What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Amazon

thinktank.vn

Administrator
Amazon hành trình từ công ty trực tuyến đến tập đoàn công nghệ
- Được sáng lập bởi Jeff Bezos từ năm 1994, Amazon là công ty thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới và là nền tảng của thế hệ TMĐT mới với quy trình tự động hóa. Nhưng Amazon lại không chỉ là TMĐT mà đang trở thành một tập đoàn công nghệ vững vàng và người sáng lập cũng như điều hành lĩnh vực công nghệ Amazon Web Services kể từ 2002 là Andy Jassy

Thực ra kể từ năm 2016, Amazon đã nhắm đến việc hình thành tập đoàn công nghệ tầm cỡ sau khi đã là một công ty TMĐT hàng đầu, và cơ cấu tổ chức cũng đã được sắp xếp lại với ba chức danh giám đốc điều hành, gồm Jeff Wilke phụ trách mảng Worldwide Consumer, Andy Jassy phụ trách mảng Amazon Web Services (AWS), và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos phụ trách chung. Cũng như việc tái cơ cấu Google thành Alphabet, việc tái cơ cấu chức danh lãnh đạo tại Amazon đang nhắm tới những bước đi mới và người ta thấy nổi lên vai trò của Jassy

Nếu trên thị trường người ta thấy trợ lý ảo Alexa trở nên thực tế hơn, lan tỏa đến mọi sản phẩm thông minh và đang thách thức các trợ lý ảo Google Assistant hay Microsoft Cortana, thì thị trường công nghệ đám mây do AWS tạo ra nay đã vượt xa các đối thủ chuyên nghiệp, không những tạo nên một cuộc cạnh tranh mà có thể là cả những trận chiến sinh tồn. Hơn lúc nào hết, Jassy đang nổi lên như một chiến tướng bách thắng và AWS đang vượt xa các đối thủ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ cho các chính phủ và khách hàng lớn nhỏ với hơn 100 sản phẩm

Quyết định táo bạo cho AWS

Andy Jassy gia nhập Amazon từ năm 1997, và với sáng kiến của mình, trở thành người sáng lập AWS ngày nay. Tháng 7-2002, Amazon chính thức khai trương nền tảng AWS nhằm “thể hiện công nghệ và dữ liệu sản phẩm của Amazon cùng các hội viên, đồng thời cho phép các nhà phát triển phần mềm xây dựng những sáng kiến và ứng dụng của công ty mình lên trên đó”

Nền tảng ra đời chỉ gồm những ứng dụng rời rạc, nhưng Jassy cùng 57 nhân viên ban đầu đã có quyết định táo bạo nhằm đưa AWS đi xa hơn. Chris Pinkham và Benjamin Black là hai người được giao thiết kế lộ trình cho AWS, và điều ngạc nhiên là trong bản báo cáo tầm nhìn của họ vào cuối năm 2003 đã cho thấy một nền tảng công nghệ hơn là mục tiêu TMĐT. Hạ tầng này đặt trên cơ sở hoàn toàn chuẩn hóa, hoàn toàn tự động và nghiêng về các dịch vụ web như làm lưu trữ và truy xuất dữ liệu cho các hoạt động của khách hàng. Trong phần gần cuối của bản báo cáo này, nhóm công tác đã đề cập đến khả năng kinh doanh các máy ảo theo yêu cầu của khách hàng, và cho rằng công ty sẽ thu được lợi nhuận từ việc đầu tư vào hạ tầng AWS này

Vào tháng 11-2004, một năm sau khi thiết lập kho chứa Amazon Simple Storage Service (S3), dịch vụ đầu tiên AWS đưa ra phục vụ công đồng là Simple Queue Service (SQS), trong khi đó nhóm công tác tại Cape Town (Nam Phi) với Pinkham và kỹ sư trưởng Christoper Brown vẫn miệt mài thiết kế dịch vụ đám mây Amazon Elastic Compute Cloud (EC2) mà nay trở thành dịch vụ web phổ thông nhất. Khi cả ba trụ cột S3, SQS và EC2 đã vững vàng và kết hợp được với các dịch vụ cốt lõi thì AWS được khai trương lại vào ngày 14-3-2006, và Andy Jassy đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch phụ trách điều hành AWS để rồi đến tháng 4-2016 trở thành một trong ba giám đốc điều hành tại Amazon, tiếp tục phụ trách AWS

AWS cung cấp theo yêu cầu các dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, với gói cơ bản dùng thử miễn phí trong thời gian đầu kéo dài 12 tháng. Tại thời điểm tái khai trương 2006, AWS đã có 150.000 nhà lập trình đăng ký sử dụng, và năm 2012 AWS lần đầu tiên trình diễn các hoạt động tại sự kiện CES ở Las Vegas, Mỹ. Tháng 10 năm sau AWS nhận một hợp đồng trị giá 600.000 đô la Mỹ với cơ quan tình báo trung ương CIA, và năm sau nhận thêm hợp đồng mới với Bộ Quốc phòng Mỹ. Thông tin tại cuộc hội thảo AWS re:Invent năm 2015 cho thấy đã có hơn hai triệu khách hàng thuộc 190 quốc gia hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây này, trong đó có hơn 2.000 tổ chức chính phủ, 5.000 tổ chức giáo dục và 17.500 tổ chức phi lợi nhuận. Người ta thấy xuất hiện trên danh sách khách hàng những cái tên nổi bật như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hay chiến dịch tranh cử tổng thống Barack Obama vào năm 2012, và cả khách sạn Kempinski Hotels hay hãng dịch vụ phim ảnh Netflix

Người dẫn đầu cuộc chiến điện toán đám mây

Sự điều hành liên tục của Jassy đã giúp cho AWS vượt lên trước các đối thủ, cả về tính năng khai thác ứng dụng và số lượng dịch vụ cung cấp. Trong năm 2017, số lượng dịch vụ điện toán đám mây của AWS đã vượt quá con số 90, trong đó có một số được dùng công khai, số khác dành riêng cho những khách hàng đặc biệt

Người ta thấy nơi nền tảng AWS là một hệ sinh thái đầy đủ điện toán đám mây, bao gồm các hoạt động điện toán, lưu trữ, mạng lưới, dữ liệu, phân tích, các dịch vụ ứng dụng, triển khai, quản trị, di động, công cụ cho các nhà phát triển phần mềm, và những công cụ dành riêng cho Internet vạn vật. Ngày nay, các dịch vụ Amazon Elastic Compute Cloud (EC2) và Amazon Simple Storage Service (S3) đã trở thành phổ thông, và kể từ tháng 4-2013 AWS còn mở khóa đào tạo cung cấp chứng chỉ thực hành điện toán đám mây để làm gia tăng số nhà lập trình ứng dụng trên nền tảng. Jassy đã không ngần ngại mở rộng nền tảng đón chào cộng đồng, và đây lại là nguyên nhân làm cho dịch vụ điện toán đám mây công cộng của Amazon qua mặt ngoạn mục các đối thủ, với tỷ lệ áp đảo thị trường đến 34%, bao gồm cả IaaS, PaaS, so với các thị phần tương ứng của Microsoft, Google và IBM là 11%, 8% và 6%

Xuất thân từ một công ty TMĐT chứ không phải trên một nền tảng công ty công nghệ, AWS dưới tầm nhìn và điều hành của người khai sinh Jassy đã trở thành một hiện tượng phát triển nhanh chóng qua mặt các đối thủ chính thống như Microsoft hay Oracle. Vào tháng 4-2015, báo cáo của Amazon.com cho thấy AWS đã bắt đầu sinh lợi sau một thời gian dài đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái điện toán đám mây. Doanh thu trong quý 1-2015 của AWS lên mức 1,57 tỉ đô la, và lãi điều hành cũng đạt mức 265 triệu đô la

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner cho biết trong năm 2015, số khách hàng thiết lập hạ tầng cho mình trên nền tảng AWS đã cao gấp 10 lần so với 14 công ty cung cấp điện toán đám mây hàng đầu cộng lại. Nhưng chỉ một năm sau, kết quả của quý 1-2016 lần lượt là 2,57 tỉ doanh thu, tăng 64%, và 604 triệu đô la lợi nhuận. Đây là mức lãi cao hơn cả việc kinh doanh bán lẻ của Amazon tại khu vực Bắc Mỹ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi năm một nhanh, và người ta dự kiến AWS sẽ đạt mức 18 tỉ đô la Mỹ khi kết thúc năm tài khóa 2017. Cũng trong thời gian này những cuộc tranh cãi nảy lửa nổ ra, và trong một cuộc trả lời phỏng vấn thông tấn xã CNBC, Jassy đã giải thích việc mình hơn người là do bởi tính năng mà vào thời điểm cuối tháng 11-2017 AWS đã cho ra đời hơn 100 loại dịch vụ so với con số 90 trước đó

Trang Business Insider cập nhật ngày 27-10-2017 cho biết với mức doanh thu 18 tỉ đô la, kinh doanh dịch vụ đám mây công cộng của Amazon tiếp tục áp đảo Microsoft và Google trong lĩnh vực này, và dấu chỉ này cho thấy một cuộc chiến đám mây chắc chắn phải diễn ra giữa những “ông lớn”. Bản phân tích được Matt Weinberger đưa ra nhân dịp cả ba công ty cùng công bố kết quả kinh doanh quý về dịch vụ đám mây. Nhưng thực ra đây là một cuộc chiến phức tạp, và mỗi đối thủ sẽ chiếm ưu thế ở một số lĩnh vực nhất định

AWS cho biết doanh thu trong một quý là 4,6 tỉ đô la mà tất cả thuộc về lĩnh vực điện toán. Trong khi Microsoft công bố mức doanh thu 5 tỉ đô la cho tất cả sản phẩm đám mây từ Microsoft Azure đến Microsoft Office 365 là loại công nghệ phần mềm năng suất đối thủ của Google G Suite, và trong trường hợp này tổng doanh thu đám mây năm 2017 có thể lên đến 20 tỉ đô la. Google đạt mức doanh thu khiêm tốn hơn, chỉ 3,5 tỉ đô la cho quý, và chủ yếu từ kho ứng dụng Google Play

Dịch vụ web qua mặt cả thương mại điện tử

Phát biểu nhân sự kiện tái khai trương AWS năm 2006, Jassy nói về Amazon S3 như là một dịch vụ “giúp cho các nhà phát triển phần mềm không còn phải lo tìm chỗ để chứa dữ liệu. Ở đây họ có thể cất trữ dữ liệu một cách an toàn và bảo mật, và luôn sẵn sàng được đưa vào sử dụng một khi họ cần mà không phải quan tâm đến chi phí bảo hành máy chủ hay mức độ dung lượng đáp ứng nhu cầu. Amazon S3 giúp cho họ tập trung vào việc sáng tạo với những dữ liệu, thay vì phải suy nghĩ làm sao cất trữ những dữ liệu đó. Nhưng đây lại là một cột mốc lịch sử Internet khi các nguồn lực quản lý khổng lồ được dành cho các nhà phát triển toàn cầu, cho phép họ mở rộng các công nghệ dựa trên nền web. Con người xuất thân từ Harvard Business School, Andrew R

(Andy) Jassy, năm nay 50 tuổi, đã xây dựng thành công sự nghiệp công nghệ của mình bên trong một công ty chuyên về TMĐT. Sự nghiệp đó bắt đầu từ tầm nhìn và sự đam mê đưa ngành điện toán đám mây phục vụ công chúng thông qua các khách hàng của mình

Tại Amazon, Jassy gặt hái những thành quả của mình với mức lương cao nhất, đạt đến 35,61 triệu đô la trong năm 2016. Người thứ hai là vị giám đốc khách hàng toàn cầu, ông Jeffrey Wilke với mức 33 triệu đô la. Hai vị Phó chủ tịch cấp cao Diego Piacentini và Jeffrey Blackburn nhận mức tương ứng là 23,7 và 22,2 triệu đô la, Giám đốc tài chính Brian Olsavsky nhận khoảng 4,6 triệu đô la, và Giám đốc điều hành Amazon chỉ có 1,7 triệu đô la vì không nhận các khoản tiền thưởng và tiền lãi

Trong khi phần lớn người ta biết đến Amazon là một công ty TMĐT, không mấy ai biết rằng lợi nhuận chính mà Amazon thu được từ hoạt động phi thương mại với việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây cho khách hàng. Người ta cũng không lạ về mức lương cao chót vót của Jassy trong năm 2016 khi mà tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp của quý 4 năm đó đã lên đến 31,3%, trong khi tỷ lệ này từ hoạt động thương mại điện tử ở thị trường chính là Bắc Mỹ mới chỉ đạt 5%. Trong tình hình phát triển hiện nay của AWS, mức lương của Jassy trong năm 2017 được dự báo sẽ vượt 36 triệu đô la và tiếp tục dẫn đầu tại Amazon

Thành quả của AWS trong năm năm qua đã vượt cao hơn sự mong đợi, và đây thực sự là một điều không ai ngờ vào những ngày nó mới được thiết lập hạ tầng. Thiết lập hạ tầng để rồi biến nó thành một thứ dịch vụ theo yêu cầu, suy nghĩ này của Andy Jassy khác lạ so với những người cùng thời, vì người ta đã nghĩ rằng nó không mang lại lợi nhuận. Nhưng thực tế cho thấy mức thu nhập doanh nghiệp của AWS mỗi quý một cao, đạt đến 1,17 tỉ đô la trên doanh thu 4,58 tỉ của quý 3-2017

Các nhà phân tích cho rằng tương lai AWS rất sáng lạn với chi tiêu điện toán đám mây toàn cầu đang ở mức 40%, và nhất là thế giới đang bước vào kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo (AI) mà nhu cầu đám mây sẽ là vô tận. Đó là chưa kể AWS cũng sẵn sàng lao vào nền kinh tế thông minh nhân tạo này. Các nhà phân tích cho rằng giá trị AWS nay đã vượt 250 tỉ đô la, ngang 1/3 công ty mẹ Amazon và sẽ bằng 1/2 vào cuối thập niên. Trong khi đó Morgan Stanley cũng tiên đoán doanh thu của AWS sẽ lên mức 38 tỉ đô la vào thời điểm này

Hoàng Xuân Phương
 
Last edited:
Amazon thành công nhờ biết dụng AI
- Một trong những sự đóng góp gây ấn tượng, và ngày càng tăng, trong lợi thế cạnh tranh của Amazon chính là các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi của họ. Công ty này hiện sử dụng AI nhiều nhất trên thế giới và cách khai thác AI cũng tài tình nhất

1fc32_b36e9_181003153058_02_amazon_fullfillment_center_restricted_super_169.jpg

Một nhân viên làm việc bên trong trung tâm xử lý đơn hàng của Amazon

Tập đoàn thương mại điện tử Amazon.com hiện không phải là công ty lớn nhất nước Mỹ. Họ vẫn còn thua đại công ty công nghệ Apple về giá trị vốn hóa thị trường và đứng sau nhà bán lẻ Walmart về số lượng nhân viên

Còn nếu tính về doanh thu, công ty hiện đứng thứ 8 trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng 500 công ty có doanh thu lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune lập ra). Nhưng nếu xét đến tầm quan trọng đối với cuộc sống hiện đại và khả năng định hình nền kinh tế Mỹ, Amazon không có đối thủ

Tập trung vào khách hàng

Một phần gây ảnh hưởng đáng kể của Amazon bắt nguồn từ sự đa dạng của các ngành nghề kinh doanh và cách công ty này chạm đến cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Ra đời năm 1994 trong hình hài nhà bán sách trực tuyến khiêm tốn, Amazon đã phát triển thành một tập đoàn khổng lồ hiện diện trong hầu hết lĩnh vực, từ sản xuất phim đến vận chuyển hàng hóa

Ngoài một loạt thiết bị điện tử, Amazon còn có một trợ lý kỹ thuật số (Alexa) được hàng ngàn người tiêu dùng dựa vào để thực hiện các công việc hằng ngày, một thiết bị đọc sách điện tử (Kindle) và một hệ thống an ninh gia đình (Ring). Khoảng 1/3 lượng dữ liệu trên đám mây của thế giới đang nằm trên máy chủ của công ty này. Ngoài ra, sau khi gây nhiều sức ép lên ngành công nghiệp bán lẻ truyền thống, Amazon lại trở thành một nhà bán lẻ như thế thông qua thương vụ mua lại chuỗi siêu thị The Whole Foods trong lúc thúc đẩy sáng kiến cửa hàng tiện lợi không quầy thu ngân

Sự tăng trưởng ấn tượng nói trên giúp nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 160 tỉ đô la. “Điều đầu tiên khiến chúng tôi thành công cho đến giờ là tập trung hoàn toàn vào khách hàng, thay vì quá chú trọng đến đối thủ cạnh tranh”, ông Bezos giải thích gần đây

Một yếu tố thành công khác của Amazon đến từ khả năng khai thác thông tin thu thập từ khách hàng trong một lĩnh vực và đưa ra sự dự báo về những gì họ có thể cần trong một lĩnh vực khác. “Công ty hiểu rằng trang web của mình là một nguồn thông tin về khách hàng, hành vi tìm kiếm và mức độ nhạy cảm về giá của họ”, ông Daniel Raff, Giáo sư quản lý tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), đánh giá

Kể từ năm 2005, những thông tin như thế được tập trung quanh sáng kiến mạnh mẽ nhất của Amazon: Chương trình thành viên Prime, cung cấp một loạt lợi ích nhằm khích lệ người tiêu dùng mua càng nhiều sản phẩm càng tốt bên trong hệ sinh thái của công ty. Tính đến cuối năm 2017, khoảng 57 triệu hộ gia đình ở Mỹ đã trả 99 đô la/năm (mức phí này tăng lên 119 đô la hồi tháng 4 qua), để truy cập nội dung truyền hình độc quyền, mua hàng giảm giá tại The Whole Foods và dĩ nhiên là được giao hàng miễn phí nhanh chóng

2d64f_181004174330_04_amazon_ai___restricted_super_169_600.jpg

Robot được sử dụng tại một trung tâm xử lý đơn hàng của Amazon

Khai thác AI

Sự thống trị của Amazon trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến còn nhờ vào khả năng khai thác tài tình công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với hàng ngàn kỹ sư đang làm việc với nó hằng ngày. “Amazon có lẽ sử dụng AI nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới hiện nay. Công ty này muốn làm mọi thứ và với AI, họ tìm thấy một công nghệ tốt cho mọi thứ”, Giáo sư Pedro Domingos tại Trường Đại học Washington (Mỹ), nhận định

Ngay từ thời điểm người tiêu dùng nhập địa chỉ amazon.com, AI đã được kích hoạt. Trang chủ của Amazon hiển thị các nội dung gợi ý về sản phẩm có thể liên quan đến lịch sử truy cập web của họ. Nếu họ tìm kiếm sản phẩm nào đó, AI sẽ bắt đầu chọn lọc và đưa ra các kết quả cho họ ngay. Thuật toán sẽ liệt kê những kết quả lựa chọn theo thứ tự được thiết kế nhằm giúp người sử dụng có sự trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và hài lòng, như những sản phẩm bán chạy nhất và nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực nhất có khuynh hướng xuất hiện ở những vị trí đầu tiên. Ông Srikanth Thirumalai, người đứng đầu bộ phận phát triển công cụ tìm kiếm trên trang Amazon, cho biết công ty này đã sớm tập trung vào việc sử dụng những kỹ thuật AI để giúp khách hàng tìm kiếm sản phẩm dễ dàng và mua sắm thú vị hơn

Quá trình giao hàng cũng được vận hành bằng AI. Sau khi có một đơn hàng, AI được sử dụng để chọn trung tâm xử lý đơn hàng này. Amazon không tiết lộ chi tiết nguyên tắc lựa chọn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thì AI sẽ quyết định dựa vào các yếu tố như hàng tồn kho, mức độ bận rộn và chi phí giao hàng… Ngay cả sau khi gói hàng được giao đến nơi, AI còn có thêm một công việc để làm. Người giao hàng sẽ chụp ảnh gói hàng và gửi email đến người mua để thông báo nó đã được giao. Công ty đã huấn luyện AI để công nghệ nhận biết gói hàng trong ảnh đã được giao đúng địa chỉ và bảo đảm ảnh chụp phải giúp khách hàng biết tìm nó ở đâu

“Thật khó hình dung Amazon ngày nay sẽ ra sao nếu không có AI. Một phần ấn tượng, và ngày càng tăng, trong lợi thế cạnh tranh của công ty chính là các hệ thống AI tinh vi của họ”, ông Oren Etzioni, Giám đốc điều hành Viện Trí tuệ nhân tạo Allen (Mỹ), đúc kết

Minh Huy
 
Amazon là công ty đầu tư nhiều nhất cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển
Trong nhóm 10 doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D), có đến 6 tên tuổi thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin

Theo dữ liệu vừa được công bố bởi PwC, tính đến cuối năm tài khóa 2018, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Samsung và Intel đều nằm trong nhóm 5 công ty đầu tư nhiều nhất cho R&D

Amazon tiếp tục đứng đầu danh sách này trong năm thứ 2 liên tiếp với việc đầu tư tới 22,6 tỉ USD cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, vượt xa các tên tuổi còn lại. Alphabet đứng vị trí thứ hai khi đã chi 16,2 tỉ USD, tăng 16,3% so với năm 2017

Trong nhóm các tập đoàn công nghệ, các vị trí kế tiếp thuộc về Samsung (15,3 tỉ USD), Intel (13,1 tỉ USD), Microsoft (12,3 tỉ USD). Điều bất ngờ là Apple chỉ đầu tư 11,6 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển trong năm vừa qua, mặc dù họ là công ty đầu tiên có mức vốn hóa thị trường vượt ngưỡng 1000 tỉ USD

Các tên tuổi còn lại trong top 10 bao gồm hãng sản xuất xe hơi Volkswagen, 3 tập đoàn hoạt động trên lĩnh vực y tế là Roche Rolding, Johnson & Johnson và Merck


Danh sách 20 công ty đầu tư nhiều nhất cho R&D năm 2018

Cũng theo thống kê này, top 100 công ty đầu tư nhiều nhất cho R&D đã chi tổng cộng 782 tỉ USD trong năm 2018, tăng 11,4% so với năm 2017. Lĩnh vực liên quan đến máy tính, điện tử, phần mềm và Internet được đầu tư R&D nhiều nhất, chỉ đứng sau lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Facebook đã đầu tư mạnh mẽ cho R&D trong năm vừa qua khi chi ra 7,8 tỉ USD trong năm nay, tăng 31% so với năm 2017 nhưng vẫn nằm ngoài top 10 theo thống kê của PwC

Nguyễn Hiếu
 
Hạ tầng yếu kém, chính phủ hà khắc
Amazon vẫn chiếm trọn Ấn Độ “trong 1 nốt nhạc”

Chỉ vài năm sau thất bại ê chề tại Trung Quốc dưới tay Alibaba, Amazon tiến sang Ấn Độ với quyết tâm “rửa hận” và bài học biến hóa linh hoạt khi muốn thành công tại Châu Á

Nội dung nổi bật

Bối cảnh: Là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng phát triển, nhưng Ấn Độ lại ẩn chứa nhiều hạn chế về hạ tầng cũng như chính sách kinh doanh

Kế hoạch: Linh hoạt thay đổi mô hình cho phù hợp, từ chiêu mộ nhà cung cấp đến tổ chức phân phối sản phẩm, Amazon quyết tâm chiếm trọn thị trường Ấn Độ sau thất bại cay đắng tại Trung Quốc

Kết quả: Nhanh chóng vươn lên với 21% thị trường và 1,25 tỷ người dùng, Amazon thể hiện sức mạnh "hủy diệt" bất chấp mọi khó khăn địa phương

Ấn Độ - tiềm năng nhưng đầy thử thách

photo-1-15476322338581280600880.png

Vào những năm 2010, Amazon hoàn toàn "bá chủ" cả Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng kế hoạch tấn công những thị trường khác lại không dễ dàng như mọi người nghĩ

Tại Châu Á, Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn với gần 1,3 tỷ người (chỉ đứng sau Trung Quốc). Không chỉ đông dân, 65% dân số Ấn Độ hiện dưới 35 tuổi với thu nhập và ngân sách mua sắm ngày một tăng

Thêm vào đó là hơn 80% người dùng Ấn Độ đang sở hữu điện thoại thông minh (với sự hỗ trợ không nhỏ của các hãng điện thoại giá rẻ Trung Quốc)

Hấp dẫn là thế, nhưng Ấn Độ được đánh giá là thị trường cực kỳ khó xâm nhập. Lý do chính là do chính sách hạn chế kinh doanh đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài từ chính phủ Ấn Độ

Quy định hà khắc này chỉ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài bán những sản phẩm sản xuất trực tiếp tại Ấn Độ cho người dùng Ấn Độ. Đẩy các doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp trên thế giới như Amazon vào thế cực kỳ bất lợi

Để "lách" qua rào cản này và tiến tới thị trường màu mỡ kia, Amazon chỉ có 2 sự lựa chọn

Một là tự mở các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ, hành động đi ngược lại với chiến lược chung của công ty

Hai là hợp tác với các nhà sản xuất tại Ấn, dù đối tác dạng này không thiếu, nhưng đa phần các cơ sở sản xuất nội địa lại có quy mô cực kỳ nhỏ, chưa kể trình độ kỹ thuật lại rất thấp, hoàn toàn không coi trọng thương mại điện tử và đã quá quen với những giao dịch tiền mặt

Về hạ tầng, Amazon Ấn Độ cũng phải đối mặt với một hạ tầng giao thông cực kỳ kém với gần 70% dân số sống ở nông thôn. Chưa kể đến việc 65% dân số Ấn Độ không có kết nối Internet thường xuyên, và chỉ 12% người dân sở hữu thẻ ngân hàng

Mạng lưới chiêu mộ rộng khắp

photo-1-15476322376261601829149.jpg

Tại Mỹ, Amazon hiện đang hoạt động rất hiệu quả khi bán song song hàng hóa của riêng mình và hàng của đối tác. Như đã đề cập ở trên, chính quyền Ấn Độ không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài bán hàng của mình tại Ấn Độ, nên Amazon buộc phải trở thành một "siêu trung gian", tập trung cung cấp các dịch vụ kho hàng và vận chuyển

Hiểu rằng số lượng và chất lượng hàng hóa sẽ quyết định sự thành bại của mình, ngay sau khi khai trương website phiên bản Ấn Độ vào năm 2013, Amazon liền bắt tay vào chiêu mộ những đối tác cung cấp chất lượng trên cả nước

Bắt đầu với chiến dịch "Xe đẩy Amazon", những người bán hàng rong được Amazon tuyển mộ trở thành những "đại diện thương hiệu", họ vừa đẩy xe khắp mọi hang cùng ngõ hẻm để bán hàng như thường lệ, vừa cung cấp thông tin về những lợi ích của Amazon cho mọi đối tượng sản xuất và thương mại gặp được

"Team xe đẩy" này nhanh chóng di chuyển hơn 15.000 cây số khắp 31 thành phố và tuyển mộ thành công cho Amazon hơn 10.000 nhà cung cấp

photo-2-15476322376291741311930.png

Không những thế, Amazon còn thành lập hàng loạt "văn phòng di động" với đầy đủ trang thiết bị để có thể đăng ký và nhập thông tin hàng hóa cho các đối tác không rành về công nghệ. Khắp 15 thành phố của Ấn Độ, chỉ cần nhờ "văn phòng" trợ giúp là bạn sẽ sẵn sàng bán hàng trên Amazon.in chỉ trong vòng 60 phút

Nhờ chiến thuật đầy hiệu quả này, Amazon nhanh chóng thu hút hơn 50 triệu sản phẩm từ 75.000 nhà cung cấp chỉ trong vòng 4 năm. Đặc biệt là vào năm 2015 khi số lượng nhà cung cấp tăng hơn 2,5 lần chỉ trong vòng 12 tháng

Mạng lưới phân phối bậc thầy

photo-3-154763223763016970541.jpg

Fulfillment by Amazon (FBA) là mô hình mà Amazon hỗ trợ lưu trữ và phân phối hàng hóa cho các đối tác của mình. Chỉ cần gửi hàng đến kho của Amazon và trả một khoản phí hoạt động, người bán sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào việc bán hàng để nâng cao lợi nhuận

Tại Ấn Độ, mô hình FBA của Amazon hiệu quả đến mức gần 25 kho hàng đã được mở khắp cả nước chỉ trong một thời gian ngắn, trở thành một kho trữ gần như mặc định của tất cả doanh nghiệp kinh doanh online

Đối với những doanh nghiệp không muốn gửi hàng tại kho Amazon, gã khổng lồ này tung ra thêm hai chương trình "Easy Ship" và "Seller Flex". Với Easy Ship, nhân viên giao nhận của Amazon sẽ đến tận nơi bán để nhận hàng và tiến hành vận chuyển đến tận tay khách

Còn với Seller Flex, người bán sẽ quy định một khu vực riêng trong kho của mình là "khu Amazon", nhân viên của Amazon sẽ phối hợp với kho để nhận hàng ngay tại khu vực quy định và giao đến khách

photo-4-1547632237631449743974.jpg

Gã khổng lồ còn "tuyển mộ" hơn 14 triệu cửa hàng bách hóa tư nhân khắp Ấn Độ để trở thành đại lý Amazon. Mô hình này đặc biệt thành công với những vùng không có Internet lẫn thiết bị truy cập, người dân trong khu vực có thể đến cửa hàng tạp hóa gần nhà để đặt hàng ngay tại đó

Những cửa hàng bách hóa sẽ hỗ trợ mua hàng và thông báo với khách mỗi khi hàng về, không chỉ nhận được một phần "hoa hồng" từ Amazon, các cửa hàng còn dễ dàng gia tăng doanh thu mỗi khi khách đến đặt hàng Amazon và tiện thể mua thêm những sản phẩm đang được bày bán

Về mảng giao hàng, Amazon đã ký hợp đồng với nhiều đối tác nội địa nhằm tận dụng kinh nghiệm địa phương của họ, sau một thời gian hợp tác, Amazon thành lập hẳn doanh nghiệp vận tải của riêng mình, đánh mạnh vào giao hàng bằng xe máy và xe đạp đến những vùng khó tiếp cận nhất của Ấn Độ

Kết quả

photo-5-15476322376321684071975.jpg

Từ sản phẩm đến phân phối, Amazon đã nhanh chóng tạo ra một hệ sinh thái cực kỳ linh hoạt và phù hợp với những thử thách tại Ấn Độ, nhanh chóng nắm trong tay hơn 21% thị trường thương mại điện tử chỉ sau vài năm

Amazon cũng liên tục gây áp lực đối với các doanh nghiệp nội địa dày dạn kinh nghiệm như Flipkart và Snapdeal, đặc biệt với khoản đầu tư "khủng" 5 tỷ USD để tiếp tục mở rộng thị phần

Amazon Ấn Độ hiện có hơn 1,25 tỷ người dùng, gấp 4 lần Amazon Mỹ và 2 lần Amazon toàn bộ Châu Âu gộp lại. Với dân số 1,3 tỷ người vào năm 2018, gần như mỗi người dân Ấn Độ đều sở hữu một tài khoản trên Amazon

Amazon Ấn Độ cũng vừa được định giá hơn 16 tỷ USD với ước tính 70 tỷ USD doanh thu vào năm 2027, biến đây trở thành một trong những thế lực bán lẻ lớn nhất khu vực

Nhìn lại Việt Nam, vào ngày 14/1, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã công bố hợp tác với Amazon, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của gã khổng lồ công nghệ sau nhiều năm đồn đoán

Dù bước đầu chỉ là chương trình Amazon Global Selling để thúc đẩy xuất khẩu, nhưng có thể thấy, một khi Amazon đã quyết định "tấn công", các tay chơi trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam cần phải đặc biệt dè chừng đối thủ đáng sợ này

Lê Thanh Sang
 
Amazon sử dụng "biệt đội" 150 tiến sĩ kinh tế
- Tập đoàn thương mại điện tử Amazon đang sử dụng hơn 150 tiến sĩ kinh tế, nhiều hơn bất cứ công ty công nghệ nào khác ở Mỹ, để tìm ra các giải pháp tối ưu trong hoạt động kinh doanh từ việc định giá bán hàng cho đến tìm kiếm các địa điểm đặt nhà kho, nhà sách, theo hãng tin CNN
f3225_anh_2.jpg

Nhiều quyết định định giá bán của Amazon, chẳng hạn giá bán của loa thông minh Echo Dot, được đưa ra dựa vào kết quả phân tích dữ liệu của các nhà kinh tế ở Amazon

Vai trò khác biệt của “biệt đội” tiến sĩ kinh tế Amazon

Amazon đang là thỏi nam châm lớn thu hút đội ngũ tiến sĩ kinh tế tài năng nhưng số lượng còn tương đối nhỏ ở Mỹ với khoảng 1.000 người được cấp bằng mỗi năm

Trong những năm qua, Amazon đã tuyển dụng hơn 150 nhà kinh tế có học vị tiến sĩ và trở thành nơi sử dụng tiến sĩ nhiều nhất chỉ đứng sau các tổ chức như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Amazon là công ty duy nhất đặt một gian tuyển dụng tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Kinh tế học Mỹ (AEA) hồi tháng 1-2019

Không giống như những nhà kinh tế trong các trường đại học hay cơ quan chính phủ, công việc của nhóm tiến sĩ kinh tế ở Amazon gần như bí mật hoàn toàn vì Amazon bắt buộc họ phải ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin công việc. Amazon cũng không cho phép bất kỳ nhà kinh tế nào trả lời phỏng vấn báo chí hoặc trả lời các câu hỏi về công việc của họ

Song họ thực sự đang đóng góp vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng thần kỳ của mảng thương mại điện tử của Amazon

Các tiến sĩ kinh tế của Amazon sử dụng các thuật toán học máy để xây dựng những kịch bản về vị trí đặt văn phòng, nhà kho, nhà sách..., xác định các mức bán giá hàng rẻ nhất nhưng vẫn có lãi, quyết định chính xác những gì khách hàng quan tâm và những quảng cáo nào đang có hiệu quả

“Hãy tưởng tượng bạn là một nhà bán lẻ lớn cần mở nhiều địa điểm bán hàng. Chúng ta thường chỉ có thể dự báo chính xác ở mức 30-40% về hiệu quả của một địa điểm bán lẻ. Nhưng với các năng lực học máy và trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể đạt mức chính xác 90% trong việc dự báo hoạt động kinh doanh ở một địa điểm bán lẻ cụ thể”, Martin Fleming, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn IBM, nói

“Biệt đội” tiến sĩ kinh tế của Amazon là tài sản lớn mà các công ty nhỏ hơn không phải lúc nào cũng đủ sức chi trả, cho phép Amazon ngày càng bứt xa trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ

Các công ty công nghệ khác đang sử dụng hiệu quả các nhà kinh tế bao gồm Uber với khoảng 30 nhà kinh tế

Phát biểu tại hội nghị hàng năm của AEA ở Atlanta, bang Georgia hồi tháng 1, Jonathan Hall, nhà kinh tế trưởng Uber, nói: “Amazon là công ty duy nhất tuyển dụng nhiều nhà kinh tế như vậy và tận dụng họ thành công”

Jonathan Hall giải thích rằng trong khi nhiều công ty thuê các nhà kinh tế để làm người phát ngôn hoặc tư vấn chiến lược doanh nghiệp tổng thể thì Amazon và Uber tìm cách sử dụng họ như là các nhà tư vấn quan trọng trong gần như bất cứ quyết định kinh doanh nào

Amazon cũng tái định hình lĩnh vực kinh tế học truyền thống. Tom Beers, Giám đốc Hiệp hội Kinh tế học kinh doanh quốc gia Mỹ, nhận xét: “Những chuyên gia kinh tế ở Amazon và Uber không làm các công việc giống như vai trò của nhà kinh tế trưởng truyền thống. Họ đang làm những điều hoàn toàn khác biệt”

Vai trò quan trọng nhất của họ có lẽ là phân tích dữ liệu để rút ra những mối quan hệ nhân quả trong thương mại điện tử bằng cách kết hợp các kiến thức kinh tế của họ với các công cụ do các kỹ sư phần mềm tạo ra

Tham gia tư vấn mọi hoạt động trong công ty

d50e6_anh_1.jpg

Dữ liệu thu thập được từ mạng lưới các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon giúp các nhà kinh tế của Amazon dự báo được lượng hàng dự trữ cần thiết, cách để vận chuyển hàng hóa hiệu quả...

Ở các công ty khác, các nhà kinh tế thường được tập hợp lại trong một nhóm nhỏ nhưng tại Amazon, họ được rải vào nhiều nhóm khác nhau khắp công ty. Trong một thông tin tuyển dụng, Amazon mô tả nhiệm vụ của các nhà kinh tế là hỗ trợ xây dựng các mô hình xác định rủi ro đối với hoạt động cho vay với các bên bán hàng thứ ba trên nền tảng Amazon; tư vấn về thiết kế sản phẩm; xác định khách hàng mục tiêu cho mảng kinh doanh dịch vụ điện toán đám mây; dự báo công suất máy chủ cần thiết cho trang web bán hàng của Amazon

Trong số 46 công việc dành cho các nhà kinh tế đăng trên trang tuyển dụng của Amazon, có những vị trí yêu cầu hỗ trợ tinh chỉnh mức định giá bán hàng, tìm cách hiệu quả nhất để di chuyển các đoàn xe tải chở hàng đi qua mạng lưới phân phối khổng lồ của Amazon, xác định đặc tính của những nhân tài xuất sắc để tuyển dụng hiệu quả hơn

Xây dựng được một đội ngũ 150 nhà kinh tế có học vị tiến sĩ không phải là điều dễ dàng vì đối với các tiến sĩ kinh tế, chọn một công việc ở khu vực tư nhân là một bước đi thụt lùi vì họ không thể kiếm được một công việc ở các trường đại học. Làm việc ở các công ty nhân, họ hiếm khi có cơ hội công bố những công trình nghiên cứu trên các tạp chí nghiên cứu kinh tế. Song Amazon đang trả lương bổng rất tốt. Những nhà kinh tế cấp thấp ở Amazon có thể được trả lương đến 160.000 đô la mỗi năm cũng như được hưởng quyền mua cổ phiếu Amazon với giá ưu đãi

Ngoài ra, nhiều nhà kinh tế đầu quân cho Amazon vì họ cảm nhận được tác động và giá trị mà họ tạo ra cho công ty. Tiến sĩ kinh tế Daryl Fairweather, cựu nhân viên của Amazon và nay là nhà kinh tế trưởng ở Công ty giao dịch bất động sản Redfin, cho hay bà bị thu hút đến Amazon làm việc vì nhận thấy có nhiều cơ hội nghiên cứu và khả năng tạo tác động đến quy trình ra quyết định của công ty này

“Đó là điều thực sự thú vị về mặt cá nhân. Công việc mà tôi làm tạo ra giá trị rõ ràng, có thể nhìn thấy ngay lập tức, chứ không phải là ở dạng giả thiết. Khi bạn công bố một kết quả nghiên cứu trên một tạp chí khoa học, rất khó để nhận biết các nhà làm luật đang ra các quyết định dựa vào kết quả đó. Khi bạn làm việc trong một công ty, rõ ràng, bạn có thể thay đổi lối suy nghĩ của mọi người”, tiến sĩ Fairweather nói

Chánh Tài
 
Amazon - Cỗ máy kiếm tiền ‘hoàn hảo’ nhất thế giới
Mảng kinh doanh nào cũng 'ăn nên làm ra' trong đại dịch, mỗi ngày thu về 1,2 tỷ USD

photo1619855518119-16198555183472104549392.jpg

Amazon thu về 1,2 tỷ USD mỗi ngày mặc cho dịch bệnh hoành hành khắp thế giới

Trong suốt đại dịch Covid-19, Amazon không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc kiếm tiền. Tờ CNN nhận định, một khi dịch Covid-19 qua đi còn có thể khiến công ty này kiếm được nhiều tiền hơn nữa

Bằng chứng mới nhất cho nhận định này chính là báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của công ty. Theo đó, lợi nhuận của Amazon đã tăng gấp 3 lần lên mức 8,1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2021. Doanh thu trong 3 tháng đạt 108,5 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là cứ mỗi ngày trôi qua, Amazon đã thu về khoảng 1,2 tỷ USD. Cổ phiếu công ty đạt mức cao nhất mọi thời đại, tăng gần 2% sau khi báo cáo được công bố

"Amazon có một hoạt động kinh doanh gần như hoàn hảo cho tình trạng thế giới hiện nay. Nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu thế giới, mảng kinh doanh điện toán đám mây và mảng quảng cáo dù nhỏ nhưng đang phát triển mạnh đều đang hoạt động rất tốt", chuyên gia James Harris nhận định

Dưới đây là chi tiết những con số củng cố quan điểm trên

Bán lẻ: Nhu cầu mua sắm trực tuyến không hề chậm lại với doanh thu từ mảng tiêu dùng của Amazon tăng 39% tại Bắc Mỹ vào quý trước và 50% trên toàn cầu

Amazon hiện có hơn 200 triệu lượt đăng ký dịch vụ Prime trên toàn thế giới. Họ cũng đang stream nhiều video hơn và đang thiết lập mục tiêu đạt doanh thu khủng trong sự kiện Prime Day diễn ra vào cuối quý này

Điện toán đám mây: AWS cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chứng kiến doanh thu ròng đạt 13,5 tỷ USD trong quý 1, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước

Trong bối cảnh các công ty đang tiếp cận nhiều hơn với điện toán đám mây, triển vọng mảng này của Amazon sẽ còn phát triển mạnh

"Trong đại dịch, chúng tôi chứng kiến nhiều doanh nghiệp quyết định rằng họ không còn muốn quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ của riêng mình nữa. Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong giai đoạn sau đại dịch", CEO Brian Olsavsky nói

Về mảng quảng cáo: Doanh thu từ quảng cáo đang tăng nhanh khi các doanh nghiệp nhắm tới những khách hàng dành nhiều thời gian hơn trực tuyến. Thị phần của công ty trong mảng quảng cáo kỹ thuật số ở Mỹ đã vượt 10% trong năm 2020. Công ty nghiên cứu dự kiến doanh thu từ mảng kinh doanh này sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm nay và vượt 30 tỷ USD vào năm 2023

"Khi người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu online nhiều hơn, chi tiêu giao dịch và tiếp thị cũng theo đó tăng lên nhanh chóng và phần lớn sẽ chảy vào túi Amazon", chuyên gia phân tích eMarketer Eric Haggstrom nói

Đó là thông tin tốt cho CEO Jeff Bezos. Ông hiện là người giàu nhất thế giới với khối tài sản 202 tỷ USD theo Bloomberg. Mặc dù Bezos đã công khai kế hoạch từ chức CEO và giao lại vị trí này cho Andy Jassy trong năm nay nhưng 11% cổ phần của Jeff tại Amazon sẽ tiếp tục tạo ra tiền cho ông

Dù hoạt động kinh doanh khởi sắc nhưng Amazon tiếp tục phải đối mặt với những cáo buộc chống độc quyền và liên tục thu hút sự chú ý về việc đối xử với người lao động. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, sự thống trị của Amazon sẽ chỉ tiếp tục phát triển hơn nữa mà thôi

Nhìn vào bức tranh lớn: Amazon là công ty công nghệ lớn cuối cùng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2021. Tổng cộng Facebook, Amazon, Apple, Google và Microsoft kiếm được gần 75 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm - một con số khổng lồ
 
Top