thinktank.vn
Administrator
Lobby – Ngành công nghiệp tỷ USD
Hơn ai hết, những công ty hoạt động ở Hoa Kỳ và châu Âu rất am hiểu sức mạnh của lobby. Họ biết rõ lobby có thể khiến công việc kinh doanh của công ty được thuận buồm xuôi gió
Thậm chí, nếu doanh nghiệp “lỡ” dính vào một rắc rối pháp lý, lobby có thể khiến “việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không”. Sự thật này khiến ngành công nghiệp lobby thu về hàng chục tỷ USD mỗi năm
“Nuôi” chàng từ thuở hàn vi
Trong loạt hồ sơ “Những cuộc chiến thương hiệu dai dẳng” đăng trên ĐTTC mới đây, chúng ta biết rằng Pepsi ra đời sau Coca Cola những 13 năm. Và trong khi Coca không ngừng vươn ra toàn cầu thì Pepsi 2 lần phá sản. Nhưng đến thời điểm hiện nay có thể Pepsi và Coca không chênh lệch nhiều
Ngoài những nguyên nhân như cải tiến công thức, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng… còn một nguyên nhân quan trọng khác cho sự thành công của Pepsi: lobby
Nhân vật quan trọng nhất trong chiến dịch lobby của Pepsi là Tổng thống Hoa Kỳ đời thứ 37 Richard Nixon. Dĩ nhiên, Pepsi tạo dựng quan hệ với Nixon từ khi ông chưa trở thành ông chủ Nhà Trắng. Nhờ mối quan hệ này, Pepsi đã “một bước lên mây” khi Nixon và Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev cụng ly Pepsi để chụp ảnh lên báo ở hội chợ Matxcơva năm 1959
Và chữ ký đầu tiên của Nixon khi trở thành tổng thống là... chỉ thị gỡ bỏ hết máy tự động bán Coca trong dinh tổng thống, thay vào đó là Pepsi
Dĩ nhiên, Coca cũng không đứng yên để chịu “ức hiếp”. Hãng này cũng tìm đến một nhân vật “máu mặt” để lobby, đó là ông Jimmy Carter. Sau khi Carter lên làm tổng thống, ông cũng làm điều tương tự: chỉ thị gỡ bỏ hết máy bán Pepsi trong dinh tổng thống và thay bằng Coca
Cho đến nay, Coca, Pepsi và các doanh nghiệp đồ uống khác vẫn chi đậm cho hoạt động lobby. Năm 2009, ngành này chi tổng cộng 60 triệu USD cho lobby. Dĩ nhiên, Coca và Pepsi luôn dẫn đầu. Năm 2009, Coca chi khoảng 9,4 triệu USD cho hoạt động lobby, tăng vọt từ 2,5 triệu USD năm 2008. Pepsi cũng không chịu kém cạnh, tăng chi phí lobby từ 1,2 triệu USD năm 2008 lên đúng bằng 9,4 triệu USD năm 2009
10 năm giành hợp đồng
Năm 2010, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã gạt Airbus ra để ký với Boeing hợp đồng mua máy bay tiếp liệu trị giá 35 tỷ USD. Một số người cho rằng kết quả này là đương nhiên, vì Boeing là công ty Hoa Kỳ, trong khi Airbus là công ty châu Âu. Tuy nhiên, miếng ngon không rơi từ trên trời xuống
Để có được hợp đồng này, Boeing đã phải chạy đua với Airbus suốt hơn 10 năm, từ khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có kế hoạch nâng cấp hệ thống máy bay tiếp liệu. “Mặt trận” chính trong cuộc chạy đua giữa 2 đại gia này không phải là công nghệ, giá cả, mà là lobby
Chỉ trong năm 2008, 2 nhà sản xuất máy bay này đã chi tổng cộng trên 100 triệu USD cho lobby, trong đó Boeing 52 triệu USD và Airbus 47 triệu USD. Boeing cũng trội hơn Airbus khi lôi kéo được Hiệp hội Nhân công và Kỹ thuật viên Hàng không Quốc tế (IMAWA) đứng về phía mình trong cuộc chiến này
Không rõ Boeing đã chi cho IMAWA bao nhiêu, chỉ biết IMAWA đã “nhả” ra 5 triệu USD để lobby cho Boeing. Trên phương diện “lobby công chúng”, mà cụ thể là các chiến dịch PR, Boeing cũng chi đậm hơn Airbus, khi bỏ 5 triệu USD cho các hoạt động PR ở thủ đô Washington, trong khi Airbus chi 1,7 triệu USD
Boeing cũng trội hơn về “gà” lobby. EADS (công ty mẹ của Airbus) thuê cựu lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Trent Lott và cựu Nghị sĩ John Breaux làm lobby, trong khi Boeing thuê cựu lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Dick Gephardt và phu nhân của cựu lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Tom Daschle, bà Linda Daschle
Dầu tràn vẫn an nhàn
Khi hàng triệu thùng dầu bắt đầu loang trên vịnh Mexico vào tháng 4-2010, các nhà làm luật đảng Dân chủ bắt đầu bàn bạc về số tiền mà công ty gây ra sự cố tràn dầu phải đóng phạt. Theo quy định của Hoa Kỳ, các công ty dầu mỏ phải đóng tiền vào Quỹ Nghĩa vụ dầu tràn (OSLTF) để giúp khắc phục những vụ tràn dầu lớn
Nhưng theo Đạo luật Ô nhiễm dầu (Oil Pollution Act of 1990), một công ty chỉ phải đóng tối đa 75 triệu USD. Tuy nhiên, chính quyền liên bang cho rằng con số đó đã lỗi thời, nên nâng lên 1 tỷ USD
Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra rằng thiệt hại của vụ dầu tràn ở vịnh Mexico vượt xa con số đó, nên một nhóm các nghị sĩ, dẫn đầu là Robert Menendez, đã cố gắng thay đổi luật với đề xuất nâng mức trần từ 75 triệu USD lên 10 tỷ USD. Đề xuất này được phần lớn công chúng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng vấp phải sự phản đối của đa số nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ ở các bang có dầu mỏ
Ở giữa sự giằng co, các nhà lobby đã ra tay. Năm 2011, BP chi 8,43 triệu USD, tăng vọt so với 1 triệu USD chi cho lobby năm 2010 để các nhà làm luật “thấy” rằng thảm họa tràn dầu không phải xuất phát từ nguyên do chủ quan của công ty. BP đã thuê một trong những công ty lobby danh giá nhất là K Street
Họ trả cho The Duberstein Group 400.000 USD để lobby các nhà điều tra vụ tràn dầu; chi 90.000 USD cho Stuntz, Davis & Staffier để giúp vận động Quốc hội điều chỉnh Đạo luật “Offshore Moratorium”; chi 320.000 USD cho The Podesta Group để vận động các nhà làm luật cho phép công ty khai thác trở lại ở vịnh Mexico...
Không chỉ giúp giảm nhẹ các hình phạt, những đồng tiền lobby còn giúp BP giành được lợi lớn trong việc đấu thầu những giếng dầu và khí đốt ở vịnh Mexico khi chính quyền Obama đấu giá mời thầu các giếng dầu/khí đốt ở đó vào tháng 12-2011
“Đầu tư cho các hoạt động lobby không có gì là sai vì nó thể hiện các doanh nghiệp và chính phủ đã gần nhau hơn. Nhưng thật nguy hiểm nếu lạm dụng việc này để che mắt khách hàng cũng như dư luận” - tờ New York Times bình luận