What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

SaiGon ThinkTank

thinktank.vn

Administrator
Sandbox cho Sài Gòn

Nhiều khả năng Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2023. Một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14 là rất cấp thiết vào lúc này, và quan trọng hơn, đây phải thực sự là “sandbox” cho thành phố
3-4.jpg

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP, thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đề nghị xây dựng nghị quyết này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết

Trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào kỳ họp tháng 5 tới theo trình tự, thủ tục rút gọn là một đề xuất xác đáng của Chính phủ bởi ít nhất ba lý do

Trước hết, việc này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Bộ Chính trị là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án ban hành nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM trình Quốc hội; Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM

Nhưng điều quan trọng hơn mà thực tiễn đã chỉ ra, đó là Nghị quyết mới phải trao cho thành phố những chính sách thực sự đặc thù, thực sự đột phá và một cơ chế thử nghiệm độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài (sandbox)

Thứ hai, thời gian năm năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 dù chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả các chính sách mang lại song điều dễ nhận thấy là TPHCM ngày càng đối diện với nhiều thách thức mới. Một mặt, đà tăng trưởng chậm lại, nhiều động lực giảm sút

Giai đoạn 1996-2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm; đến giai đoạn 2011-2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 6,41%/năm. Mặt khác, chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khó khăn trong việc tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại

Sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ đời sống nhân dân

Tất cả những tác động bất lợi đến sự phát triển của TPHCM nói chung cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 nói riêng. Báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2022 cho biết nhìn tổng thể, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút nhà khoa học, chuyên gia và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực, mục tiêu hàng năm huy động thêm 40.000 đến 50.000 tỉ đồng nhưng trong cả giai đoạn 2018-2022 mới chỉ được 17.800 tỉ đồng

Các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; thu khai thác tài sản và từ đất đai… Vì thế thành phố thiếu nguồn lực tài chính trầm trọng để phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội

Thứ ba, có nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Ví dụ, sau hơn một năm thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM đã xác định được các cơ chế, chính sách cần được thể chế hóa để tạo nền tảng cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức trực thuộc cũng như nhận thấy một số bất cập cần được Quốc hội điều chỉnh. Hoặc với khung thể chế hiện tại, việc xây dựng Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố chưa khả thi

Một vấn đề nữa là thành phố có nhu cầu rất lớn trong việc có hành lang cơ chế để thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, văn hóa, thể thao và các cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư

Đồng thời, thành phố cũng có khả năng, có nguồn lực để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương, chủ yếu là thủ tục hành chính, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Không có chính sách đột phá thì rất khó đòi hỏi sự phát triển đột phá!

Với ba lý do nêu trên và thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, rõ ràng là cần thiết phải có ngay, có sớm một nghị quyết mới cho TPHCM, vừa để tránh sự đứt gãy cơ sở pháp lý, vừa tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trở lại

Nhưng điều quan trọng hơn mà thực tiễn đã chỉ ra, đó là nghị quyết mới phải trao cho thành phố những chính sách thực sự đặc thù, thực sự đột phá và một cơ chế thử nghiệm độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài (sandbox)

Nhìn lại năm năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, kết quả chưa được như mong đợi vì nhiều nguyên nhân. Một phần, trong năm năm thực hiện thì thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, hai năm tiếp theo thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Trong bối cảnh như vậy, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền… chưa cao và một số ban, bộ, ngành trung ương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời – như đã được chỉ ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đặc biệt, một nguyên nhân mang tính quyết định là các cơ chế đặc thù cho thành phố chưa có gì vượt trội, đột phá. Tất cả chỉ ở mức “vừa phải”. Ví dụ, thành phố quản lý hàng trăm lĩnh vực nhưng chỉ có cơ chế, chính sách đặc thù trong bốn lĩnh vực (quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức)

Trong mỗi lĩnh vực đó phạm vi của cơ chế đặc thù cũng rất nhỏ hẹp và bị bó chặt trong các lĩnh vực có liên quan. Ví dụ, về quản lý đất đai thì cơ chế duy nhất là HĐND thành phố được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc ta trở lên; nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai

Không có chính sách đột phá thì rất khó đòi hỏi sự phát triển đột phá! Điều này đã được ghi nhận trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị! Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu “sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”

“Phải có sandbox cho chính quyền. Chính quyền phải tự đặt ra sandbox này. Điều tôi mong mỏi nhất là TPHCM tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm như những gì thành phố đã làm những năm 1990-2000”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói tại một cuộc hội thảo tổ chức năm ngoái

Trong bài viết gần đây, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề xuất Nghị quyết mới của Quốc hội nên là một khuôn khổ pháp lý cho phép TPHCM chủ động tiến hành thí điểm khi cần thiết để tạo ra sự phát triển đột phá. Ông gọi đây là “quy chế thí điểm” – tựa như sandbox

Theo đó, khi cơ chế, chính sách hiện hành tỏ ra bất hợp lý và cản trở phát triển, thành phố có thể kích hoạt quy chế thí điểm để thực thi chính sách mà không nhất thiết phải xin phép Trung ương cho từng trường hợp thí điểm cụ thể

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhắc lại rằng, TPHCM thật sự đã là một “sandbox” cho những cải cách mang tính đột phá theo cơ chế thị trường trong thời kỳ bao cấp. Nhờ dũng cảm “phá rào”, thành phố đã vượt qua được khủng hoảng và cho cả nước những kinh nghiệm quý báu để tiến hành đổi mới

Giờ đây, nếu có quy chế thí điểm, thành phố một lần nữa có thể trở thành “phòng thí nghiệm thể chế” cho những thử nghiệm quan trọng của đất nước để có bước phát triển đột phá

Nghị quyết mới có gì mới ?

So với Nghị quyết 54/2017/QH14, dự thảo lần 2 Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có phạm vi áp dụng rộng hơn, gồm sáu lĩnh vực (thay vì bốn lĩnh vực như trước đó)

Cụ thể, TPHCM sẽ được áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, phạm vi của cơ chế đặc thù cũng mở rộng hơn so với trước

Một số chính sách mới đáng chú ý là, về quản lý đầu tư, dự thảo cho phép thành phố tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất

Thành phố cũng được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 100 tỉ đồng; được áp dụng hợp đồng BOT với dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án Đường trên cao số 5; được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT)

Về tài chính ngân sách, thành phố quyết định áp dụng tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài, trong nước của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp (Nghị quyết 54/2017/QH14 là 90%)

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược gồm: a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên; b) Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên

Nhà đầu tư chiến lược được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau: a) Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời gian 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 13 năm tiếp theo; b) Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 22 năm và giảm 75% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian thuê đối với dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; c) Được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố

Về tổ chức bộ máy, thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm; giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức; HĐND thành phố quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố Thủ Đức, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường…
 
Last edited:
Top