What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tư vấn chiến lược

thinktank.vn

Administrator
Nghề tư vấn chiến lược tại Việt Nam
Bóng dáng sau nhiều thương vụ sáp nhập lớn

Sự nhạy cảm và thấu hiểu khách hàng dường như mới quyết định thành, bại của một hợp đồng tư vấn - nhiều khi có giá trị hàng trăm nghìn USD...



screen-shot-2018-09-16-at-2-crop-15370416405561530449988-58-0-602-969-crop-15370416713361907324360.png

Nếu khách hàng không có niềm tin vào tư vấn, thì sản phẩm tư vấn cũng trở nên vô giá trị
cho dù khách hàng có thanh toán hợp đồng tư vấn đầy đủ

Tại sao bên cạnh nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra thành công, mang lại kết quả tốt cho chủ doanh nghiệp, thì lại có không ít thương vụ là "trái đắng" thay vì "quả ngọt" ?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung, là thiếu bóng dáng của nhà tư vấn chiến lược

Nghề chọn người

19h tối một ngày tháng 7/2018, khu văn phòng cho thuê trên một tầng cao thuộc cao ốc Bitexco Financial Tower (quận 1, Tp.HCM) vẫn sáng đèn

Tại đây, TS. Vũ Quốc Hiển, thuộc bộ phận Tư vấn chiến lược doanh nghiệp, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) miệt mài thuyết trình với nhóm cộng sự về một dự án tái cấu trúc cho một doanh nghiệp thuỷ sản

"Chúng tôi không có khái niệm làm thêm để tính "over time bonus" (tiền làm ngoài giờ mà một số công ty trả cho nhân viên - PV), miễn còn việc là còn làm, kể cả ngày cuối tuần hay buổi tối", ông Hiển nói với VnEconomy, bên tách cà phê tại quán The Coffee Bean & Tea Leaf ngay dưới chân toà tháp Bitexco

Con đường đến với nghề tư vấn chiến lược của TS. Vũ Quốc Hiển rất tình cờ, thông qua cuộc gặp mặt với người sếp hiện tại nhờ sự giới thiệu của một người bạn

Hiển có bằng tiến sỹ chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp của Đại học Lugano, Thuỵ Sỹ. Trước đó, ông lấy bằng Cử nhân Tài chính, Đại học Quốc gia Australia và bằng Cao học Tài chính, Đại học Lund, Thuỵ Điển. Nhưng có vẻ như với cựu chuyên viên nghiên cứu cấp cao về cổ phần của một quỹ đầu cơ (hedge fund) Mỹ này, nghề nghiệp hiện tại của ông không phải là lựa chọn như một định hướng lâu dài thời còn cắp sách tới trường

Hiển từng đạt giải trong một kỳ thi quốc tế môn vật lý, và theo logic thông thường, sẽ trở thành một chuyên gia vật lý với con đường nghiên cứu rộng mở. Nhưng rồi, niềm đam mê với những con số đã đưa Hiển đến với cái nghề "liếc qua báo cáo tài chính là đủ biết một công ty có "ra gì" không"

Hiển nói: "Điểm làm tôi hứng thú nhất với công việc tư vấn chiến lược doanh nghiệp là tôi có cơ hội làm việc với doanh nghiệp thật, vấn đề thật và tôi sẽ tham gia vào việc cải thiện doanh nghiệp đó. Điều này khác với công việc trước đây của tôi ở quỹ đầu cơ, ở đó tôi phân tích cổ phiếu và quyết định đầu tư dựa trên rất nhiều thông tin, tuy nhiên hoàn toàn không có tác động giúp doanh nghiệp tốt lên"

Ông cũng thừa nhận, việc cùng doanh nghiệp xây dựng chiến lược và giải quyết các vấn đề của họ thực sự rất khó khăn, tuy nhiên chính sự khó khăn đó là điều thú vị không cưỡng lại được của công việc tư vấn

"Càng khó thì niềm vui sau khi vấn đề được giải quyết càng lớn", ông nói

Không công thức chung

Con đường dẫn Hiển đến với công ty hàng đầu về kiểm toán, kế toán, tư vấn chiến lược và thuế thuộc nhóm "Big Four" không mấy bằng phẳng

Ông kể, thời gian đầu nhiều lúc cảm thấy nản lòng và stress khi tiến hành làm "due diligence" (khảo sát minh bạch doanh nghiệp), bởi lý thuyết tài chính học được khác xa thực tế phải đối mặt

Đặc biệt các doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân của Việt Nam có những đặc tính rất riêng, nên việc áp dụng một công thức chung khi tư vấn là điều không khả thi. Đó là chưa kể tính cách, thói quen và cách ứng xử rất đa dạng của người chủ doanh nghiệp

Theo ông, bước đầu tiên của tư vấn chiến lược là tìm hiểu công ty, trong đó phân tích hoạt động của công ty thông qua các chỉ số tài chính là một cấu phần rất quan trọng. Có thể hiểu nôm na là các chỉ số tài chính của một công ty giống như các chỉ số xét nghiệm máu của một con người

"Nền tảng giáo dục chuyên ngành tài chính giúp tôi có một phương pháp luận để đánh giá hiểu được công ty thông qua những con số và xác định nhanh chóng một số vấn đề của một công ty. Bước phân tích các chỉ số tài chính này giúp định hướng đào sâu hơn nữa các vấn đề cốt lõi của công ty", Hiển nói với VnEconomy

Mặc dù thừa nhận các kiến thức được trau dồi ở trường và kinh nghiệm trong thời kỳ còn làm việc ở quỹ đầu cơ về phân tích và định giá cổ phiếu cũng giúp hiểu được những yếu tố nào có thể giúp công ty nâng cao giá trị cổ phiếu, nhưng TS. Vũ Quốc Hiển cũng phải thừa nhận, trong một số trường hợp, không thể hoàn toàn chiều theo ý kiến cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp

Đơn giản, bởi họ thường có cá tính rất mạnh, lại không dám tin cậy tuyệt đối nhà tư vấn, do sợ sai lầm có thể khiến họ đánh mất tài sản tích góp được trong bao nhiêu năm

Một số ông/bà chủ doanh nghiệp lại thích can thiệp vi mô vào công việc chuyên môn của nhà tư vấn, theo tâm lý "tôi trả tiền cho anh thì tôi có quyền làm gì tôi thích, vì đây là công ty của tôi"

Thành bại tại nhân

TS. Vũ Quốc Hiển là một trong gần 20 chuyên gia tài chính của bộ phận Tư vấn chiến lược doanh nghiệp thuộc EY Việt Nam. Công ty này đang trong quá trình chiêu hiền đãi sĩ để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn chiến lược

Việc tư duy một cách lý tính, với lý luận được hỗ trợ bằng dữ liệu có thể giúp các chuyên gia tư vấn xây dựng được lòng tin với khách hàng, từ đó khách hàng làm theo những lời tư vấn

Tuy nhiên, sự nhạy cảm và thấu hiểu khách hàng dường như mới quyết định thành, bại của một hợp đồng tư vấn - nhiều khi có giá trị hàng trăm nghìn USD

"Tôi xin lấy ví dụ một thương vụ mà chúng tôi từng tư vấn cho một công ty xây dựng của Việt Nam nhiều năm trước", Hiển kể

"Chúng tôi đưa ra lời khuyên cho họ là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần để tăng vốn hoạt động, từ đó mở rộng thị phần của họ trên thị trường. Đây là một quyết định đầy khó khăn với hội đồng quản trị công ty này bởi vì việc có nhà đầu tư sẽ làm pha loãng cổ phiếu, dẫn đến giảm quyền lực của các ông chủ doanh nghiệp, vốn rất coi trọng quyền lực của mình. Cuối cùng, sau một thời gian kiên trì thuyết phục nhiều khó khăn, họ nghe theo lời khuyên của chúng tôi, và giờ là một trong những công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam"

Yếu tố nào quan trọng nhất đối với nghề này ? Theo TS. Nguyễn Quốc Toàn, phụ trách lĩnh vực Tư vấn chiến lược doanh nghiệp của EY Việt Nam, niềm tin của khách hàng có thể nói là điều quan trọng nhất

Nếu khách hàng không có niềm tin vào tư vấn, thì sản phẩm tư vấn cũng trở nên vô giá trị, cho dù khách hàng có thanh toán hợp đồng tư vấn đầy đủ. Niềm tin giúp khách hàng có thể chia sẻ hết tất cả khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải, mà không lo ngại việc lộ thông tin

Tuy nhiên, tin ở đây không có nghĩa là khách hàng nên hoàn toàn làm theo tất cả lời tư vấn nói, mà nên tham khảo những luận điểm và dẫn chứng của tư vấn để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Để xây dựng được niềm tin này, tư vấn và doanh nghiệp cần phải thực sự hiểu nhau

Về phía tư vấn, tư vấn phải hiểu về ngành, hiểu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hiểu văn hóa doanh nghiệp và hiểu lãnh đạo cấp cao. Còn về phía doanh nghiệp, lãnh đạo cần hiểu rõ vai trò của doanh nghiệp và tư vấn trong quá trình thay đổi và hiểu phương pháp và luận điểm của tư vấn

TS. Nguyễn Quốc Toàn cho rằng, một sai lầm phổ biến của chủ doanh nghiệp là không thuê đơn vị tư vấn hoặc chọn đơn vị tư vấn không phù hợp khi thực hiện giao dịch M&A với đối tác ngoại. Hoặc có thuê, nhưng không nghe lời tư vấn, mà tự quyết định các vấn đề quan trọng

- 50% các công ty tại Đông Nam Á có kế hoạch M&A vào 12 tháng tới
- 72% các nhà lãnh đạo xem việc tái cấu trúc danh mục đầu tư là vấn đề trọng tâm nhất trong quá trình xây dựng chiến lược
- 83% các nhà lãnh đạo cho biết họ không thể hoàn tất hoặc phải hủy bỏ các thương vụ mua lại dự kiến
- 5 điểm thu hút đầu tư hàng đầu tại Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam


Thành Trung
 
Liên kết yếu thì khó mong có 4.0

- Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là việc đóng góp về giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) vào GDP bao nhiêu, mà là mức độ liên kết giữa nhóm ngành này với các ngành khác của nền kinh tế

Ý niệm về kinh tế số

Thuật ngữ “kinh tế số” lần đầu tiên được đề cập bởi một giáo sư và nhà kinh tế học người Nhật Bản trong thời kỳ suy thoái của Nhật Bản những năm 1990. Ở phương Tây, thuật ngữ kinh tế số được đề cập bởi Don Tapscott (1995) với tên gọi Nền kinh tế kỹ thuật số: Lời hứa và sự nguy hiểm trong kỷ nguyên của trí thông minh mạng. Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên xem xét Internet sẽ thay đổi cách chúng ta kinh doanh như thế nào. Tóm lại kinh tế số là số hóa để kết nối nhà sản xuất, sản phẩm và người mua

Theo Thomas Mesenbourg (2001) và phân ngành của cơ quan thống kê Việt Nam, có thể đưa ra ba nhóm ngành chính thuộc về kinh tế số, bao gồm: sản xuất (phần cứng, phần mềm...); viễn thông; dịch vụ CNTT

Chính sách về CNTT đã được xây dựng từ Nghị quyết 49/CP của Chính phủ năm 1993 về phát triển CNTT tại Việt Nam. Chỉ thị số 58-CT/TW năm 2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thường được coi là tài liệu hướng dẫn quan trọng nhất về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại Việt Nam, nó cho thấy một cái nhìn rộng hơn về vị trí và vai trò của ICT trong phát triển kinh tế. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1755/QĐ-TT phê duyệt dự án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông”

Thực trạng kinh tế số ở Việt Nam

Xét về hoạt động, có thể thấy nhóm ngành CNTT của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của Nhà nước trong các dự án và chương trình phát triển quốc gia (đầu tư nhà nước chiếm khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư vào ICT). Tổng đầu tư ICT tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010 và sau đó giảm dần. Tỷ lệ đầu tư cho ngành này trong tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế liên tục giảm trong giai đoạn 2000-2018. Năm 2000, đầu tư vào lĩnh vực ICT chiếm 5% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Con số này ổn định ở mức khoảng 3,6% từ năm 2005-2010 và sau đó giảm mạnh xuống chỉ còn 1,38% vào năm 2018. Do đó, mặc dù các chính sách khẳng định rằng ICT là một ngành kinh tế quan trọng, nhưng vốn đầu tư đã giảm mạnh vào ngành này trong những năm gần đây

Tuy nhiên, đóng góp của ngành ICT vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam lại tăng lên trong những năm qua. Năm 2000 đóng góp 3,5% GDP, năm 2018 con số này đạt 5,6%. Mặc dù tăng dần, đây vẫn là một ngành khiêm tốn trong số các ngành kinh tế trong ngành cấp hai của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Để đánh giá chính xác hơn tác động của ngành này trong nền kinh tế, cần xem xét tác động thông qua độ lan tỏa và độ nhạy của nó đến nền kinh tế

Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ số phát triển về CNTT (Information Technology Development Index - IDI) của Việt Nam trong năm 2016 và 2017 hầu như không có sự thay đổi về thứ hạng, vẫn là xếp thứ 108/176 quốc gia với số điểm 3,18/10 năm 2016 và 4,43/10 năm 2017, tức là mức điểm dưới trung bình. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đứng trên Indonesia, Campuchia và Lào

Về cơ bản, trong phân tích I/O (Input/Output) thường đo lường một đơn vị của cầu cuối cùng (final demand) lan tỏa đến sản lượng ra sao. Bảng 1 cho thấy hoạt động viễn thông có mức độ lan tỏa từ cầu cuối cùng đến sản lượng sản xuất trong nước cao nhất, tiếp đến là dịch vụ ICT

Những ngành khác có mức độ lan tỏa thấp nhất đến sản xuất trong nước, điều này là do các ngành khác trong nền kinh tế cơ bản là sản xuất gia công, dù cơ quan chức năng có đưa ra quy định gì thì bản chất vẫn là gia công. Sản xuất của các ngành kinh tế ngoài hoạt động viễn thông lan tỏa đến sản lượng của ngành này tốt nhất (0,004 lần có nghĩa là các ngành khác trong nền kinh tế tăng 1 đơn vị giá trị sản xuất sẽ lan tỏa đến sản lượng ngành này 0,004 đơn vị), trong khi các ngành như sản xuất ICT, dịch vụ ICT và các ngành khác của nền kinh tế ngoài CNTT chỉ là 0,001; 0,002; 0,002 tương ứng và hoạt động viễn thông cũng lan tỏa cao nhất đến sản lượng các ngành khác trong nền kinh tế (0,46 lần), điều này chứng tỏ mức độ quan trọng tương đối của hoạt động này với nền kinh tế cao hơn các hoạt động khác. Ngược lại cầu cuối cùng của các ngành khác cũng không lan tỏa đến nhóm ngành CNTT do đầu vào của nhóm ngành này cũng cơ bản nhập khẩu

Giá trị tăng thêm của một ngành (hoặc nhóm ngành) không chỉ được tạo ra bởi cầu cuối cùng của ngành đó mà còn do cầu cuối cùng sản phẩm các ngành khác do trong quá trình sản xuất các ngành khác sử dụng sản phẩm của nhóm ngành đó làm chi phí đầu vào, từ đó lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nhóm ngành đó. Bảng 2 cho thấy tỷ trọng đóng góp của các ngành khác vào giá trị tăng thêm của ICT là 1,8%, ở chiều ngược lại là 1,4%

Bảng 3 mô tả cầu cuối cùng của nhóm ngành ICT và các ngành còn lại tác động đến giá trị tăng thêm. Sử dụng sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành ICT lan tỏa đến giá trị tăng thêm (VA) của các ngành khác 12,7%, trong khi lan tỏa đến chính nó chỉ 87,3%. Ở chiều ngược lại, khi sử dụng sản phẩm của các ngành khác chỉ lan tỏa VA của nhóm ngành ICT không đáng kể (0,2%). Điều này phần nào cho thấy nhóm ngành ICT sử dụng sản phẩm của các ngành khác nhiều hơn các ngành khác sử dụng sản phẩm của nhóm ngành ICT. Như vậy có thể thấy tăng độ phủ sóng WiFi hoặc những điều tương tự như thế không có nghĩa ảnh hưởng của CNTT đến nền kinh tế tăng lên. Điều quan trọng là sự liên kết ngành, việc sử dụng dịch vụ CNTT không thể là miễn phí mà phải tuân thủ theo nguyên tắc của thị trường là chất lượng và giá cả

Bảng 4 cho thấy mối quan hệ giữa nhu cầu sử dụng sản phẩm của CNTT đến tổng giá trị gia tăng (GVA) trong GDP. Điều này cho thấy mối quan hệ tương đối giữa sử dụng cuối cùng sản phẩm ICT với tổng giá trị tăng thêm GVA

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp CNTT không giúp cải thiện hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến năng suất của người lao động, việc hỏi doanh nghiệp có sử dụng CNTT hay không dường như là việc nực cười vì hầu như toàn dân đều sử dụng CNTT thông qua Facebook, Zalo... ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào kể cả vừa lưu thông trên đường bằng xe gắn máy vừa sử dụng Facebook

Để đất nước trở thành một quốc gia có nền công nghiệp 4.0, không hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành này trong GDP là bao nhiêu, mà chỉ số phát triển CNTT (IDI) phụ thuộc vào ba yếu tố chính như truy cập, sử dụng thế nào và kỹ năng. Theo ý kiến người viết, để tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0, cần tăng chỉ số lan tỏa và độ nhạy (mức độ liên kết giữa nhóm ngành CNTT với các ngành khác của nền kinh tế) của nhóm ngành này với nền kinh tế chứ không phải việc đóng góp về giá trị tăng thêm của nhóm ngành CNTT vào GDP là bao nhiêu

Bùi Trinh
 
Last edited:
Cơ chế chia hoa hồng của 'lobby' công nghệ

Giáo sư iBOSSES đứng ra kết nối được hưởng 10%, số còn lại dành cho nhà đầu tư và chủ sở hữu ý tưởng

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam mong muốn áp dụng mô hình này của iBosses Singapore vào Việt Nam để đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường

Mô hình do GS Patrick Khor, Đại học sáng tạo và các ngành công nghiệp mới Singapore sáng lập. Tại đây với một dự án từ ý tưởng đến khi lên sàn thành công, các giáo sư kèm đề án cũng là bên trung gian thứ ba được 10% lợi nhuận, nhà đầu tư bỏ tiền cho nhóm khởi nghiệp được 40%, còn lại các chủ nhân ý tưởng được 40-50%

Quan trọng hơn, với mô hình này, ở vị trí nào cũng biết rõ mình sẽ được gì khi dự án vận hành hiệu quả và tập trung toàn lực để đi đến đích mà không có chuyện khai khống hay “đi đêm”

"Tôi mong muốn áp dụng mô hình này vào Việt Nam. Nếu mọi việc minh bạch sẽ giúp các bên hào hứng tham gia vào thúc đẩy đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường", ông Hòa nói

Hiện iBosses Việt Nam đang hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án có sự tham gia của nhà nước hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp

Tháng 10 tới dự án sẽ tổ chức lớp học ở Bộ Khoa học và Công nghệ. Bước đầu các chuyên gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đã có sản phẩm thực hiện các bước "đo" khả năng quan tâm của thị trường

gioi-thieu-san-pham-3243-1538122216.jpg

Startup giới thiệu sản phẩm trong triển lãm công nghiệp 4.0. tổ chức tại Hà Nội năm 2018

Minh bạch sẽ dễ thực hiện

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, iBosses thành công không chỉ do cách kết nối giữa bên có tiền với bên có công nghệ mà còn là mô hình vận hành chuyên nghiệp với cách ăn chia sòng phẳng, minh bạch

ong-hoa-1624-1538122216.jpg

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa

Sự kết hợp của ba bên luôn chạy "êm" cũng là do mỗi bên đều có lợi, minh bạch ăn chia ngay từ khi dự án còn trong trứng nước theo nguyên tắc chia cổ phần của công ty

GS Patrick Khor từng nhiều lần bị thất bại cay đắng trong quá trình khởi nghiệp nên mới hình thành iBosses Singapore. Tại đây các chuyên gia về công nghệ, tài chính sẽ giúp những bạn trẻ khởi nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu về kiến thức, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, khả năng biến ý tưởng thành hành động thực tiễn trên thương trường, kỹ năng cạnh tranh đến xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản và quản trị tài chính

Thông qua sàn giao dịch, các giáo sư sẽ lựa chọn những người có ý tưởng triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo tiềm năng cho đến khi sản phẩm thương mại hóa và có thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Ở đây nhà nước sẽ hỗ trợ những người khởi nghiệp tiền thuê nhà trong quá trình các chuyên gia giúp họ kinh doanh sản phẩm

Các chuyên gia cao cấp nhất lúc này đóng vai trò “cò” trung gian, là nhà tư vấn kết nối đưa sản phẩm vào thị trường. Cách đi này giúp iBosses Singapore từ chỗ ban đầu chỉ có 100.000 USD, sau 4 năm, giá trị thị trường là 51 triệu USD trên sàn chứng khoán Australia và Singapore. iBosses cũng nhanh chóng hình thành 23 chi nhánh trên toàn cầu, trong đó Việt Nam có hai điểm là Hà Nội và TPHCM

"Chúng tôi sẽ thử nghiệm trên thị trường ở Việt Nam theo giáo trình của iBosses Singapore", ông Hòa nói và cho biết khi thành công iBosses sẽ tham gia chuỗi giá trị này để đem khoa học công nghệ của Việt Nam ra toàn cầu

8 cấp độ để startup đi từ ý tưởng đến sản phẩm thương mại

Cấp 1
: Xác định đam mê; giúp định hướng kinh doanh để đối mặt và vượt qua thách thức trong những thời điểm cực kì khó khăn

Cấp 2: Phát triển, đánh giá và định hình cho mô hình kinh doanh mới

Cấp 3: Đánh giá ý tưởng kinh doanh trước khi đưa ra sản phẩm và dịch vụ

Cấp 4: Triển khai ý tưởng kinh doanh vào sản xuất và thực thi

Cấp 5: Thương mại hóa

Cấp 6: Nhân bản sang nhiều phân khúc thị trường khi chứng minh được hiệu quả trong phát triển kinh doanh

Cấp 7: Thoát vốn khỏi thị trường bằng cách bán cho công ty lớn; triển khai quá trình niêm yết (IPO)

Cấp 8: Sau khi hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, nhà thương mại hóa sản phẩm công nghệ có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nhà kinh doanh, nhà đầu tư, nhà tư vấn phát triển doanh nghiệp hay diễn giả quốc tế

Bích Ngọc
 
Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế

- Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam lại phải đương đầu với một khó khăn khác đang chờ đợi phía trước, đó là nguy cơ nền kinh tế bị rơi vào suy thoái, mà theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “chống suy thoái kinh tế cũng như chống giặc”

d2c79_botulenhgiaicuukinhte_thanhhoa.jpg

Sáu tháng đầu năm GDP cả nước chỉ tăng 1,81%, là mức tăng trưởng kinh tế sáu tháng thấp nhất trong nhiều thập kỷ, kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và mở cửa nền kinh tế

Sau “giặc” dịch giờ tới “giặc” suy thoái

Về lý thuyết, nếu tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế sụt giảm liên tục trong hai quí liền kề thì nền kinh tế đó xem như rơi vào suy thoái. Tăng trưởng GDP của chúng ta trong quí 1 đạt 3,82%, đến quí 2 tăng trưởng GDP giảm xuống 0,36%, tính hết sáu tháng đầu năm GDP cả nước chỉ tăng 1,81%, là mức tăng trưởng kinh tế sáu tháng thấp nhất trong nhiều thập kỷ, kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Vì vậy, khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng cuối năm là rất cao

Ngay từ lúc tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Các bộ ngành phải xắn tay áo vào, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cần hun đúc tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới, phát triển”. Đến ngày 2-7, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng lại tiếp tục đốc thúc: “Các đồng chí phải nóng ruột lên!”

Điều đó cho thấy dường như đang có một sức ì nào đó quá lớn khiến cho cỗ xe tam mã, gồm xuất khẩu - tiêu dùng - đầu tư công vẫn không thể tăng tốc để tạo động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế

Một cách khách quan, có thể nhận thấy xuất khẩu sẽ là một bài toán khó kể từ nay cho đến ít nhất là hết cuối năm khi tình hình dịch bệnh trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu khả quan, khiến cho thị trường thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi. Cỗ máy xuất khẩu là một động lực kinh tế mà ta không ở thế chủ động. Triển vọng đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng GDP hoàn toàn phụ thuộc vào hai câu hỏi là khi nào các thị trường đối tác mở cửa, trở lại hoạt động bình thường và khi nào thì vaccin được phổ biến rộng rãi. Cho đến khi nào chưa có câu trả lời chính xác thì xuất khẩu sẽ không thể khởi động được cỗ máy kinh tế

Tiêu dùng cũng là một bài toán khó bởi lẽ nhu cầu thị trường nội địa của chúng ta vốn không đủ lớn để có thể bù trừ cho sự mất mát từ doanh số xuất khẩu, nay còn bị thu hẹp do tác động tiêu cực của việc cắt giảm thu nhập, công ăn việc làm và triển vọng kinh tế. Những nỗ lực kích cầu nội địa, chẳng hạn như kích cầu du lịch trong nước, đang được ráo riết triển khai ở khắp các địa phương nhưng kết quả bước đầu không khả quan vì nhiều hạn chế cả khách quan lẫn chủ quan. Các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi nhưng khách hàng vẫn thưa thớt là những minh chứng thực tế cho thấy tiêu dùng nội địa, có thể phần nào đó khả quan hơn xuất khẩu nhưng vẫn là một động cơ yếu ớt

Giờ là lúc cần đột phá, thậm chí là “xé rào”

Giờ đây tất cả đều trông cậy vào giải pháp mũi nhọn là đầu tư công. Bởi vì đây là động lực tăng trưởng mà Chính phủ nắm quyền chủ động. Gói kích thích tài khóa thông qua đầu tư công trị giá 700.000 tỉ đồng được xem là một cú hích mạnh đối với tổng cầu, kỳ vọng sẽ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và từ đó kích thích hay chí ít cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng cho sáu tháng cuối năm. Thế nhưng, dữ liệu thực tế cho thấy tính từ đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 30% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn ODA chỉ 10%, có địa phương còn không giải ngân được một đồng vốn ODA nào. Nguyên nhân chính cũng đã được chỉ ra, do vướng thủ tục, quy định pháp lý, chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng

Để vượt qua rào cản này, cần phải có giải pháp đột phá, thậm chí các địa phương phải dám “xé rào” trong một số tình huống để giải ngân vốn đầu tư công. Có thể câu nói của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một gợi ý tiếp cận: “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục tư duy kiểu thời chiến, với đặc tính là nhanh chóng, táo bạo, đặc biệt dựa trên sự quyết đoán và chịu trách nhiệm của người chỉ huy

Nhưng các chỉ huy lại sợ giai đoạn “nhạy cảm”

Thế nhưng lúc này, mọi người lại thường nói với nhau đây là giai đoạn “nhạy cảm”, một cách nói tránh cho thực trạng hiện nay ít có vị chỉ huy nào lại mạo hiểm để đưa ra các quyết định đột phá vào mùa làm công tác nhân sự. Nhưng phải chăng đó cũng là một phản ứng hành vi tất yếu được tạo ra bởi cơ chế hiện nay ?

Án binh bất động để đợi qua giai đoạn nhạy cảm này và có thể lấy một lý do hoàn hảo cho bất kỳ một hạn chế nào của ngành hay địa phương là do “các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19”. Đó là một câu “thần chú” hữu hiệu nhất hiện nay có thể hóa giải mọi vấn đề trách nhiệm. Thế nhưng ở chiều ngược lại, nếu một tư lệnh ngành hay địa phương đưa ra các quyết định đột phá lúc này để vượt qua các rào cản thể chế, pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, nếu lỡ như mai này có rủi ro nào đó phát sinh thì liệu lý do “Covid-19” có giúp họ tránh khỏi các truy cứu trách nhiệm hay không ?

Đây có lẽ là tắc nghẽn lớn nhất của dòng vốn đầu tư công, hay tổng quát hơn là hiện trạng “trên nóng dưới lạnh” mà người đứng đầu Chính phủ đang trăn trở. Vì vậy, giải pháp cần thiết là tạo ra một cơ chế phòng ngừa rủi ro ra quyết định cho các vị tư lệnh ngành và địa phương. Đề xuất thành lập “Ban chỉ đạo chống suy thoái kinh tế” do Thủ tướng làm trưởng ban có thể là một gợi ý khả thi cho giải pháp vừa nêu

Ban chỉ đạo có vai trò như một Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế trong cuộc chiến chống suy thoái, cần kịp thời đưa ra các quyết định hay chỉ thị đột phá hoặc trao cho các vị chỉ huy ở chiến trường những công cụ quyền lực đặc biệt để có thể xoay chuyển được các tình thế, rào cản của địa phương. Nhưng song song với đó, cũng cần bảo vệ họ khỏi các rủi ro và truy cứu trách nhiệm nếu các yếu tố khách quan chuyển biến bất lợi

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…!” là một câu nổi tiếng, được trích từ nội dung bức điện khẩn của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đi từ Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 7-4-1975 cho các cánh quân đang hành quân thần tốc, quyết giải phóng miền Nam. Nội dung bức điện vừa là mệnh lệnh, cũng vừa là giải pháp và sự cổ vũ của Bộ chỉ huy chiến dịch đối với các vị chỉ huy đang trực tiếp chiến đấu và đối phó với những diễn bất ngờ trên chiến trường. Nhắc lại sự kiện lịch sử để thấy bối cảnh ngày nay cũng vậy, để tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế, Bộ tư lệnh giải cứu kinh tế cũng cần truyền đi những thông điệp táo bạo và quyết liệt như thế

Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Phó giáo sư, Tiến sĩ, trường Đại học Kinh tế TPHCM
 
Top