thinktank.vn
Administrator
CEO Nguyễn Mạnh Hùng và những chuyến 'thỉnh kinh' lịch sử của Viettel
Ngược trở về 2004 là thời điểm Viettel bắt đầu gia nhập thị trường di động. "Hành trang" của hãng Quân đội là 15 triệu USD tiền lãi và số vốn tích lũy kha khá đến từ các dịch vụ trước đó như Voice, IP ...
Tuy nhiên, sau khi dốc cạn túi mua 150 trạm BTS (truyền nhận tín hiệu) về lắp chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng thì hết tiền. Tại thời điểm đó, triển khai mạng lưới tiếp hay tung ra kinh doanh luôn là lựa chọn rất đau đầu của lãnh đạo Viettel
Đưa vào kinh doanh dịch vụ luôn sẽ là vô cùng khó khăn khi bài học của Sài Gòn Postel vẫn còn đó, mặc dù có trạm BTS ở hơn 10 thành phố trên toàn quốc nhưng vẫn thất bại. Nhưng làm tiếp thì không có tiền, vay cũng chẳng biết vay ở đâu
Đứng trước khó khăn đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ động đi "thỉnh kinh" nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường viễn thông phát triển
Cuộc gặp "lịch sử" với Thủ tướng tương lai của Thái Lan
Việc gặp gỡ với bà Yingluck Shinawatra, người sau này đã trở thành Thủ tướng Thái Lan được ông Hùng đánh giá là bước ngoặt "lịch sử" đối với vận mệnh của Viettel tại thời điểm Tập đoàn này mới bước vào lĩnh vực di động
Trong chuyến sang Thái Lan, ông Hùng đã được giới thiệu tới AIS, Tập đoàn viễn thông lớn nhất tại quốc gia này. Tại thời điểm đó AIS đang do bà Yingluck trực tiếp điều hành.
Khi đấy, vấn đề thiếu vốn để đầu tư mạng lưới đang là khó khăn lớn nhất của Viettel, tuy nhiên với gợi ý mua lại thiết bị viễn thông giá rẻ và cho phép trả chậm từ 4 - 5 năm từ bà Yingluck đã thực sự làm thay đổi vận mệnh của hãng viễn thông Quân đội
Nghe theo lời khuyên, ông Hùng tìm đến một nhà cung cấp thiết bị viễn thông và quả thật họ bán rất rẻ. Thậm chí khi ông Hùng đặt vấn đề mua hẳn 4.000 trạm BTS với thời gian trả tiền là 4 năm họ cũng đồng ý bán
Số lượng 4.000 trạm BTS được Viettel mua về thời điểm đó là một con số "không tưởng" nếu biết rằng khi đấy ngay cả VinaPhone cũng chỉ có khoảng 650 trạm và mỗi nhà mạng tại Việt Nam trung bình chỉ mua khoảng 30 trạm/năm
Nói về chuyến đi Thái Lan, ông Hùng chia sẻ: Cũng chính từ cuộc khủng hoảng viễn thông nên chúng tôi mới may mắn mua được như thế. Cuộc đời và thượng đế cũng chỉ mỉm cười với bạn một đôi lần thôi, nếu bạn không nắm được đúng thời cơ thì có thể không bao giờ bạn có lại cơ hội đó
Xuất ngoại học lắp mạng lưới
Tại thời điểm 2004, Indonesia đang là một trong những quốc gia có thị trường viễn thông phát triển nhất Đông Nam Á. AirCom, hãng viễn thông hàng đầu tại quốc gia này là nơi được ông Hùng chọn nhằm học hỏi kinh nghiệm về thiết kế mạng lưới
Lúc đó, AirCom đã chào hàng một mạng lưới gồm 150 trạm, mỗi trạm hết 7.000 USD, thời gian lắp trung bình mất 2 tuần. Thấy thời gian lắp đặt quá dài ông Hùng phản ứng: Bọn tôi cần phải thiết kế nhiều trạm, vì vậy với quãng thời gian 2 tuần mới xong 1 trạm là quá lâu
Phía AirCom trả lời: Các bản thiết kế giống nhau tới 99%, chỉ có 1% khác nhau là tọa độ của các trạm thôi. Trạm được đặt theo hình mắt lưới, cứ 800m đặt một trạm, chỗ nào nhiều thuê bao thì đặt 400m một trạm. Làm như vậy có thể thiết kế xong 2.000 trạm trong vòng một ngày
"Nghe đến đó thì tôi bừng sáng, vội vã đem về triển khai cho Viettel. Đó chính là lý do vì sao mọi người thấy Viettel triển khai trạm nhanh như thế.", ông Hùng chia sẻ khi hồi tưởng về chuyến đi có tính bước ngoặt sang Indonesia hồi đó
Số 1 sẽ mãi mãi là số 1
Cũng trong chuyến học hỏi tại Indonesia, ông Hùng đã được nghe một bài học kinh nghiệm sương máu về việc duy trì thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông. Chính từ đó trong nhiều năm phát triển của mình, Viettel luôn cố gắng vươn lên và duy trì ngôi vị số 1 tại thị trường viễn thông Việt Nam
Câu chuyện này được giám đốc kinh doanh của một hãng viễn thông hàng đầu Indonesia kể lại. Trước đợt khủng hoảng kinh tế năm 1997 - 1998, hãng này đứng thứ nhất tại thị trường, tuy nhiên khi khủng hoảng đến hãng không đủ tiền đành dừng đầu tư. Trong khi đó một hãng viễn thông khác của Nhà nước, được Chính phủ bơm tiền nên phát triển rất nhanh và chiếm được vị trí số 1
Đến năm 2003, khi hãng kia đã bắt đầu hồi phục liền bơm rất nhiều tiền, thậm chí nhiều gấp đôi hãng Nhà nước nhưng không thể lấy lại được vị trí số 1
Ông Hùng cho biết, về bài học ở đây chính là, trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông, khi thị trường bắt đầu bão hòa thì nhận thức của người tiêu dùng là không thay đổi được. Nếu tạo được nhận thức ngay từ đầu là mạng viễn thông số 1 thì mãi mãi sẽ là số 1
Thinktank
Last edited: