thành một thị trường đầu tư tư bản khổng lồ

Khi hệ sinh thái công nghệ dựa vào dân số

Ở một khía cạnh khác, những dòng vốn đầu tư cho công nghệ cũng đang nuôi sống thị trường khổng lồ tại quốc gia 1,38 tỉ dân và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm những nhà cung ứng, nhà hậu cần và nhà sản xuất. Kết quả là Trung Quốc đã sinh ra ngay trong nước mình một thế hệ doanh nhân mới, những người có khả năng tạo nên những sản phẩm mang tầm thế giới, những người có thể phát triển công nghệ của họ và tạo nên những mô hình doanh nghiệp đạt những mức độ và tốc độ mà nền kinh tế thế giới chưa bao giờ thấy. Kai-Fu Lee, Giám đốc điều hành tại Sinovation Ventures và là người trước đây đứng đầu Google China, nói với báo giới rằng: “Thời kỳ sao chép đã lùi lại phía sau chúng tôi. Chúng tôi đang trên đà vượt lên phía trước”

Giữa các năm 2014-2016 Trung Quốc đã lôi kéo được 77 tỉ đô la tiền đầu tư, so với chỉ 12 tỉ đô la của cả hai năm trước đó. Trung Quốc bây giờ là thị trường đầu tư lớn nhất thế giới về công nghệ số bao gồm thực tế ảo, xe tự lái, in 3D, thiết bị bay và trí thông minh nhân tạo (AI)

Richard Ji, đồng sáng lập viên của All-Stars Investment, nói: “Chỉ có Trung Quốc và Mỹ là hai siêu thế lực thực sự về công nghệ. Không một nền kinh tế nào có thể bằng hai cường quốc này.” Vốn là một nhà đầu tư đến từ Hồng Kông, Richard Ji có thể chỉ đúng theo quan điểm của ông, nhưng lời nhận định này lại cho thấy một điều là nền công nghệ Trung Quốc đang trỗi lên mạnh mẽ, và những nguồn tài lực đang được sử dụng để thoát ra khỏi cái bóng sao chép của mình. Ví dụ, trong khi Alibaba vẫn thu lợi từ việc bán hàng giá rẻ thì JD.com đã tìm hướng đi khác cho mình là bán hàng chất lượng cao, và rõ ràng là công ty Trung Quốc này đang cố vượt qua định kiến là “bản sao của Amazon” bằng hoạt động nghiên cứu và phát triển các thiết bị giao hàng không người lái

Đặc trưng đông dân và ưa chuộng cái mới đang là động lực thúc đẩy nền công nghệ Trung Quốc, một sự phát triển đặc thù không chịu sức ép cạnh tranh từ bên ngoài và sự tiến bộ đạt được nhờ vào chính sự cạnh tranh trong nội địa, nổi bật nhất là giữa hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Alibaba và Tencent. Giới công nghệ thấy hào hứng với những cuộc đua của hai người khổng lồ này, thông qua các khoản đầu tư trong đại lục và vươn ra nước ngoài, rót vào các công ty khởi nghiệp mà họ thấy rằng sẽ kiếm được lợi nhuận hoặc để tạo thành một thế chiến lược. Một điểm đáng chú ý khác là chính quyền Trung Quốc vẫn coi trọng doanh nghiệp quốc doanh nhưng luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, và sự uyển chuyển này lại trở thành động lực thúc đẩy sự sáng tạo công nghệ

Chiến lược cạnh tranh

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho phép Tencent thiết lập ứng dụng mã QR (QR Code) của họ để đẩy nhanh việc thanh toán di động và phát triển phương thức thanh toán này qua sản phẩm của mạng xã hội WeChat gọi là WeChat Pay. Trong khi đó Alibaba phát triển hệ thống thanh toán di động AliPay và đầu tư vào Yu’e Bao để giúp công ty này thực hiện các khoản tín dụng cho những người sử dụng AliPay. Nền kinh tế Trung Quốc đi nhanh về hướng không sử dụng tiền mặt, không phải chỉ từ kế hoạch của ngân hàng trung ương mà còn từ chính nhu cầu của những công ty công nghệ tư nhân. Một trong các nguyên nhân mà nền công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh là họ không quá coi trọng vấn đề riêng tư và cũng chẳng cần biết đến luật chống độc quyền. Truyền thống sao chép và luật lệ dễ dãi này đang ủng hộ sự vươn lên mạnh mẽ của nền công nghệ nước này, trên thực tế người tiêu dùng Trung Quốc cũng chẳng mấy ai quan tâm đến quyền riêng tư

Việc đầu tư ra nước ngoài cũng trở thành một phần sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, và việc này cũng do các tập đoàn công nghệ tư nhân thực hiện, với tham vọng toàn cầu của chính họ. Alibaba đầu tư mạnh mẽ vào Mỹ, nơi những công ty khởi nghiệp giàu tiềm năng như Snap, Lyft và Magic Leap. Năm ngoái, tập đoàn của tỉ phú Jack Ma đã bỏ ra một lúc 1 tỉ đô la để mua lại Lazada nhằm đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, trong khi công ty tài chính của tập đoàn là Ant Financial góp vốn vào PayTM ở Ấn Độ và những công ty công nghệ tài chính tại Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Đầu tháng 12 này, Alibaba công bố dự tính chi tiêu 15 tỉ đô la trong ba năm để thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại bảy thị trường quan trọng, bao gồm San Mateo, Bellevue ở Washington, Moscow ở Nga, Tel Aviv ở Israel và Singapore

Trong khi đó, Tencent đầu tư vào Snap, Tesla ở Mỹ, Hike Messenger ở Ấn Độ và năm 2016 đã bỏ ra 8,6 tỉ đô la để kiểm soát Supercell ở Phần Lan. Tại “chiến trường” Đông Nam Á, Tencent đã bỏ vốn vào Sea (Singapore) – chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee và Go-Jeck (Indonesia)

Nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến lúc đặt câu hỏi “liệu trong tương lai Trung Quốc có thống lĩnh nền công nghệ toàn cầu không?” Người ta có thể có nhiều cách trả lời nhưng tựu trung dựa trên một nguyên tắc xã hội quan trọng nhất, bền vững nhất là “không được bỏ lại bất cứ người nào ở phía sau”. Câu trả lời dù là “có” hay “không” thì để có thể nuôi sống nền công nghệ của mình, Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc vào những phát minh, những nguyên liệu và những sản phẩm công nghệ nhập khẩu, và với các cường quốc khác cũng vậy

Vấn đề là mỗi nền kinh tế, dù đã phát triển, đang phát triển hay kém phát triển, cần tìm cho mình một ưu thế, một chỗ đứng hợp lý trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Israel, quốc gia chỉ có 8,5 triệu dân lại là nước xuất khẩu công nghệ lớn nhất thế giới, qua mặt cả Nga. Nền công nghệ thế giới hy vọng ngày càng có thêm các siêu cường quốc để đóng góp nhiều hơn nữa vào tri thức và sự phát triển của nhân loại

Hoàng Việt - Minh Anh
 
Top