What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Alibaba ThinkTank

thinktank.vn

Administrator
Năm 2036, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới
Tại ngày hội nhà đầu tư hàng năm của Alibaba diễn ra vào tuần trước, Jack Ma đã vạch ra mục tiêu biến Alibaba trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2036, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản

Lãnh đạo một số tập đoàn trên thế giới đôi khi cũng hay đề cập đến cách công ty của họ vượt qua những rào cản của quốc gia. Tại Trung Quốc, các doanh nhân lại có xu hướng thận trọng khi đề cập về những rào cản từ phía chính phủ và tránh những luận điểm tương tự. Tuy nhiên, vào tuần trước, tỷ phú Jack Ma đã "phá lệ"

Tại ngày hội nhà đầu tư hàng năm của Alibaba, vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này đã vạch ra tầm nhìn dài hạn để biến công ty do chính ông sáng lập trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới cho vào năm 2036, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Điều đáng nói là hầu hết các doanh nhân ở Trung Quốc đều không dám so sánh như vậy

“Mọi người có thể cho rằng tham vọng này quá lớn. Nhưng tưởng tượng lớn một chút cũng không sao, phải không ?”, Jack Ma nói về tham vọng của Alibaba

Rất nhiều người không khỏi “nhún vai”, tỏ ý không hài lòng trước phát ngôn này của Jack Ma. Tuy nhiên, Jack Ma có lý của ông. Để minh chứng cho tham vọng này, ông đã dựa vào dự đoán về số lượng hàng hóa giao dịch trên những nền tảng của công ty và số lượng khách hàng tiềm năng

Theo đó, doanh thu năm 2016 của Alibaba đạt 23,5 tỷ USD - vẫn khá nhỏ so với con số 90 tỷ USD của Alphabet hay 136 tỷ USD của Amazon. Tuy nhiên, "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba theo Jack Ma mô tả "vẫn chỉ là một đứa trẻ" và còn rất nhiều tiềm năng để "trưởng thành"

Tại hàng Châu, trước hàng nghìn nhà đầu tư toàn cầu, Jack Ma tự tin cho rằng công ty của ông một ngày sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới thông qua việc phục vụ 2 tỷ người và giúp 10 triệu doanh nghiệp nhỏ buôn bán tự do trên các website nền tảng của công ty này

Nhiều năm qua, Jack Ma đã không ngần ngại xây dựng hình ảnh một doanh nhân có phần "nổi loạn" vượt ra ngoài bức tường "ưu ái" cho doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Trung Quốc, để nỗ lực thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp tư nhân và trở thành một tỷ phú đô la trong quá trình đó

Hiện tại, ngoài trụ sở chính ở Trung Quốc, Jack Ma đang nhanh chóng mở rộng thị trường của Alibaba ra các khu vực khác như châu Phi hay Đông Nam Á. Khi Chính phủ Trung Quốc đang tích cực xúc tiến thực hiện sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Jack Ma cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng Alibaba tại các khu vực này. Riêng năm ngoái, ông đã dành hơn 870 giờ ghé thăm 40 nước để gặp gỡ lãnh đạo nhiều quốc gia

Những hoạt động này của Jack Ma cũng là tiền đề giúp ông có thể đạt mục tiêu thu hút hàng tỷ khách hàng vào năm 2036. Theo tính toán của riêng Jack Ma, Trung Quốc sẽ chỉ có thể cung cấp 40% thị phần trong tham vọng của Alibaba, phần còn lại sẽ đến từ nước ngoài. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” sẽ giúp ông thiết lập nền tảng thương mại trên toàn cầu. Ngay cả lời hứa của ông với Tổng thống Donald Trump là tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ cũng là một phần của kế hoạch đó

Kiều Châu
 
Tại sao Alibaba sẽ là nền kinh tế số 5 thế giới
Hầu hết các tỷ phú công nghệ như Bill Gates (Microsoft), Steve Job (Apple), Larry Ellison (Oracle), Michael Dell (Dell), Jeff Bezos (Amazon), Larry Page (Google), Mark Zuckerberg (facebook)... đều là những người xuất phát từ công nghệ, giỏi kinh doanh, giỏi lãnh đạo

Riêng Jack Ma lại không nằm trong số đó, Jack Ma xuất phát từ giáo viên tiếng Anh, không biết phần mềm, không biết CNTT, không biết công nghệ, không biết tài chính. Thế mà Jack Ma lại là chủ của công ty về dịch vụ điện tử dùng CNTT làm nền tảng, có giá trị công ty lên đến 352 tỷ USD

Cách đây một tuần Jack Ma vừa có tuyên bố gây sốc: "20 năm nữa, Alibaba sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới". Để thấy hết ý nghĩa của câu nói, bạn hãy hình dung rằng: theo Jack Ma đến năm 2036, các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Alibaba, Anh (đã ra khỏi châu Âu), Ấn Độ...

Vậy thì điều đặc biệt gì đã giúp Jack Ma vượt qua các rào cản để trở thành tỷ phú giầu nhất châu Á, đứng thứ 14 trong số những tỷ phú giầu nhất thế giới, ông chủ của một công ty đang ngày càng lớn mạnh với sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, dám đặt khát vọng đưa công ty của mình trở thành một nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

Theo tôi yếu tố quan trọng nhất chính là Jack Ma có triết lý sống, triết lý kinh doanh, triết lý lãnh đạo xuất sắc, vượt trội, đi trước thời đại cộng với năng lực hành động kiên định, theo đuổi mục tiêu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc

Khi mà hầu hết mọi lãnh đạo chỉ nói về doanh số, lợi nhuận, tăng trưởng, văn hoá công ty, tinh thần đồng đội thì Jack Ma nói về "công ty hạnh phúc", "mỗi nhân viên thấy hạnh phúc khi làm việc ở Alibaba", "Alibaba không chỉ là một nơi làm việc, Alibaba còn là một giấc mơ, nơi khởi đầu cho những thành công mới"

Khi mà các tỷ phú khác chỉ mới nghĩ đến việc hiến một phần tài sản cho công việc từ thiện thì Jack Ma lại coi khi đã thành tỷ phú thì đấy không phải là tiền của mình nữa mà là tiền của xã hội uỷ thác cho mình để đầu tư, sinh lời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác

Sống trong một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, xã hội có rất nhiều vấn đề bất cập. Thay vì bức xúc, Jack Ma nhìn nhận vấn đề hết sức nhân văn: "Con người ta không có ai là hoàn hảo. Xã hội được xây dựng trên những con người không hoàn hảo, nên xã hội cũng không hoàn hảo". Vì vậy Jack Ma cho rằng "việc thay đổi thế giới là việc của Obama, còn chúng ta trước hết hãy tự thay đổi chính mình". Ngược lại rất nhiều người chỉ biết kêu ca, phàn nàn, oán trách, chỉ trích, mong muốn chính quyền, lãnh đạo các cấp, mọi người xung quanh thay đổi, còn mình thì không hề thay đổi. Vì thế mà họ kém thành công

Trước những tiêu cực của xã hội rất nhiều người thường xuyên kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách, nhưng Jack Ma nhận thức rất nhanh: "kêu ca, phàn nàn, than vãn, oán trách cũng chẳng ích gì cho bản thân", "tốt nhất là mỗi người tự làm tốt nhất công việc của mình thì xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn"

Về kinh doanh khi lập Alibaba, Jack Ma không chỉ nhìn thấy tương lai của thế giới là Internet, là thương mại điện tử, mà Jack Ma còn nhìn thấy như thế là chưa đủ với những nước kinh tế đang phát triển, với hệ thống vận chuyển, hệ thống thanh toán còn sơ khai. Jack Ma đã quyết định Alibaba phải giúp người mua, người bán vận chuyển hàng hoá, thanh toán tiền hàng. Chính vì vậy Jack Ma quyết định Alibaba không phải là công ty thương mại điện tử mà là công ty dịch vụ điện tử, nghĩa mô hình online kết hợp với offline (mua bán online, vận chuyển và thanh toán offline)

Thông điệp đơn giản, dễ hiểu: "mọi doanh nghiệp trên thế giới đều mua bán dễ dàng" đã định hướng cho toàn bộ hoạt động của Alibaba, từ lãnh đạo đến nhân viên; Định hướng cho tất cả các khách hàng, đối tác của Alibaba, dù là người mua hay người bán, dù doanh nghiệp vừa hay nhỏ

Nếu ai thấu hiểu những điều trên thì sẽ dễ dàng hiểu lý giải sau của Jack Ma: "Nếu một công ty có thể phục vụ được 2 tỷ người tiêu dùng, bằng 1/3 dân số thế giới. Nếu một công ty có thể tạo ra 100 triệu việc làm, có lẽ là lớn hơn tất cả những gì các chính phủ trên thế giới có thể làm. Nếu một công ty có thể hỗ trợ cho 10 triệu doanh nghiệp, giúp họ có lợi nhuận trên nền tảng của mình, thì nó xứng đáng được gọi là một nền kinh tế”

Phải mất 20 năm nữa chúng ta mới biết Alibaba có thực sự trở thành nền kinh tế lớn số 5 thế giới hay không, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta đã và đang được chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của Alibaba, không phải chỉ ở Trung Quốc, mà ở cả châu Á, châu Âu và châu Phi cũng như chứng kiến một con người có sức mạnh kỳ diệu, chỉ cao có 1m52 lại đủ sức nâng bổng dăm chục nghìn nhân viên và 450 triệu khách hàng của mình

Đỗ Cao Bảo
 
Alibaba tạo hơn 40 triệu việc làm ở Trung Quốc trong năm 2018
Báo cáo do Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) công bố ngày 26/3 cho biết tập đoàn thương mại điện từ Alibaba của Trung Quốc đã tạo ra 40,82 triệu việc làm trong năm 2018

sourcing-from-alibaba.jpg

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Tập đoàn thương mại điện từ khổng lồ Alibaba của nước này đã tạo ra 40,82 triệu việc làm trong năm 2018

Báo cáo do Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) công bố ngày 26/3 cho biết các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này, trong đó gồm cả Taobao, đã cung cấp khoảng 15,58 triệu việc làm cho các nhà bán lẻ trực tuyến trong năm 2018, đồng thời cũng hỗ trợ tạo ra khoảng 25,24 triệu việc làm trong các khu vực đầu nguồn và hạ nguồn của dịch vụ bán lẻ trực tuyến

Viện trưởng Học viện Lao động và Nhân sự thuộc RUC, ông Dương Vĩ Quốc (Yang Weiguo) cho biết các nền tảng thương mại điện tử, trong đó gồm cả Alibaba, đang đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy việc làm

Ông cho rằng các hình thức việc làm mới - là kết quả tất yếu từ sự phát triển của nền kinh tế số - đã cho những người làm công nhiều sự lựa chọn hơn

Tháng 1/2019, Bộ nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc đã công bố kế hoạch bổ sung 15 vai trò việc làm mới, trong đó gồm cả chức danh quản lý kỹ thuật số

Dự kiến, số lượng các nhà quản lý kỹ thuật số đã đăng ký sẽ đạt một triệu vào cuối tháng 3 này

Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra rằng Taobao đang trở nên dần phổ biến như một nền tảng để tiến hành khởi nghiệp

Lương Tuấn
 
Alibaba đầu tư 28 tỷ USD vào dịch vụ đám mây do Covid-19

Trong một tuyên bố, Tập đoàn cho biết sẽ dành số tiền này cho việc phát triển hệ thống bán dẫn và hệ điều hành cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu của mình

Trong khi hầu hết các nhân viên nhà nước của Trung Quốc làm việc tại nhà suốt tháng 2 vừa qua thì Alibaba đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng phần mềm của họ, đáng chú ý nhất là DingTalk, một ứng dụng trò chuyện tại nơi làm việc được sử dụng bởi cả doanh nghiệp và trường học

Chủ tịch của Alibaba Cloud Intelligence - Jeff Zhang cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế nói chung trên toàn ngành công nghiệp và công ty hy vọng khoản đầu tư này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc quá trình phục hồi

Bộ phận đám mây của Alibaba là một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất. Doanh thu quý 4/2019 tăng 62% lên 10,7 tỷ Nhân dân tệ, lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ Nhân dân tệ trong một quý

Theo công ty nghiên cứu Canalys cho biết, Alibaba thống trị thị trường đám mây Trung Quốc trong quý 4/2019 với 46,4% thị phần, trong khi đó Tencent Cloud và Baidu Cloud đã thấy nhu cầu cho các sản phẩm của họ tăng đột biến, lần lượt chiếm 18% và 8,8% thị phần

Trong quý đầu tiên của năm 2020, bộ phận đám mây của Alibaba cũng đã hỗ trợ chính quyền thành phố Hàng Châu trong việc tạo ra và đưa ra một hệ thống theo dõi sức khỏe kỹ thuật số nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm của Covid-19 với các mã màu đỏ, vàng và xanh lục. Hệ thống này sau đó đã được triển khai trên toàn quốc
 
“Cậu IT” sở hữu số tài sản hơn 400 triệu USD chỉ nhờ viết code

Nói đến nghề lập trình viên, không ít người có ấn tượng rằng họ là những gã hay mặc áo kẻ sọc, tay xách ba lô, đầu tóc bù xù, không biết xã giao, chỉ biết viết mã. Hơn nữa, nhóm người này thường làm việc khuya và suốt ngày làm thêm giờ, chắt chiu cuộc sống để đổi lấy mức lương cao, nên hầu hết không được lòng mọi người

Nhưng tất nhiên trong giới lập trình viên cũng có những ngoại lệ. Nhiều gã khổng lồ Internet được tạo ra từ các lập trình viên, chẳng hạn như Lôi Quân của Xiaomi, Steve Jobs của Apple, hay Bill Gates… Đất nước tỷ dân Trung Quốc cũng có một "cậu IT" như vậy, người chỉ nhờ vào tài năng viết mã mà hiện có giá trị tài sản ròng lên tới hơn 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD

Anh ấy là Cai Jingxian, lập trình viên "cấp thần" của Alibaba, có biệt danh "Duolong", người một tay gây dựng nên nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Taobao


Cai Jingxian

Cai Jingxian sinh năm 1976, trong một gia đình nông dân ở tỉnh Chiết Giang. Ngay từ thuở nhỏ, tính cách của anh đã rất nhút nhát, bị giáo viên nhận xét là gần như vô hình trong lớp. Anh gặp nhiều khó khăn với các môn học ngôn ngữ, nhưng lại thể hiện tài năng đặc biệt trong môn toán

Năm 1994, Cai được nhận vào Đại học Hàng Châu, ban đầu muốn đăng ký học chuyên ngành máy tính, nhưng sau đó bị chuyển sang học chuyên ngành khoa học sinh học. Nhưng điều này không cản trở tình yêu của anh với công nghệ và máy tính. Trong suốt 4 năm đại học, anh dành phần lớn thời gian trong thư viện, trong phòng máy tính và thậm chí vì tò mò nên từng đến tháo máy tính ở văn phòng giáo viên thành từng phần để xem linh kiện bên trong. Sau khi bị la mắng, anh đã ngoan ngoãn lắp nó trở lại bình thường

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh nhận được lời đề nghị từ một công ty ở Nhật Bản, nhưng cuối cùng từ chối để chọn vào đầu quân cho tập đoàn Alibaba, khi đó vẫn còn vô cùng non trẻ


Cai Jingxian, thứ ba từ trái sang, một trong những người đầu tiên gây dựng nền móng cho Alibaba

Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003, khi eBay gián tiếp thâm nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của Alibaba

Ngày 9/4/2003, CEO Jack Ma gọi Cai Jingxian đến văn phòng và giao cho anh ta một bản hợp đồng mới. Ông hỏi: "Cậu có muốn tham gia vào một dự án bí mật không?"

Cai không thể đọc hiểu bản hợp đồng vì nó được viết bằng tiếng Anh. Anh hỏi thẳng: "Nó vẫn là viết code phải không?"

Jack Ma đáp: "Đúng, là viết code"

Dường như chỉ chờ câu khẳng định của ông chủ, Cai Jingxian đã không cần đọc hợp đồng mà đồng ý tham gia ngay vào việc phát triển dự án mới một cách không do dự. Lúc đó, anh không hề biết rằng dự án mà mình sắp tham gia có tên là Taobao, thứ sau đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh, cũng như cách sống của vô số người dân Trung Quốc

Cùng với hai lập trình viên khác, trong vòng một tháng, anh đã xây dựng hoàn thiện một trang web tên là "Taobao", bao gồm tất cả các hệ thống giao dịch và hệ thống diễn đàn. Sau khi chính thức ra mắt, với sự gia tăng liên tục của lượng truy cập và nhiều vấn đề bất ngờ khác, việc bảo trì các công cụ tìm kiếm đã trở thành công việc hàng ngày của anh

Tại thời điểm này, lợi thế về lập trình của Cai đã từng bước được thể hiện. Từ năm 2003 đến năm 2007, anh đã một mình xây dựng và duy trì công cụ tìm kiếm Taobao. Bên cạnh đó, anh cũng đảm nhiệm việc duy trì hệ thống tệp tfs, hệ thống khóa giá trị, bộ nhớ cache, khung giao tiếp...

Nhờ những nỗ lực của đội do Cai Jingxian dẫn đầu, thị phần của Taobao đã tăng từ 8% lên 59% trong hai năm kể từ khi ra mắt vào năm 2003, vượt qua eBay Trung Quốc, khiến nó giảm mạnh thị phần từ 79% xuống 36%. Thành công đó đã đặt nền móng vững chắc cho việc niêm yết của Alibaba lên sàn chứng khoán năm 2014

Trước ngày công ty niêm yết, trong bản cáo bạch cuối cùng của Alibaba, công ty đã thêm vào ba "đối tác" mới, một trong số đó là Cai Jingxian. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép anh nắm giữ một số lượng lớn cổ phần của công ty, thậm chí có quyền tham gia bỏ phiếu để xác định ứng cử viên cho ban giám đốc. Nên biết rằng ở hiện tại, Alibaba có hàng trăm nghìn nhân viên nhưng chỉ có không quá 40 đối tác. Và không giống như các giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp khác của công ty, Cai là người duy nhất trở thành đối tác với tư cách là lập trình viên cấp cao

Năm 2017, anh lọt vào danh sách những tỷ phú của Tạp chí Hurun Report với giá trị tài sản 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 400 triệu USD


Theo các nhân sự trong ngành chia sẻ, các đoạn mã do Cai viết ra hầu như không cần phải thử nghiệm. Đó cũng là một trong các lý do khiến anh được mệnh danh là "lập trình viên cấp thần" của công ty

Shu Du, tổng giám đốc Alibaba Video Cloud, từng kể một câu chuyện về anh như sau: "Một lần, nhóm của chúng tôi phải giải quyết một vấn đề kỳ lạ là máy chủ bị sập mà không có lý do. Chúng tôi mất ba ngày nhưng không tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, tôi đã đến hỏi Cai. Tôi thấy anh ấy liếc nhìn nó khoảng 3 phút và sau đó đưa ra đáp án cho vấn đề. Chúng tôi hoàn toàn đứng hình khi thấy nó"

Theo Shudu, trước năm 2009, Alibaba không có một nhóm riêng nào chịu trách nhiệm để giải quyết các lỗi kỹ thuật. Thường vào nửa đêm, Cai bị gọi dậy để giải quyết và khắc phục sự cố. Thậm chí khi được đồng nghiệp nhờ, anh vẫn luôn cáng đáng hộ mà không hề từ chối

"Cai là một người kì lạ, luôn ngồi một góc để giải quyết vấn đề khó khăn của người khác. Anh ấy ngồi trước máy tính ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, liên tục bận rộn với Taobao và những dự án khác của Alibaba", Xingdian, giám đốc công nghệ của Alibaba kể lại. "Anh ấy thậm chí có thể giải quyết một số vấn đề kỳ lạ của người khác một cách nhanh chóng, ngay cả khi chưa bao giờ đụng đến"

Một đồng nghiệp của Cai cũng từng chia sẻ: "Anh ấy làm những việc một mình nhưng tương đương với cả một đội. Ví dụ như viết một hệ thống tệp, công việc đòi hỏi lượng lớn nhân sự, có khả năng là một nhóm dự án, hoặc thậm chí toàn bộ công ty. Nhưng anh ấy tự làm một mình từ đầu đến cuối. Nó đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Và thậm chí đó không phải là tất cả công việc của anh ấy, bởi anh ấy còn làm nhiều việc khác cùng lúc"

Nhưng với Cai, quan điểm của anh lại đơn giản hơn nhiều

Anh nói: "Không có cái gọi là thần thánh ở đây. Mọi thứ thực sự bắt đầu từ việc thực hiện các dự án. Khi mới bắt đầu, tôi thực sự không hiểu gì cả. Ví dụ, khi tôi tham gia Alibaba năm 2000, tôi thậm chí còn không hiểu gì về Java. Khi bạn gặp một vấn đề trong công việc, hãy tìm kiếm thông tin, sau đó tìm hiểu và hiểu nó. Chỉ cần bạn sẵn sàng bỏ thời gian và công sức thì tự nhiên bạn sẽ làm được"

"Cuối tuần mình cho con đi chơi Cung thiếu nhi, trong lúc chờ thì cầm máy tính xem tài liệu hay viết code. Nhiều trường hợp thực sự không có đường tắt, chỉ phụ thuộc vào bạn có chịu dành thời gian hay không thôi",
anh chia sẻ thêm

"Hãy học cách tóm tắt. Ví dụ, nếu bạn thường làm một số công việc lặp đi lặp lại, bạn có thể tạo một công cụ để giải phóng bản thân khỏi công việc lặp đi lặp lại này. Tìm ra vấn đề, giải quyết chúng và không bỏ qua chính vấn đề đó. Các kỹ sư phải cố gắng để đạt được sự xuất sắc trong viết mã, cho dù đó là hiệu suất, hay sự đơn giản và sang trọng, họ phải cẩn thận đánh bóng công việc của chính mình"


Cai Jingxian không giỏi ăn nói, không giỏi ngoại giao, không chơi mạng xã hội. Nhìn chung, mọi người rất khó để nhìn thấy anh ở nơi công cộng

Có một khu vườn nhỏ trong khuôn viên của Alibaba, nơi các nhân viên sẽ đi dạo vào thời gian rảnh. Nhưng Cai hầu như không bao giờ đến đó. Mỗi ngày, anh đều chỉ tới quán cà phê gần công ty nhất để ăn sáng, sau đó trở về chỗ ngồi và gõ máy tính

Anh được mọi người nhận diện với mái tóc đầu đinh và chiếc túi đựng máy tính đeo vai màu đen, trông giống như một sinh viên đại học. Bàn làm việc của anh thậm chí còn đơn giản hơn, với một cuốn sổ, điện thoại di động, và một chiếc cốc giữ nhiệt được tặng trong một sự kiện của công ty

Năm 2010, một cuộc thi bóng bàn được tổ chức trong nội bộ nhân viên. Trận chung kết được diễn ra tại khu giải trí, chỉ cách chỗ Cai ngồi khoảng 20m. Tất cả mọi người đều bị thu hút quanh bàn bóng, chỉ có anh dường như vẫn bị mắc kẹt trên ghế làm việc trong toàn bộ thời gian này

Có lẽ thành công của Cai Jingxian là do anh đã chọn đúng ngành và đi theo đúng người. Nhưng, lý do cơ bản nhất chính là tình yêu của anh với lập trình. Còn trong mắt cộng sự, tài năng của Cai ngoài thiên phú thì chính là đến từ việc học tập và làm việc chăm chỉ, giống như câu nói huyền thoại của Lý Tiểu Long: "Ta không sợ người luyện 10.000 chiêu, ta chỉ sợ người luyện một chiêu 10.000 lần"
 
Alibaba 'trả lại xã hội' 15 tỷ USD

Bị chỉ trích kiếm quá nhiều tiền, Alibaba trả lại xã hội 100 tỉ NDT - Ảnh 1.
Văn phòng của tập đoàn Alibaba tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Theo báo South China Morning Post (SCMP), đây là khoản đóng góp lớn nhất của một doanh nghiệp nhằm đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hồi tháng trước, trong cuộc họp do ông Tập chủ trì, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cam kết điều chỉnh các thu nhập quá mức, ngăn chặn thu nhập bất hợp pháp và thúc giục các cá nhân và doanh nghiệp giàu có "trả lại cho xã hội"

Số tiền 100 tỉ nhân dân tệ (khoảng 15,5 tỉ USD) do Alibaba đóng góp sẽ được giải ngân trước năm 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy phát triển các vùng nông thôn và cải thiện phúc lợi cho người lao động như nhân viên giao hàng, tài xế...

Alibaba cũng sẽ thành lập quỹ "phát triển thịnh vượng chung" trị giá 20 tỉ USD trích từ 100 tỉ nhân dân tệ nêu trên

Ông Li Chengdong, một chuyên gia về thương mại điện tử, tin rằng việc Alibaba đóng góp khoản tiền lớn như vậy là do công ty này đang đối mặt với nhiều áp lực pháp lý và chỉ trích

Alibaba và nhà sáng lập công ty này, tỉ phú Jack Ma nằm trong số những doanh nghiệp, doanh nhân giàu nhất Trung Quốc

Mối quan hệ giữa tập đoàn này với các chính trị gia đã bị đặt vào tầm ngắm sau khi Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng bị điều tra

Thành phố Hàng Châu là nơi đặt trụ sở của Alibaba và Ant Group, một công ty tài chính cũng do Jack Ma sáng lập. Hàng Châu còn là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập từng làm lãnh đạo và đang triển khai kế hoạch thí điểm đạt được sự thịnh vượng chung cho toàn Trung Quốc

"Đã có những chỉ trích là các công ty Internet như Alibaba kiếm được quá nhiều tiền. Số tiền 100 tỉ nhân dân tệ này là thông điệp không chỉ cho chính phủ mà còn cho công chúng", ông Li nêu quan điểm với SCMP - một tờ báo thuộc Alibaba

Tencent, nhà phát hành game online lớn nhất thế giới, hồi tháng trước đã cam kết đóng góp 7,7 tỉ USD cho mục tiêu "thịnh vượng chung". Các nền tảng khác như Pinduoduo và Meituan cũng cam kết trả lại cho xã hội nhiều hơn

Theo giới quan sát, việc các công ty công nghệ mở hầu bao là điều dễ hiểu trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang đặt họ vào tầm ngắm

Tháng 4 năm nay, Alibaba bị phạt số tiền kỷ lục 2,8 tỉ nhân dân tệ sau cuộc điều tra chống độc quyền quy mô lớn tại Trung Quốc. Tencent cũng chịu các áp lực phải kiểm soát người chơi game online và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng
 
Vốn hóa Alibaba bay hơi gần 500 tỷ USD vì đòn trừng phạt của Bắc Kinh

Sau bài phát biểu gây tranh cãi của tỷ phú Jack Ma, vốn hóa của Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc - lao dốc gần 500 tỷ USD

Theo Bloomberg, kể từ khi Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính của tỷ phú Jack Ma - bị các cơ quan quản lý yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), vốn hóa của Alibaba giảm hơn một nửa

Cuối tháng 10/2020, vốn hóa của Alibaba đạt 6.600 tỷ HKD (tương đương 836 tỷ USD). Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử chỉ còn 358 tỷ USD, tức giảm gần 500 tỷ USD

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của Alibaba cũng được giao dịch ở mức thấp nhất. ADR là chứng chỉ có thể thương lượng, được phát hành bởi một ngân hàng lưu ký của Mỹ, đại diện cho một số lượng cổ phiếu nhất định ở những công ty nước ngoài


Von hoa Alibaba anh 3

Alibaba gặp hàng loạt rắc rối sau bài phát biểu gây tranh cãi của nhà sáng lập Jack Ma

Hầu hết công ty Internet lớn của Trung Quốc như Alibaba đều sử dụng mô hình VIE. Tuy nhiên, VIE đã trở thành mối đe dọa đối với Bắc Kinh khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc và kiểm soát khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ

Alibaba thành lập Alibaba Group Holding như một công ty vỏ bọc có trụ sở tại Caymans để niêm yết cổ phiếu ở New York

Công ty holding này đã thành lập các công ty con thuộc sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó ký kết những thỏa thuận kiểm soát theo hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý hoạt động bán lẻ điện tử và những hoạt động khác của Alibaba, cũng như các cổ đông của họ. Những thỏa thuận trên biến các công ty thành những VIE

Các hợp đồng cũng cung cấp cho công ty holding có trụ sở tại Caymans quyền kiểm soát những doanh nghiệp đang hoạt động và cho phép lợi nhuận của họ chảy vào đó

Ngoài ra, theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc cũng có thể áp "thuế dữ liệu" đối với các nhà phát triển nền tảng, bao gồm những gã khổng lồ Internet của đất nước tỷ dân. Đó là một khía cạnh trong chiến dịch "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình
 
Alibaba có đợt cải tổ lớn nhất hơn 20 năm

avatar1680000432720-16800004334771207019276.png

Theo Bloomberg, mỗi bộ phận của Alibaba sẽ thực hiện các đợt huy động vốn riêng và tìm hiểu về khả năng IPO

Bloomberg đưa tin, Alibaba Group Holding Ltd. đang có kế hoạch chia tách đế chế 220 tỷ USD của mình thành 6 bộ phận. Theo đó, mỗi bộ phận sẽ thực hiện các đợt huy động vốn riêng và tìm hiểu về khả năng IPO. Đây là cuộc cải tổ lớn nhất của doanh nghiệp TMĐT hàng đầu Trung Quốc kể từ khi thành lập cách đây hơn 2 thập kỷ

Động thái này sẽ cho phép các bộ phận chính của Alibaba, từ TMĐT, truyền thông cho đến dịch vụ đám mây có quyền tự chủ cao hơn theo đó tạo nền tảng cho các công ty con và các đợt niêm yết trong tương lai. Sau thông báo này, cổ phiếu của Alibaba tăng 4% trong phiên trước giờ giao dịch ở New York

Việc chuyển đổi sang một công ty cổ phần theo cấu trúc là rất hiếm đối với một công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc. Quyết định của Alibaba đánh dấu sự khác biệt lớn so với cách kinh doanh thông thường của họ là quản lý toàn bộ các bộ phận “dưới trướng” của một công ty. Alibaba từ trước đến nay vẫn điều hành mọi lĩnh vực từ siêu thị đến trung tâm dữ liệu

Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Alibaba sẵn sàng tiếp cận các nhà đầu tư và khai thác tiềm năng của thị trường đại chúng, sau khi đợt siết chặt quy định khiến họ mất hơn 500 tỷ USD vốn hoá

Steven Leung - giám đốc điều hành của UOB Kay Hian, cho hay: “Thông tin này được đưa ra sau lời cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân của Bắc Kinh. Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, Trung Quốc cần hỗ trợ các doanh nghiệp như Alibaba”

Ngoài ra, thông báo của Alibaba cũng trùng với thời điểm nhà đồng sáng lập Jack Ma quay trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm ở nước ngoài

CEO Daniel Zhang sẽ lãnh đạo bộ phận dịch vụ đám mây, cho thấy vai trò ngày càng lớn của công nghệ AI trong các hoạt động kinh doanh của công ty TMĐT hàng đầu Trung Quốc về lâu dài

Trong khi đó, cựu giám đốc mảng bán lẻ quốc tế Jiang Fan sẽ phụ trách bộ phận kinh doanh kỹ thuật số. Giám đốc điều hành lâu năm Trudy Dai đảm nhận bộ phận mua sắm trực tuyến chính của Alibaba là Taobao, Tmall. Các bộ phận khác bao gồm: dịch vụ ở các địa phương như giao đồ ăn, logistics và phương tiện kỹ thuật số, giải trí

Dù đã phát triển hơn 10 mảng kinh doanh, Alibaba mới đây đã tái khẳng định việc họ cam kết cắt giảm chi phí để thúc đẩy lợi nhuận. Đây là sự thay đổi thận trọng đối với một tập đoàn công nghệ từng mạnh tay chi tiêu nhằm đứng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh

Trong 2 năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với các gã khổng lồ công nghệ của nước này, buộc họ phải có những thay đổi cơ bản trong mô hình kinh doanh. Công ty tiên phong trong lĩnh vực TMĐT - Alibaba, cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ đối thủ JD.com, hay các công ty mới nổi như PDD Holdings và ByteDance

CEO Zhang cho biết trong một thông báo: “Với 24 năm hoạt động, Alibaba đang chào đón một cơ hội mới để phát triển. Việc tiếp cận thị trường chính là phép thử tốt nhất và mỗi bộ phận kinh doanh của chúng tôi có thể thực hiện các đợt huy động vốn, IPO độc lập khi đã sẵn sàng”
 
Chủ tịch mới của Alibaba là ai

Ông Joseph Tsai từng là cánh tay phải của tỷ phú Jack Ma nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, tài chính. Ông cũng được nhận xét khôn khéo hơn nhiều ông Ma


1x_1_1_.jpg

Ông Joseph Tsai và tỷ phú Jack Ma

Bloomberg đưa tin Alibaba Group Holding vừa công bố chủ tịch và giám đốc điều hành mới, thay thế ông Daniel Zhang. Theo đó, ông Joseph Tsai - người từng giữ vị trí Phó chủ tịch điều hành tập đoàn - sẽ trở thành Chủ tịch

Ông Tsai là một trong những người cùng tỷ phú Jack Ma sáng lập Alibaba vào năm 1999

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc thay đổi đáng kể trong hơn 2 năm qua, sau khi tỷ phú Jack Ma - doanh nhân từng nổi tiếng nhất Trung Quốc - công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng của nước này. Ông Ma giờ hiếm khi xuất hiện trước công chúng và đã dần từ bỏ quyền lực tại các đế chế kinh doanh của mình

Trong khi đó, nói với New York Post, ông Peter Navarro - tác giả cuốn Death By China: Confronting the Dragon - từng khẳng định ông Tsai "rất khôn ngoan, thậm chí còn hơn của ông Ma"

Ông cho rằng ông Tsai đã nhận ra nhiều điều mà ông Ma không thể

Cánh tay phải của Jack Ma

Ông Tsai sinh ra ở Đài Loan, được học tập tại Mỹ, hiện đã lấy quốc tịch Hong Kong và Canada. Vào thời điểm chính quyền Bắc Kinh siết chặt gọng kìm với các công ty công nghệ Trung Quốc, ông tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách mua bất động sản ở nước ngoài

Theo nguồn tin của New York Post, ông Tsai sống tại Hong Kong và thường xuyên đến thăm vợ và 3 con ở Mỹ. Ông gặp vợ, bà Clara vào năm 1993 khi còn đang làm việc tại công ty luật Sullivan & Cromwell

Thời điểm đó, bà Clara giữ vị trí quản lý cấp cao kiêm phó chủ tịch tại American Express. "Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp trường luật là ở New York. Tôi cũng gặp vợ tôi tại đây. Nên với tôi, New York là quê hương thứ hai", ông Tsai chia sẻ hồi năm 2019

Đến năm 1999, cả hai chuyển đến Hong Kong. Tại đây, ông Tsai điều hành một công ty cổ phần tư nhân với mức lương 700.000 USD/năm. Năm đó, một người bạn đã kết nối ông Tsai với ông Ma - một giáo viên về hưu đang ấp ủ ý tưởng đưa hàng trăm công ty Trung Quốc lên Internet, để họ có thể bán các sản phẩm ra thế giới

Quá ấn tượng với tầm nhìn của ông Ma, ông Tsai nhanh chóng rời bỏ công việc đang làm. Ông thậm chí còn chấp nhận mức lương chỉ 50 USD/tháng từ ông Ma vào cuộc gặp đầu tiên của họ

Nhưng dĩ nhiên, cả hai không thể nhanh chóng hòa hợp với nhau. Theo truyền thông, ông Tsai đã gặp ông Ma nhiều lần nhưng phải đến khi ông dẫn theo vợ mình, hai bên mới đạt được thỏa thuận

chu tich Alibaba anh 1

Ông Tsai được cho là khôn ngoan hơn ông Ma

Một số nguồn tin cho biết bà Clara được coi là "tài sản quý giá" của ông Tsai. Bà đã nhận bằng cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế và bằng thạc sĩ về nghiên cứu chính sách quốc tế từ Stanford. Bà Clara còn có bằng MBA của Harvard

"Ông Joe Tsai rất tài giỏi, nhưng vợ ông ấy luôn là người thông minh nhất trong một nhóm", một người từng làm việc cùng cặp đôi tiết lộ

Trong thời gian đồng hành cùng nhau, ông Tsai được coi là cánh tay phải của ông Ma. Ông chỉ đạo gần như mọi cuộc đàm phán huy động vốn thời kỳ đầu, và giữ vai trò quan trọng trong hàng chục thương vụ mua bán và sáp nhập của Alibaba, trong đó có thương vụ mua lại cổ phần của Alibaba từ Yahoo hồi năm 2012

Theo Bloomberg, tỷ phú Jack Ma từng thừa nhận rằng ông chẳng biết gì về công nghệ hay các thương vụ, và gần như phải dựa hoàn toàn vào ông Tsai. Ngay vào thời điểm sáng lập Alibaba, ông Tsai cũng là người duy nhất từng học tập tại phương Tây, hiểu về tài chính và luật pháp

Theo dữ liệu của Forbes, ông Tsai đang nắm giữ khối tài sản trị giá 7,6 tỷ USD, giảm đáng kể từ mức 11,6 tỷ USD hồi năm 2021

Diện mạo mới của Alibaba

Số phận của Alibaba đã thay đổi hoàn toàn kể từ cuối năm 2020. Tại hội nghị cấp cao tháng 10 năm đó, tỷ phú Jack Ma chỉ trích dữ dội hệ thống tài chính Trung Quốc và gọi các ngân hàng là "tiệm cầm đồ", bởi nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao để đánh giá rủi ro tín dụng

"Sự đổi mới không sợ quy định, mà sợ quy định lỗi thời", người đồng sáng lập Alibaba nhấn mạnh. Ông cho rằng Trung Quốc không nên "quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua"

Theo sau đó là một loạt rắc rối. Tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group bị hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và bị buộc cải tổ. Alibaba chịu mức phạt kỷ lục, còn tỷ phú Ma gần như biến mất khỏi công chúng

Mới đây, Alibaba đã công bố kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc này là chia tách đế chế trị giá 220 tỷ USD thành 6 công ty phụ trách các mảng kinh doanh riêng biệt, bao gồm thương mại điện tử, truyền thông và đám mây...

Trong đó, mỗi đơn vị sẽ lên kế hoạch huy động vốn hoặc IPO vào thời điểm thích hợp

Trở lại với chủ tịch mới của Alibaba, một số chuyên gia chỉ ra ông Tsai luôn biết cách xuôi theo dòng nước

"Thành thật mà nói, ông Tsai khôn ngoan hơn Jack Ma rất nhiều. Ông ủng hộ các chính sách của chính phủ Trung Quốc và hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với chính phủ", ông Craig Singleton, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ, bình luận

"Ông ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc song hành cùng Bắc Kinh", vị chuyên gia nói thêm
 
Top